Chúa Nhật 3 Thường Niên

Thứ sáu - 20/01/2023 20:26 670 0
 
CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN NĂM A : MT 4,12-23

            Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an Tẩy Giả đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói : Này đất Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại ! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.
            Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần “.
            Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.
            Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người. Thế rồi, Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, loan báo Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.                 
                            
 
ÁNH SÁNG TRONG TRẦN GIAN.
 

            Ở Úc châu, mẹ Tê-rê-xa thành Calcutta kể, có một thổ dân đã cao niên sống trong một hoàn cảnh thật thảm thương bi đát. Từ bao nhiêu năm, ông chỉ một thân mình trong túp lều tối tăm xiêu vẹo. Lần đầu tới thăm ông, tôi đề nghị : “Để tôi dọn dẹp nhà và sắp xếp lại giường chiếu cho cụ nhé!” Ông ta hờ hững nói : “Tôi đã quen sống như vậy rồi”. Nhưng tôi bảo ông : “Tuy vậy, cụ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp”.
            Sau cùng ông ta bằng lòng để tôi dọn dẹp lại nhà cửa cho. Trong khi quét dọn, thấy một cái đèn cũ, đẹp nhưng phủ đầy bụi, tôi bèn hỏi: “Có bao giờ cụ thắp đèn này không ?” Ông trả lời với giọng chán nản : “Nhưng thắp đèn cho ai chứ ? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu! Tôi sống ở đây đã lâu rồi mà chẳng hề trông thấy một ai cả”.
            Tôi hỏi ông : “Nếu như các nữ tu đến thăm cụ thường xuyên, cụ bằng lòng thắp đèn lên chứ?” Ông vui vẻ đáp : “Dĩ nhiên rồi !” Từ hôm đó các nữ tu của chúng tôi quyết định mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông cụ. Cũng từ đó ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp căn lều cho sạch sẽ hơn. Ông còn sống thêm hai năm nữa. Trước khi chết, ông nhờ các nữ tu nói lại: “Xin nhắn với mẹ Tê-rê-xa bạn tôi rằng ngọn đèn mà mẹ đã thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng. Đó chỉ là một việc nhỏ, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã chiếu lên và vẫn còn tiếp tục sáng mãi”.
            1. Ánh sáng đã bừng lên trong đêm tối.
            Ngọn đèn đó, mẹ Têrêxa đã châm lửa từ một nguồn sáng lớn lao : “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng ; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1). Ánh sáng đó chính là Chúa Giê-su, đã bừng lên trong đêm trường cô đơn của nhân loại và vẫn tiếp tục sáng mãi từ hơn hai ngàn năm nay, như chính Người đã tuyên bố : “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).
            Bạn sẽ tự hỏi: Đức Giê-su là ánh sáng cho chúng ta như thế nào ? Thưa Người là câu trả lời toàn diện Thiên Chúa gởi đến chúng ta, là giải pháp cho mọi vấn đề quan yếu nhất của nhân loại: Người soi sáng quá khứ (vũ trụ và ta từ đâu đến), hiện tại (trần thế và ta sống để làm gì), tương lai (vũ trụ và ta sẽ đi về đâu); Người đem lại ý nghĩa đích thật cho cuộc sống, cái chết, tình yêu, đau khổ, lao động…; Người giải đáp mọi thắc mắc của lý trí (Thiên Chúa là ai, con người là gì, vì sao có tự do, bởi đâu có thiện ác…) và thỏa mãn mọi khát vọng của con tim (khát vọng tình yêu bền vững, hạnh phúc tuyệt đối, sự sống muôn đời…). Giáo thuyết của Người vừa thăng tiến cá nhân (tôn trọng, đề cao và làm triển nở những cái tốt đẹp trong nhân tính) vừa xây dựng xã hội (làm nền tảng cho gia đình, làm tiêu chuẩn cho thế giới, làm động lực cho văn minh lịch sử). Nói cách khác, nếu chịu khó tìm hiểu, bạn sẽ thấy giải pháp của Người không bỏ qua một phương diện nào của cuộc sống; giải pháp ấy có giá trị cho tất cả mọi người thuộc mọi thân phận, chẳng trừ một ai; giải pháp ấy đồng nhất trong mọi hoàn cảnh cá nhân cũng như tập thể. Và là giải pháp tuyệt vời hơn hết!
            Đồng thời Đức Giê-su cũng ban sức mạnh (qua các bí tích) để thực hiện giải pháp đó. Người vừa là thầy dạy vừa là thầy thuốc mà! Nói tóm lại, “cái kết quả của hiện tượng mới mẻ vĩ đại đó, tức của Ki-tô giáo, không phải chỉ là làm cho thế giới được tràn ngập một thứ ánh sáng. Theo như Công giáo dạy, Chúa Kitô chẳng những đem đến cho nhân loại những chân lý chắc chắn, Người còn đem đến cho họ một nguồn sống nữa” (G. Goyau).
            2. Ánh sáng cần được đón nhận và chiếu dãi.
            Nhưng muốn nhận ánh sáng ấy, điều kiện tiên quyết là chớ nhắm mắt, bưng tai, khép lòng : “Anh em phải sám hối”! Vì có lắm kẻ thấy ánh sáng chân lý quá chói ngời (quá cao siêu, quá đòi hỏi) nên khi đi ngang qua thì bịt mắt lại rồi bảo chân lý không có (Pascal). Nhưng để ánh sáng thấu hết mọi người, ơn cứu rỗi đem đến tận cùng mặt đất, tay lưới của Phê-rô phủ khắp biển trần gian (đây là ý muốn của Chúa Giê-su khi rao giảng trong vùng “Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại”), cần phải có những người mang ánh sáng đi gieo rắc. Bởi thế, ngay từ đầu sứ vụ, Đức Giê-su đã tuyển chọn 2, rồi 4, rồi 12 Tông đồ, tiếp đến là 72 môn đệ. Nối bước đoàn truyền giáo ấy là bao thế hệ Ki-tô hữu, là bạn là tôi, là tất cả chúng ta, chẳng trừ một tín hữu nào. Giáo hội được mang tên “đoàn dân đặc tuyển” là cốt để thi hành một “nhiệm vụ đặc biệt”: tạo lập một đoàn dân không biên giới. Các Ki-tô hữu được cứu là chỉ để làm những kẻ giải cứu, để nên dấu chỉ ơn cứu độ của Chúa Giê-su Ki-tô, ơn được ban và được sống nhiều cách khác nhau nhưng chẳng có ai bị loại ra ngoài mà không được hưởng.
            Tuy nhiên, chỉ có thể gieo rắc, phản chiếu ánh sáng khi chúng ta biết thu nhận nó trong chính mình. Các Tông đồ đã phải sống với Thầy của họ ba năm rồi được Thánh Thần thanh luyện trước khi thật sự hải hồ tung cánh. Các nữ tu Thừa sai Bác ái của Mẹ Tê-rê-xa sở dĩ đã thắp được nhiều ngọn đèn tình thương trên khắp thế giới là nhờ có một đời sống thiêng liêng sâu đậm (ngoài Thánh lễ và kinh nguyện chung, mỗi nữ tu hằng ngày phải có một giờ gặp gỡ riêng với Chúa), một nền giáo lý đầy đủ, vững chắc, luôn luôn trau dồi (mẹ Tê-rê-xa đã từng rút con cái mình khỏi những giáo xứ trong đó cha sở không dạy giáo lý thường xuyên và đầy đủ cho chị em), một cuộc sống gương mẫu, bác ái, vui tươi (tập sinh nào không biết cười khi săn sóc những kẻ bất hạnh thì bị loại). Kể ra, Ki-tô hữu chính danh nào cũng phải thế.
            Phần bạn, bạn có dành giờ đủ cho Chúa (phụng vụ chung, cầu nguyện riêng) để sạc “bình ắc quy” của mình không ? Đã bắt đầu tìm đọc cuốn “Giáo lý Hội thánh Công giáo” để khám phá nguồn sáng kỳ diệu của Chúa Ki-tô rồi chứ ? Mãi để tấm gương đời mình thành mờ đục hay đã bắt đầu chùi nó cho bóng loáng để ánh sáng Chúa Ki-tô có thể qua đó phản chiếu và soi dọi ?

 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây