Chúa Nhật 15 Thường Niên Năm A

Thứ sáu - 14/07/2023 20:24 895 0
 
 
CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN NĂM A : MT 13,1-23
            
Khi ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.

            
Người nói : “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên nó liên bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi trên đất tốt, nên sinh hoa kết quả : hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe”.

            
Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng : “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ ?” Người đáp : “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a rằng : Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá : chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.

            
“Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, mong nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.“Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy; đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận; nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nông nổi nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt Lời, khiến Lời không sinh hoa kết quả. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục”.

                         

 
LUÔN CÓ MÙA GẶT
            

Bà mẹ kia có đứa con gái. Nhưng con bà đâm hư hỏng và đi làm tiếp viên ở nhà hàng. Đâm buồn phiền, bà ngồi than thân trách phận, cho mình là vô phúc vì sinh ra một đứa con như thế. Nhưng một hôm suy nghĩ lại, bà tự nhủ: “Nếu ta thực sự tin Chúa, tin vào tình yêu và hy vọng của Người đối với mỗi một cá nhân, tin vào sự quan phòng và quyền năng của Người thì tại sao ta lại không lên tiếng ca tụng Người ở bất cứ mọi hoàn cảnh ? Vì nếu Người muốn thì cái gì cũng có thể thành sự”. Thế rồi từ đó trở đi, bà không buồn phiền mỗi khi nghĩ đến đứa con, nhưng luôn lên tiếng ca tụng TC. Lần kia, gặp 1 ông bạn đến chơi, bà liền nói với ông về đứa con gái của mình…

            
Và ông này, hôm kia vào một nhà hàng nọ, đã bất ngờ gặp được thiếu nữ ấy. Cô tiến đến mời mọc ông. Nhưng sự trước sự ngạc nhiên của cô, thay vì buông lời ong bướm như hầu hết mọi khách nam giới đến nhà hàng: “Anh yêu em, em thật đẹp…”, ông ta chỉ nói đơn giản: “Chúa Ki-tô yêu cô lắm !” rồi bỏ đi. Một câu nói gây ngạc nhiên. Và từ ngạc nhiên đến suy nghĩ. Cô gái sau đó đã làm lại cuộc đời và trở nên một tín hữu có đức tin sống động. Một bông hồng có thể mọc lên từ một đống phân ! Lời Chúa đã gặp được một mảnh đất tưởng như lắm gai góc hay quá cằn cỗi !

          
  1. Gian khổ vãi gieo.

            
Hôm nay 
Đức Giêsu mạc khải bằng dụ ngôn câu chuyện của Người và câu chuyện của chúng ta. Bản văn chia làm ba phần rõ rệt: chính dụ ngôn người gieo giống (cc.3b-9), các lý do khiến Đức Giêsu nói bằng dụ ngôn (cc.10-17) và lời giải thích dụ ngôn người gieo giống (cc.18-23).

            
Phần dụ ngôn đúng nghĩa có lẽ thuộc truyền thống cổ xưa nhất về lời rao giảng của Đức Giêsu. Cách hành động của người gieo giống xem ra coi thường các quy tắc trồng tỉa khôn ngoan; nhưng chúng ta hãy biết rằng tại Pa-lét-tin, thời Đức Giêsu, người ta gieo vãi trước khi cày bừa; thành thử vì chủ ý chứ không vì chểnh mảng mà người nông phu gieo giống trên đường đi và trong bụi gai, bởi vì sau đó lưỡi cày sẽ cày tất cả và đồng thời chôn vùi hạt giống. Còn nơi đá sỏi, ông ta khó lòng mà tránh được trên một mảnh đất cằn cỗi như vậy.
           

