Củng cố và canh tân tình huynh đệ linh mục trong giáo phận (bài 4)
Bài chia sẻ của ĐGM. Matthêu Nguyễn Văn Khôi trong cuộc tĩnh tâm thường niên của các linh mục giáo phận Phan Thiết từ ngày 9 đến 13-1-2012, theo chủ đề “Củng cố và canh tân tình huynh đệ linh mục trong giáo phận”
4.
KHÁM PHÁ
Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG
CỦA TÌNH HUYNH ĐỆ LINH MỤC
Người ta kể chuyện có hai người tín hữu muốn sống nhiệm nhặt khắc khổ để đền tội. Họ vào hoang địa và tìm thấy hai cái hang nằm trên một sườn núi cheo leo, tuy không xa nhau lắm, nhưng không có lối qua lại. Họ rất hài lòng về vị trí thuận tiện của hai cái hang và bắt đầu sống cuộc đời khắc khổ trong sự cô liêu hoàn toàn. Sau đó cả hai cùng chết, nhưng không một ai hay biết. Một thời gian sau, có hai tên cướp bị truy nã chạy trốn vào vùng núi hoang dã ấy để ẩn nấp. Tình cờ họ tìm thấy hai cái hang của hai tu sĩ trên đây và họ đã ở lại đó. Để tránh sự dòm ngó của nhà cầm quyền, họ khoác áo nhà tu và trở thành những tu sĩ bất đắc dĩ. Chiếc áo đôi khi cũng làm nên thầy tu! Quả thế, họ bắt đầu ăn năn sám hối vì tội ác mình đã phạm. Nhưng thay vì sống biệt lập cách xa nhau, họ tìm cách khai thông con đường nối liền hai chiếc hang. Dần dần với sức lao động kiên trì, một con đường nhỏ đã xuất hiện giữa họ và mỗi ngày họ đi thăm viếng an ủi lẫn nhau. Cùng với những bước chân, họ gieo vãi hai bên đường những giống hoa rừng mà họ tìm được trong vùng núi. Cuối cùng, con đường đầy hoa thơm cỏ lạ và làn hương thánh thiện của hai tu sĩ bất đắc dĩ đã đến tai người dân trong vùng lân cận và người ta đã bắt đầu đến xin gia nhập cộng đoàn để chia sẻ với nhau tình huynh đệ.
Câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy tình yêu thương huynh đệ không những chứa đựng một ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống con người, nhưng nó còn đóng một vai trò rất lớn trong việc thăng tiến cá nhân các linh mục và góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng Hội Thánh và việc truyền giáo.
1. Ý NGHĨA CỦA TÌNH HUYNH ĐỆ
Trong các tôn giáo khác, đời tu thường là một vấn đề cá nhân. Trái lại, trong Kitô giáo, đời tu là con đường tiến đến đức ái trọn hảo đối với Thiên Chúa và tha nhân. Chính vì thế, trong Tông huấn về Đời sống Thánh hiến Vita consecrata, Đức Gioan Phaolô II đã đặc biệt đề cập đến ý nghĩa và tầm quan trọng của tình huynh đệ như là yếu tố không thể thiếu trong tất cả các hình thức của đời thánh hiến, kể cả các ẩn sĩ và các thành viên tu hội đời. Tất cả đều được mời gọi yêu thương nhau. Đó là một đòi hỏi nội tại, bởi vì trong đời sống huynh đệ, năng lực mà Thánh Thần ban cho một người thì đồng thời cũng được thông truyền cho tất cả: ai cũng có thể hưởng nhờ ân huệ của người khác như chính ơn riêng của mình.
Con người được sinh ra để sống thành tập thể, thành xã hội. Không có xã hội, bản tính con người không thể phát triển được. Không có cộng đoàn gia đình, gia tộc hay quốc gia, con người sẽ không thể cảm thấy hạnh phúc. Một vị thừa sai nọ ở Phi châu được mời đến rửa tội cho một già làng đang hấp hối. Ông cụ đã được một giáo lý viên giúp chuẩn bị lãnh nhận bí tích này. Giáo lý viên nói với ông:
– Được rửa tội, cụ sẽ lên thiên đàng, sống với các thiên thần, các thánh và với tất cả những người đã được rửa tội khác.
