GIA ĐÌNH VIỆT NAM THEO LÉOPOLD CADIÈRE

GIA ĐÌNH VIỆT NAM THEO LÉOPOLD CADIÈRE

Tiến sĩ Hoàng Mai Khanh

Léopold Cadière đã viết trong dịp mừng lễ kim khánh linh mục của mình những dòng chân tình về cơ duyên học tiếng Việt, tìm hiểu tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử Việt Nam để rồi ngày càng yêu mến dân Việt:

“… Là con của một gia đình nông dân, rồi sống ở Việt Nam cũng giữa những người nông dân, tôi đã có thể thấy rằng nông dân Pháp và nông dân Việt Nam giống nhau lạ lùng: bên này cũng như bên kia, từng ý tưởng nhỏ nhặt của cuộc sống thường nhật, của đồng áng, chợ đò, của những bữa cơm hàng ngày, của làng mạc; nhưng bên này cũng như bên kia, những tình cảm cao cả, tình yêu thương sâu đậm của gia đình, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau, cần cù trong công việc, nhẫn nhục trong cuộc sống nghèo khổ và cực nhọc mỗi ngày.”[1]

Có lẽ, chính sự tương đồng này đã đưa cha đến với gia đình Việt Nam, sống cùng họ, thâm nhập vào từng nghi lễ, phong tục để hiểu người Việt và để “tâm tư nghĩ suy như họ”[2]. Cha đã nhận ra “gia đình là một trong những thiết chế được thiết lập vững chắc nhất trong văn hóa an nam”[3] và “người Việt rất sâu sắc về tôn giáo”. Tôn giáo đã đi vào cuộc sống người Việt từ việc chăm sóc con trẻ thường ngày đến những sự kiện trọng đại của gia đình.

Trong bài tham luận này, chúng tôi sẽ giới thiệu đôi nét về gia đình Việt Nam theo cách nhìn của cha Cadière: mang đậm nét tôn giáo, từ những mối quan hệ gắn bó đến vai trò, vị trí của các thành viên trong gia đình Việt.

1. Gia đình Việt Nam mang đậm nét tôn giáo

“Đó là bức tranh sống thực thấy được không phải do những du khách tham quan một số đền miếu hay nhà bác học nào đó tìm tòi tham khảo các văn bản liên quan, mà là của những người thường xuyên chứng kiến những thể hiện tín ngưỡng thường nhật của đời sống tôn giáo người Việt”[4].

Cha Cadière đã khắc họa bức tranh rất thực về đời sống tín ngưỡng của gia đình Việt Nam trong chương “Gia đình và tôn giáo ở xứ Annam”[5].

Đầu tiên, gia đình Việt Nam (theo nghĩa rộng) được ghi nhận mang đậm nét tôn giáo qua việc gia đình không chỉ có cha mẹ và con cái, mà bao gồm cả tổ tiên, ông bà. Những người đã chết được nâng lên trên thế giới tự nhiên và được trao những quyền hạn “siêu nhiên”. Người dân Việt, dù là người nông dân nghèo nhất, bần hàn nhất cũng có thể tự hào về mối liên hệ với “thế giới siêu nhiên” ngay trong gia đình mình. Gia đình như một đền thờ lớn. Đối với con cháu, tổ tiên, ông bà vẫn “sống” giữa gia đình. Cha Cadière đã trực tiếp quan sát các nghi thức ma chay, giỗ chạp, lễ tết, cưới hỏi của gia đình và với một tinh thần khoa học, tôn trọng, một tấm lòng rộng mở để hội nhập, cha mô tả chi tiết những lễ nghi, tập tục của gia đình Việt. Không chỉ dừng lại ở những mô tả, trong bài viết của mình, cha Cadière đã truyền tải cả sự tin tưởng thành kính của người dân Việt đối với gia đình “siêu nhiên”. Lời cảm ơn của người phụ nữ gặp nạn trên đường và được cha cứu giúp[6] đã được cha Cadière giải thích cặn kẽ và đầy đủ ý‎ nghĩa của việc hiếu thảo thờ kính ông bà và được ông bà phù hộ những lúc khó khăn. Trong tác phẩm, cha nhấn mạnh niềm tin rất tự nhiên của người Việt vào sự hiện diện của ông bà tổ tiên đã khuất trong những dịp lễ quan trọng của gia đình như giỗ chạp, lễ tết, cưới hỏi: “những quan hệ gắn bó trong gia đình khi còn sống không bị chia cắt bởi cái chết; ngược lại, những liên hệ đó, được thánh hoá bởi tôn giáo, trở nên mạnh mẽ hơn, và tồn tại mãi mãi như việc thờ cúng tổ tiên.”[7].

Cha Cadière đã khẳng định: “Liên kết mạnh nhất trong gia đình, không nghi ngờ gì, là liên kết mang tính tôn giáo.”[8]. Thật sự, tôn giáo – thờ cúng tổ tiên – đóng một vai trò quan trọng trong nghi thức thành lập một gia đình – đám cưới. Đám cưới được cha dành hẳn một phần gồm chín trang sách để mô tả các lễ trong đám cưới (nghi hôn, định thân, nạp chưng, thân nghinh). Đặc biệt lễ định thân và thân nghinh được tường thuật thật chi tiết các nghi thức tôn giáo như: cha mẹ họ hàng nhà trai cáo với ông bà tổ tiên ở từ đường trước khi lên đường đến nhà gái làm lễ vấn danh cùng với lễ vật, sau khi về cũng phải cáo với ông bà tổ tiên những việc đã làm; bên nhà gái, sau khi nhận lễ vật, cũng vào dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên để thông báo; cũng vậy, trong lễ thân nghinh, tất cả các lễ nghi đều khởi đi từ việc thông báo trước ông bà tổ tiên và kết thúc bằng việc giới thiệu cách trang trọng cô dâu mới với ông bà tổ tiên của gia đình chồng- nay đã là ông bà tổ tiên của chính cô. Qua tất cả các nghi thức đó, cha Cadière đã có nhận định rất tinh túy: “sự kết hợp giữa người nam và người nữ -thành lập một gia đình mới- là một phần của tôn giáo; đó là một trong những hành động chính của việc tôn thờ trong gia đình; là điều kiện tiên quyết bảo đảm sự tiếp nối của dòng họ tổ tiên…”[9]. Những nhận định của cha Cadière về các nghi thức tôn giáo trong đám cưới cho thấy vai trò tối thượng của ông bà tổ tiên trong nghi thức đám cưới. Ông bà tổ tiên, mặc dù đã khuất, vẫn thật sự hiện diện trong gia đình và được tôn trọng như những bậc đáng kính nhất, cặp vợ chồng mới phải vái lạy đầu tiên.

Việc thờ cúng tổ tiên là sợi dây thắt chặt hơn mối quan hệ trong họ tộc. Đại gia đình Việt thực sự cuốn hút nhà truyền giáo. Qua các cuộc thăm viếng giáo dân thường xuyên, hiện diện, chia sẻ với họ trong các dịp lễ lạc của gia đình, cha đã tìm hiểu tận tường mối dây liên hệ thân thuộc trong đại gia đình Việt. Những mối tương quan trong họ tộc, từ cách xưng hô rất phức tạp nhưng thể hiện chi tiết quan hệ của các thành viên trong dòng họ đến việc tổ chức, quản lý từ dân sự đến tinh thần, được linh mục mô tả với sự chi tiết và với cả một tấm lòng yêu mến gia đình Việt[10].

2. Vai trò và mối quan hệ của các thành viên trong gia đình Việt Nam từ góc nhìn của nhà truyền giáo

Qua những nghi thức trong việc thờ cúng tổ tiên, cha Cadière đã tìm hiểu thật chi tiết về những tương quan, thứ tự, cấp bậc trong đại gia đình người Việt. Chỉ gia đình lớn (họ tộc) mới thực hiện được một cách đầy đủ việc thờ cúng tổ tiên (với bàn thờ, bài vị, lễ vật…), gia đình hạt nhân, chỉ với gia đình của trưởng tộc hay trưởng chi mới có thể thờ cúng tổ tiên tại nhà mình, các gia đình còn lại phải đến nhà trưởng tộc hay trưởng chi để thực hiện việc thờ cúng; vậy, tuy là thành tố đầu tiên của gia tộc, nhưng gia đình hạt nhân chỉ giữ vai trò thứ yếu trong việc thờ cúng tổ tiên[11]. Cha Cadière đã nghiên cứu cách kỹ lưỡng và đầy đủ yếu tố quan trọng này khi tìm hiểu về gia đình người Việt, để phân tích vị trí, vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của từng thành viên trong gia đình (cha/chồng, mẹ/vợ, con).

2.1 Người gia trưởng:

Với một phương cách rất tự nhiên – kể lại câu chuyện gia đình ông Đông với 2 con trai và 1 con gái – đồng thời đối chiếu với các bộ luật của Việt Nam, cha Cadière đã giúp độc giả nắm được vai trò cũng như quyền lợi của từng người gia trưởng với tư cách là con trưởng hay con thứ trong việc thờ cúng tổ tiên. Người con trai thứ không thực hiện việc thờ cúng cha mẹ, tổ tiên tại nhà mình; anh ta và gia đình phải đến nhà người anh cả (cũng là nhà của cha mẹ) để thực hiện bổn phận này. Như vậy, người con thứ chỉ là gia trưởng trong gia đình nhỏ, gia đình hạt nhân. Người gia trưởng đồng thời là con trai trưởng sẽ lãnh trách nhiệm lập bàn thờ cha tại nhà và thường xuyên lo việc thờ cúng. Với nhiệm vụ này, người con trai trưởng không chỉ là gia trưởng trong gia đình mình (gia đình theo nghĩa hẹp), anh trở thành trưởng một nhánh trong đại gia đình. Người gia trưởng có nhiệm vụ chủ sự các lễ nghi tôn giáo (thờ cúng trong ma chay, giỗ chạp, lễ tết) và đặc biệt, một nhiệm vụ hết sức quan trọng đã được trao phó từ khi cưới vợ, đó là có con trai để dòng họ được tiếp nối và việc thờ cúng tổ tiên được bảo đảm[12].

Cùng với nghĩa vụ thờ cúng tổ tiên của người con trai trưởng, cha Cadière cũng đề cập đến quyền lợi của họ qua việc thừa kế “của hương hỏa” với cách đối chiếu thực tế với các bộ luật của Việt Nam. Vấn đề này đã được cha trình bày rất thực tế: từ những tham lam, tranh chấp “của hương hỏa” vẫn thấy xảy ra thời xưa lẫn thời nay, đến ý nghĩa tinh tế mang lại từ “của hương hỏa”: “(…) của hương hỏa, hay những tài sản thờ cúng, là một trong những yếu tố chính yếu tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong đại gia đình: nhờ những tài sản này, tổ tiên tiếp tục hiện diện trong gia đình qua việc con cháu thường xuyên thờ cúng; và những thành viên trong dòng họ nhận thức được mối dây liên kết giữa họ qua những lần họp mặt đám giỗ hay lễ lạc được tổ chức nhờ thu nhập từ “của hương hỏa”[13].

Bên cạnh nhiệm vụ thờ cúng tổ tiên, người gia trưởng, không phân biệt trưởng thứ, cũng chủ trì các lễ nghi thờ cúng các Thần bảo hộ (Thổ Công, Tiên Sư) để cầu khấn các Thần phù hộ cho gia đình[14].

2.2 Người phụ nữ của gia đình

Mục đích tối thượng của đám cưới là để nối tiếp mãi mãi việc thờ cúng tổ tiên. Do vậy, vai trò đầu tiên và cao quý nhất của người phụ nữ là sinh con và phải sinh con trai. Nghĩa vụ này đôi khi đã dẫn đến việc ruồng rẫy người phụ nữ không con hoặc không có con trai. Vị trí thấp kém, phụ thuộc của phụ nữ trong gia đình vẫn được nhắc đến trong các bài viết về gia đình xưa. Cha Cadière đã có một cách nhìn mới về vai trò của người phụ nữ trong gia đình Việt Nam.

Qua tiếp xúc thực tế với các gia đình Việt, cha nhận thấy việc ruồng rẫy vợ chỉ vì không có con là rất hiếm. Các gia đình thường chọn giải pháp xin con nuôi hoặc cưới thêm vợ lẽ để có con trai. Nhưng việc lấy thêm nhiều vợ cũng hiếm, thường chỉ gặp ở các gia đình quan lại và giàu có. Đích thân người vợ cả đã đi hỏi cưới các bà vợ sau cho chồng “để chứng tỏ mình mong muốn thực hiện hoàn hảo nhiệm vụ và để cho chồng có một đứa con, dù là gián tiếp…”[15]. Khi đó, vị trí của người vợ cả vẫn là bà chủ trong gia đình. Nho giáo có câu “phu tử tòng tử”, tuy nhiên trong thực tế, sau khi người chồng mất, vợ là người nắm giữ quyền lực trong nhà, là người cai quản của cải đất đai và “các con phải vâng lời, tôn trọng mẹ cũng như cha”[16].

Tuy nhiên, trên phương diện tôn giáo, người phụ nữ vẫn giữ vai trò trợ giúp cho con trai (thay thế cha) trong việc thờ cúng tổ tiên. Thông thường, người phụ nữ không thể chủ trì việc thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, cha Cadière đã lưu ý, không vì vậy mà xem thường vai trò của người phụ nữ trong việc phụng tự này. Với tâm hồn nhạy cảm, cha đã nhận thấy giá trị của sự cực nhọc, sự tinh tế của người phụ nữ trong công việc chuẩn bị lễ vật cho việc thờ cúng. Người vợ xứng đáng chuẩn bị lễ vật và cộng tác cùng chồng trong việc thờ cúng. Trong nghi thức thờ cúng tổ tiên, người phụ nữ chỉ đứng sau người con trai trưởng-chủ sự buổi lễ, ngang bằng với các người nam khác trong gia đình cho thấy vai trò cùng tham gia của người nữ trong việc thờ cúng[17].

Đặc biệt, giá trị của con người nói chung, phụ nữ nói riêng, ở Việt Nam được cha ghi nhận qua việc nhận thấy người Việt không bao giờ loại bỏ các bé gái và các trẻ em khuyết tật. Cha đã từng nhiều lần chứng kiến các trẻ dị tật được yêu thương chăm sóc khi còn sống, và cha mẹ, người thân đã khóc thật nhiều khi các em mất đi.

Hình ảnh người phụ nữ “làm chủ” gia đình được cha Cadière nhìn nhận rất hay. Cha đã nhiều lần chứng kiến tài quán xuyến gia đình – từ trông em, giặt đồ đến đi chợ, nấu cơm – của các em gái, như một sự chuẩn bị quán xuyến gia đình riêng của mình. Lớn lên, lấy chồng, người phụ nữ quản lý tiền bạc, chi tiêu, mua sắm thực phẩm, đồ dùng; người vợ, người mẹ cũng là người mang đến tình cảm yêu thương ấm áp cho chồng, cho con. Trong nhiều gia đình bình dân, người phụ nữ bươn chải buôn bán và tích cóp cho tài sản gia đình. Mặc dù họ vất vả, đầu tắt mặt tối, nhưng chính họ là người “vun đắp” cho mái ấm gia đình, là người gây dựng nên gia đình một cách đúng nghĩa, vì thế người phụ nữ “làm chủ” trong gia đình mình[18].

2.3 Con cái và giáo dục trong gia đình

Cha Cadière đã cho thấy tầm quan trọng của việc thờ cúng tổ tiên trong gia đình Việt, để tiếp tục mãi mãi việc thờ cúng tổ tiên đòi hỏi nhất thiết gia đình phải có con, đặc biệt là con trai. Con trẻ luôn là niềm khao khát và mong đợi của cha mẹ Việt. Một gia đình đông con là dấu chỉ sự phù hộ của Trời và của ông bà tổ tiên[19].

Từ những tiếp xúc thực tế với các gia đình Việt, cha Cadière đã mô tả chi tiết cách thức chăm sóc trẻ của các bà mẹ Việt, đặc biệt là những tập tục mang tính ma thuật (magique) với mong muốn được sự che chở của các thế lực siêu nhiên[20].

Có con là một niềm vui đối với cha mẹ. Có con trai luôn là mong đợi của cha mẹ và cả dòng họ, nhưng không vì thế mà có sự thiên lệch trong tình cảm hay đối xử. Cha Cadière đã thấy “Nếu, thay vì một bé trai như mong đợi, là một bé gái chào đời, nếu các bé gái liên tiếp ra đời, các bé vẫn được cha mẹ đón nhận trong niềm vui và tình yêu.” Ở Việt Nam, cha mẹ không chối bỏ, không thủ tiêu các bé gái và yêu cầu về việc tiếp nối thờ cúng tổ tiên phải được thực hiện bởi con trai cũng không quá cứng nhắc[21]. Vị trí con gái trong gia đình không thấp kém hơn. Cha Cadière ghi nhận luật lệ của Trung Hoa du nhập vào Việt Nam qui định con gái không được quyền thừa kế đã không được áp dụng trong thực tế. Người dân Việt vẫn theo tập quán Việt: “trong di chúc thừa kế vẫn luôn có phần của con gái, và khi việc chia của thừa kế có được đưa ra trước tòa, các quan vẫn xử theo tập quán Việt nam và chia cho các con gái một phần tài sản của cha mẹ.”[22]

Con trai và con gái đều được yêu thương như nhau trong gia đình và cùng nhận được sự giáo dục từ cha mẹ. Cha Cadière đã cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng và chính yếu của giáo dục trong gia đình. Gia đình là nơi đầu tiên và duy nhất đào tạo trẻ về tôn giáo. Việc đào tạo được thực hiện qua trải nghiệm của trẻ mỗi khi tham dự các nghi thức thờ cúng. Từ đó, đối với trẻ, sự hiện diện của ông bà trong nghi thức thờ cúng trở thành sự thật đương nhiên như sự hiện diện của những người đang dâng lễ vật[23]. Từ những sự kiện (giỗ chạp, cưới hỏi…) và các nghi lễ, trẻ sẽ hiểu được rằng: cần vái lạy trước bàn thờ ông bà vì linh hồn của ông bà vẫn hiện diện nơi đó và cần tỏ lòng kính trọng và tôn thờ; cần dâng cho tổ tiên các lễ vật vì họ cần, vì họ vẫn luôn sống, theo một cách nào đó. Tuy nhiên, điều sâu sa hơn là trong quá trình tham gia vào các nghi thức thờ cúng, dần dần con trẻ cảm nhận mình là một mắt xích được kết nối trong mạng lưới gia đình rộng lớn và vững chắc, để có được niềm tự hào thuộc về gia đình, dòng họ như cha Cadière đã viết: “Người Việt, dù bất cứ hoàn cảnh nào, cũng thuộc về một họ, một gia đình theo nghĩa rộng, được tổ chức chặt chẽ, gắn bó mật thiết bởi huyết thống, bởi lợi ích vật chất, bởi tín ngưỡng tôn giáo…”[24]

Gia đình cũng là nơi giáo dục đạo đức cho trẻ, đó là điều mà cha Cadière rất tâm đắc: “Như một nhà giáo dục đạo đức, gia đình nắm giữ những phẩm chất mà nhà trường hiện đại không thể có. Nơi gia đình, trẻ được bao bọc bởi tình thương, được quản lý bởi sự kính trọng, trẻ còn chịu ảnh hưởng từ cả ông bà tổ tiên; cả người sống và người đã khuất cùng hợp lực để in đậm trong tâm khảm con trẻ những nguyên lý đạo đức… Và sau này, chính những ảnh hưởng giáo huấn của gia đình giúp con cái thực hành trong suốt cuộc đời mình những nguyên lý đạo đức đã được dạy dỗ suốt thời thơ ấu.”[25]

Tuy nhiên, những điểm tiêu cực của giáo dục gia đình thời đó cũng được cha Cadière nhận thấy và lên án. Đó là việc giáo dục kiểu đạo đức thô thiển: tội lỗi được che dấu; ăn cắp vặt chỉ là một lỗi nhỏ; nói dối thì hầu như được phép và trong nhiều trường hợp nói dối còn được khuyến khích hơn sự thật; sự thanh sạch và trinh tiết chỉ được xem là qui tắc trong những nghi thức xã hội, có phần khắt khe; người ta được phép làm tất cả khi bảo vệ quyền lợi của gia đình, của làng xã; làm bể một cái tô đứa trẻ đã có thể bị ăn đòn, nhưng một bà mẹ lại khen ngợi sự sớm trưởng thành của con gái và tự hào khi nghe cô gái tuôn một tràng những lời chửi bới để nguyền rủa cô bạn nhỏ. Cha đã phàn nàn rằng với kiểu đạo đức này, không còn chỗ cho lương tâm, chỉ có dư luận là thống trị.[26] Đó là mặt trái của việc quá đề cao thể diện của gia đình, sợ làm nhơ nhuốc thanh danh của gia đình nên đã giấu diếm, giảm nhẹ tội lỗi, che dấu sự thật bằng những lời nói dối…

Cha Cadière nêu ra một trong những nguyên nhân của sự suy giảm đạo đức trong xã hội là do, “sự lỏng lẻo trong quan hệ gia đình, chính vì con người thoát khỏi sự ảnh hưởng giáo huấn của gia đình, nơi người sống phải theo gương người đã khuất, nơi mỗi thành viên đều có trách nhiệm với danh dự của cả gia đình.”[27].

Ngày nay, nhận định của cha Cadière vẫn đúng nếu gia đình còn giữ kiểu giáo dục cũ, áp đặt rập khuôn những qui chuẩn đạo đức và sử dụng hình phạt mỗi khi vi phạm. Một khi thoát khỏi sự kiểm soát của gia đình, người trẻ sẽ đồng thời thoát khỏi qui chuẩn đạo đức ấy và hành xử chẳng theo một qui chuẩn nào vì họ đã không được giáo dục để tự thiết lập một khung giá trị cho riêng mình hòa hợp với giá trị nhân bản của xã hội, nhưng không đánh mất bản sắc riêng. Xã hội hiện đại cần những con người tự do, tự chủ và tự lập. Để đào tạo những con người như vậy, giáo dục gia đình là vô cùng quan trọng. Kiểu giáo dục dân chủ-nghiêm minh khuyến khích trẻ độc lập và phát triển cá nhân, tự ý thức kỷ luật và trách nhiệm, đồng thời trẻ vẫn được sống trong gia đình gắn kết chặt chẽ và nồng ấm yêu thương.

Đáp lại lời cuối của cha Cadière trong bài nghiên cứu về gia đình và đạo giáo ở Việt Nam[28], thiển nghĩ gia đình Việt Nam đã thay đổi và cần phải thay đổi để thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại, chỉ mong xã hội chung tay để gia đình Việt thay đổi theo hướng phát triển nhân cách độc lập của cá nhân nhưng vẫn giữ sự gắn kết tình cảm mật thiết trong gia đình. Một cách nào đó, như cha Cadière đã kêu gọi giữ gìn mối dây liên kết chặt chẽ trong gia đình Việt.

Tài liệu tham khảo:

1. Cadière L., (1958), Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens, tập I, Sài Gòn, Imprimerie Nouvelle D’Extrême Orient.

2. Cadière L., (1958), Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens, tập II, Sài Gòn, Imprimerie Nouvelle D’Extrême Orient.

3. Đỗ Trinh Huệ (2004), Léopold Michel Cadière với văn hoá, tín ngưỡng người Việt, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 5(29)/2004.

4. Thân thế và sự nghiệp linh mục Léopold Michel Cadière, Văn phòng Tòa Tổng Giám Mục Huế sưu tập, tháng 7/2010.

5. Nguyễn Đức Cung (2010), Những hoạt động mục vụ và văn hóa của linh mục Léopold Michel Cadière trên đất Quảng Bình, VietCatholic News, Aug 12.

[1] Préface, dans Cadière (1958), Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens, tập I, Sài Gòn, Imprimerie Nouvelle D’Extrême Orient.

[2] theo Hồi ký của L. Cadière “Souvenirs d’un vieil Annamitisant”, Indochine, 1942,p.44” = Hồi ký của một ông già khảo cứu đất An nam

[3] Cadière (1958), Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens, tập I, tr.34, Sài Gòn, Imprimerie Nouvelle D’Extrême Orient.

[4] Cadière (1958), Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens, tập I, tr.2, Sài Gòn, Imprimerie Nouvelle D’Extrême Orient.

[5] Cadière (1958), La Famille et la Religion en Pays Annamite, dans Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens, tập I, tr.33-84, Sài Gòn, Imprimerie Nouvelle D’Extrême Orient.

[6] ”Thưa cha, thật là có phước, nhờ nhân đức của ông bà mà con được gặp cha trên đường”, Cadiere L., sđd, tr.39.

[7] Cadiere L., sđd, tr.35-36.

[8] Cadiere L., sđd, Tr.43.

[9] Cadiere L., sđd, tr.49

[10] Cadiere L., sđd, tr.43-44.

[11] Cadiere L., sđd, tr.42.

[12] Cadiere L., sđd, tr.61.

[13] Cadiere L., sđd, tr.58.

[14] Cadiere L., sđd, tr.63.

[15] Cadiere L., sđd, tr.66.

[16] Cadiere L., sđd, tr.67.

[17] Cadiere L., sđd, tr.68.

[18] “Dans la plupart des familles, c’est la femme qui règne.” Cadiere L., sđd, tr.78.

[19] Cadière, Puériculture magique au Việt Nam, Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens, tome II, tr.199,

[20] Cadière, Puériculture magique au Việt Nam, Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens, tome II, tr.201-210

[21] Cadiere L., sđd, tr.77.

[22] Cadiere L., sđd, tr.77.

[23] Cadiere L., sđd, tr.79.

[24] Cadiere L., sđd, tr.80.

[25] Cadiere L., sđd, tr.83.

[26] Cadiere L., sđd, tr.81.

[27] Cadiere L., sđd, tr.84.

[28] “… Xin đưa ra một lời ước nguyện là xin đừng sử dụng bất cứ biện pháp nào có nguy cơ làm suy yếu gia đình tại Việt Nam này, song trái lại hãy củng cố nó bằng mọi cách. Than ôi! Liệu có được chăng! Liệu có kháng cự nổi những biến đổi với biết bao là mãnh lực!”, Cadiere L., sđd, tr.84

Related posts