Lễ mừng kim khánh xây dựng nhà thờ Xuân Quang

Lễ mừng kim khánh xây dựng nhà thờ Xuân Quang.

Sáng 25 tháng 12, vào lúc 9 giờ 30, Đức Cha chính Phêrô đến nhà thờ giáo xứ Xuân Quang để dâng lễ mừng Chúa Giáng Sinh và hiệp ý với cộng đoàn giáo xứ tạ ơn Thiên Chúa nhân dịp kỷ niệm 50 năm xây dựng nhà thờ. Cùng đồng tế với Đức Cha Phêrô có Đức Cha phó Matthêô phụ trách giảng lễ, cha Tổng Đại diện, cha Hạt trưởng Bình Định, cha sở Phaolô Lê Văn Nhơn, và 9 cha trong thành phố Qui Nhơn. Ngoài ra còn có sự hiện diện của các soeurs dòng Mến Thánh Giá, dòng thánh Phaolô, dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, và đông đảo giáo dân trong và ngoài giáo xứ.
 Đầu lễ Đức Cha Phêrô lược qua đôi dòng lịch sử về việc xây dựng nhà thờ và giáo xứ. Đức Cha nói rằng «Hôm nay chúng ta vui mừng dâng thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh và tạ ơn Chúa nhân dịp kỷ niệm 50 năm xây dựng nhà thờ giáo xứ Xuân Quang.
Nhà thờ Xuân Quang tuy không bề thế như nhiều nhà thờ khác trong giáo phận nhưng nhờ ơn Chúa đã tồn tại qua 50 năm dù có rất nhiều khó khăn. Theo lịch sử giáo phận, từ năm 1959 Cha Giuse Trần Ngọc Châu cùng với ông Louis Nguyễn Đức Bạng cố gắng làm một nhà thờ, lúc đầu dự tính lợp tranh vách đất, nhưng nhờ có Cha chính Phêrô Nguyễn Đình Tịch và anh em công chức công giáo trợ giúp, nhà thờ đã được xây dựng bằng táplô, lợp ngói, có diện tích 65 mét vuông, tường chỉ cao 2 mét rưỡi. Nhà thờ được khánh thành vào năm 1961, tính đến nay đúng 50 năm. Ngày nay, nhà thờ đã khang trang hơn, đẹp đẽ hơn là nhờ ơn Chúa và công sức của Cha sở cùng với nhiều giáo dân.
Trong qua khứ, dù có thời gian giáo xứ gặp rất nhiều khó khăn vì thời thế nhưng nơi nầy không vắng linh mục, đã từng có nhiều cha đến dâng Thánh lễ luân phiên tại đây. Hôm nay, sinh hoạt giáo xứ đã ổn định và sốt sắng hơn. Tất cả là nhờ hồng ân của Chúa. Chúng ta cùng hiệp ý dâng lên Chúa lời Tạ ơn và cầu nguyện cho giáo xứ được ngày càng thêm ơn nghĩa với Chúa».
Đức Cha phó Matthêô giảng trong thánh lễ. Cuối thánh lễ, sau bài cám ơn của vị đại diện giáo dân, Đức Cha có đôi lời chúc mừng cha sở và bà con giáo dân, kính chúc giáo xứ tiếp tục phát triển. Ngài nói «Giống như làng quê nghèo Nazaret hay nơi hang đá nhỏ Bêlem  ngày xưa, Nhà thờ và giáo xứ của chúng ta lớn hay nhỏ có lẽ không quan trọng cho bằng nơi đó có sự hiện diện của Chúa. Chính Chúa mới đem lại cho chúng ta bình an và sức sống. Giáo xứ Xuân Quang nầy tuy bé nhỏ và có hoàn cảnh khó khăn nhưng các Đấng Bản Quyền vẫn lưu ý cho các linh mục không ngừng đến phục vụ. Đặc biệt tôi nhận thấy giáo xứ nầy có hiệp nhất và yêu thương nhau. Đó là những dấu chỉ có Chúa hiện diện sống động giữa anh chị em. Xin anh chị em quý trọng những ơn Chúa ban và không ngừng tìm những sáng kiến để giới thiệu Chúa cho người khác».
Sau thánh lễ, cha sở chiêu đãi hai Đức Cha, quí cha, quí soeurs, đại diện giáo dân và khách mời một bữa tiệc thật thịnh soạn để bày tỏ niềm vui và tâm tình tri ân.
——————————-
Bài giảng

Kỷ niệm 50 năm xây dựng nhà thờ Xuân Quang
(1961-2011)

Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi

Hôm nay toàn thể thế giới vui mừng và long trọng cử hành thánh lễ mừng kỷ niệm lần thứ 2011 ngày giáng sinh của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế muôn dân trông đợi từ ngàn xưa. Ngày ra đời của các bậc vĩ nhân trên thế giới thường được nhân loại tưởng niệm hàng năm để bày tỏ tâm tình tri ân và cảm phục đối với tài năng và những đóng góp to lớn của vị ấy. Nhưng không có ngày mừng sinh nhật nào được cử hành cách tưng bừng và đầy tràn niềm vui trên qui mô toàn thế giới cho bằng ngày giáng sinh của Đấng Cứu Thế như hôm nay, vì Ngài không phải chỉ là một con người như các bậc vĩ nhân kia, nhưng là chính Thiên Chúa tối cao đã vì yêu thương con người mà vui lòng hạ sinh xuống trần gian dưới hình hài một hài nhi yếu ớt.

Sau những nghi thức hoành tráng với ánh sáng muôn màu rực rỡ, hòa với tiếng hát điệu nhạc du dương rộn ràng có sức thu hút hàng vạn người ra khỏi nhà tuôn đến các thánh đường như dòng thác lũ, kẻ đi xem, người đi dâng lễ, giờ đây các Kitô hữu được mời gọi ngồi lại với nhau để cùng nhau suy niệm mầu nhiệm Giáng sinh, để khám phá bức chân dung của Vị Thiên Chúa làm người này.

Đối với những người ngoài Kitô giáo và những khách bàng quan, hài nhi nằm trong máng cỏ chẳng có gì đặc biệt, thậm chí còn có một hoàn cảnh bi đát hơn nhiều đứa bé trên trần gian. Tuy nhiên, đối với các Kitô hữu, đứa bé sơ sinh chưa hề biết nói ấy lại là lời sống động mà Thiên Chúa nói với trần gian. Theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc II, trải qua dòng lịch sử, Thiên Chúa đã nói với nhân loại nhiều lần nhiều cách qua các ngôn sứ, nhưng đến thời sau hết này Ngài đã phán dạy chúng ta qua Con của Ngài, đó chính là đứa trẻ sơ sinh một đêm tuổi mà chúng ta gặp gỡ nơi hang đá.

Đoạn thư gửi tín hữu Do-thái kết hợp với bài tự ngôn của tin mừng thứ tư mà chúng ta vừa nghe đã cho biết đứa bé ấy chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, đã có từ thuở đời đời. Ngài là Lời của Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa. Ngài phản ánh vẻ huy hoàng và là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Chính nhờ Ngài mà muôn vật đã được tác thành và cũng chính Ngài là Đấng dùng lời quyền năng mà duy trì vạn vật. Danh hiệu Ngài cao hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu thì Ngài cũng vượt trổi các vị bấy nhiêu, vì Ngài chính là Con Thiên Chúa tối cao. Ngài đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta như một người trong chúng ta, vì thế Ngài được gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Việc giáng sinh của Ngài đã được Thánh Kinh tiên báo từ ngàn xưa và dân Do-thái đã ngóng lòng trông đợi từ đời nọ đến đời kia. Thế nhưng khi Ngài đến thì họ lại không đón tiếp Ngài. Cha mẹ Ngài đã không tìm được một chỗ trú chân trong quán trọ để Ngài được sinh ra trong cảnh ấm áp. Vì thế Ngài đã được sinh ra trong chuồng bò, được mẹ đặt nằm trong máng cỏ hôi tanh của súc vật. Người ta không đón tiếp Ngài vì người ta không nhận ra Ngài, bởi lẽ Ngài đã đến không theo cung cách người ta vẫn mong chờ. Vì thế thánh Gioan đã viết lên những dòng thật chua chát: “Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Nhưng thật là vui khi thánh Gioan viết tiếp: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Ngài, thì Ngài cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa… Và chính từ nguồn sung mãn của Ngài, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,12.16).

Hài Nhi Giêsu chính là món quà tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa Cha đã ban cho nhân loại. Chính Chúa Giêsu sau này đã xác nhận điều ấy khi nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Vì thế, lễ Giáng Sinh chính là lễ của tình yêu, một tình yêu trao ban từ nơi Chúa Cha và một tình yêu nhập thể nơi Đức Giêsu Kitô. Noi theo gương Chúa, trong dịp lễ Giáng Sinh người ta tặng quà cho nhau cùng với những lời cầu chúc tốt đẹp nhất, với niềm tin tưởng rằng nhờ hồng ân Giáng Sinh, những lời cầu chúc cho nhau sẽ được thực hiện. Đồng thời mỗi người cũng được mời gọi bắt chước Thiên Chúa tự trở thành món quà trao tặng cho nhau, bằng tình yêu thương, cử chỉ thân thiện và sự quan tâm đối với nhau.

Kính thưa cộng đoàn,

Chúa giáng trần để đem niềm vui cứu độ đến cho nhân loại đang lầm than đau khổ. Muốn hưởng được niềm vui này chúng ta phải đón nhận Ngài bằng tất cả niềm tin sâu xa, chứ không dừng lại ở những hình thức chóng qua bên ngoài. Chúng ta vui vì khi nhìn vào máng cỏ, chúng ta thấy Thiên Chúa quá yêu thương chúng ta đến độ tự nguyện trở thành bé nhỏ. Chúng ta vui vì với tư cách là Con Thiên Chúa, Đức Kitô đã đến kêu gọi chúng ta chia sẻ chức vị làm con Thiên Chúa với Ngài. Và niềm vui ấy chúng ta không giữ lại cho riêng mình, nhưng được mang đi chia sẻ cho những người chung quanh, nhất là những anh chị em bất hạnh, như lời sách tiên tri Isaia trong bài đọc I: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng” (Is 52,7).

Niềm vui của chúng ta còn lớn hơn nữa khi mà hôm nay chúng ta cùng nhau cử hành ngày Giáng Sinh của Chúa chúng ta tại nhà thờ Xuân Quang này, nơi mà cách đây đúng 50 năm một ngôi thánh đường đã được dựng lên để làm nơi Chúa hiện diện cách đặc biệt giữa đoàn chiên bé nhỏ của Ngài, một ngôi thánh đường nhỏ bé đơn sơ tựa như hang đá Bêlem ngày xưa, nhờ công khó của cha Giuse Trần Ngọc Châu và các anh chị em giáo dân, trong đó có một số người còn đang hiện diện tại đây. Trước tiền đường nhà thờ có hai câu đối bằng chữ Hán vẫn còn được gìn giữ cho đến hôm nay: “Thần môn linh nghiệm thiên hương hộ – Thạch sở kiên cơ giáo hội đường”.

Ngày nay, với đoàn chiên ngày càng thêm đông, ngôi thánh đường năm xưa cũng vì thế mà trở nên lớn hơn, vươn lên cao hơn, thay da đổi thịt để trở nên đẹp đẽ khang trang hơn, do công sức của cha sở Phaolô, của cộng đoàn giáo dân giáo xứ Xuân Quang và của quí ân nhân xa gần. Vào mỗi ngày Chúa nhật, nhà thờ Xuân Quang trở thành điểm hẹn của khách thập phương hay khách lỡ đường đến tham dự thánh lễ. Hằng ngày có một gia đình đại diện toàn thể giáo dân trong giáo xứ đến chầu Thánh Thể. Mừng kỷ niệm 50 năm nhà thờ được xây dựng cũng là ngày đánh dấu 50 năm cộng đoàn dân Chúa trải qua biết bao thăng trầm và tiếp tục sống đức tin cho đến ngày hôm nay.

Nếu ngày xưa hang đá Bêlem được diễm phúc làm nơi Đấng Cứu Thế sinh ra, thì ngày nay Ngài vẫn vui lòng ở với chúng ta trong ngôi thánh đường nhỏ bé này. Vì yêu thương và muốn gần gũi với con người, Thiên Chúa cao cả đã tự nguyện trở thành nhỏ bé. Ngài yêu thích những gì nhỏ bé và thường bắt đầu mọi sự từ cái nhỏ bé. Từ một nhóm người nhỏ như hạt cải, Chúa đã biến thành một dân tộc vĩ đại lớn lên mạnh mẽ bất chấp mọi khó khăn và nay đã trải rộng đến tận chân trời góc bể, đó là Hội Thánh.

Mừng 50 năm xây dựng nhà thờ Xuân Quang trong ngày đại lễ Giáng Sinh, chúng ta ước mong và cầu nguyện cho giáo xứ nhỏ bé của chúng ta trở thành chiếc nôi cho Chúa Hài Đồng được sinh ra mỗi ngày, để Ngài tiếp tục đem bình an và ơn cứu độ đến cho mọi người.

Truyền thông Qui Nhơn

Related posts