            
Cô gái trên đây là một trong bao loại đất mà Đức Giê-su đã gieo giống của Người vào qua không gian và lịch sử. Và may thay hạt giống đã mọc được. Nhưng thời Đức Giê-su, khi đọc tới chương 13 của Mát-thêu, “chương các dụ ngôn”, chúng ta biết được những gì ? Đức Giê-su đã gieo vãi nhiều trên đủ mọi loại đất. Người đã đụng phải những cái đầu cứng rắn lẫn cao ngạo của các kinh sư và biệt phái (phái Pha-ri-sêu). Người đã thấy bao kẻ phấn khởi đón nghe mình nhưng nhanh chóng bỏ rơi mình vì không thỏa mãn những ước vọng trần tục. Người đã cảm thấy lắm ngập ngừng nơi các môn đệ của Gio-an Tẩy giả lẫn nhiều lúng túng của chính ông ta : “Thầy có thật là Đấng phải đến không ?” (Mt 11,3). Thái độ dửng dưng của một số thôn làng đã làm Người cảm thấy bị đụng chạm : “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din ! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa!” (Lc 10,13). Ấy là chưa nói tại quê hương, Người kể như thất bại hoàn toàn vì sự cứng tin của bà con thân thuộc (theo Mt và Mc) hay vì sự bất mãn của họ do chẳng được Người ưu đãi (theo Lc). Mọi thái độ ấy đã được ngôn sứ I-sai-a tuyên sấm rồi. Tất cả những cái đó làm thành một bức tranh khá u ám, Nước Trời xem ra khởi đầu không suôn sẻ.

            
Thái độ cứng lòng đầy chủ ý và tội lỗi như thế kéo theo và giải thích việc rút ân sủng lại. Mọi trình thuật đi trước bài đọc Tin Mừng hôm nay (x. Mt 11-12) đã chuẩn bị cho diễn từ dụ ngôn (Mt 13,1-52). Trước những tâm trí tối mờ ấy, mà ánh sáng tràn đầy trên tính chất khiêm tốn và giấu ẩn của Đấng Mê-si-a đích thực chỉ càng làm gia tăng sự mù quáng, Đức Giê-su chỉ có thể cho một ánh sáng được làm dịu bớt bằng các hình ảnh biểu tượng.

            
Chính trong bối cảnh này mà dụ ngôn người gieo giống mặc tất cả tầm quan trọng của nó. Nó tượng trưng cho nhận định của Đức Giê-su, một nhận định sáng suốt, tuy nhiên không chán nản thất vọng. Nó mời chính chúng ta hãy can đảm bằng cách dán mắt vào cái đáng kể hơn hết: người gieo giống ra đi gieo giống. Một Tay Gieo Giống thật lạ kỳ! Người đã đi tự cõi thâm sâu của Thiên Chúa và đã đến giữa chúng ta để gieo vãi Thiên Chúa. Đây là một biến cố phi thường, một cuộc đảo lộn lịch sử chứ không phải là một sự kiện giản đơn của trần thế : “Hãy hoán cải nhanh lên, Nước Thiên Chúa đã bắt đầu !” (x. Mt 3,2). Tin Mừng đó đã khơi dậy niềm phấn chấn. Rồi khi lời rao giảng trở nên đòi hỏi, một số thính giả thì bén rễ sâu, nhưng nhiều kẻ khác rơi vào lại trong cuộc sống hời hợt hay ngổn ngang bận rộn, thậm chí trong sự chống đối. Đường, đá, gai, đất tốt, bao địa thế khác nhau chừng nào! Quan trọng gì đâu, Người Gieo Giống lạ lùng này đã nhìn thấy mùa gặt: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!” (Lc 8,8). Quả là một bài học lạ lùng về đức hy vọng.

           
 2. Hy vọng gặt hái.

            
Nghe tiếng gọi hãy tin tưởng khi vụ gieo xem ra đáng nản lòng, đó đã là trường hợp của nhiều vị thừa sai trong quá khứ, đó là trường hợp của mọi tông đồ hôm nay, của mọi Ki-tô hữu đang nhìn lên truyền hình, lên internet và nhìn thiên hạ trên đường phố mà tự hỏi : “Đâu là những hạt lúa sẽ mọc? Tất cả chẳng đang tục hóa đó sao?” Câu trả lời có sẵn. Chuyên gia thông thạo hơn hết về các mảnh đất nhân loại quả quyết với chúng ta rằng dẫu có lắm thứ đất cằn khô, cũng vẫn có những mảnh đất tốt, hay từ xấu biến nên tốt, và thành thử luôn luôn có những mùa gặt.

            
Đức Giê-su đã nói điều đó cho các lũ đông bối rối, cho đám môn đồ dao động. Bây giờ Người nói với chúng ta là những kẻ đang mục kích từng ngày việc bỏ hành đạo của hàng loạt Ki-tô hữu (tại Giáo hội Đức hiện thời chẳng hạn), thái độ dửng dưng tôn giáo của con cái, sự dâng cao hay thắng thế của lòng vô tín ngưỡng (một tổng thống tự xưng là Công giáo song ủng hộ hôn nhân đồng tính và chấp nhận chính sách phá thai). Nhưng Đấng từng kể dụ ngôn ấy thì hằng sống, và dụ ngôn là dành cho chúng ta. Người Gieo Giống có đó, không ai ở bất cứ chỗ nào được quyền phán đoán rằng tất cả hạt giống đều bỏ. Bao lâu ta còn gieo vãi Tin Mừng, thì sẽ có hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. “Khi tình hình đã tuyệt vọng xét theo nhân loại, thì đó chính là lúc hy vọng Ki-tô giáo bắt đầu” (G. Bossis). “Mong sao tôi không bao giờ thất vọng! Bởi lẽ sự lăng mạ cuối cùng dành cho Thiên Chúa, là chẳng nhận biết Người vừa toàn năng vừa yêu thương ngập tràn” (A. Valensin).

            
Điều làm nên “mầu nhiệm Vương quốc”, mầu nhiệm mà chỉ 1 nhóm nhỏ gồm những người “bé mọn” mới có thể hiểu, chính là việc Đấng Mê-si-a chỉ thành công sau khi đã gặp thất bại. Do đó có thể tóm kết ý nghĩa của dụ ngôn như sau: Như người gieo giống (xứ Pa-lét-tin) chỉ thành công sau khi trải qua biết bao khó khăn trở ngại, thì cũng vậy, Nước Thiên Chúa do Đức Giêsu khai dựng chỉ có thể thiết lập sau khi đã trải qua nhiều thất bại ê chề, thậm chí nhiều máu đổ cùng khắp. Và chính đó là điều mà phái Pha-ri-sêu cũng như đám đông không thể “hiểu”.

            
Khi nghe dụ ngôn này, quần chúng (trong đó có bạn và tôi) có thể nhận ra mình trong ba loại đất cằn cỗi kia, và đi từ suy tư đó, học có thể hồi tâm lại, mặc những tâm tình xứng hợp để hiểu, như cô thiếu nữ trong câu chuyện mở đầu (vì ánh sáng nửa vời của dụ ngôn như nói trên đây vẫn là “một ân huệ, một lời mời gọi hãy cầu xin nhiều hơn và nhận lãnh nhiều hơn” - chú thích của Bible de Jérusalem). Còn các môn đồ vừa được chất vấn vừa được trấn an: được chất vấn để trở nên mảnh đất tốt hầu sinh hoa quả đến mức tối đa, và được trấn an nhờ việc Đức Giêsu hoàn toàn làm chủ tình thế: Người ý thức các thất bại của mình và cho thấy chúng đã được tiên liệu trong kế hoạch của Thiên Chúa. Dụ ngôn cỏ lùng tiếp liền dụ ngôn người gieo giống loan báo các thất bại đó sẽ không ngăn cản nổi chiến thắng dứt khoát của Thiên Chúa trong ngày mùa cùng tận. Bạn có xác tín như Người không?


 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây