ĐTC cầu nguyện cho các trẻ em Ucraina - nạn nhân của sự kiêu hãnh của người lớn

Thứ tư - 16/03/2022 07:59 332 0
 
Một búp bê bị bỏ lại cạnh chiếc xe đầy vết đạn ở thành phố Irpin, Ucraina  (AFP or licensors)


Vào cuối cuộc gặp gỡ với 2.000 học sinh của trường "La Zolla" ở Milano, Đức Thánh Cha đã mời các em cầu nguyện cho các trẻ em, các thiếu niên Ucraina đang sống dưới cảnh bom đạn của chiến tranh.
 

Cầu nguyện cho các trẻ em Ucraina


"Lạy Chúa Giêsu, xin nhìn những đứa trẻ này, những thiếu niên này: xin nhìn các em, bảo vệ các em. Các em là nạn nhân của sự kiêu ngạo của những người lớn chúng con. Lạy Chúa Giêsu, xin chúc lành cho những đứa trẻ này và bảo vệ chúng."


Đức Thánh Cha đã cầu nguyện và mời gọi các học sinh của trường "La Zolla" cầu nguyện "cho những bé trai, bé gái, các thiếu niên nam nữ đang sống dưới bom đạn, những người chứng kiến ​​cuộc chiến khủng khiếp này, không có gì để ăn, phải rời bỏ nhà cửa, tất cả mọi thứ." 
 

Trước khi cầu nguyện, Đức Thánh Cha mời các học sinh nghĩ đến các bạn đồng trang lứa đang sống trong cảnh chiến tranh, những người đang đau khổ ở Ucraina.. Ngài nói: "Họ cũng như chúng ta, như các con: sáu, bảy, mười, mười bốn tuổi. Các con còn cả một tương lai phía trước, một an sinh xã hội để lớn lên trong một xã hội hòa bình. Ngược lại, những bạn nhỏ này, thậm chí là những em bé rất nhỏ, phải chạy trốn những quả bom. Họ đang đau khổ, rất nhiều. Với cái lạnh ở đó ... Chúng ta hãy suy nghĩ. Mỗi người trong chúng ta hãy nghĩ về những em nhỏ này, những thiếu niên nam nữ này. Hôm nay họ đang đau khổ, hôm nay, cách đây ba ngàn cây số."


Đức Thánh Cha và các học sinh đã cùng đọc kinh Kính Mừng cầu xin Đức Mẹ che chở cho các trẻ em Ucraina.


Trò chuyện với ông bà


Trong bài nói chuyện với các học sinh, trước hết, nhận thấy có nhiều ông bà của các học sinh hiện diện trong cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha nói với các em rằng điều quan trọng đối với những người trẻ và các trẻ em là nói chuyện với ông bà.


Hiệp ước giáo dục giữa cha mẹ và giáo viên


Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhận định rằng trường của các em "với nguồn cảm hứng Kitô giáo là một thực tại quý giá cho miền đất Milano và cung cấp dịch vụ giáo dục được đánh giá cao với sự cộng tác của các gia đình." Ngài nhấn mạnh: "Điều quan trọng là phải xây dựng một cộng đồng giáo dục, trong đó, cùng với các giáo viên, cha mẹ có thể là những nhân vật chính trong sự phát triển văn hóa của con cái họ."
 

Đức Thánh Cha nói rằng đây là "hiệp ước giáo dục", cuộc đối thoại giữa phụ huynh và thầy cô, vì ích lợi của người trẻ, của trẻ em. Ngài lưu ý rằng hiệp ước này nhiều lần bị đổ vỡ, chúng ta cần luôn bảo vệ nó.


Sự chia sẻ


Đức Thánh Cha chia sẻ với các học sinh hai điều ngài suy tư trong lòng: sự chia sẻ và sự chào đón. Trước hết là chia sẻ. Đức Thánh Cha khuyên nhủ các em "đừng mệt mỏi khi trưởng thành cùng với những người sống bên cạnh các con: bạn bè ở trường, cha mẹ, các nhà giáo dục, bạn bè. Cần phải 'hợp sức', phát triển không chỉ về kiến ​​thức, nhưng còn tạo nên các liên kết để xây dựng một xã hội tương trợ và huynh đệ hơn. Bởi vì hòa bình, thứ mà chúng ta rất cần, được xây dựng cách thủ công thông qua sự chia sẻ." Đức Thánh Cha nhấn mạnh: "Không có máy móc nào tạo ra hoà bình. Hoà bình được tạo nên cách thủ công, bằng việc làm của tôi, bằng sự chia sẻ của tôi."
 

Sự chào đón


Nói về việc chào đón, Đức Thánh Cha nhận xét: "Thế giới ngày nay đặt ra nhiều rào cản giữa con người với nhau. Và kết quả của những rào cản là sự loại trừ, sự loại bỏ." Đức Thánh Cha lưu ý các học sinh rằng nếu ở trường học có bạn nào đó hơi lạ lạ, hơi buồn cười, hay mình không thích, đừng loại bỏ bạn ấy! Ngài nhấn mạnh: "Thậm chí đừng bắt nạt." Hãy luôn xây dựng những nhịp cầu, đừng loại bỏ ai cả! Bởi vì các cuộc chiến tranh bắt đầu từ sự loại bỏ. Kết quả của các rào cản là loại trừ, loại bỏ."
 

Những rào cản


Đức Thánh Cha nói tiếp: "Có những rào cản giữa các quốc gia, giữa các nhóm xã hội, nhưng cũng có những rào cản giữa con người với nhau. Và thường thì ngay cả chiếc điện thoại các con vẫn nhìn cũng trở thành bình phong cô lập các con trong một thế giới mà các con có trong tầm tay."  Và Đức Thánh Cha nói thêm: "Thật đẹp biết bao khi được nhìn vào mắt mọi người, lắng nghe lịch sử của họ và đón nhận căn tính của họ; kiến tạo, thông qua tình bạn, những cầu nối với các anh chị em thuộc các truyền thống, dân tộc và tôn giáo khác nhau. Chỉ khi làm như vậy, chúng ta mới xây dựng, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, một tương lai hòa bình và hy vọng." (CSR_1063_2022)
 

Tác giả bài viết: Hồng Thủy - Vatican News

Nguồn tin: https://www.vaticannews.va

 Tags: Giáo hội

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây