Tưởng nhớ và tri ân Cố Hồng (cha Josehp Victor Clause, Mep) thừa sai tại Qui Nhơn và Nha Trang
TƯỞNG NHỚ VÀ TRI ÂN CỐ HỒNG (CHA JOSEPH CLAUSE, MEP) THỪA SAI TẠI QUI NHƠN VÀ NHA TRANG
… Cách đây đúng 40 năm, ngày 18-11-1971, Cha Joseph Victor Clause – Cố Hồng – êm ái trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Grall ở Sàigòn, hưởng thọ 70 tuổi. Cố Hồng thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP).
Linh Mục Joseph Victor Clause chào đời ngày 23-9-1901 tại Ham-sous-Varsberg, vùng Moselle, thuộc giáo phận Metz (Đông Bắc Pháp). Cha là con thứ tư trong gia đình có 5 anh chị em, 2 gái và 3 trai. Thân phụ là giáo viên, một tín hữu Công Giáo có Đức Tin vững mạnh và là người phụ trách đánh đàn cho giáo xứ. Các con trong gia đình đều chọn nghề giáo.
Thế nhưng đệ nhất thế chiến 1914-1918 và đệ nhị thế chiến 1939-1945 đã gieo chết chóc tang thương cho gia đình. Anh trai Eugène tử trận tại Bitche năm 1918. Anh thứ hai Edouard tử trận tại Héricourt năm 1940. Em gái Marie từ trần năm 1944. Duy nhất còn lại Chị Jeanne sống độc thân. Đều đặn mỗi tháng, Chị Jeanne từ Lorraine viết cho em trai Joseph nơi miền truyền giáo Việt Nam xa xăm một lá thơ. Và Cha Joseph trung tín phúc đáp thư cho bào tỷ yêu dấu.
Năm 1914, cậu Joseph vào trường trung học ở Bitche và hấp thụ nền giáo dục vững chãi. Theo một số dữ kiện minh chứng thì Joseph là học sinh chuyên cần, thích học hỏi và luôn dẫn đầu lớp.
Năm 1919, Joseph gia nhập Đại Chủng Viện Metz và học 2 năm Triết cùng 1 năm Thần học. Năm 1922 thầy Joseph gia nhập Chủng Viện Hội Thừa Sai Paris ở số 128 đường du Bac. Thời gian đầu thật khó khăn. Lý do vì tính tình thầy Joseph nhút nhát cộng thêm Pháp ngữ không chuẩn – tuổi thơ ở Lorraine thường nói tiếng Đức. Thêm vào đó bầu khí Chủng Viện Hội Thừa Sai Paris hoàn toàn khác biệt với Đại Chủng Viện Metz. Dần dần mọi chuyện ổn định nhờ tình huynh đệ chân thành của thầy Camille Rohner. Đôi bạn thật khắng khít đặc biệt trong những buổi đi dạo vào ngày thứ tư hàng tuần. Giữa đoàn ngũ các các thỉnh sinh Hội Thừa Sai Paris hăng say và hoạt náo, thầy Joseph sống thật kín đáo, ngoại trừ một ưu hạng: vì xuất sắc về âm nhạc nên thầy được chọn đánh đàn cho Chủng Viện.
Thụ phong Linh Mục ngày 6-6-1925, tân Linh Mục Joseph Clause trở về giáo phận nguyên quán để hoạt động mục vụ trong vòng một năm. Tháng 6 năm sau – 1926 – Cha nhận được thư của Đức Cha Guébriant, Bề Trên Hội Thừa Sai Paris, chỉ định Cha đi truyền giáo tại Qui Nhơn, miền Trung Việt Nam.
Khởi hành từ Paris ngày 12-9-1926 Cha Joseph đặt chân đến Tòa Giám Mục Làng-Sông một tháng sau. Chính tại Gò-Đại mà Cha Joseph Clause học tiếng Việt dưới sự hướng dẫn của Cha Solvignon và làm Cha Phó Gò-Đại năm sau đó. Cha trú ngụ tại Tân-Thanh rồi tại Lạc-Điền. Từ nay Cha Joseph Victor Clause được biết đến với tên Việt là Cố Hồng.
Cố Hồng giữ một kỷ niệm êm đẹp về khoảng thời gian mục vụ linh động của những ngày khởi đầu cuộc đời truyền giáo.
