Tôi muốn biết lý do tại sao các linh mục và tu sĩ nam nữ không thể kết hôn ?

Thứ tư - 04/12/2024 22:26 160 0


Tôi muốn biết lý do tại sao các linh mục và tu sĩ nam nữ không thể kết hôn ?


Câu hỏi của Marta Meroni :

Tôi muốn biết lý do tại sao các linh mục và tu sĩ nam nữ không thể kết hôn ?

Cha Valerio Mauro, giáo sứ Thần học Bí tích, trả lời:

Mặc dù câu hỏi của độc giả có vẻ đơn giản, nhưng để có một câu trả lời đầy đủ sẽ cần nhiều không gian hơn so với những gì được cho phép trong chuyên mục này. Trước hết, cần phân biệt giữa đời sống tu trì, dành cho các nam nữ tu sĩ, với đời sống linh mục. Trên thực tế, đây là hai hình thức khác nhau tùy theo ơn gọi của mỗi người.

Các nam nữ tu sĩ là những người sống "đời sống thánh hiến", qua đó, với mong muốn theo chân Chúa Giêsu Kitô chí ái, họ tận hiến cuộc đời mình cho Ngài trong một sự gắn bó triệt để với đức ái dành cho Thiên Chúa và tha nhân, thông qua những gì mà truyền thống gọi là các lời khuyên Phúc Âm.

Qua các lời khấn Khó nghèo, Khiết tịnh và Vâng phục, những người sống đời thánh hiến hướng đến việc đồng hình hóa cuộc sống của họ với cuộc sống của Chúa Giêsu. Ơn gọi chung của Bí tích Rửa tội được họ sống theo hình thức Kitô học triệt để. Đặc biệt, với lời khấn khiết tịnh, họ làm chứng rằng chỉ có Thiên Chúa mới có thể lấp đầy trọn vẹn khát vọng yêu thương vốn có trong trái tim con người, đồng thời cho thấy trước tình trạng mà tất cả chúng ta sẽ được hưởng trong Nước Trời vĩnh cửu. Do đó, việc sống độc thân là một yếu tố nội tại trong bậc sống của họ. Có thể nói rằng, theo định nghĩa, các tu sĩ nam nữ là những người quyết định chọn không kết hôn để đáp lại một ơn gọi cá nhân. Hình thức sống này trong Giáo hội có thể bắt nguồn từ Giáo hội sơ khai, theo tư tưởng của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, trong đó việc sống độc thân được coi là hệ quả trực tiếp của việc Chúa Giêsu Kitô sắp trở lại. Cho đến ngày nay, đời sống thánh hiến vẫn mang đậm nét cánh chung, báo trước Nước Trời tương lai.

Trường hợp của các linh mục thì khác. Đối với các thừa tác viên trong Giáo hội, chúng ta đối mặt với một quá trình lịch sử không dễ giải thích, trong đó sự hiểu biết trước của người nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích các nguồn Kinh Thánh và lịch sử. Có khả năng các tông đồ đã kết hôn, như được chứng minh qua câu chuyện chữa lành cho mẹ vợ của thánh Phêrô. Hơn nữa, đây còn là thực tế phổ biến của người Do Thái thời Chúa Giêsu: hôn nhân và sinh sản là đáp ứng lệnh truyền của Thiên Chúa trong việc tạo dựng con người. Trong các thư của các tông đồ, một trong những điều kiện để được trở thành thừa tác viên là người đó chỉ kết hôn một lần. Tuy nhiên, qua dòng thời gian, tình huống phức tạp và đa dạng hơn đã xuất hiện, mà tôi sẽ cố gắng tóm tắt cách đơn giản. Giáo hội dần khẳng định và thực thi việc cấm kết hôn sau khi đã lãnh nhận chức thánh, đây được xem như một ấn tích vĩnh viễn trên đời sống của thừa tác viên. Tuy nhiên, các truyền thống Đông phương và Tây phương lại khác nhau. Ở phương Đông, cho đến nay vẫn cho phép những người nam đã kết hôn thụ phong linh mục, cho cả phó tế lẫn linh mục. Đối với chức giám mục, việc chọn các giám mục là những người sống độc thân, như các tu sĩ, đã trở thành thông lệ. Trái lại, ở phương Tây, sự lựa chọn lại hướng về những người độc thân: theo các nghiên cứu lịch sử có uy tín, bắt đầu từ thế kỷ thứ IV, tập tục này dần dần biến thành luật giáo hội. Cho đến giữa thế kỷ XX, lý do chính được đưa ra là việc sống độc thân "thuận tiện" hơn cho việc thi hành chức vụ linh mục. Huấn quyền gần đây, từ Đức Piô XII đến Đức Phaolô VI, đã đặc biệt nhấn mạnh đến giá trị của đời sống độc thân linh mục. Cách riêng, đối với Đức Gioan Phaolô II, điều kiện sống độc thân được coi là gắn liền với hình ảnh người linh mục, bởi vì qua việc thụ phong, linh mục không chỉ được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là đầu và là mục tử, mà còn với hình ảnh Chúa Kitô là phu quân (xem Pastores dabo vobis, 29). Cần phải thừa nhận rằng, điều này đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa các linh mục đã kết hôn ở phương Đông và các linh mục độc thân ở phương Tây. Nếu họ cùng chia sẻ một thừa tác vụ, thì đời sống độc thân không thể là giá trị nội tại của việc thụ phong linh mục. Ngược lại, nếu mối quan hệ chặt chẽ này được khẳng định, từ đó suy ra rằng chúng ta đang đứng trước hai hình thức thi hành chức vụ linh mục khác nhau. Tôi nhận thấy mình đã đi xa hơn yêu cầu của độc giả, mở ra nhiều câu hỏi hơn là đưa ra câu trả lời.

Ngày nay, có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Điều này cũng phụ thuộc vào sự hiểu biết mới mẻ về hôn nhân, coi hôn nhân là bí tích trọn vẹn, trong đó tình yêu vợ chồng được thông phần vào đức ái của Chúa Kitô trong mọi khía cạnh của nó. Đối diện với tình yêu duy nhất và hỗ tương này là tình yêu dâng hiến dành cho Chúa Kitô, như được thể hiện nơi các tu sĩ nam nữ. Đối với các linh mục, trong thời điểm suy nghĩ hiện tại trong Giáo hội, chúng ta có thể bắt đầu từ thực tế rằng đời sống độc thân ít nhất là "thuận tiện" cho việc thi hành chức vụ linh mục theo cách thức chúng ta đang thấy: đức ái mục vụ đòi hỏi một sự tận tâm đếm mức mà chỉ có thể được sống trọn vẹn trong đời sống độc thân. Tuy nhiên, như đã nói, đối với giáo huấn gần đây, sống độc thân không chỉ là sự thuận tiện mà còn là một liên kết sâu sắc hơn, chạm đến bản thân của thừa tác trong việc đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Mặc dù đã có nhiều suy tư và làm rõ, nhưng vẫn còn chỗ cho việc nghiên cứu sâu hơn và đáp ứng những thách thức của lịch sử.

Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo hội đến những điều mới mẻ của Tin Mừng mà chúng ta không nên sợ hãi. Quá khứ đã như vậy và tương lai cũng sẽ như vậy, trên con đường chung hướng tới Nước Trời.


 

Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng

Nguồn tin: https://www.hoangcatholic.com

 Tags: giáo lý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây