Chúa Nhật 2 Phục Sinh Năm A

Thứ sáu - 14/04/2023 19:12 636 0
 

 
CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH NĂM A : GA 20,19-31

            Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái, Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.
             Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Ông Tô-ma thưa với Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” Đức Giê-su bảo : “Vì anh đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”
            Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.

                         
“ĐỂ ANH EM TIN MÀ ĐƯỢC SỰ SỐNG”

            Một học giả vô thần nọ mua được một ngôi nhà bên cạnh một dòng Kín. Ông sung sướng tự nhủ : “Thế là thoát những tiếng ồn của nơi đô hội. Từ nay mình được yên tĩnh học hành nghiên cứu !” Nhưng rồi, vào những giờ nhất định sáng tối, ông lại nghe văng vẳng tiếng cầu kinh sốt sắng, thánh thót những bài thánh ca du dương trầm bổng. Trong ngày thì chốc chốc vang lên những tiếng cười giòn giã vọng lên từ bên kia bức tường cao ngất. Tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên, vui tươi.
            Vị học giả của chúng ta rất lấy làm lạ. Từ nỗi ngạc nhiên đi đến ghen tức, vì bản thân ông chẳng bao giờ có được niềm vui như thế, một hôm ông quyết tìm cho ra lẽ và sang gặp mẹ bề trên :
            - Thưa bà, theo như tôi biết, ở đây bà và chị em không hề tiếp xúc với ai, chịu một sự cô đơn tập thể, cuộc sống chẳng có gì sang giàu, những phương tiện vui chơi giải trí vắng bóng, lại giam thân ở đây cho đến cuối đời. Vậy tại sao bà và chị em có thể vui tươi như thế ?
            - Thưa ông, vì có Chúa Ki-tô đang ở với chúng tôi.
            - Chúa Ki-tô chết cách đây hai ngàn năm rồi mà !
            - Nhưng Người đã sống lại, và chúng tôi sống để làm chứng cho niềm tin Phục sinh đó.

            1. Đấng Vĩnh cửu mặc lấy sự sống con người...
            Các nữ tu dòng Kín trong câu chuyện trên đây muốn chứng minh cho câu kết luận thời danh và tuyệt vời của Tin Mừng thứ bốn : “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người”. Cuốn Tin Mừng đó đã khai mở : “Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Và nay kết thúc : “Đức Giê-su là Con Thiên Chúa”. Các nhà chuyên môn gọi đó là một “kiểu đóng khung”. Tất cả Tin Mừng được gói trọn, đóng khung, trong hai khẳng định đầu và cuối ấy.
            Đó không phải là một lối chơi văn, chơi chữ. Việc nhấn mạnh ở khởi điểm và đích điểm của lộ trình Tin Mừng như thế muốn cho chúng ta hiểu rằng đây chẳng phải là một tiểu sử của Đức Giê-su, lại càng không phải là một tuyển tập các tư tưởng đẹp hay một thủ bản luân lý đạo đức. Tin Mừng là một cuốn sách gây sốc, hoàn toàn được viết để chúng ta lãnh ngay vào giữa ngực một mạc khải gây kinh ngạc : “Tôi sắp nói với anh em về một con người tên Giê-su đã sống cách đây hai ngàn năm tại Ga-li-lê. Con người ấy chính là Con Thiên Chúa”.
            Bằng mọi phương cách trình bày có thể : những cái nhìn của thiên hạ, những lời nói và phép lạ của Đức Giê-su, những dụ ngôn và biểu tượng, những khẳng định ám tàng hay trực tiếp, các trang Tin Mừng nói đi nói lại không mệt mỏi : “Con người ấy chính là Thiên Chúa”. Một điều được các môn đồ hoàn toàn xác tín sau ngày Đức Giê-su sống lại và được Tô-ma tuyên xưng trên môi miệng trong bài Tin Mừng hôm nay
[1].
            Câu cuối ấn cái đinh sau cùng : “Bạn muốn biết tại sao cuốn sách này đã được viết không ? Đó là để bạn tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, Con Thiên Chúa ở trong con người Đức Giê-su”. Tin điều đó chính là Ki-tô hữu. Có hàng tỷ người tin vào Thiên Chúa, nhưng chỉ các Ki-tô hữu mới thêm vào niềm tin đó một khẳng định mà Do-thái giáo lẫn Hồi giáo đều mạnh mẽ khước từ : Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần; và Ngôi Con đã nhập thể trong Đức Giê-su thành Na-da-rét. Những ai từng gần gũi Đức Giê-su trong ba năm đều nghi là có một cái gì đó, nhưng đã phải đợi cuộc Phục sinh để nhân danh tất cả, Tô-ma thốt lên tiếng kêu yêu mến và tôn thờ này : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !”

            2…. để con người nhận lấy sự sống của Đấng Vĩnh cửu.
            “Để anh em tin mà được sự sống”. Sự sống nào khác nữa ? Những kẻ không tin vào thần tính của Đức Giê-su Ki-tô chẳng đang sống đó sao ? Thánh Gio-an đã luôn nói với chúng ta về sự sống đời đời. Từ ngữ hơi đánh lừa, khiến ta nghĩ tới một sự sống không chấm dứt. Đúng thế, nhưng thật chưa đủ để xem đó là sự sống nào. Đúng ra phải nghĩ tới một trong những tên của Thiên Chúa : Đấng Vĩnh cửu. Sự sống được ban tặng cho ta, đó là sự sống của Đấng Vĩnh cửu, chính sự sống của Thiên Chúa. Đức tin chúng ta đi tới chỗ đó cơ.
            Nhưng sự sống khác ấy, được Gio-an gọi là sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu, làm thế nào biểu lộ thật cụ thể trong cuộc sống thường ngày của ta ? Về vấn đề này, ta có thể nhận thấy, nơi các tín hữu đích thực, một cách phán đoán nào đó về con người, hành vi, biến cố, phán đoán theo một ánh sáng khác hẳn. Người ta nói về họ : “Đức tin mạnh mẽ dường nào !” Người ta cũng nhận thấy nơi họ một niềm hy vọng không gì có thể đánh đổ, một bình an và thậm chí một niềm vui chống lại được các lo lắng và buồn bã mà lẽ ra thường đè nặng trên họ. Các nữ tu dòng Kín trên đây là một ví dụ. Và rõ rệt nhất mà cũng thu hút nhất, đó là họ quan tâm đến người khác, sẵn sàng phục vụ, dấn thân, là yêu thương không bằng cửa miệng, có khi còn với cả lòng can đảm trong những xã hội áp bức con người, cản phá tự do và chà đạp công lý.
            Đó là cái mà các thần học gọi là sự sống “đối thần”, nghĩa là một sự sống Thiên Chúa thông ban và thường xuyên nối kết chúng ta với Người dưới hình thức những kinh nghiệm đức tin, đức cậy và đức mến. Khi tôi kính tin, khi tôi hy vọng, khi tôi yêu mến, tôi sống sự sống “đời đời” như có thể sống được dưới trần gian.
            Đó là cuộc sống “Ki-tô hữu” (có Đức Ki-tô, bạn Đức Ki-tô), cuộc sống “Ki-tô thuộc” (thuộc về Đức Ki-tô). Một cuộc sống khiến ta có thể nói : “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Pl 1,21). Khi rộng mở cuộc đời “bình thường” của chúng ta cho Chúa Giê-su Ki-tô, đức tin sẽ đem vào trong đó các tư tưởng của Chúa Giê-su Ki-tô, các phán đoán của Người, sức mạnh của Người, cách thức yêu thương của Người, tất cả những gì được Gio-an diễn tả qua chữ “như” thời danh của ông : sống như Đức Ki-tô (x. Ga 15,4.9.10; 17,16.18.21; 20,19; 1Ga 3,2.3.7).
            Một Phanxicô thành Axidiô, ví dụ vậy, đã sống “như Đức Ki-tô” tới hết mức của một con người, và điều đó đúng với mọi vị thánh nhưng dưới những hình thức rất khác nhau, đến nỗi muốn bắt chước Chúa Ki-tô thì vô cùng vô tận. Dẫu không đạt tới các đỉnh cao ấy, lắm Ki-tô hữu vẫn sống một cuộc sống “đối thần”, một cuộc đời nỗ lực bắt chước Đức Giê-su Ki-tô.
            Tin Mừng dĩ nhiên là trường học tốt nhất, với điều kiện phải phát triển một phản xạ chủ yếu : tất cả những gì chúng ta học trong đó về Đức Giê-su phải thúc đẩy chúng ta sống một cái gì đó với Người : “Tin Mừng, thánh Gio-an nói, đã được viết là để anh em tin mà được sống”. Tin chỉ tổ vô ích nếu điều đó không làm ta nhúc nhích động đậy. Cái rủi ro lớn nhất có thể xảy tới cho Tin Mừng là đã được đọc mà chẳng có gì thay đổi trong đời sống độc giả. Các suy niệm của chúng ta dọc theo bốn bản văn Tin Mừng đều muốn phát triển cái phản xạ tốt lành làm nên một Ki-tô hữu thực sự : đo được chính xác cái khoảng không quá lớn lao còn phân cách cuộc sống của chúng ta với những gì Đức Giê-su muốn thấy chúng ta sống.
            Đi đến gặp gỡ Tin Mừng chính là đã nghe câu mắng yêu sau đây rồi : “Tin vào Ta có ích gì cho con nếu con chẳng làm những gì Ta đòi hỏi ? Con có muốn sống điều đó hay không ? Có muốn sống không ?” Ai thấy rằng bị thúc bách như thế là điều tuyệt diệu, người đó đã hiểu tại sao Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an đã viết Tin Mừng của mình : đây không phải là một cuốn sách, mà là chính Đức Giê-su.

 
 

[1]  Về ý nghĩa lời tuyên xưng của Tô-ma và câu tuyên phán của Đức Giê-su, kính mời đọc bài “Biết nhờ tin nhân chứng” của cùng tác giả trên https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/biet-nho-tin-nhan-chung-42273
   
 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây