Giáo Hội công giáo Anh và Thế Vận Hội Olympic tại Luân Đôn
Giáo Hội công giáo Anh và Thế Vận Hội Olympic tại Luân Đôn
Phỏng vấn Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám Mục Westminster, kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Anh quốc, về phần đóng góp của Giáo Hội công giáo trong việc tổ chức ngăn chặn nạn buôn người nhân dịp Thế vận hội Olympic tại Luân Đôn
Ngày 8-5-2012 đã có cuộc họp báo tại Roma về đề tài ”nguy cơ khủng bố và nạn buôn bán mại dâm trong dịp Thế Vận Hội Olympic” khai diễn tại Luân Đôn vào ngày 27 tháng 7 tới đây và kết thúc ngày 12 tháng 8 năm 2012. Cuộc họp báo đã do Văn phòng chính trị di dân của Hội Đồng Giám Mục Anh quốc và vùng Galles cùng tổ chức với Tòa Đại Sứ Anh quốc cạnh Tòa Thánh và sự tham gia của Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình. Phát biểu trong dịp này Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, khẳng định rằng nguy cơ của việc buôn phụ nữ và trẻ em cho kỹ nghệ khai thác tình dục trong thời gian Thế Vận Hội Olympic diễn ra tại Luân Đôn là thực tại cụ thể. Đức Hồng Y nói: “Trong những ngày này, Anh quốc đang ngày càng gia tăng các biện pháp an ninh để ngăn ngừa các hành động khủng bố phá hoại đồng thời với Thế Vận Hội. Chúng tôi yêu cầu chính quyền Anh quốc cũng đưa ra các biện pháp giúp ngăn chặn việc buôn bán phụ nữ và trẻ em cho việc khai thác tình dục”. Đức Hồng Y cho rằng cần phải gia tăng sự cộng tác rộng rãi hơn giữa các Giáo Hội, các cơ cấu quốc gia, và các lực lượng trật tự an ninh. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Mặc dù có sự dấn thân của cộng đoàn quốc tế và các nỗ lực từ phía xã hội dân sự, hiện tượng này tiếp tục làm nảy sinh ra hàng triệu nạn nhân. Cần phải chống lại nạn nghèo túng và chậm phát triển, là môi trường mầu mỡ cho các tay buôn người”.
Theo tổ chức Lao Động Quốc Tế trên thế giới hiện nay có 2,4 triệu nạn nhân của nạn nô lệ mới, trong đó 79% bị khai thác tình dục. Các nạn nhân đến từ Á châu, Đông Âu và Phi châu. Đức Hồng Y kết luận: ”Tôi yêu cầu tất cả những người tham dự thế Vận Hội Olympic chú ý và tỉnh thức đối với sự hiện diện của các kẻ buôn người, và để cho các nạn nhân biết rằng có sự hiện diện của Giáo Hội, với mạng lưới các dòng tu nam nữ, sẵn sàng trợ giúp những người muốn thoát khỏi các tình trạng nguy hiểm này”.
Ngọn đuốc Olympic đã được thắp lên ngày 12-5-2012 tại Hy Lạp và sẽ được 800 lực sĩ thay phiên nhau chạy bộ đem về Luân Đôn. Đã có 10.500 lực sĩ thuộc 202 quốc gia ghi danh tham dự các cuộc tranh tài thuộc hơn 100 bộ môn khác nhau, và đã có hơn 8 triệu vé tham dự được bán ra. Làng Thế Vận Hội có 17.230 giường được phân phối trong 3.300 căn hộ với tất cả các tiện nghi hiện đại và vườn riêng.