Sau khi chào và ngỏ lời an ủi cụ, vị linh mục bắt đầu cử hành nghi thức rửa tội bằng câu hỏi:
– Cụ muốn lãnh phép rửa tội không?
– Ồ, thú thật, thưa cha, tôi đã nghĩ kỹ và quyết định thôi không nhận phép ấy nữa.
– Ủa, sao kỳ vậy? Điều gì đã xảy ra với cụ?
– Thưa cha, tôi không muốn được rửa tội. Tôi muốn đi xuống hỏa ngục hơn, bởi vì tôi chẳng quen ai trên thiên đàng cả. Ở hỏa ngục ít nhất tôi cũng có bạn bè, bà con và tất cả tổ tiên của tôi. Họ đều chết mà không ai trong họ đã từng được rửa tội.
Xã hội tính của con người được khẳng định bởi mạc khải Thánh Kinh. Thiên Chúa là Tình yêu, là cộng đoàn hạnh phúc trọn vẹn gồm Ba Ngôi. Ngài muốn chia sẻ hạnh phúc của Ngài nên đã tạo dựng con người, để con người trở thành con Thiên Chúa và là anh em với nhau. Sau khi tạo dựng ông Ađam, Chúa nói: con người ở một mình không tốt, và Ngài đã dựng nên bà Eva. Đó là gia đình và cũng là cộng đoàn nhân loại đầu tiên được chính Thiên Chúa tạo dựng và chúc phúc, được xây dựng trên tình yêu thương đến độ hai người trở nên một xương một thịt. Từ đó, tận đáy thẳm tâm hồn, con người cảm thấy một nhu cầu sống với nhau và cho nhau. Chính từ cặp nhân loại đầu tiên đó, con người một khi được sinh ra thì tự nhiên là anh chị em với nhau. Vì thế Khổng Tử đã nói “tứ hải giai huynh đệ”, nghĩa là bốn bể đều là anh em. Theo De Candido, “tình huynh đệ là một dữ kiện căn bản không phải chỉ thuộc về cấu trúc hữu thể của con người, nhưng còn nằm trong định nghĩa Kitô giáo về con người […]. Con người là huynh đệ”. [1]
Chúng ta hãy trở lại những trang đầu của sách Sáng Thế. Sau khi Ađam và Eva sa ngã phạm tội, sự chia rẽ giữa anh em đã bắt đầu ngay giữa lòng gia đình nhân loại đầu tiên: Cain đã sát hại em mình là Aben, và từ đó dọc theo suốt chiều dài lịch sử nhân loại không ngừng xảy ra những cuộc huynh đệ tương tàn trên bình diện gia đình, quốc gia và cộng đoàn nhân loại. Để tái lập sự hiệp nhất nhân loại, Thiên Chúa đã tuyển chọn tổ phụ Abraham để gây dựng một dân tộc. Nhưng dân Israel thoát thai từ lòng Abraham vẫn chưa sống đúng theo chương trình của Thiên Chúa, vì thế Ngài đã sai các ngôn sứ loan báo cho nhân loại biết rằng vào thời thiên sai Ngài sẽ hoà giải, quy tụ và hiệp nhất mọi người. Và rồi khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến trần gian để quy tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi thành một cộng đoàn huynh đệ dựa trên căn bản mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Cộng đoàn huynh đệ ấy chính là Hội Thánh, một cộng đoàn tình thương, dấu chỉ và khí cụ của sự kết hiệp nhân loại với Thiên Chúa và với nhau.
Tình huynh đệ còn là bí tích hay dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô, như Ngài đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy” (Mt 18,20). Bản chất của bí tích hay dấu chỉ là nó không hiện hữu cho mình. Là bí tích hay dấu chỉ của Đức Kitô giữa lòng thế giới: đó chính là sứ vụ của Hội Thánh. Ngoài ra, Hội Thánh cũng là dấu chỉ của Nước Trời trong viễn tượng mà ngôn sứ Isaia đã mô tả: “Ngày ấy, chó sói sẽ làm bạn với đàn chiên, beo cọp sẽ ở chung với em bé. Bò tơ và sư tử non sẽ ăn trên cùng một cánh đồng và một em bé sẽ dẫn dắt chúng. Bò và gấu sẽ ở với nhau, sư tử sẽ ăn cỏ như bò. Em bé sẽ chơi với rắn hổ mang và sẽ thò tay vào hang rắn độc. Sẽ không còn chết chóc trên núi thánh của Ta và khắp mặt đất sẽ được tràn đầy sự hiểu biết Thiên Chúa” (Is 11,6-9). Đó là viễn tượng của thế giới thời cánh chung mà Hội Thánh được sai đi để loan báo và dấn thân thực hiện. Đây là một thế giới hoà giải, trong đó tất cả những lực đối kháng sẽ được hoá giải và người ta sẽ sống trong sự hiệp nhất và trong tình huynh đệ đại đồng.
Các linh mục là những người có ơn gọi để thi hành sứ mạng của Hội Thánh. Họ sẵn sàng đáp lại ơn gọi linh mục là vì họ cảm thấy nơi chính bản thân mình một khao khát muốn liên kết với những người cùng chung chí hướng xây dựng tình huynh đệ đại đồng của Nước Trời. Được sống chung với anh em, đó là một hạnh phúc. Cùng làm việc chung với anh em để xây dựng thế giới huynh đệ đại đồng, đó là một lý tưởng khiến cho cuộc đời của họ đầy tràn ý nghĩa. Trong một thế giới ngày càng bị xâu xé bởi hận thù và chia rẽ, họ muốn ra đi xây dựng tình thương huynh đệ, bắt đầu từ chính bản thân của mình, từ nhóm nhỏ của mình. Họ là những người ý thức tầm quan trọng của tình yêu thương huynh đệ trong cuộc đời của mình và vì vậy họ sẵn sàng dấn thân để xây dựng tình huynh đệ cho tha nhân.
2. TẦM QUAN TRỌNG CỦA TÌNH HUYNH ĐỆ ĐỐI VỚI CÁC LINH MỤC
Không ai là một hòn đảo và không linh mục nào sống cuộc đời đơn độc. Tình huynh đệ linh mục vừa giúp các linh mục sống với nhau trong tương quan nhân vị, vừa giúp họ sống đời linh mục cách tốt đẹp, đồng thời góp phần đem lại hiệu quả và chất lượng cho công cuộc rao giảng Tin Mừng, để xây dựng Hội Thánh như một cộng đoàn hiệp thông huynh đệ giữa nền văn minh kỹ thuật phi nhân và một thế giới đang bị xâu xé bởi những hận thù và chia rẽ.
2.1. Tình huynh đệ linh mục và tương quan nhân vị
Chúng ta đang sống trong một thời đại kỹ thuật tiên tiến nhất từ trước đến giờ. Chính nền văn minh kỹ thuật đã dần dần biến con người thành những bộ máy được sản xuất đồng loạt. Thế giới hiện nay đang chứng kiến hai điều trái ngược nhau nhưng lại tồn tại chung với nhau. Một đàng, do ảnh hưởng của cá nhân chủ nghĩa với việc đề cao tự do cá nhân và tinh thần hưởng thụ, con người sống như chỉ biết có mình mà không biết đến kẻ khác. Nhưng đàng khác, do ảnh hưởng của văn minh kỹ thuật và tiến trình toàn cầu hoá, con người lại bị chi phối rất mạnh bởi kẻ khác, bởi môi trường xung quanh, đến độ nhiều khi họ phản ứng như một cái máy thiếu cá tính.
Ngay từ những thập niên tiền bán thế kỷ XX, người ta đã nhận ra nguy cơ văn minh kỹ thuật hiện đại sẽ biến con người thành những robot. Trong tiểu thuyết đầu tay và nổi tiếng nhan đề Giờ thứ 25, xuất bản năm 1949, văn hào Constantin Virgil Gheorghiu, người Rumani, đã gióng lên hồi chuông báo động về điều đó, khi ông đề cập đến thế giới Tây Phương. Theo ông, giờ thứ 25 là giờ sau giờ thứ 24, tức là giờ đã quá trễ. Đó là giờ của văn minh kỹ thuật hiện đại Tây phuơng. Trong tác phẩm triết lý được trình bày dưới dạng tiểu thuyết này, ông có đề cập đến một hiện trạng bi đát của thế giới hiện nay là sự nô lệ kỹ thuật. Vào thời thượng cổ ở Tây phương, trong nhà những người quyền quý có đầy những nô lệ, đến độ có một lúc tại thành Rôma, kinh đô của đế quốc, con số những công dân, tức là những người tự do, ít hơn con số những người nô lệ. Những nô lệ phần lớn được đưa về Rôma từ những những dân tộc bại trận, thuộc nhiều nền văn hoá và tiếng nói khác nhau. Để có thể sai bảo những người nô lệ này, lúc đầu các ông chủ bà chủ phải học biết đôi chút về ngôn ngữ và tập quán của họ. Dần dần các ông bà chủ này cũng có thể bị ảnh hưởng bởi chính những người nô lệ, vì họ đông hơn.
Ngày nay, những nô lệ người như thế không còn nữa, hay được biến thể để mặc một hình thức khác nhằm thoát khỏi sự kiểm soát của luật pháp. Thế nhưng, thay vào đó, ngày nay người ta được phục vụ bởi một số lượng ngày càng nhiều của các nô lệ kỹ thuật: đó là những máy móc phục vụ mọi nhu cầu của con người, từ trong phòng the của đôi vợ chồng cho đến những nơi công cọng. Trong khi những nô lệ thời xưa vẫn là những con người có tính người, có tình cảm, thì những nô lệ kỹ thuật ngày hôm nay là những máy móc hoàn toàn không có nhân tính và tình cảm. Một đặc tính chung của chúng là phản ứng cách máy móc. Để có thể sử dụng đám nô lệ này, con người ngày nay cần phải học biết các đặc tính của chúng. Dần dần họ lây nhiễm các đặc tính ấy mà không biết, để rồi cuối cùng họ cũng phản ứng cách máy móc trước những tình huống. Hơn nữa, con người kỹ thuật ngày nay có thói quen dùng những từ vốn được dùng cho máy móc để chỉ con người, chẳng hạn họ gọi mỗi người là bộ phận của một guồng máy thay vì là thành viên của một cộng đoàn. Với tính cách là một bộ phận, mỗi người có thể bị thay thế bởi một bộ phận khác giống y như vậy. Và như thế sẽ không còn tính bất khả thay thế của mỗi người xét như là một hữu thể độc đáo. Trong một tình huống như thế, người ta đề cao tính thống nhất, đồng bộ, hơn là tính hiệp nhất, hiệp thông. Tính thống nhất hay đồng bộ không để ý đến sự trưởng thành của các cá nhân, mà chỉ nhấn mạnh đến việc mỗi cá nhân phải làm sao để trở nên giống với những người khác.
Trong một thế giới ngày càng chịu ảnh hưởng của máy móc đến độ phi nhân như thế, chính tình huynh đệ giữa các linh mục là yếu tố quan trọng giúp họ thoát khỏi sự chi phối của qui luật máy móc, để có thể sống với nhau bằng mối tương quan nhân vị, sống có tình có nghĩa và tôn trọng lẫn nhau. Trong tình huynh đệ, mỗi người có một chỗ đứng quan trọng bất khả thay thế, và được nhìn nhận như người bạn đồng vai đồng vế cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, chứ không bị lợi dụng như một thứ dụng cụ phục vụ lợi ích riêng tư của một ai. Khi tập sống trọn vẹn tình huynh đệ giữa anh em linh mục với nhau, các linh mục sẽ có khả năng đối xử với anh chị em giáo dân với tất cả sự yêu thương và kính trọng, thay vì coi họ như những người chỉ để sai khiến. Trong quyển Nhật ký truyền giáo, Cha Piô Ngô Phúc Hậu có kể một mẩu đối thoại ngắn như sau: “Sau bài thánh ca trước đài Đức Mẹ, mình siết tay một ông bạn. Nói chuyện con cà con kê để chờ dòng người ra quốc lộ qua một cái cổng hẹp.
– Cha Phước bây giờ ở đâu cha?
– Chết rồi!
– Ủa, tội nghiệp! Hồi ngài làm cha sở ở đây, cái gì cũng răm rắp. Người lớn người nhỏ đều sợ ngài một nước. Bây giờ các cha dễ dãi quá.
– Bộ anh thích họ đạo mình “cái gì cũng răm rắp” hả? Không có cái gì răm rắp cho bằng cái guồng máy. Nhưng họ đạo lại không phải là cái guồng máy… Ngày nay, chúng tôi không muốn “bị” giáo dân sợ, mà muốn “được” giáo dân thương. Sợ là dấu hiệu của tình trạng ấu trĩ. Thương là dấu hiệu của tình huynh đệ. Tôi thích một họ đạo hơi lộn xộn một tí, nhưng ở trong đó giáo dân được kính trọng, hơn là một họ đạo răm rắp đâu vào đó, nhưng ở đấy trật tự được trả giá bằng nhân phẩm.
Ông bạn mình tỏ vẻ ngơ ngác. Ông từ giã mình bằng một cái bắt tay lỏng lẻo”. [2]
2.2. Tình huynh đệ và đời sống linh mục
Cũng như bất cứ cộng đoàn hay tập thể nào, linh mục đoàn được hình thành từ những con người bất toàn và đầy khuyết điểm. Cộng đoàn linh mục là nơi phát hiện các giới hạn, các nỗi sợ hãi và tính ích kỷ của mỗi người. Người ta khám phá ra sự nghèo nàn và những yếu đuối của mình, tình trạng bất lực trong việc hoà hợp với một số người. Bao lâu còn sống một mình, người ta nghĩ là mình có thể yêu thương hết mọi người. Bây giờ khi phải sống trong tương quan với người khác mới biết rõ mình không có khả năng yêu thương, mình chối từ người khác, mình đóng kín chính mình như thế nào. Đó là trường hợp thường thấy xảy ra giữa các cha xứ và cha phó.
Tuy nhiên, bên cạnh những khuyết điểm, những người trong linh mục đoàn cũng có những ưu điểm đáng cho người khác bắt chước. Cổ nhân có nói: “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư”, tức là trong ba người cùng đi với ta tất có một người làm thầy ta. Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: “Học thầy không tầy học bạn”. Trong thư gửi tín hữu Côlôxê, thánh Phaolô cũng nhắn nhủ: “Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo lẫn nhau với tất cả sự khôn ngoan” (Cl 3,16).
Tình huynh đệ giúp mỗi người phát huy những điều thiện hảo của nhau. Bạn bè giúp ta thành người tốt nhất trong khả năng ta có thể. Họ giúp ta nhận ra những khả năng của mình, giúp ta mở rộng tầm nhìn và thoát khỏi cái nhìn hạn hẹp của mình. Như thế, khi thực thi tình huynh đệ, các linh mục giúp nhau thăng tiến. Nhưng việc thăng tiến này không thể được hiểu như là một sự thăng quan tiến chức theo kiểu các viên chức ngoài xã hội. Có lần một cán bộ được mời đến dự buổi tiệc mừng tân chức của một tân linh mục nọ. Nhìn thấy tấm banderole với hàng chữ “con là linh mục đời đời”, ông cán bộ kia vì không hiểu đúng ý nghĩa của câu Kinh Thánh ấy, nên đã buột miệng thốt lên: “Tại sao lại linh mục đời đời? Ông tân linh mục này còn trẻ mà, cần phải phấn đấu để lên cao hơn nữa chứ, chẳng hạn để giống như cụ giám mục!”
Tình huynh đệ trong đời sống linh mục còn được thể hiện qua sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Mỗi người lưu tâm đến những lúc chán nản, đau khổ, cô đơn, của những anh em khác; mỗi người sẵn sàng nâng đỡ những anh em gặp đau khổ buồn sầu vì những khó khăn và thử thách. Sống linh đạo tình huynh đệ, các linh mục được chữa lành khỏi mọi nỗi sợ hãi, hoài nghi và thiếu tin tưởng trong quan hệ xã hội; gia tăng sự thông cảm và hài hòa; khơi dậy sự khoan dung, đón nhận và đối thoại.
Trong một cộng đoàn huynh đệ chân chính, mỗi phần tử đều có tinh thần đồng trách nhiệm đối với sự trung thành của những người khác. Phẩm chất đời sống huynh đệ có ảnh hưởng quan trọng đối với sự bền chí của cá nhân linh mục. Phẩm chất nghèo nàn của đời sống huynh đệ vẫn thường được coi là lý do khiến người ta bỏ đời tu thế nào, thì việc sống sung mãn tình huynh đệ thường là một sự nâng đỡ quý giá cho sự kiên trì của nhiều người như thế.
Tình huynh đệ linh mục khiến các linh mục coi nhau như anh em trong một gia đình. Chính bầu khí huynh đệ cởi mở và thân thiện với nhau có sức giúp các linh mục vượt qua được những cám dỗ về đức khiết tịnh để giữ vững tình yêu trọn vẹn cho Thiên Chúa và tha nhân. Kinh nghiệm cho thấy linh mục nào không sống chan hoà tình huynh đệ với các anh em linh mục khác thì thường dễ sa ngã về vấn đề này. Đời sống khiết tịnh nhất thiết gắn liền với đời sống huynh đệ theo mô hình gia đình, vì đó là nơi thể hiện tình yêu và cũng là nơi được nâng đỡ trong tình yêu.
Gia đình là nơi mọi anh chị em sống tình huynh đệ cách thâm sâu và đặc biệt nhất. Vì thế, đức khiết tịnh sẽ được gìn giữ cách vẹn toàn hơn cả khi có tình huynh đệ thực sự giữa các linh mục như trong một gia đình. Chính bầu khí huynh đệ đầm ấm giữa các linh mục khiến họ có thể vượt qua mọi cám dỗ về tính dục đối với người khác. Cũng như trong một gia đình, vợ hay chồng không thể đi ngoại tình với người ngoài nếu bầu khí gia đình luôn giữ được sự đầm ấm, con cái không tìm kiếm tình cảm bất chính ở bên ngoài khi giữa họ với nhau chan hoà tình huynh đệ. Không gì quan trọng đối với việc giữ đức khiết tịnh cho bằng sự cởi mở và tin tưởng không những đối với vị linh hướng, mà còn đối với những anh em linh mục nhiều kinh nghiệm. Thái độ chân thành, trong sáng đối với anh em linh mục là dấu hiệu của một lương tâm ngay thẳng. Bao lâu người ta còn sử dụng những hình thức che đậy và lẩn tránh anh em thì sự không trong sạch đã bắt đầu thấm nhập.
Kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng cô đơn là một trong những lý do khiến các linh mục bị sa ngã vào những tình cảm bất chính. Nhiều anh em bỏ chức linh mục ra đi, có thể vì nhiều lý do, như sự quyến rũ của tình cảm, những bực bội không lối thoát, những đau khổ vì bị hiểu lầm, bị công kích, những chán nản vì thất bại…, nhưng còn phải kể đến sự cô đơn do thiếu vắng một tình huynh đệ chân thành trong hàng linh mục để làm nơi nương tựa. Sự cô đơn như một quả bom hẹn giờ sẽ bùng nổ khi đến thời điểm của nó, và lúc đó là cả một thảm hoạ. Tình huynh đệ linh mục là một trong những phương thế có thể giúp các linh mục tránh được sự cô đơn ấy như lời các nghị phụ Thượng Hội đồng được Đức Gioan Phaolô II trích dẫn trong Tông huấn Pastores dabo vobis, số 74: “Sự tham gia tích cực vào linh mục đoàn giáo phận, những tiếp xúc thường đều với giám mục và với các linh mục khác, sự cộng tác hỗ tương, đời sống chung hoặc huynh đệ giữa các linh mục với nhau, cũng như tình bạn và những mối quan hệ chân tình với những người giáo dân tích cực dấn thân trong các giáo xứ, đều là những phương thế rất hữu ích để thắng vượt những hậu quả của nỗi cô đơn mà đôi khi linh mục phải cảm nếm”.
Ngoài nỗi cô đơn, các linh mục còn cảm thấy bị cám dỗ lỗi đức khiết tịnh khi gặp những chuyện buồn phiền, những hoàn cảnh thất vọng. Vậy thì đừng để mình phải sống trong buồn phiền đau khổ, và cũng đừng gây nên đau khổ buồn phiền cho anh em khiến họ có thể phải sa ngã, và như thế chúng ta có phần trách nhiệm trong sự sa ngã của anh em. Một khi anh em linh mục thực sự yêu thương nâng đỡ nhau thì không một thứ tình cảm nào có thể chen vào làm hại được họ.
2.3. Tình huynh đệ linh mục đối với việc xây dựng Hội Thánh và công tác tông đồ
Tình yêu thương huynh đệ không những có một tầm quan trọng rất lớn đối với đời sống các linh mục, mà còn đối với việc xây dựng Hội Thánh và công tác truyền giáo. Bản chất của Hội Thánh là mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ. Với tư cách đó, Hội Thánh là bí tích và khí cụ Chúa dùng để quy tụ muôn dân nước thành một cộng đoàn hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau trong tình huynh đệ. Hội Thánh luôn năng động và không ngừng phát triển như hạt cải, như tấm men, như hat muối, như ánh sáng. Để có thể quy tụ muôn dân, trước hết, Hội Thánh phải tự thể hiện như một cộng đoàn hiệp thông và hiệp nhất. Chính tình huynh đệ giữa các linh mục là yếu tố quan trọng góp phần vào công trình xây dựng mối hiệp thông trong Hội Thánh, như Đức Gioan Phaolô II đã khẳng định trong Tông huấn Pastores dabo vobis, số 16: “Linh mục là tôi tớ của Hội Thánh xét như là hiệp thông, bởi vì trong sự hiệp nhất với giám mục và mối liên kết chặt chẽ với linh mục đoàn, linh mục xây dựng sự hiệp nhất của cộng đoàn Hội Thánh trong sự hoà điệu của nhiều ơn gọi, nhiều đặc sủng và nhiều hình thức phục vụ khác nhau”.
Ngoài việc xây dựng Hội Thánh, tình huynh đệ linh mục còn mang một giá trị truyền giáo không thể chối cãi được, như lời Đức Giêsu đã nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Quả thế, đức ái huynh đệ tự nó có giá trị truyền giáo, vì nó là dấu chỉ để mọi người nhận biết chúng ta là môn đệ Đức Kitô và nhờ đó họ dễ dàng đón nhận Ngài, khi họ nhìn thấy tình yêu của Ngài được thể hiện nơi chúng ta.
Khi sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng, Chúa sai họ đi từng hai người một: truyền giáo với tư cách là cộng đoàn huynh đệ. Như các môn đệ ngày xưa được sai đi loan báo Tin Mừng từng hai người một, các linh mục cũng thi hành sứ vụ tông đồ trong tình huynh đệ, hiệp nhất, yêu thương, nâng đỡ và cộng tác. Tông đồ không phải là việc cá nhân riêng rẽ, nhưng là việc của Hội Thánh, của nhiều người cùng tham gia.
Cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên tại Giêrusalem nổi tiếng về tình huynh đệ, được mọi người chú ý và ca tụng, nhờ đó cộng đoàn mỗi ngày gia tăng sức thu hút và số người trở lại đạo. Tình yêu thương đi liền với lời rao giảng khiến cho lời rao giảng mang tính thuyết phục cao. Huấn thị của Bộ Tu sĩ về Đời sống Huynh đệ trong Cộng đoàn Congregavit nos in unum Christi amor, số 2, đã viết: “Mục đích việc tông đồ là đưa nhân loại trở lại hiệp nhất với Thiên Chúa và hiệp nhất với nhau qua đức ái thần linh. Đời sống huynh đệ cộng đoàn, một biểu lộ của sự hiệp nhất hình thành bởi tình yêu Thiên Chúa, ngoài việc là một chứng từ cốt yếu của việc loan báo Tin Mừng, còn có ý nghĩa lớn lao đối với hoạt động tông đồ cũng như đối với mục đích tối hậu của nó. Chính từ điểm này mà sự hiệp thông huynh đệ của cộng đoàn tu trì rút ra được sức mạnh như là dấu chỉ và phương tiện. Thực vậy, sự hiệp thông huynh đệ vừa là khởi điểm vừa là đích điểm của sứ vụ tông đồ”.
Sự hiệp thông huynh đệ giữa các linh mục tự nó đã là một tác vụ tông đồ, vì nó đóng góp trực tiếp vào việc rao giảng Tin Mừng. Trong hồi ký Những giai đoạn đời tôi, một tác giả thuật lại rằng một số nữ tu người Pháp bị trục xuất khỏi quê hương và đã tới định cư tại Anh quốc, nơi vùng có đa số dân theo tin lành và đã làm cho nhiều người trong vùng trở lại Công giáo, mặc dù các chị không giảng đạo. Chính cuộc sống của các nữ tu trong tình huynh đệ, trong vui tươi và cầu nguyện đã là một bài giảng hùng hồn. Có thể nói đời sống huynh đệ không phải là một “bổ túc” cho sứ vụ tông đồ, nhưng là một yếu tố nòng cốt. Đời sống huynh đệ cũng quan trọng như đời sống tông đồ. Nhiều người trở lại đạo không phải nhờ nghe những bài giảng hay, nhưng nhờ nhìn thấy cuộc sống huynh đệ của cộng đoàn dân Chúa. Đó là một chứng từ hùng hồn có sức đánh động nhiều người ngày nay.
Một câu nói nổi tiếng của Đức Giáo hoàng Phaolô VI trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi về việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới ngày nay, số 41, thường được nhắc đi nhắc lại như châm ngôn: “Con người ngày nay tin vào các chứng nhân hơn là các thầy dạy, mà nếu họ tin vào các thầy dạy là vì những người này đồng thời cũng là những chứng nhân”. Do đó, các linh mục không thể viện dẫn lý do bận lo việc tông đồ để biện minh cho sự khiếm khuyết trong việc thực thi tình huynh đệ đối với nhau.
Việc rao giảng Tin Mừng bằng đời sống bác ái huynh đệ càng trở nên có giá trị cao khi mà thế giới chúng ta đang sống là một thế giới đang bị chia rẽ và xâu xé bởi ích kỷ và hận thù. Tình huynh đệ linh mục có giá trị đặc biệt trong những miền truyền giáo, vì nó tỏ ra cho thế giới, nhất là thế giới ngoài Kitô giáo, thấy tính chất mới mẻ của Kitô giáo, đó là đức ái có khả năng thắng vượt mọi phân rẽ do chủng tộc, màu da và văn hoá.
Cuối cùng, thời đại chúng ta sống đang bị ảnh hưởng bởi một nền văn hoá phản Tin Mừng với sự lan tràn của chủ nghĩa cá nhân hoặc sự thống trị của chủ nghĩa độc tài. Trong một bối cảnh văn hoá như thế, tình huynh đệ và sự hiệp nhất giữa các linh mục ngày càng trở thành chứng từ sống động và đầy sức thuyết phục. Nơi nào chủ nghĩa cá nhân lan tràn thì các linh mục được mời gọi trở thành dấu chỉ có tính ngôn sứ cho khả năng kiến tạo tình huynh đệ và liên đới trong Đức Kitô. Nơi nào chủ nghĩa độc tài đang bành trướng thì các linh mục được mời gọi trở thành dấu chỉ cho sự tôn trọng và cổ vũ quyền con người.
Tóm lại, đời sống linh mục có phong phú và mang lại hoa quả tốt đẹp cho công tác truyền giáo của Giáo Hội hay không, điều đó tuỳ thuộc rất nhiều vào phẩm chất của đời sống huynh đệ. Tình huynh đệ càng nồng nhiệt thì sứ điệp rao giảng càng đáng tin cậy, vì Hội Thánh là bí tích của sự kết hiệp giữa con người với Thiên Chúa và với nhau. Hiệp thông với nhau trong tình huynh đệ linh mục cũng là một ngôn ngữ mới trong công cuộc tân Phúc Âm hoá giữa thời đại mới, như lời Đức Gioan Phaolô II đã nói trong Tông huấn Pastores dabo vobis, số 18: “Ngày nay, một cách đặc biệt, trách nhiệm mục vụ mà ưu tiên là “công cuộc tân Phúc Âm hoá” là trách nhiệm của toàn thể Dân Chúa và đòi hỏi một nhiệt tình mới, những phương pháp mới và một ngôn ngữ mới dành cho việc loan báo và làm chứng về Tin Mừng. Đòi buộc các linh mục phải triệt để và hoàn toàn đắm mình trong Mầu nhiệm Chúa Kitô và phải có khả năng thể hiện một lối sống mục vụ mới, đánh dấu bằng một sự hiệp thông sâu xa với đức giáo hoàng, với các giám mục và giữa các linh mục với nhau, và bằng một sự hợp tác sai hoa trái với giáo dân, tôn trọng và thăng tiến các vai trò khác nhau, các đặc sủng và các thừa tác vụ giữa lòng cộng đoàn Hội Thánh”. Và ở số 43, ngài nói tiếp: “Ngày nay, hiệp thông là một trong những dấu chỉ hùng hồn nhất và là một trong những đường lối hữu hiệu nhất của sứ điệp Tin Mừng”.
———————————————————–
[1] L. DE CANDIDO, “Fraternité”, trong Dictionnaire de la vie spirituelle, Cerf, 1983.
[2] PIÔ NGÔ PHÚC HẬU, Nhật ký truyền giáo, Nhà Xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, tr. 141.
+ Gm. Matthêu Nguyễn Văn Khôi