Gia đình Tin Giáo hội Việt Nam 

Tâm thư gởi đến các gia đình và những ai đang phục vụ gia đình

Nhân kỷ niệm 30 năm Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố Tông Huấn Familaris Consortio (1981-2011), Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình, trực thuộc HĐGM Việt Nam, đã tổ chức một cuộc học hỏi và hội thảo về Tông Huấn này tại Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, từ ngày 17 – 18.11.2011. Hội nghị đã qui tụ khoảng 200 người đang làm công tác mục vụ gia đình của Giáo Hội Việt Nam, từ 16/26 Giáo phận trên khắp cả nước, trong đó có Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy Ban MVGĐ, Đức Cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, Giám Mục Phụ tá Tổng Giáo phận Huế, 37 Linh mục, 32 nữ tu, và 153 giáo dân. Đoàn của giáo phận Qui Nhơn có 11 người, và là đoàn đông nhất: gồm Cha Trưởng Ban MVGĐ/GP/QNH Antôn Nguyễn Huy Điệp, 3 Cha phó ban: Cha Giuse Nguyễn Bá Trung (Hạt Bình Định), Phêrô Hà Đức Ngọc (Hạt Quảng Ngãi) và Cha Philipphê Phạm Cảnh Hiển (Hạt Phú Yên), cùng với 7 giáo dân của 3 Hạt.

Để ghi nhớ biến cố này, sau 2 ngày học hỏi và hội thảo, Hội nghị đã gửi một Tâm Thư đến mọi người, như một tường trình và chia sẻ tâm tư về hạnh phúc gia đình. Giáo phận Qui Nhơn cũng đã đóng góp một ấn tượng về việc giáo dục trong gia đình. Đang khi các đại biểu nêu ra những khó khăn, trong việc trình bày tư tưởng của Tông Huấn sao cho dễ hiểu với quảng đại quần chúng miền thôn quê… Phái đoàn Qui Nhơn đã giới thiệu 2 sản phẩm có thể đáp ứng tích cực yêu cầu này. Một là cuốn “Sổ Tay Giáo Dục Gia Đình” vừa mới xuất bản, như một quà tặng tất cả các đại biểu tham dự Hội Thảo, Cuốn sách giới thiệu 43 đề tài về giáo dục trong gia đình, được gợi ý từ Tông Huấn Gia Đình, trình bày ngắn gọn và xúc tích bằng ngôn ngữ bình dân. Mục đích khiêm tốn của cuốn sách này là: cố gắng đem Tông Huấn từ trên trời xuống dưới đất, rồi tìm cách lăn nhẹ nó vào trong các gia đình. Cuốn sách đã đáp ứng được thao thức của nhiều người, được khen ngợi và đón nhận tích cực. Nhiều người đã hỏi mua thêm! Sản phẩm thứ 2 là đĩa VCD “Tâm Ca Báo Hiếu”, mục đích giáo dục lòng hiếu thảo trong gia đình, và khi được phổ biến vào thế giới người không Công Giáo, nó trở thành khí cụ truyền giáo. Ngay lập tức, số đĩa được đăng ký mua đã lên đến hàng trăm. Xin cám ơn những sáng kiến Cha Gioan Phêrô Võ Tá Khánh. Sau đây là nội dung bức “Tâm Thư” của Hội Nghị về Gia đình tại Trà Kiệu vừa kết thúc:

TÂM THƯ

GỞI ĐẾN CÁC GIA ĐÌNH

VÀ NHỮNG AI ĐANG PHỤC VỤ GIA ĐÌNH

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ban hành Tông Huấn Familiaris Consortio, chúng tôi gồm giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đại điện cho các giáo phận đã tham dự cuộc Hội Thảo trong hai ngày 17-18/11/2011 tại Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, thuộc giáo phận Đà Nẵng, để cùng nhau học hỏi về Tài Liệu rất quý giá của Chân Phước Gioan Phaolô II.

Sau cuộc gặp gỡ này, chúng tôi muốn chia sẻ một vài tư tưởng và những nét chính yếu của Tông Huấn cho những ai “yêu mến” và quan tâm đến gia đình, để tìm cách giúp cho các gia đình sống đúng bổn phận của mình trong thế giới hôm nay.

Ngay từ phần dẫn nhập của Tông Huấn, Chân Phước Gioan Phaolô II đã viết: “Giáo Hội – vì biết rằng thiện ích của xã hội và của chính mình đều được liên kết cách sâu xa với thiện ích của gia đình – nên đã ý thức cách sống động và mạnh mẽ về sứ mạng của mình là phải công bố cho mọi người biết ý định của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình, bằng cách bảo đảm cho hôn nhân và gia đình có được sức sống trọn vẹn cũng như có được sự thăng tiến nhân bản và Kitô, như thế là góp phần vào việc canh tân xã hội và chính Dân Thiên Chúa” (FC. 3).

Trong ngày thứ nhất, chúng tôi đã lắng nghe các thuyết trình viên trình bày về hoàn cảnh của gia đình ngày nay, dưới cái nhìn của Tông Huấn (FC. 4-10) và giáo huấn của Giáo Hội theo kế hoạch của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình (FC. 11-17), nhất là trình bày về những bổn phận của gia đình trong thế giới ngày nay, như đào tạo một cộng đồng ngôi vị gồm những cá thể là hình ảnh của Thiên Chúa (FC. 18-27), phục vụ sự sống bằng việc truyền sinh và giáo dục con cái (FC. 28-41), tham dự vào việc phát triển của xã hội (FC 42-48) cũng như vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội (FC. 49-64).

Trong ngày thứ hai, chúng tôi đã hội thảo và tìm cách thực hiện những đề nghị của Tông Huấn trong phần nói về mục vụ liên quan đến hôn nhân như chuẩn bị từ xa ngay trong bổn phận gia đình cho đến việc chuẩn bị gần và trước lúc cử hành trong trách nhiệm của giáo xứ; cử hành Bí tích Hôn phối, đồng hành với gia đình trẻ, tổ chức cơ cấu, nhân sự (FC. 65-85). Cách cụ thể, chúng tôi đã thảo luận theo nhóm để góp ý trong việc khởi động Ban Mục Vụ Gia Đình trong các giáo phận và lên kế họach trong ba năm, đồng thời, cũng giới thiệu các Hiệp Hội Gia Đình và Tuần Lễ Gia Đình hướng về Đại Hội Gia Đình Thế Giới cùng với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tại Milano, Italia, vào cuối tháng 5/2012.

Chân Phước Gioan Phaolô II viết: “Tôi thấy mình bị thúc bách phải yêu cầu các con cái Giáo Hội nỗ lực một cách đặc biệt cho vấn đề này. Trong đức tin, họ đã được hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa kỳ diệu của Thiên Chúa, nên họ càng có lý do để lưu tâm tới thực trạng gia đình, trong thời đại của chúng ta, thời đại thử thách và ân sủng”.

“Họ phải yêu mến gia đình một cách đặc biệt hơn cả. Đó là một mệnh lệnh cụ thể và đòi buộc. Yêu mến gia đình nghĩa là biết quí chuộng các giá trị và khả năng của gia đình, bằng cách luôn làm thăng tiến các giá trị và khả năng ấy. Yêu mến gia đình nghĩa là làm thế nào bảo đảm để có được môi trường thuận lợi cho gia đình được phát triển. Gia đình Kitô hữu ngày nay thường bị cám dỗ nản lòng hay âu lo trước những khó khăn, ngày một lớn; lòng yêu mến ấy còn được biểu lộ qua một hình thức trổi vượt hơn, đó là đem lại cho gia đình Kitô hữu những lý do để tự tin vào mình, qua kho tàng phong phú mà gia đình có được tự bản chất hay do ân sủng, qua sứ mạng Thiên Chúa đã ủy thác cho gia đình. “Các gia đình ngày nay phải chấn chỉnh lại! Phải theo Chúa Kitô” (FC. 86).

 Vì thiện ích của gia đình vượt ra khỏi cả biên giới của cộng đồng Giáo Hội, nên Ngài đã kêu gọi tất cả mọi người: “…Tôi hướng về tất cả quí vị, những con người có trí phán đoán ngay thẳng, và đang bận tâm tới số phận của gia đình, dưới danh nghĩa này hay danh nghĩa khác, trong giờ phút kết thúc Tông huấn này, tôi hướng về tất cả mọi người với một tấm lòng ưu ái nồng nhiệt”. Và Ngài tiếp: “Sau cùng tôi ao ước kêu gọi tất cả mọi Kitô hữu hãy thật lòng và can đảm cộng tác với tất cả những người thiện chí đang thể hiện trách nhiệm của họ đối với các gia đình. Ước mong rằng những người đang hy sinh vì thiện ích gia đình, trong lòng Giáo Hội cũng như nhân danh Giáo Hội và dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội, dù hợp thành những nhóm hay là những cá nhân, những phong trào hay hiệp hội, ước gì tất cả những người ấy biết liên kết với những người và những cơ chế khác nhau đang hoạt động cho cùng một lý tưởng. Khi trung thành với những giá trị của Tin mừng cũng như của con người, và tôn trọng sự đa diện chính đáng trong các sáng kiến, việc cộng tác như thế sẽ giúp cho gia đình được thăng tiến mau chóng và toàn diện hơn” (FC 86).

 “Tương lai của nhân loại sẽ đến ngang qua gia đình”(FC. 86). Những lời lẽ đơn sơ này cũng cho chúng ta thấy niềm xác tín sâu xa của Chân Phước Gioan Phaolô II đòi buộc Giáo Hội phải canh tân việc Mục Vụ Gia Đình của mình từ gốc rễ, thành lập cơ cấu một cách có hệ thống và tiến hành công việc cách nhạy bén, can đảm và nhìn xa thấy rộng, vì “gia đình là con đường mà Giáo Hội phải đi qua, khi thi hành sứ mạng cứu rỗi của mình” (Thư gởi các gia đình 1994).

 “Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Giáo Hội, cũng trở nên Mẹ của “Giáo Hội tại gia”! Ước gì nhờ sự trợ giúp từ mẫu của Mẹ, mỗi gia đình Kitô hữu có thể thực sự trở nên một “Giáo Hội nhỏ”, trong đó mầu nhiệm của Giáo Hội Đức Kitô được phản ảnh và sống lại!” (FC 86).

Sau hết, chúng tôi mời gọi mọi người hãy hướng về Chân Phước Gioan Phaolo II, một vị Giáo Hoàng luôn đi tiên phong trong việc mục vụ gia đình, để xin Ngài, từ cửa sổ của Nước Trời, tiếp tục chúc lành cho những dự tính về công việc mục vụ của chúng ta trong những ngày tháng sắp tới.

Trà Kiệu, ngày 18 tháng 11 năm 2011

Các tham dự viên

Hội Thảo về Tông Huấn Gia Đình

Related posts