Vài suy nghĩ sau một năm xảy ra động đất sóng thần ở Nhật Bản
Dường như Thiên Chúa đánh giá sự độc lập cao hơn can thiệp, ngay cả trong thảm họa
Trước ngày kỷ niệm một năm xảy ra động đất và sóng thần tàn phá miền đông bắc Nhật ngày 11-3 năm ngoái, tôi trở lại thăm nơi này sau một vài tháng.
Lần tôi có mặt ở đó gần đây nhất, người ta bắt đầu dọn vệ sinh nhưng các thị xã vẫn còn đầy các đống đổ nát. Hiện nay người ta đã lau dọn gần hết và chất thành đống gọn gàng và che chắn bằng các tấm nhựa, như thể các bà lao công lớn tuổi từ các khu dân cư lân cận được đưa đến đây dọn dẹp hàng ngày.
Vì một lý do nào đó mà những vùng bằng phẳng, lác đác đây đó một hai tòa nhà đang chờ đập phá, trông kỳ quái hơn các nơi bị tàn phá vì ít ra thì các nơi bị tàn phá cũng cho thấy có người từng sống ở đó. Hiện nay nơi này trông có vẻ như chưa hề có người ở, nhất là lúc tôi ở đó, tuyết bao phủ các nền nhà còn sót lại của những tòa nhà bị tàn phá.
Tôi tá túc qua đêm tại một trong hai tòa nhà duy nhất ở trung tâm Otsuchi vẫn còn dùng được sau khi được sửa lại. Ở đây tựa hồ như con người đã bị tuyệt chủng.
Đối với một tín đồ thì cảnh tượng ấy khiến họ nghi ngờ. Thiên Chúa ở đâu khi rất nhiều thứ bị hủy diệt như thế? Chúa sẽ ở đâu khi mà rất có khả năng con người theo chúng ta biết sẽ bị tuyệt chủng?
Một mục sư làm chương trình truyền hình về tôn giáo ở Mỹ từng nói các trận bão táp tàn phá gần đây ở nước này xảy ra là do Kitô hữu thiếu cầu nguyện. Dường như ông ta tin rằng Thiên Chúa cần số lượng lời cầu nguyện để ngăn ngừa thiên tai.
Vào thời điểm xảy ra thảm họa ở Nhật, có những con người hèn hạ khẳng định rằng thảm họa này dù xảy ra theo cách nào đi nữa, cơ bản là do thần linh tức giận muốn trừng phạt những người chưa đủ tốt. Nói cách khác, để xử lý những người chưa đủ tốt, vị thần này đã dìm chết con cái. Nhiều người tự mãn quả quyết biện hộ cho quái vật đó còn tự nhận mình là Kitô hữu. Trong trường hợp đó, phạm trù thần học dành cho những điều họ nói đó là báng bổ.
Có người còn có suy nghĩ khá trí tuệ hơn và còn có thể biện giải được khi cho rằng cái chết của gần 20.000 người là bằng chứng không có Thiên Chúa.
Tuy nhiên, những người hoài nghi này không thể hiện quan điểm rõ ràng. Cái chết của nhiều người như thế chỉ là một phần nhỏ trong tỷ lệ người chết. Chỉ mới cách đây vài tuần, các nhà địa chấn học cập nhật dự đoán 70% khả năng xảy ra một trận động đất có cường độ tương tự và chắc chắn số người chết và sự tàn phá lớn hơn trong khu vực Tokyo trong bốn năm nữa. Vào năm 1923, một trận động đất và sóng thần làm thiệt mạng 140.000 người trong khu vực Tokyo-Yokohama. Có nhiều người chết ở Nhật hay ở những nơi khác không phải là chyện gì mới lạ.
Nhưng không cần nhấn mạnh đến các con số nếu có người muốn dùng số người chết để lập luận không có Thiên Chúa. Cái chết của 20.000 người không rõ danh tánh trên các bờ biển Thái Bình Dương trở nên không đáng khi so với một cái chết gần nhà hơn nhiều đó là cái chết của tôi.
Tôi sẽ chết và thế giới sẽ kết thúc đối với tôi. Cái chết của tôi có thể sẽ không xảy ra trong một trận thiên tai mà quốc tế đưa tin, nhưng không kém bất hạnh đối với tôi. Có chắc rằng việc tôi và mọi người khác sẽ chết chứng tỏ không có Thiên Chúa không?
Qua những lời phàn nàn của họ, những người phủ nhận nghĩ rằng nếu có Thiên Chúa thì ngài nên ngăn chặn thảm họa. Họ không làm rõ điểm giới hạn trong trách nhiệm này nằm ở chỗ nào. Thiên Chúa có nên ngăn chặn thiên tai cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người? Hàng chục ngàn người? Một người? Hay trời sẽ đổ mưa vào ngày tôi dự định đi picnic là việc mà Chúa nên ngăn chặn?
Trong bất kỳ trường hợp nào thì vị thần mà họ thừa nhận đều là một người bảo vệ có thể và nên lèo lái thế giới để mang lại những kết quả theo mong muốn của chúng ta. Vì thảm họa là bằng chứng cho thấy sự lèo lái thế giới đó là không có, nên vị thần đó không tồn tại.
Tôi đồng ý với những người vô thần này và tôi cũng không tin vào vị thần mà họ phủ nhận. Tôi cho rằng hầu hết những người có đức tin đều làm như thế. Nhưng bằng chứng là một vị thần có ảnh hưởng trên thế giới không tồn tại có chứng minh được, chẳng hạn một Thiên Chúa giàu lòng yêu thương cũng không tồn tại?
“A ha! Nhưng không lẽ một Thiên Chúa giàu lòng yêu thương lại làm cho các thảm họa xảy ra?” Không. Thảm họa xảy ra là do thiên nhiên hay thường hơn là do con người.
Nếu Thiên Chúa yêu thương muốn chúng ta cũng là những người yêu thương, thì tự do là điều cần thiết. Tình yêu không thể ép buộc. Để yêu thương, chúng ta cũng phải biết đến ghen ghét, gây đau khổ và ngoảnh mặt làm ngơ. Nếu không có những cái đó, sẽ không thể có được tình yêu. Ảnh hưởng của Thiên Chúa sẽ ngăn ngừa đau khổ trong cuộc đời chúng ta, nhưng cũng ngăn ngừa việc chúng ta có thể là những người biết yêu thương hơn là những con rối. Tình yêu của Thiên Chúa tôn trọng quyền tự do.
Dường như quan hệ tình thương của Thiên Chúa với môi trường cũng cho Thiên nhiên có “quyền tự do” riêng về quá trình địa lý, vật lý và tiến hóa. Không có sự điều khiển của Thiên Chúa trong việc ngăn trái đất tránh tình trạng như hiện nay. Cũng không có chuyện Thiên Chúa chi phối việc con người phòng chống thảm họa.
Thiên Chúa sẽ không sắp đặt lại thế giới cho phù hợp với chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra những gì thích hợp với chúng ta thật sự và vĩnh viễn, và rồi làm việc trong thế giới đó để làm cho điều đó xảy ra. Và điều thật sự phù hợp với chúng ta thường không phải là những gì liên quan động cơ chính trị hay kinh tế ngắn hạn.
Vì chúng ra tin rằng tình yêu của Thiên Chúa sẽ tồn tại vượt trên sự chết và hủy diệt, chúng ta có thể nhìn những việc này với vẻ buồn bã, nhưng cũng đầy hy vọng.
Linh mục William Grimm sống ở Tokyo, chịu trách nhiệm xuất bản cho UCA News, và là cựu trưởng ban biên tập của tờ tuần báo Công giáo nhật Katorikku Shimbun.
Theo Ucanews