Giảng lễ chung 

Giáng Sinh gây ngạc nhiên

Giáng Sinh gây ngạc nhiên

Cuộc sống luôn có những điều bất ngờ xảy ra làm chúng ta phải ngạc nhiên. Có những ngạc nhiên làm chúng ta bối rối thắc mắc. Có những ngạc nhiên làm chúng ta thất vọng. Nhưng cũng có những ngạc nhiên đưa chúng ta tới một chân trời mới để khám phá những điều mới mẻ và kỳ diệu. Kinh nghiệm đó giúp chúng ta hiểu phần nào biến cố và mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người để cứu nhân độ thế.

1. Ngạc nhiên từ biến cố Truyền Tin

Biến cố Truyền Tin là một sự bất ngờ và không thể hiểu được đối với suy nghĩ của con người. Thánh Luca kể lại: “Khi ấy, Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galiê, gọi là Nazarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1,26-38).

Điều làm chúng ta bất ngờ đó là Thiên Chúa không sai Thiên Thần đến với một công chúa trong cung điện cao sang, cũng không đến với một cô hoa hậu hay một thiên tài nổi tiếng, nhưng đến với một trinh nữ miền quê, rất bình thường chân chất tại một làng nhỏ với vài trăm người sinh sống, cách xa Giêrusalem khoảng 150 km. Từ làng Nazaréth làm sao có gì hay được (x. Ga 1,45-46). Cô gái đó lại được chính Thiên Chúa chọn để làm Mẹ Con Thiên Chúa, là một trinh nữ đã đính hôn với một người đàn ông khác tên là Giuse.

Chính Đức Maria cũng ngạc nhiên khi nghe lời chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Maria thắc mắc lời chào đó có ý nghĩa gì? Thiên Thần không nói: “Chào cô Maria”, mà nói: “Hỡi Đấng đầy ơn phúc”. Đức Maria được Thiên Thần đặt cho một tên gọi mới “Đấng đầy ơn phúc”. Tên gọi đó gắn liền với một sứ mạng: Người được Thiên Chúa ban cho đầy ơn phúc để cưu mang và sinh hạ Con Đức Chúa Trời cho loài người. Theo Luca, một Israel mới không những đã khởi đầu, mà Maria chính là sự khởi đầu đó. Maria là “Nữ Tử Sion” tinh tuyền, là nơi Thiên Chúa đặt định một khởi đầu mới. Maria là Eva mới và là hình ảnh của nhân loại mới, một nhân loại được Thiên Chúa chúc phúc và cứu độ.

Trong bài Ave Maria nhà thơ Hàn Mặc Tử được gợi hứng từ đoạn Kinh Thánh này, đã ca ngợi Đức Mẹ:

Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn,
Giầu nhân đức, giầu muôn lộc từ bi…

Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú ?
Người có nghe náo động cả muôn trời ?

 2. Ngạc nhiên về việc Con Thiên Chúa làm người

Biến cố Nhập Thể đưa chúng ta từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Đây là sự ngạc nhiên lớn nhất xảy ra trong lịch sự nhân loại: “Thưa Bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,30-33).

Khi nghe lời truyền tin đó, Đức Maria càng bối rối và thắc mắc: “Việc đó làm sao xảy ra được, vì tôi không biết đến người nam”?(Lc 1,34).

Làm sao không thể không gây ngạc nhiên và hoang mang khi một Thiên Chúa vô hình mà Cựu Ước diễn tả nếu ai nhìn thấy Ngài đều phải chết (x. Xh 33,20), lại trở thành Thiên Chúa hữu hình, có thể nhìn thấy, có thể tới gần, nắm bắt và đụng chạm được như chạm đến bất cứ con người nào khác; một Thiên Chúa được tuyên xưng là Đấng bất biến, là Vua, là Chúa tể trời đất, lại trở thành hữu hạn, bị lệ thuộc, bị giới hạn bởi không gian, thời gian và hoàn cảnh sống của con người; một Thiên Chúa đầy quyền năng, đầy sức mạnh và đầy vinh quang lại trở thành một em bé Giêsu yếu ớt, khó nghèo và mặc lấy “thân phận tôi đòi” (Pl 2,7) mà con người có thể làm nhục, xúc phạm và có thể giết chết được Ngài.

Quả thế, Thiên Chúa làm người là điều gây ngạc nhiên đối với con người qua mọi thời! Biến cố này trở thành cớ vấp phạm cho suy tư và niềm tin tôn giáo của con người nhưng lại là điểm độc đáo của Kitô giáo. Kitô giáo không phải là một học thuyết tư tưởng, cũng không phải là một hệ thống luân lý. Xét cho cùng Kitô giáo là một biến cố, biến cố độc nhất vô nhị: Thiên Chúa đã đến trong lịch sử, một Thiên Chúa làm người. Thế nên, Đức tin căn bản là cuộc gặp gỡ, gắn bó và bước theo một Con Người cụ thể –là Giêsu Nazaréth.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong cuốn sách nổi tiếng Đức Tin Kitô Giáo – Hôm Qua Và Hôm Nay đã diễn tả rất ý nghĩa về điều này như sau:

“Thiên Chúa đã đến quá gần đến nổi chúng ta có thể giết chết được Ngài, và vì thế, Ngài dường như không còn là Thiên Chúa của chúng ta. Trước một mạc khải theo đức tin Kitô như thế chúng ta quả hết sức bối rối và hoang mang, nhất là khi đứng trước lòng đạo đức của người Á Đông. Chúng ta tự nhủ: Hay cứ tin tưởng, ngưỡng vọng và phó thác vào một Đấng Đời Đời Ẩn Dấu như người Châu Á có phải đơn giản hơn không? Thiên Chúa cứ ở cách xa chúng ta muôn trùng có phải hơn không? Hãy nếu ta cứ ở trần thế mà an tâm ngước lên Đấng đời đời huyền nhiệm không thể thấu hiểu thì có phải đỡ phức tạp hơn là tin vào tính hiện thực của niềm tin Kitô, phó thác mình cho một khuôn mặt duy nhất, và như thế có thể nói là treo sự cứu rỗi của con người và thế giới vào một điểm tình cờ duy nhất? Một Thiên Chúa bị bó rọ trong một điểm nhỏ nhoi như thế có khác nào là tự chuốc lấy hủy diệt, nhất là khi con người ngày càng ý thức được tính chất tương đối của mình cũng như của lịch sử nhân loại, tất cả chỉ là hạt cát trong Toàn Thể mênh mông?”[1]

Tóm lại, câu trả lời cho sự liều mạng của Thiên Chúa chính là tình yêu cứu độ dành cho con người. Phúc Âm Thánh Gioan mô tả tình yêu này trong những từ sau: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì… được sống muôn đời” (Ga 3,16). Tình yêu luôn hàm ẩn sự rủi ro và mất mát. Tình yêu tìm kiếm sự ngạc nhiên cho người mình yêu.

3. Thay lời kết

Lễ Giáng Sinh đang đến gần. Đêm Con Chúa sinh là Đêm thánh vô cùng, Đêm Đất – Trời xe duyên, Đêm gây bao ngạc nhiên. Bên Hang Đá Bêthlem, suy ngắm Mầu Nhiệm Con Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa ở với chúng ta, người Kitô hữu được mời gọi học biết để ngạc nhiên và có khả năng ngạc nhiên trước biến cố này để khám phá tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người. Sự ngạc nhiên đức tin đó cũng cần như “sự ngạc nhiên triết học” mà Platon cho rằng mỗi người phải có trong cuộc sống hằng ngày.

Trước mầu nhiệm Giáng Sinh mà lý trí loài người không tìm được lời lý giải, thì câu hát của bài Thánh Ca Giáng Sinh diễn tả thật ý vị: “Thôi hỡi trần im tiếng đi mà cung kính, Chúa Con sinh ra trong máng cỏ hang lừa”!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương


[1] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Đức Tin Kitô Giáo – Hôm Qua Và Hôm Nay (Lm Athanasi ô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Lam Hồng dịch), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2009, 54-55.

Related posts