Đầu năm 1930 Cha Lassalmonie, giáo sư Đại Chủng Viện Đại-An lâm bệnh. Cố Hồng được chỉ định thay thế và kiêm thêm chức quản lý, giáo sư môn Tín Lý và Kinh Thánh. Vốn xuất sắc về tiếng La-tinh, chẳng mấy chốc vị thừa sai trẻ tuổi nắm vững tình thế. Năm 1932 Cố Hồng giữ nhiệm vụ dời Đại Chủng Viện về cơ sở mới ở Qui Nhơn. Năm 1936 Cha ngưng dạy để chỉ giữ nhiệm vụ quản lý. Một năm sau, Cha được chỉ định làm Bề Trên Tiểu Chủng Viện. Chính trong chức vụ này mà Cố Hồng dâng hiến phần lớn đời mình cho công cuộc truyền giáo.
Niềm ưu tư triền miên của Cha là cống hiến cho chủng sinh một nền huấn luyện vững chắc về phương diện tu đức. Cha dành thời gian nghỉ lễ để dọn các bài suy gẫm và các bài đọc thiêng liêng để dạy các thầy và các chú chủng sinh. Cố Hồng đạt một hiểu biết rất rõ về Việt-ngữ và nói thông thạo trôi chảy tiếng Việt. Cha có biệt tài trình bày một chủ đề với ngôn từ vừa rõ ràng vừa có nền tảng tín lý. Chỉ đáng tiếc một điều là Cha không chú ý nhiều đến nghệ thuật giảng thuyết nên các môn dạy của Cha thường mang nét đều đều buồn chán.
Ngoài ra Cố Hồng là giáo sư tuyệt hảo. Như một chuyên viên kỷ luật Cha phụ trách rất nhiều môn dạy. Giỏi về Toán và Khoa Học, Cha còn là học giả về sư phạm, và La-ngữ không có gì là bí ẩn đối với Cha. Vì thế, theo dòng thời gian Cha trau dồi kiến thức đủ để đạt khả năng trở thành giáo sư chính thức của chương trình Trung Học Pháp đệ nhị cấp.
Tháng 8 năm 1946 Cố Hồng được chỉ định đến Dinh Thủy, Phan Rang. Nơi đây Cha được giao nhiệm vụ khởi công điều hành một Tiểu Chủng Viện. Cha hăng hái bắt tay vào việc, mặc cho bao khó khăn và thiếu thốn trăm bề, nhất là các sách học đường. Cùng thời gian này Cha đến dâng Thánh Lễ vào mỗi Chúa Nhật cho một xứ đạo trong vùng Phan Rang. Đặc biệt, Cha lưu tâm chăm sóc cách riêng các tù nhân bị giam nơi trại tù quân đội Pháp ở Phan Rang. Với tư cách là người duy nhất được phép đến gần các tù nhân, Cha tự nguyện làm trung gian mang lương thực của gia đình đến cho các tù nhân. Mọi người lợi dụng tối đa lòng tốt của Cha. Thật là nghĩa cử bác ái đúng theo tinh thần Kitô Giáo. Mãi đến 25 năm sau, nhiều người ngoại giáo vẫn còn ghi ơn lòng bác ái của Cố Hồng và cầu xin ơn an nghỉ đời đời cho vị ân nhân quá cố.
Tháng 3 năm 1951 một nhóm bộ đội cộng sản đột nhập Tiểu Chủng Viện Dinh Thủy vào ban đêm. Cố Hồng ra trình diện và tự nguyện làm tù binh với điều kiện họ phải để cho các chú chủng sinh yên thân. Thế là nhóm bộ đội cộng sản đưa Cha lên núi trong vòng 10 ngày. Sau đó họ thả ngài về bằng an. Chính sức mạnh tâm linh đã giúp Cha trải qua biến cố thử thách một cách thư thái mà không hề bị chấn động và mảy may thay đổi tính tình trầm lắng của Cha.
Năm 1952 Cố Hồng sung sướng đưa toàn bộ Tiểu Chủng Viện về cư trú tại số 22 đường Duy Tân, ngày nay là Tòa Giám Mục Nha Trang. Đến năm 1958 thì Tiểu Chủng Viện có cơ sở mới bên Thanh Hải, nằm sát bờ biển với tên gọi Tiểu Chủng Viện Sao Biển – Stella Maris.
Giờ đây Cố Hồng nghĩ rằng đã đến lúc giao trách nhiệm Giám Đốc Tiểu Chủng Viện cho các Linh Mục trẻ tuổi hơn. Thông thường Cha không bao giờ xin một điều gì, nhưng lần này ngài nhất định nài nĩ và Đức Cha Paul Marcel Piquet Lợi (1888-1966) chấp thuận lời yêu cầu của Cha. Vào đầu niên khóa 1959-1960, Tiểu Chủng Viện Sao Biển Nha Trang có vị TÂN Giám Đốc. Đó là Cha Pierre Jeanningros – Cố Vị (1912-2006). Tuy nhiên Cố Hồng vẫn sẵn sàng ở lại Tiểu Chủng Viện với nhiệm vụ là giáo sư và là Cha Linh Hướng. Với tính tình kín đáo, dè dặt và tế nhị, các chức vụ này thật thích hợp với Cha.
Năm 1964 Cố Hồng chính thức rời Tiểu Chủng Viện Sao Biển ở Thanh Hải và đến làm Tuyên Úy cho các Nữ Tu Khiết Tâm Đức Mẹ có Nhà chính tại Bình Cang. Nhưng đây không phải là thời gian hưu dưỡng. Bởi lẽ Cha phụ trách môn Tu Đức cho các Đệ Tử Khiết Tâm Đức Mẹ. Nhưng nhất là Cha thường giữ nhiệm vụ thay thế Cha Sở Paul Valour – Cố Lực (1906-1971) – mỗi khi Cha Sở đi vắng. Kể từ tháng 5 năm 1967 Cố Hồng chính thức làm Cha Sở Bình Cang kiêm thêm chức Tuyên Úy dòng Khiết Tâm Đức Mẹ.
Năm 1969 giáo xứ Bình Cang có Cha Sở mới là Cha Louis Lê Văn Sinh (1930-2004). Cố Hồng trở về với cuộc sống bình thường thư thả hơn. Tuy nhiên Cha không bao giờ vui hưởng an nhàn nhưng luôn mong muốn tiếp tục công tác mục vụ. Vì thế trong vòng một năm rưỡi, vào mỗi sáng Chúa Nhật, Cha đạp xe đạp lên tận giáo xứ Hà Dừa để dâng Thánh Lễ phụ giúp Cha Sở Pierre Jeanningros – Cố Vị.
Nhưng rồi tai nạn xảy ra. Chúa Nhật 17-10-1971 trên đường từ giáo xứ Hà Dừa trở về, khi chỉ còn cách Bình Cang khoảng vài cây số, Cố Hồng bị một chiếc xe Jeep tung vào làm gãy 2 chân. Đặc biệt Cha bị một vết thương thật sâu nơi đầu gối bên phải. Ba ngày sau, Cha được đưa vào điều trị nơi bệnh viện Grall ở Sài Gòn. Thế nhưng vì Cha bị bệnh tiểu đường nên các thuốc trụ sinh không gây hiệu quả nào trong công cuộc chữa trị. Các bác sĩ bó tay.
Biết rõ giây phút cuối cùng đã điểm, Cha sốt sắng lãnh các Bí Tích sau cùng với trọn ý thức và tâm tình phó thác nơi THIÊN CHÚA Quan Phòng. Sáng 18-11-1971 Cha Joseph Victor Clause – Cố Hồng – êm ái trút hơi thở cuối cùng. Sự kiện Cố Hồng hoàn toàn thanh thản ra đi đã để lại niềm thương mến sâu xa và lòng kính phục vô bờ nơi các bác sĩ, y tá có dịp phục vụ Cha tại bệnh viện Grall ở Sài Gòn.
Thi hài Cố Hồng được đưa về Bình Cang và Thánh Lễ an táng diễn ra vào ngày 22-11-1971. Vì có các cơn mưa tầm tã vào những ngày ấy nên không thể đưa linh cữu ra nghĩa trang, các Bề Trên quyết định chôn cất Cố Hồng ngay trong sân Tu Viện Khiết Tâm Đức Mẹ Bình Cang.
Thật là ân huệ quan phòng. Bởi vì nhờ thế mà Cha Tuyên Úy Joseph Victor Clause – Cố Hồng – an nghỉ bên cạnh đoàn con Khiết Tâm, từng thụ huấn và thụ ơn Cha rất nhiều.
Nguyện xin THIÊN CHÚA Nhân Lành thưởng công bội hậu cho vị tôi tớ tín trung đã dâng hiến trọn cuộc đời cho cánh đồng truyền giáo Việt Nam thân yêu.
… ”Suy nghĩ lo toan là việc của con người, còn nói câu trả lời là do THIÊN CHÚA. Hãy ký thác việc bạn làm cho THIÊN CHÚA, dự tính của bạn ắt sẽ thành công. Khi THIÊN CHÚA hài lòng về lối sống của ai, Ngài khiến cả quân thù cũng làm hòa với kẻ ấy. Thà ít của cải mà sống công chính hơn nhiều huê lợi mà thiếu công minh. Tâm trí con người nghĩ ra đường lối, còn THIÊN CHÚA hướng dẫn từng bước đi. Người có trí khôn ngoan được coi là sáng suốt, lời ngọt ngào làm cho sức thuyết phục gia tăng. Lời tử tế là tản mật ong làm cổ họng ngọt ngào, khiến xương cốt lành mạnh” (Sách Châm Ngôn 16,1-24).
(Archives des Missions Étrangères de Paris MEP)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Nguồn: Radio Vatican