Giáo Hội công giáo tại Anh quốc đã cùng với tổ chức mật vụ Anh phát động chiến dịch gây ý thức, bằng cách huy động 500 thiện nguyện viên phân phát các tập sách nhỏ có số điện thoại xanh bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, để cho các nạn nhân có thể liên lạc. Đức Cha Patrick Lynch, Giám Mục phụ tá Tổng Giáo Phận Southwark, đặc trách dự án, cho biết từ vài tuần qua Giáo Hội công giáo đã cho đăng tải một loạt các bài viết thông tin trên các nhật báo và nguyệt san công giáo. Các giáo xứ công giáo tại Luân Đôn sẽ là điểm quy chiếu cho bất cứ ai muốn thoát ra khỏi mạng lưới của kỹ nghệ tình dục. Thế Vận Hội Olympic là dịp để bắt đầu lộ trình chống lại hiện tượng khai thác tình dục này.
Ông Kevin Hyland, đặc trách phân bộ chống nạn buôn bán nô lệ của chính quyền Anh, cho biết trong suốt thời gian diễn ra Thế Vận Hội tại Luân Đôn, tổ chức mật vụ Anh sẽ luôn túc trực để can thiệp cùng với các dòng tu công giáo. Rất tiếc là càng ngày càng có nhiều trẻ vị thành niên tại Anh là nạn nhân của việc buôn người này. Tại Luân Đôn có khoảng 8.000 trẻ em bị khai thác cho kỹ nghệ tình dục. Nhưng thực ra con số còn cao hơn nhiều.
Nữ tu Eugenia Bonetti, thuộc dòng Đức Bà An Ủi, đặc trách văn phòng chống buôn người của Liên Hiệp các dòng nữ Italia, đã nêu bật sự cần thiết phải có các nơi ẩn trú an toàn giúp các nạn nhân trốn khỏi nanh vuốt của các tay anh chị tổ chức buôn người. Mạng lưới cộng tác chặt chẽ giữa các dòng tu, Caritas và các tổ chức dân sự tại Italia hiện nay là một mô thức gương mẫu. Chị Bonetti cũng nhắc cho mọi người biết rằng sở dĩ nạn buôn người bành trướng và vẫn lan tràn vì có nhu cầu gia tăng tại các nước Âu châu. Cần phải gây ý thức cho cả các khách hàng ấy nữa, để họ hiểu rằng không thể bỏ tiền ra mua phẩm giá con người cho các đam mê hưởng thụ khoái lạc của họ.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám Mục Westminster, kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Anh quốc, về phần đóng góp của Giáo Hội công giáo cho việc tổ chức ngăn chặn nạn buôn người nhân dịp Thế vận hội Olympic tại Luân Đôn.
Nhân dịp này Giáo Hội công giáo đã được các Giáo Hội Kitô trao cho nhiệm vụ phối hợp Ủy ban đại kết có tên goi là ”Hơn là huy chương Vàng”, nhằm ngăn chặn tệ nạn buôn bán người cho kỹ nghệ tình dục trong dịp Thế Vận Hội tới đây tại Luân Đôn. Ngoài ra Ủy ban cũng dấn thân trong việc linh hoạt các đường phố thủ đô, nơi đã xảy ra các vụ bạo động hồi tháng 7 năm 2011. Giáo Hội công giáo hiện chiếm 9% trên tổng số hơn 52 triệu dân, trong khi Giáo Hội Anh giáo chiếm 20%.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Thế Vận Hội Olympic sẽ diễn ra tại thủ đô Luân Đôn có ý nghĩa gì đối với Giáo Hội công giáo?
Đáp: Nó là một địp hiếm có, vì Thế Vận Hội Olympic đã chỉ trở lại với Anh quốc sau 44 năm. Do đó, chúng tôi đã muốn việc chuẩn bị được thực hiện với sự công tác của các Giáo Hội Kitô khác trong thủ đô Luân Đôn, nhằm đối phó với các thách đố cụ thể chưa từng xảy ra. Tôi hãnh diện về Ủy ban đại kết ”Hơn là huy chương vàng”, trong đó Giáo Hội công giáo nắm giữ vai trò chính.
Hỏi: Các Giáo Hội Kitô phát động chiến dịch phổ biến sứ điệp như thế nào?
Đáp: Chúng tôi hiệp nhất với nhau để nói về thể thao hòa bình trong suốt thời gian diễn ra Thế Vận Hội Olympic bắt đầu từ ngày mùng 8 tháng 6 tới đây. Và chúng tôi sẽ chuẩn bị với một đêm canh thức cầu nguyện. Từ phía Giáo Hội Công Giáo chúng tôi đã phát động trong các trường học công giáo một chương trình giáo dục đặc biệt cho việc chuẩn bị.
Hỏi: Thế giới trẻ đã đáp ứng như thế nào thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Nhiều bạn trẻ đã tiếp nhận sự tương đương giữa các giá trị của Thế Vận Hội Olymnpic với đức tin kitô. Chẳng hạn như sự song song giữa việc tập luyện và thành công trong thể thao thể dục và việc chuẩn bị tinh thần cần thiết để đạt được thiện ích không phải chỉ cho bình diện vật lý, mà cho cả linh hồn con người nữa. Đây là một sứ điệp sẽ được tổ chức thể thao Gioan Phaolô II quảng bá để giúp người trẻ ý thức được sự gắn bó liên tục giữa sinh hoạt thể thao thể dục, các giá trị tinh thần cao qúy và sự tùy thuộc nhau trong xã hội; chẳng hạn như giúp các thành viên các băng đảng bụi đời từ bỏ bạo lực bằng cách gia nhập một đội thể thao thể dục hay một bộ môn nào đó.
Hỏi: Trong các đường phố thủ đô Luân Đôn Ủy ban đại kết phối hợp có đưa ra các sinh hoạt đặc biệt nào không thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Các ủy ban công dân thủ đô Luân Đôn, bao gồm giới lãnh đạo của các cộng đoàn, trong đó có rất nhiều giáo xứ, liên minh với Ủy ban ”Hơn là mề đai vàng” đang nỗ lực tìm thực hiện một thái độ sống hòa bình trên các đường phố. Chúng tôi đã tập trung sự chú ý vào việc xây dựng hòa bình trên các đường phố, bằng cách thay đổi chúng. Tư tưởng này nảy sinh từ sáng kiến của một cặp vợ chồng công giáo có đứa con 16 tuổi bị một băng đảng bụi đời giết hồi năm 2007. Và chúng tôi chọn con lộ chính Hackney, trong khu vực diễn ra Thế Vận Hội Olympic, được biết tới như là ”dặm tử thần”, bằng cách tổ chức các cuộc tuần hành cho học sinh các trường công giáo, và khích lệ các chủ hàng quán gia nhập chương trình an ninh. Đã khôog có tương quan giữa người trẻ và các chủ hàng quán. Điều này tạo ra sự cô đơn và bất ổn. Vì thế trước hết cần phải gia tăng mức độ tương quan giữa họ với nhau để cải tiến tình hình.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, các giáo xứ nắm giữ vai trò nào trong chiến dịch thăng tiến hòa bình trên các đường phố Luân Đôn này?
Đáp: Các giáo xứ sẽ mở rộng cửa tiếp đón thân nhân cũng như các khán giả của các lực sĩ điền kinh thể dục thể thao tranh tài trong Thế Vận Hội. Còn hơn thế nữa, nếu bạn muốn hiểu biết thủ đô Luân Đôn, thì phải vào một nhà thờ công giáo trong khi có Thánh Lễ, và các bạn sẽ tìm thấy các tín hữu của ít nhất 50 quốc gia khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, mỗi người không bị lẻ loi, nhưng chìm ngập trong cuộc sống riêng của cộng đoàn mình, đồng thời cũng có tương quan với các người khác. Và đó là mô thức chúng tôi muốn đưa ra để giúp bẻ gẫy sự lẻ loi cô đơn.
(Avvenire 9-5-2012)
Linh Tiến Khải