Chúa Nhật 19 thường Niên Năm A

Thứ sáu - 11/08/2023 23:10 491 0

CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN NĂM A : MT 14,22-33
           
 Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi riêng một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!” và sợ hãi la lên. Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm! Chính Thầy đây, đừng sợ!”

            
Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Đức Giê-su bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Hỡi kẻ kém lòng tin! Sao lại hoài nghi?” Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa!”

                       

 
VƯƠNG QUYỀN ĐÍCH THỰC

            
1. Từ khước làm vua trần thế.

            
Tại sao Đức Giê-su ép buộc các môn đồ ra đi? Tại sao Người giải tán dân chúng sau khi đã nói họ chớ nên “xa khỏi” Người? Các chi tiết đó quan trọng, mang đầy ý nghĩa. Chúng đều được Mt và Mc thuật lại. Nhưng chỉ Gio-an mới cho lời giải thích: “Việc ban bánh trong hoang địa” có ý nghĩa tiên báo Đấng Thiên Sai (Mê-si-a) làm dấy lên nhiệt tình của dân chúng vốn luôn bị kích động bởi lắm “thiên sai” (dỏm) trong giai đoạn lịch sử Ít-ra-en này. Với thói hồ đồ cố hữu và hành động nông nổi, quần chúng lúc đó đã muốn lôi Đức Giê-su vào trong một cuộc phiêu lưu chính trị-tôn giáo, như từng xảy ra lắm phen ở cái xứ bị Rô-ma thống trị này mà thường chấm dứt trong những cuộc đàn áp đẫm máu: “Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6,15). Biết các môn đệ cũng gắn bó với những viễn ảnh thiên sai trần tục như thế, dễ để mình ngây ngất vì cuộc “biểu dương” chính trị như vậy, Đức Giê-su đã vội vàng buộc họ phải ra đi. Có thể tưởng tượng Người sau đó tranh luận gay gắt với những tay ngoan cố, nhiệt tình không muốn bỏ lỡ cơ hội: “Nhưng không! Tôi không đến để làm chính trị; nước tôi đâu thuộc thế gian này… Tôi chẳng có nhiệm vụ cho anh em ăn mỗi ngày… Thức ăn trần thế đâu phải là thứ quan trọng nhất đối với anh em” (x. Ga 6,27).

            
Mệt mỏi vì những tranh luận ấy, khi còn lại một mình, Đức Giê-su cảm thấy cần cầu nguyện. Giờ đây, trong bóng đêm, Người men theo lối đi đầy đá cuội để lên núi. Dễ đoán ra nội dung lời cầu nguyện của Đức Giê-su đêm ấy. Thiên hạ đã cố gắng lôi Người ra khỏi sứ mệnh chủ yếu của Người. Nhưng Người trở về lại đó cách tự nhiên, theo bản năng: vai trò Người có tính cách thiêng liêng, dẫu đem lại nhiều hậu quả quan trọng về mặt vật chất. Một lần nữa, Đức Giê-su phải chiến đấu với con quỷ “chủ nghĩa thiên sai quốc gia” vốn từng hứa cho Người tất cả các nước thế gian nếu Người chịu bái lạy nó (x. Mt 4,8.10). Cám dỗ khủng khiếp, ám ảnh, gần gũi, lặp đi lặp lại. Nhờ lời cầu nguyện, Đức Giê-su chống lại cách cam đảm. Không! Người sẽ chẳng làm “vua” vinh quang và danh giá, thống lĩnh với quyền lực chính trị oai hùng. Người sẽ là “Đấng Thiên sai” nghèo khó, âm thầm, chịu đau khổ và chết ô nhục, để giải thoát nhân loài khỏi 3 quyền lực ghê gớm hơn: tội lỗi, ác quỷ và tử thần. Đức Giê-su chắc hẳn cũng cầu cho các “môn đệ” vừa bị xua đi, nghĩ đến Giáo hội Người vừa thành lập, đến cơn cám dỗ thường xuyên của Giáo hội là đưa các phương tiện thế gian lên hàng đầu và luôn muốn mình oai phong hiển thắng.

            
2. Tỏ mình như Chúa tể vũ trụ.

            
Trong một cú xoay camêra đột ngột, Mt chuyển từ hình ảnh Đức Giê-su trên núi sang hình ảnh chiếc thuyền “bị sóng đánh vì ngược gió” trên biển. Mọi nhà chú giải, từ các Giáo phụ đầu tiên, đã thấy chiếc thuyền này như một biểu tượng của Giáo hội. Vào thời Mt, các cộng đoàn Ki-tô hữu thật sự chỉ là những chiếc thuyền mỏng manh bé tí, lênh đênh vất vả trên biển dậy sóng tôn giáo đa thần, ngẫu thần! Các Tông đồ đã phải chèo chống suốt đêm và “vào khoảng canh tư, Đức Giê-su đi trên mặt biển mà đến với họ”. Việc “đi trên biển” này có thể bị nhiều người cho như một chuyện cổ tích thần tiên, chỉ dành cho trẻ nít và kẻ ngây ngô khờ khạo. Khác với các phép lạ “chữa lành” mà ta nắm bắt ngay được ý nghĩa vì chúng “có ích”, ta ngạc nhiên vì cử chỉ xem ra vô ích, “nặng phần trình diễn” này. Đó là vì chúng ta rất hay quên rằng các phép lạ của Đức Giê-su trước tiên là những “dấu chỉ”, những hành vi ý nghĩa, có một điều gì đó muốn nói với con người. Ý nghĩa biểu tượng của chúng nằm hàng đầu, và các tác giả Tin Mừng đã tìm ra ý nghĩa đó nhờ “đọc lại” các biến cố từ ba yếu tố giải thích: 1/ Cuộc phục sinh của Đức Giê-su … 2/ Truyền thống của Cựu Ước… 3/ Các nhu cầu của cộng đoàn tín hữu…

