Liên Hội đồng Giám mục Á Châu kêu gọi bảo vệ môi sinh
LIÊN HĐGM Á CHÂU KÊU GỌI BẢO VỆ MÔI SINH
BANGKOK. Liên HĐGM Á châu đã tổ chức một cuộc hội thảo tại Bangkok, Thái Lan, về trách vụ của Giáo Hội ở đại lục này đối với việc bảo vệ môi sinh và kêu gọi chống lại sự thay đổi khí hậu tai hại.
Trong tuyên ngôn chung kết sau khóa họp hai ngày, các GM và các tham dự viên đã kêu gọi mọi tín hữu ở Á Châu hãy ý thức và dấn thân bảo vệ môi sinh, đứng trước sự thay đổi khí hậu hiện nay với bao nhiêu hậu quả tiêu cực. Các vị nhấn mạnh rằng nghĩa vụ cơ bản của Giáo Hội tại Á châu là ”kêu gọi hoán cải toàn diện, thăng tiến một lối sống khác với hiện nay, một nền văn hóa mới tôn trọng thiên nhiên, sống đơn sơ và điều độ, hy vọng và vui mừng”. Văn kiện đề cao tầm quan trọng của Giáo huấn xã hội Công Giáo trong việc bảo tồn thiên nhiên và nhìn nhận tình trạng nghèo đói trầm trọng do những thay đổi khí hậu mỗi năm gây ra, những thay đổi này cũng có phần trách nhiệm của con người vì hành xử không hòa hợp với thiên nhiên. Sau cùng, Văn kiện mời gọi các HĐGM Á châu đề ra các kế hoạch hành động và tăng cường các chương trình chống thay đổi khí hậu; mời gọi tất cả Giáo Hội địa phương cổ võ lối sống tôn trọng thiên nhiên; kêu gọi các vị hữu trách về chính trị và kinh tế coi việc bảo vệ môi sinh như một vấn đề ưu tiên, và giới hạn thán khí làm cho trái đất bị hâm nóng.
Văn kiện chung kết mang chữ ký của Đức Cha Orlando Quevedo, GM giáo phận Cotabato, Phi luật tân, Tổng thư ký Liên HĐGM Á châu, và Đức Ông Josef Sayer, Chủ tịch điều hành tổ chức bác ái Misereor của HĐGM Đức, là cơ quan đã tài trợ việc tổ chức và tiến hành cuộc hội thảo. Sau đây là nguyên văn tuyên ngôn chung kết này:
Dẫn nhập
Đại diện nhiều HĐGM tại Á châu, các Ủy ban GM về công lý, hòa bình, phát triển nhân bản, và Caritas, Văn phòng Tổng thư ký trung ương và các Văn phòng khác của Liên HĐGM Á châu, chúng tôi, 55 tham dự viên đến từ 16 HĐGM và 2 thành viên kết nạp, trong đó có 14 giáo dân, 4 nữ tu, 14 LM, 21 GM và 2 HY, đã cùng nhau tham dự một cuộc hội thảo rất ý nghĩa tại Bangkok, Thái Lan, từ ngày 19 đến 20-10 vừa qua. Được các chuyên gia quốc tế trợ giúp, chúng tôi đã kiện toàn kiến thức và chia sẻ những kinh nghiệm về đề tàio ”Sự thay đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó tại Á châu – những thách đố và câu trả lời của Giáo Hội tại Á châu”. Chúng tôi cám ơn tổ chức cộng tác phát triển Misereor của HĐGM Đức vì đã giúp cho cuộc hội thảo này tiến hành được.
Với mối quan tâm sâu xa đối với các dân tộc Á châu và các thế hệ tương lai, chúng tôi đã quyết tâm giúp bảo vệ và thăng tiến sự toàn vẹn của thiên nhiên do Thiên Chúa dựng nên tại Á châu.
A. Tình trạng mục vụ về sự thay đổi khí hậu
Đại lục Á châu của chúng ta là một món quà cho tất cả mọi người. Đại lục này rất phong phú về các dân tộc, các nền văn hóa cổ kính, các truyền thống tôn giáo và triết lý. Tại đại lục này Đức Giêsu Chúa chúng ta đã sinh ra, đã sống, đã công bố nước Thiên Chúa và làm điều thiện.
Nhưng bi thảm thay đại lục chúng ta cũng là một đại lục có rất nhiều người nghèo đói, tại đây chỉ có một thiểu số người được hưởng những tiến bộ và sự thịnh vượng lớn lao trong khi nhiều người khác phải chịu cảnh thiếu thốn tột cùng. Và chính những người nghèo và túng thiếu là nạn nhân đau khổ nhiều nhất vì những hậu quả của sự thay đổi khí hậu.
Chúng ta đang cảm nghiệm những thay đổi thê thảm của các mùa, những thay đổi tột độ của khí hậu, xảy ra thường xuyên hơn và những cơn bão mạnh mẽ hơn, những trận lụt tàn phá, và nhiều vùng trở nên khô cằn, việc sản xuất thực phẩm giảm sút, sự lan tràn các thứ bệnh liên hệ tới sự thay đổi khí hậu. Chúng ta có những phúc trình về băng tan trên núi Hi mã lạp sơn, về những đe dọa sự sống vì lụt lột tại những vùng lưu vực thấp của sông ngòi, và thậm chí nhiều hải đảo nhỏ vị mất đi vì mực nước biển dâng cao. Tất cả những điều đó chắc chắn làm cho cuộc sống người nghèo trở nên thê thảm hơn. Nhiều tình trạng lên tới mức độ khẩn cấp, dân chúng phải tản cư, số người tị nạn về môi sinh gia tăng, hố chia cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng sâu rộng, và các cuộc xung đột gia tăng vì các tài nguyên, có thể dẫn tới những xáo trộn nghiêm trọng về xã hội, chính trị và kinh tế.
Nhiều chuyên gia nói rằng cách thức sản xuất và các ý thức hệ về sự phát triển mà các nước công nghệ ứng dụng đã góp phần làm cho trái đất bị hâm nóng và khí hậu thay đổi. Nhưng bi thảm thay, cách thức sản xuất gây ra sự thay đổi khí hậu như thế cũng được truyền tới Á châu do sự cấu kết tham ô giữa các nhà phát triển địa phương và quốc tế. Họ khai thác bót lột rừng già ở Á châu và thực hiện công nghệ khai thác quặng mỏ có sức tàn phá, như những hình thức khai thác mỏ ở mức độ rộng lớn, việc làm này đưa tới những lợi lộc kinh tế ngắn hạn, nhưng lại gây thiệt hại cho công ích của tất cả mọi người.
Tại Á châu có nhiều mâu thuẫn này, vừa phong phú và thiếu thốn, yêu cầu của chúng tôi là làm sao có những điều kiện sống chính đáng cho mọi người dân Á châu và cho sự sống còn của các loại sinh vật. Điều này cũng giống như một yêu cầu công lý cho các thế hệ chưa sinh ra; đòi phải sống liên đới và qui hướng về công ích.
B. Suy tư đức tin về sự thay đổi khí hâu
Trong tư cách là Giáo Hội, chúng tôi rất lo âu cho các nạn nhân và những người chịu đau khổ, hiện tại và trong tương lai, vì những hậu quả tai hại của sự thay đổi khí hậu. Dưới nhãn giới đức tin, chúng tôi nhìn thấy những khía cạnh luân lý và tôn giáo của tình trạng mục vụ này ở Á châu.
Thiên nhiên, tình trạng tội lỗi và sự hòa hợp bị phá vỡ
Chúng tôi tin rằng ngay từ đầu Thiên Chúa đã sáng tạo một thế giới hòa hợp và tươi đẹp (St 1,1-31). Nhưng tội lỗi dưới hình thức sự kiêu ngạo của con người, ích kỷ và ham hố, đã phá hủy sự hòa hợp ấy (Xc St. 3,1-7; 4,1-16; 11,1-9). Những quan hệ giữa nhân loại, thế giới và Thiên Chúa bị phá vỡ. Theo kế hoạch của Thiên Chúa, vào thời viên mãn, ngài sẽ tái tạo sự hòa hợp nguyên thủy và an bình đã có lúc ban đầu.
Chúa Giêsu, Nước Thiên Chúa, chữa lành sự tan vỡ vì tội lỗi
Thời kỳ Chúa định đã đến. Thiên Chúa sai Con thần linh của Ngài là Giêsu sinh bởi một trinh nữ khiêm hạ tên là Maria (Lc 2,1-7). Sứ mạng của Người là chữa lành mọi quan hệ bị phá vỡ do tội lỗi. Người công bố nước Thiên Chúa (Mc 1,15) và cuộc sống trọn vẹn, sung mãn, mà Người đến để trao tặng (Ga 10,10). Quyền năng của Nước Thiên Chúa được biểu lộ trong những quan hệ mới và sự hiệp thông mà Chúa Giêsu đã thiết lập, với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người nghèo và bị bỏ rơi, người đau yếu, mọi người đang cần sự cảm thương của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu nhắc nhở mọi người về sự hòa hợp nguyên thủy và vẻ đẹp tự nhiên của công trình sáng tạo bằng cách giải thích Nước Thiên Chúa qua những hình ảnh như hạt giống, vườn nho và cây, đất, chim trời và hoa huệ ngoài động, cá, chiên cừu và các động vật khác, những dấu hiệu trên trời, bóng tối và ánh sáng (Vd Lc 8,4-8; Mt 13,31-32; Lc 8,22-29; Mt 13, 24-30). Trong tất cả những điều ấy, Chúa Giêsu chứng tỏ tình yêu của Người và Chúa Cha cũng như sự quan phòng đối với thiên nhiên và nhân loại.
Thập giá, hòa giải, công lý và hòa bình
Cử chỉ cuối cùng của Chúa Giêsu để chu toàn kế hoạch của Thiên Chúa là cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Người, là biến cố chung kết về ơn cứu độ và hòa giải, qua đó Người lôi kéo mọi người đến cùng Người. Thập giá vinh hiển chính là quyền năng và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thực hiện sự hòa giải toàn thể nhân loại và vũ trụ với Thiên Chúa. Sự đau khổ ngoại thường và cái chết của Chúa Giêsu nhắc nhở cho chúng ta lời Thánh Phaolô nói với chúng ta về sự rên xiết của thụ tạo trong khi chờ đợi được cứu chuộc và hòa giải trong Chúa Giêsu (Rm 8,19-22).
Chúa Giêsu và sự sáng tạo mới
Nhưng Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta nhiều hơn nữa trong Kinh Thánh – một mầu nhiệm tuyệt vời và sâu xa hơn nữa. Đức Giêsu đã chết như người yếu đuối và hổ nhục cũng chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Từ đời đời Ngài là Thiên Chúa (Ga 1,1-2), là Con yêu dấu duy nhất của Thiên Chúa, Đấng đã nhập thể làm người vào thời gian đã định để ở giữa chúng ta (Ga 1,14). Ngài chính là chủ tể tối cao của mọi loài, qua Ngài và nhờ Ngài, mọi thụ tạo được hiện hữu (Ga 1,3; Cl 1,15-19), và toàn thể vũ trụ được phục hồi cho Ngài và được đổi mới nhờ Thần Trí của Ngài. Biển khơi và trời cao, mưa và ánh sáng mặt trời mùa màng và khí hậu đều thuộc về Ngài.
Qua Thập giá, Ngài đổi mới mọi sự. Vạn vật rên xiết đã trở thành một thụ tạo mới nhờ Máu Ngài (2 Cr 5,17-21). Chúa Giêsu là an bình của chúng ta, an bình và hòa hợp của thế giới. Chúa đã tái lập công lý và hòa giải mọi sự với Ngài (Cl 1,20).
Chính trong sự hiểu biết như thế về công trình sáng tạo, cứu chuộc và lịch sử loài người được soi sáng nhờ niềm tin của chúng ta nơi Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, mà chúng ta phân định được những chiều kích sâu xa của sự thay đổi khí hậu, tình trạng tội lỗi gây ra sự thay đổi ấy, những chiều kích tôn giáo và luân lý đạo đức trong đó và sự đe dọa trầm trọng nó gây ra cho nhân loại.
Tiếp tục tuyên ngôn chung kết cuộc hội thảo về sự thay đổi khí hậu do Liên HĐGM Á châu tổ chức, các GM và các tham dự viên khác khẳng định rằng:
C. Những điều cần làm về mục vụ
Vì thế, chúng tôi tin rằng mọi dân tộc ở Á châu, thuộc bất kỳ nền văn hóa, xác tín tôn giáo hay triết lý, tình trạng kinh tế ra sao đều có sứ mạng bảo vệ và thăng tiến sự toàn vẹn của thiên nhiên. Và trong tư cách là Giáo Hội chúng ta bênh vực công lý cho sự thay đổi khí hậu trái đất và cho các thế hệ tương lai, nhất là cho người nghèo.
Một công tác cơ bản của Giáo Hội tại Á châu là kêu gọi hoán cải tận căn, thăng tiến một lối sống khác, một nền văn hóa mới tôn trọng thiên nhiên, lối sống đơn sơ và điều độ, hy vọng và vui mừng. Được hướng dẫn nhờ giáo huấn xã hội như những nguyên tắc và đường hướng hoạt động, Giáo Hội cần cổ võ các kỹ thuật ít thải ra thán khí làm thiệt hại môi sinh, cổ võ sự sản xuất hữu cơ và hợp môi sinh, tiêu thụ trong tinh thần trách nhiệm, và phục hồi, nhờ đó góp phần vào nền công lý giữa các thế hệ khác nhau.
Những lời kêu gọi cấp thiết
Dưới ánh sáng những điều nói trên đây, chúng tôi đồng thanh kêu gọi Liên HĐGM Á châu thiết lập một cơ quan hoặc một văn phòng về việc bảo vệ khí hậu, với nhiệm vụ:
– suy tư thần học về mầu nhiệm và chân lý liên quan tới sự sáng tạo của Thiên Chúa, trách nhiệm luân lý đạo đức của chúng ta về môi sinh;
– thăng tiến những sáng kiến trên bình diện Liên HĐGM Á châu và hỗ trợ các sáng kiến của các Giáo Hội địa phương về việc bảo vệ khí hậu;
– thiết lập những liên lạc thực hành và hữu hiệu với các Liên HĐGM khác, các HĐGM Hoa Kỳ và Canada, Âu châu, cũng như với các Hội nghị của LHQ để đương đầu với thách đố thay đổi khí hậu.
Ngoài ra, chúng tôi kêu gọi các HĐGM ở Á châu đề ra những kế hoạch hoạt động hoặc tăng cường các chương trình chống thay đổi khí hậu;
– Chúng tôi kêu gọi Liên HĐGM Á châu tổ chức một cuộc hội thảo thứ hai vào năm 2013 về sự thay đổi khí hâu để lượng định những bước tiến đã đạt được cho đến bấy giờ cũng như xác định quyết tâm của Liên HĐGM Á châu về tương lai.
– Chúng tôi kêu gọi mọi Giáo Hội địa phương và mọi người hãy sống phù hợp với nguyên tắc trung thành quản lý thiên nhiên cũng như trong việc sử dụng các phương tiện chuyên chở, vẽ kiểu nhà thờ và các công thự tôn giáo;
Chúng tôi khẩn cấp kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm chính trị hay coi việc bảo vệ khí hậu như một nguyên tắc chỉ đảo nòng cốt trong khi đề ra các quyết định.
Chúng tôi kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm kinh tế và các nước công nghệ hãy chia sẻ với chúng tôi tại Á châu kiến thức về những kỹ thuật dài hạn để bảo vệ khí hâu, làm dịu bớt và thích ứng, như một việc phục vụ cho các thế hệ tương lai.
Chúng tôi kêu gọi mọi chính phủ hãy quyết định giới hạn việc hâm nóng trái đất ở 1,5 độ C.
Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ hãy chấp nhận một kiểu mẫu phát triển hợp với khí hậu và mở rộng những quyết tâm bảo vệ khí hậu tại các nước đang lên.
Chúng tôi kêu gọi mọi chính phủ hãy đưa hiệp định Kytoo đến một thời kỳ dấn thân thứ hai vào năm 2012, và qua đó bảo tồn hiệp định này như văn kiện duy nhất của LHQ có tính chất bó buộc về pháp lý để bảo vệ khí hậu.
Chúng tôi kêu gọi thực hiện một sự quản trị chính đáng, trong sạch và minh bạch quỹ Khí Hậu Xanh và chương trình của quỹ này để đảm bảo sự giảm bớt sự tăng trưởng và phát triển từ sự sản xuất thán khí tại các nước có nền kinh tế tăng trưởng mạnh. Chúng tôi kêu gọi những người có trách nhiệm quyết định ở mọi cấp độ hãy cứu xét sự khôn ngoan môi sinh của các dân tộc địa phương và quyền của các dân tộc được tham gia tích cực.
Sau cùng, chúng tôi đề nghị Liên HĐGM Á châu gợi ý cho cơ quan thích hợp của Giáo Hội triệu tập một Thượng HĐGM thế giới về vấn đề thiên nhiên và sự thay đổi khí hâu. Thượng HĐGM này sẽ chứng tỏ mối quan tâm thực sự của ĐGH Biển Đức 16 khi ngài tuyên bố ”Giáo hội có trách nhiệm đốivới thiên nhiên” (Caritas in veritate, 51).
Kết luận
Lập trường của chúng tôi là một lập trường can đảm và hy vọng. Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 có lần đã nói: ”Nhìn về tương lai trong hy vọng, và khởi hành với một nghị lực đổi mới để biến Ngàn Năm mới này thành một thời kỳ liên đới và hòa bình, yêu thương sự sống và tôn trọng công trình sáng tạo của Thiên Chúa” (Pilgrimage to Malta, 8-5-2001).
Trong trách vụ này đối với thế giới, chúng ta lấy hứng và kín múc sức mạnh từ mầu nhiệm và chân lý của Chúa Giêsu trong sứ mạng cứu độ, giải thoát, chữa lành và hòa giải thế giới bị tan vỡ. Nơi các môn đệ Chúa Giêsu, sứ mạng tái tạo mọi sự trong Chúa Kitô, đối với chúng ta là một hồng ân và trách nhiệm. Chúng ta cộng tác với Thánh Linh của Chúa Giêsu, Đấng đổi mới bộ mặt trái đất”.
G. Trần Đức Anh OP
nguon RV