Bùng nổ dân số ở Trung Quốc và quyền con người
Bùng nổ dân số ở Trung Quốc và quyền con người
Mỗi khi giới truyền thông bàn về dân số, Trung Quốc và Ấn Độ thường là hai nước đầu tiên được nhắc tới vì hai nước này có dân số đông nhất.
Một nhà báo ở Trung Quốc đề cập đến nỗi lo lắng hàng đầu của người dân Trung Quốc.
Bà nói bà ngạc nhiên khi một người bạn nói: “Tôi không có gì để sợ khi dân số quá đông nhưng chỉ lo con trai tôi không thể tìm được bạn gái”.
Những người trong nhóm của người phụ nữ này ngạc nhiên khi nghe bà nói thế vì con trai của bà chưa đến một tuổi.
Một người mẹ khác trong nhóm thở dài: “Hiện nay có quá nhiều con trai. Chúng sẽ làm gì nếu không tìm được vợ? Chính phủ chắc chắn sẽ không đàn áp thẳng tay ngành công nghiệp tình dục, nếu không trật tự xã hội sẽ bị phá vỡ”.
Thống kê dự báo, vào năm 2020 sẽ có 30 triệu thanh niên ở Trung Quốc không thể tìm được vợ.
Nói cách khác, cứ năm người đàn ông sẽ có một người không có vợ – con số này gần tương đương với toàn bộ dân số của châu Đại Dương.
Những cuộc đàm luận như thế nhấn mạnh tình trạng mất cân bằng giới tính đang gia tăng, đây là lo lắng chính của những người quan ngại sự bùng nổ dân số tại Trung Quốc.
Một số người xem vấn đề này còn quan trọng hơn cả an ninh lương thực, vì nó có thể dẫn đến nhiều vấn đề xã hội và tội phạm trong đó có nạn buôn bán người, bắt cóc phụ nữ, mại dâm và các đe dọa khác đối với sự ổn định xã hội.
Xã hội gia trưởng của Trung Quốc và chính sách một con được ban hành vào cuối thập niên 1970 chắc chắn phải chịu trách nhiệm cho sự mất cân bằng giới tính này.
Vì truyền thống và kinh tế, nhiều ông bố bà mẹ hy vọng có được con trai để nối dõi tông đường. Việc phá thai và vứt bỏ con gái là khá phổ biến vào các thập niên 1980 và 1990.
Một số cha mẹ nhận thấy các cô nhi viện của Giáo hội là nơi tốt nhất để gởi con gái mới sinh của mình trong khi những người khác kể cả nhiều người Công giáo không chịu kế hoạch hóa gia đình đã âm thầm sinh thêm con; họ liều lĩnh không đăng ký hộ khẩu cho những đứa con này.
Có lần tôi gặp một trưởng làng Công giáo ở miền bắc Trung Quốc có bốn người con. Ông nói ông có thể trả tiền phạt cho những đứa con sinh thêm này vì kinh tế gia đình ông được cải thiện trong những năm gần đây.
Ở các vùng khác của Trung Quốc, phụ nữ có hơn một con bị ép phá thai.
Truyền thông ngoài Trung Quốc đưa tin hồi đầu tháng 10 một phụ nữ mang thai sáu tháng bị chết sau khi bị ép phá thai.
Nhà hoạt động xã hội Chen Guangcheng bị chính quyền làm khó khi bảo vệ quyền sinh con của các thai phụ. Nhiều người nghĩ rằng ông bị phạt 51 tháng tù giam vì đã dám phanh phui chuyện chính quyền ép buộc phá thai.
Ông Chen được trả tự do năm 2010 nhưng ông cùng gia đình vẫn còn bị quản thúc. Sau đó những người ủng hộ ông báo tin họ nghi ngờ ông và gia đình ông đã phải chịu tra tấn.
Ông Chen quê ở Linyi, nơi ở của Đức Giám mục được Tòa Thánh công nhận Johan Fang Xinyao, chủ tịch Hội Công giáo yêu nước Trung Quốc được chính phủ công nhận.
Trong khi các viên chức Giáo hội “công khai” luôn khẳng định truyền giáo là quan trọng đối với Giáo hội trong sự phát triển của Trung Quốc – quan trọng đến độ họ coi thường truyền thống và tấn phong giám mục không có sự ủy quyền của Đức Thánh cha – họ cũng nên nhận ra rằng làm quan trọng hơn là nói trong công tác truyền giáo.
Những việc ông Chen đã làm đại diện cho các thai phụ là đúng với những điều Giáo hội chúng ta truyền dạy. Giáo hội không chấp nhận phá thai và mời gọi chúng ta xây dựng nền văn hóa sự sống.
Một linh mục viết blog lấy bút danh Shanren đã viết như sau:
“Chúng ta nên vui mừng cho Đức cha Fang vì trong giáo phận của ngài có một người rất trân quý công lý. Hoàn cảnh khốn khổ của ông Chen cần được ngài quan tâm chú ý nếu Đức cha nhớ ngài đã phát biểu với Tân Hoa xã hồi tháng Ba với tư cách là phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn chính trị nhân dân Trung Quốc rằng ‘bày tỏ quan tâm đến người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội không thể bằng lời nói trống rỗng mà là hành động’”.
Xiao Cao là bút danh của một nhân viên Giáo hội Trung Quốc