Người thầy của tôi
Năm ấy tôi 14 tuổi học lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ). Thầy giáo chủ nhiệm lớp tôi với mái tóc đốm bạc, da có những nếp nhăn, cặp kính luôn xệ xuống…Ngày đó tôi làm sao biết được có bao nhiêu bụi phấn đã rơi trên cuộc đời dạy học gần 30 năm của thầy.
Hàng ngày, nhìn dáng thầy cao cao, chậm rãi đi về bằng xe đạp cũ kỹ với gương mặt ưu tư, trầm lắng, trong tâm hồn trẻ thơ của tôi lúc đó dường như có sự cảm nhận mơ hồ về một nỗi buồn không sao diễn tả được về thầy.
Hồi ấy, tôi học khá và nhanh nhẹn nên hàng tháng vẫn được thầy gọi đến nhà cộng điểm và làm vài ba việc lặt vặt giúp thầy. Ngoài công việc ở trường, thầy tôi còn tìm vui bên mấy chậu cây cảnh trước hiên nhà và mảnh vườn nho nhỏ sau hè. Chúng tôi giúp thầy tưới cây, nhổ cỏ, đun ấm nước pha trà giúp thầy…Cái tình của đám học trò chúng tôi đối với thầy phảng phất như tình cha con, ông cháu, nó thân thương và sâu đậm lam sao.
Thầy không chỉ dạy cho chúng tôi về văn học về ngữ pháp mà quan trọng hơn thầy dạy chúng tôi cách sống, cách lam người. Quyển học bạ của tôi con cất giữ được đến nay vẫn con nguyên vẹn lời răn dạy của thầy, dù nét mực đã phai mờ theo năm tháng.”Học khá nhưng tính hay gây gỗ với bạn, phải tập tính nhẫn nhục ôn hòa”. Càng lớn lên tôi càng thấm sâu ý nghĩa lời dạy của thầy là không được xúc phạm đến người khác dù dưới bất cứ hình thức nào. Điều ấy thực ra thực hiện không dễ dàng chút nào, đặc biệt là giữa thời buổi này, khi ta phải đối mặt với biết bao kẻ bất tài mà được ăn trên ngổi trước, hay những kẻ lạnh nhạt trước nỗi khổ của người khác mà không chút chạnh lòng. Nhưng thầy ơi, em sẽ cố gắng sống tốt để khỏi phụ lòng lời thầy dạy những năm tháng tuổi thơ.
Một trong những nhu cầu của tuổi mới lớn là được trò chuyện. Những biến động tâm lý không được chia sẻ dễ trở thành những ám ảnh không tốt. Đối với tôi, thầy như người bạn lớn.Tôi hay thì thầm kể thầy nghe những câu chuyện mâu thuẩn giữa bạn bè gia đình… Thầy luôn lắng nghe an ủi và đã giúp tôi có cách để vượt qua những rắc rối nho nhỏ của mình và từ đó đã làm cho tâm hồn tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Học xong lớp đệ ngũ, lẽ ra lớp chúng tôi không được thầy tiếp tục làm chủ nhiệm nữa nhưng thầy đã xin cô hiệu trưởng cho thầy được dạy tiếp chúng tôi năm lớp đệ tứ.. Chúng tôi rấtvui nhưng tất nhiên không hiểu được nguyên nhân sâu xa nào đã khiến thầy tỏ ra đặc biệt yêu thương cái lớp đệ ngũ của chúng tôi đến thế. Sau này lớn lên, dần dần chúng tôi mới hiểu ra rằng có lẽ thầy muốn dành hết tình cảm và sức lực năm cuối đời nhà giáo của mình cho một lớp khá ngoan và có triển vọng như lời thầy nói. Nhưng thầy ơi, hầu như phần lớn chúng con đã phụ lòng kỳ vọng của thầy.Vì giờ đây, sau hơn 40 năm, nhìn lại những khuôn mặt trong lớp ấy, chẳng có mấy người thành đạt như thầy mong đợi. Chỉ đôi ba người làm việc nhà nước, số còn lại thì làm đủ nghề mưu sinh kiếm sống qua ngày cơ cực nhọc nhằn.
Đã lâu lắm rồi ,tôi chẳng được gặp thầy, hôm nay, nhân ngày nhà giáo Việt Nam, tôi tìm đến nhà thầy. Nhìn những chậu cảnh trước hiên nhà không được tỉa ngọn, vườn rau sau nhà giờ chỉ là khoảng đất trống…thì tôi được biết thầy tôi đã ra đi sau một cơn bạo bệnh. Thầy tôi không còn nữa nhưng những lời thầy tôi vẫn còn vang vọng và in dấu mãi trong tâm hồn tôi.
Vâng, đó là thầy tôi – thầy Trần Văn Hoạch – Giáo viên dạy Văn trường trung tiểu học Thánh Giuse (nay là trường tiểu học Nguyễn Trung Trực), thành phố Tuy Hòa.
Nguyễn Thị Văn Dung