            
Trong toàn bộ Thánh Kinh, “biển” tượng trưng các quyền lực sự ác chống lại con người. Như bao dân “sống trên cạn” khác, người Hip-ri tự bao đời vẫn sợ biển, nơi cư trú các quái vật thần thoại: Lê-vi-a-than, Ra-háp (x. Tv 74,13-14; 104,5.9.26; 106,9; G 41; Is 51,9-10. Việt Nam ta cũng có hình tượng thủy quái: giao long, thuồng luồng…). Trong mọi ngôn ngữ, biển không những được coi như một hiện tượng tự nhiên mà còn như biểu trưng của những tà lực mạnh hơn con người. Vì thế Thiên Chúa được trình bày như Đấng “thống trị đại dương”, “bước đi trên biển” (x. Ga 9,8; Tv 77,20; Hc 24,5; Kb 3,15). Việc Đức Giê-su đi trên mặt nước do đó cho thấy đây là một cuộc “biểu dương của Tạo Hóa” có tính chất tiên báo, một “cuộc thần hiển đích thực”. Từ chối ngai vua trần thế, Người vẫn chứng tỏ mình không kém là Vua vũ trụ, và vương quyền này sẽ thực hiện trong cuộc Phục sinh nay mai, lúc Người toàn thắng tội lỗi, ác quỷ và thần chết với tất cả uy lực Chúa tể của Người.

            
Môn đồ “hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!” và sợ hãi la lên. Đức Giê-su liền bảo các ông : “Cứ yên tâm! Chính Thầy đây, đừng sợ!” Các cuồng phong không thiếu trong cuộc sống con người. Biết bao lần chúng chúng ta đã cảm thấy buồn nôn say nóng muốn chết đi được (x. Tv 107,25-27). Chúng ta đâu có chọn lựa Biển hồ, thời tiết, bão táp, tối tăm, cám dỗ, thử thách. Thế là nỗi sợ xâm chiếm chúng ta! Nhưng này chúng ta được kêu mời, như môn đệ trên Biển hồ, cảm nhận “sự hiện diện của Đấng Khiếm diện” và đừng kinh hãi.

            
Nghe thấy thế, Phê-rô, kẻ được trình bày như “Tông đồ” đầu hết, như “phát ngôn viên” của Nhóm Mười Hai, bèn xin Đức Giê-su cho được đi trên nước như Thầy, nhưng ông đã sớm chứng tỏ mình là kẻ “kém lòng tin” số một (x. Mt 6,30; 8,26; 14,31; 16,8; 17,20). Chúng ta cũng thấy mình như vậy. Đức tin đâu phải là một cái gì “làm sẵn”, có được một lần là xong. Đúng hơn đó là một “đời sống” phải tăng trưởng, một “tình sử” phải tiến dần, một mối tương quan không ngừng phát triển giữa hai chủ thể. Đức Giê-su chấp nhận “sự yếu tin” của ta, nhưng mời gọi ta tiến bộ. Và chính trong thử thách, trong các cơn bão cuộc đời, mà “đức tin nhỏ bé” của chúng ta được kiểm chứng và thực thi.

            
Ở đây, đức tin được trình bày trong một bối cảnh bi thảm, như một trận chiến chống lại nghi ngờ và hãi sợ. Phê-rô đã rời mắt khỏi Đức Giê-su mà nhìn xuống mặt biển giông bão nên suýt chìm lỉm, y như nhân vật trong câu chuyện sau đây : Vào lúc mới có thuyền buồm, một cậu bé nọ xin đi biển để học làm thủy thủ. Một hôm biển có bão, người ta bảo cậu leo lên cột buồm. Cậu leo nửa phần đầu rất dễ, vì cứ đưa mắt gắn chặt vào bầu trời. Nhưng đến lưng chừng, cậu lại phạm sai lầm lớn. Cậu nhìn xuống mặt nước trong cơn bão, thế là bị chóng mặt và sắp sửa ngã. Thấy thế, một thủy thủ già liền la to lên với cậu: “Này nhóc, ngước nhìn lên lại bầu trời đi! Nhìn lên lại bầu trời đi!” Cậu bé nghe theo lời chỉ dẫn và sau hết đã leo tới đỉnh an toàn. Lỗi lầm của cậu bé giống lỗi lầm của Phê-rô. Cậu ta đã rời mắt khỏi đích nhắm của mình mà nhìn xuống mặt biển giông tố, giống như Phê-rô đã rời mắt khỏi Đức Giê-su và nhìn xuống giông tố mặt biển.

            
Nhưng khi Phê-rô ngước lên lại Thầy với lời cầu nguyện thành khẩn, Đức Giê-su đã đưa tay cho ông, như rồi đây sẽ đưa mắt cho ông sau ba phen ông chối Thầy trong cuộc Khổ nạn, và đưa thị kiến “Người lại vác thập giá đi chịu chết” giữa lúc Phê-rô sắp nao núng cuống cuồng trong những cơn bão khác trầm trọng hơn tại Rô-ma thời hoàng đế Nê-rông (xem tiểu thuyết lịch sử lừng danh “Quo vadis?” (Thầy đi đâu) của văn hào Ba-lan 
Henryk Sienkiewicz).

 

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây