Vài suy nghĩ về việc đào tạo tri thức cho tu sĩ trong cuộc sống hôm nay

Thứ tư - 03/11/2021 08:01 1.936 0
 
 

 
Vài suy nghĩ về việc đào tạo tri thức cho tu sĩ trong cuộc sống hôm nay

Từ xa xưa, người ta đã biết nghiên cứu, tìm hiểu vạn vật trong vũ trụ để giải thích các hiện tượng tự nhiên, cũng như để ứng dụng những hiểu biết đó vào cuộc sống xã hội. Họ đã tìm mọi cách có thể để đạt đến những hiểu biết chung nhất “khả dĩ giúp họ biết rõ hơn về mình để có thể tiến xa hơn trong việc thể hiện chính mình”[1] trong cuộc sống thường ngày.

Người xưa không chỉ dành sự hiểu biết cho mình, mà còn biết thông đạt, biết lưu truyền những hiểu biết, những kinh nghiệm đó cho hậu thế. Dường như tham vọng đạt đến sự hiểu biết toàn vẹn về thực tại cuộc sống luôn là điều làm cho rất nhiều người bận tâm, bởi “đặc tính của lý trí con người là luôn biết tra hỏi nguyên do thực hữu của vạn vật”[2]. Lịch sử nhân loại đã chứng thực sự xuất hiện của nhiều nhân vật xuất chúng, với một tri thức sắc bén và sâu rộng về con người và cuộc sống xã hội loài người. Những hiểu biết này đã phục vụ rất nhiều cho sự cải tiến xã hội và sự thăng tiến phẩm giá con người. 

Như vậy, sự hiểu biết đầy đủ về thực trạng xã hội và môi trường sống là điều hết sức cần thiết, giúp con người có khả năng thích ứng và hòa nhập với môi trường sống cách dễ dàng. Do đó, con người, dù sống ở môi trường nào, cần phải có được ít nhất một nền tảng tri thức về cuộc sống xã hội đương thời của mình. Đối với những người có nhiệm vụ hướng dẫn người khác, điều này lại càng đòi hỏi gắt gao hơn, bởi lẽ khi không nắm rõ bối cảnh xã hội của mình, con người dễ dàng rơi vào tình trạng của “người mù dắt người mù” (x. Lc 6,39-42) và bước đi trong bóng tối của sự thiếu hiểu biết về cuộc đời.
 
Bài viết này sẽ trình bày một vài suy nghĩ sơ khởi về việc đào tạo tri thức cho các tu sĩ, linh mục tương lai trong những cộng đồng xã hội cụ thể mà họ sẽ dấn thân phục vụ để sống lý tưởng của mình giữa bối cảnh những môi trường xã hội rất đa dạng và phong phú hôm nay. Vẫn biết rằng đây là chủ đề không còn mới mẻ hay xa lạ gì. Phạm vi bài viết cũng chỉ là một trong những giọt nước giữa một đại dương của những công trình đồ sộ, bởi đã có rất nhiều tài liệu, văn kiện cũng như những nghiên cứu rất sâu sắc liên quan đến chủ đề này. Tuy nhiên, việc nhắc lại một vài điểm cơ bản về đào tạo trong bối cảnh xã hội hôm nay không làm giảm đi ý nghĩa thời sự và cấp thiết của nó.

Đối với các tu sĩ, linh mục là những người sẽ đảm trách sứ vụ rất lớn lao là dấn thân phục vụ, bên cạnh một nền tảng kiến thức vững chắc về đời sống tu đức, việc đào tạo và huấn luyện để có được một nền tảng tri thức trong cuộc sống xã hội là một trong những yêu cầu không thể thiếu, nếu không gọi là cấp thiết, bởi nhiệm vụ đặc thù của họ đòi hỏi một sự hiểu biết thấu đáo về cuộc đời và về con người. Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học, xuất bản năm 1998 viết: tri thức là “những điều hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội”
[3]. Riêng triết gia Aristote cho rằng: “tri thức được hình thành nhờ thế giới và trong đời sống hiện tại chứ không phải do kiếp trước nào”[4]. Chính trong cộng đồng xã hội, người ta có thể rút ra được những kinh nghiệm, những hiểu biết (hay còn gọi là tri thức) về thế giới và về con người. Hiểu theo nghĩa này, tri thức chính là những kinh nghiệm sống, là những tinh hoa của nhân loại đã được chắt lọc, đúc kết và được thông truyền từ đời này sang đời khác để làm kinh nghiệm sống cho thế hệ sau. Trong bối cảnh môi trường xã hội hôm nay, việc trang bị một hành trang tri thức khả dĩ ứng dụng vào thực tế cho tu sĩ, linh mục trước khi trao cho họ một sứ vụ cụ thể lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trước hết, tri thức phải là tri thức nền tảng, chắc chắn nhất. Tất nhiên, việc đào tạo tri thức là việc gắn bó suốt cả cuộc đời của mỗi người. Ngày nào con người tự nhận đã đủ tri thức, hiểu biết, ngày đó con người đang bước dần vào con đường tụt hậu. Tuy nhiên, thời điểm được đào tạo là thời điểm lý tưởng nhất cho việc huấn luyện đầy đủ về lý tưởng đời tu, sự hiểu biết đầy đủ về môi trường xã hội cũng các kỹ năng chuyên môn cần thiết để khi bước vào sứ vụ phục vụ, họ không phải rơi vào tình trạng bỡ ngỡ hay choáng ngợp trước vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống đời thường. Thêm vào đó, một sự hiểu biết đầy đủ sẽ giúp con người có khả năng đứng vững trước những chao đảo về các giá trị trong vòng xoáy cuộc đời.

Như thế, việc đào tạo tu sĩ không những chỉ nhắm đến việc chuyên chăm đào sâu, nghiên cứu thánh khoa mà còn phải cung cấp những kiến thức cần thiết về môi trường xã hội. Biết rằng, ở góc độ tu trì, việc đào tạo tri thức cho tu sĩ chỉ là một nhu cầu phương tiện giúp các tu sĩ thi hành sứ vụ tông đồ của mình hiệu quả hơn, nhưng trong một thời đại mà sự chú trọng đặc biệt lại nghiêng về phía chất xám thì việc đào tạo tri thức trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết
[5].

Bên cạnh một nền tảng tri thức về đời tu, về xã hội, về cuộc sống, về con người, nội dung tri thức nhất thiết phải gắn liền với cuộc sống, bởi vì con người luôn sống trong một môi trường, một xã hội và một cộng đồng người nhất định. Một tu sĩ, dù thánh thiện hay không thánh thiện, dù nhiệt tâm hay ít nhiệt tâm đều sống trong một giai đoạn lịch sử cụ thể, một môi trường xã hội với những bối cảnh, điều kiện cụ thể. Thêm vào đó, “người tâm linh không nhất thiết phải là người sống tách rời với thực tại trần thế và chối từ tư cách nhân loại của mình, mà là người nhìn và đảm nhận thực tại trần thế với tiêu chuẩn của người có niềm tin nơi chương trình yêu thương của Thiên Chúa”
[6]. Do đó, người ta không thể tách biệt hay cô lập tu sĩ của mình khỏi cộng đồng xã hội. Bởi lẽ, tu sĩ trong thời đại hôm nay, bên cạnh những giây phút chiêm niệm sâu xa để múc lấy nguồn dưỡng khí từ trời cao, chính là những con người biết cảm thấu những cảnh huống bi đát của phận người để chia sẻ, để đồng hành và để làm vơi bớt nỗi đau đang từng ngày đè nặng lên phận người.

Vì thế, việc trang bị kiến thức cho tu sĩ đòi hỏi đáp ứng được nhu cầu gắn liền với cuộc sống của xã hội. Ngoài ra, việc phục vụ là phục vụ chính cộng đồng xã hội. Cụ thể hơn đó là việc phục vụ những con người sống trong cộng đồng xã hội với những tâm trạng, những hoàn cảnh khác nhau. Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2007 viết: “Mục đích của nền giáo dục Kitô giáo không chỉ là rèn luyện nhân cách con người thành hữu ích đối với bản thân, gia đình và xã hội, mà còn là giúp con người sống xứng đáng với tư cách con Thiên Chúa”
[7]. Nếu việc cung cấp tri thức cho tu sĩ không nhắm đến việc phục vụ chính cộng đồng xã hội để làm cho triều đại Thiên Chúa được tỏ hiện trên trần gian này, hay nói cách khác là không nhắm đến việc dung mạo Đức Giêsu được tỏ hiện qua dung mạo của những người phục vụ, liệu việc đào tạo đó có giá trị chăng?

Thứ đến, bên cạnh tính chắc chắn và thiết thực với cuộc sống, tri thức cung cấp cho tu sĩ ít nhất phải có tính miễn nhiễm trước những quyến rũ đầy màu sắc của đời thường. Chỉ khi việc đào tạo đáp ứng được đòi hỏi này, cánh đồng Giáo hội ViệtNam mới có thể trông mong mọc lên những bông hoa “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Trong bối cảnh hiện nay, cần lắm việc ươm trồng để cánh đồng Giáo hội xuất hiện thêm những bông hoa đầy hương sắc giữa những pha tạp của đời thường để tô điểm thêm bức tranh muôn màu của cuộc đời.

Còn nhớ, cũng giữa dòng chảy trầm luân đầy khổ ải của cuộc đời, Đức Giêsu đã hơn một lần “ngụp lặn” trong dòng chảy ấy để cảm thông, để sẻ chia và để đồng hành đến tận cùng với con người. Nhưng có một điều lạ là Đức Giêsu đã không “ngụp lặn” mãi trong dòng chảy ấy mà đã “trồi lên” để hít thở nguồn dưỡng khí của đất trời và vạn vật. Ngài biết rõ nếu “ngụp lặn” trong dòng chảy ấy mãi, ắt hẳn sẽ bị “ngộp” và con người sẽ không có khả năng được cứu vớt. Việc đào tạo tri thức cho tu sĩ hôm nay cũng nhất thiết phải đáp ứng được tính chất “miễn nhiễm” này. Thêm vào đó, việc đào luyện cần giúp các tu sĩ khả năng hoà nhập để cảm thấu con người trong xã hội mà không hoà tan trong những vụn vặt của xã hội. Nếu lần giở những trang Kinh Thánh, cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm được những lần Đức Giêsu ghi chép vào “sổ đen” lầm lỗi của người khác để rồi tìm cách đánh phạt mỗi khi họ xuất hiện trước mặt Ngài. Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã mạnh mẽ chỉ ra cái “tội” của Đức Giêsu là Ngài có trí nhớ kém về những lỗi lầm của người khác, thậm chí đó là những lỗi phạm rất nặng nề, chiếu theo luật Do Thái. Như vậy, khi mang danh Đức Giêsu để huấn luyện những đồ đệ biết cách họa lại khuôn mẫu hình ảnh của Giêsu nơi trần gian nhưng lại không giống hình ảnh mà Giêsu đã thực hiện khi còn ở trần gian, thì liệu có cần đặt lại vấn đề chăng?

Do đó, việc đào tạo tri thức cho tu sĩ cũng nhất thiết phải tạo ra nơi mỗi tu sĩ khả năng “trồi lên” sau những lần “ngụp lặn” trong dòng đời. 

Tóm lại, sống trong thời đại mà người ta cần những “chứng nhân hơn những thầy dạy”, luôn có một sự thôi thúc cần đến việc đào luyện những con người có khả năng “ngụp lặn” vào giữa dòng đời, để họ có thể làm cho hạt giống chân lý có thể mọc lên và bén rễ sâu vào từng sắc thái riêng của những nền văn hoá cụ thể. Cái cụ thể ở đây là bối cảnh của xã hội Việt Nam, với những sắc thái mang đậm những đặc tính của người Á Đông. 

Từ đó, có thể giúp họ chạm đến, để cảm thông, đồng hành, và chia sẻ với những nỗi đau của con người thời đại, nhất là để giúp con người thời đại biết “trồi lên” để đón lấy nguồn dưỡng khí, sinh lực của đất trời; đồng thời giúp họ mở lòng đón nhận ân lộc từ trời cao như những cơn mưa rào tưới gội cuộc đời, làm rộ lên những mùa xuân trong lòng cuộc đời. 
 

[1] Gioan Phaolô II, Thông điệp Đức tin và Lý trí, số 4.
[2] Sđd, số 3.
[3] Viện Ngôn ngữ học, Từ Điển Tiếng Việt, in lần thứ sáu (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 1998), tr. 998.
[4] Nguyễn Trọng Viễn, Lịch sử Triết học Tây Phương, tập I (Tp.HCM: 1996), tr. 216.
[5] x. Nguyễn Thái Hợp, Để họ lớn lên (Đức tin & Văn hóa, 2005), tr.192.
[6] Sđd. tr.197.
[7] Thư chung HĐGMVN 2007, số 3.

 
 

Tác giả bài viết: Nguyên Minh 

Nguồn tin: http://betrenthuongcap.org

 Tags: Huấn luyện

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây