Chúa Nhật 2 Thường Niên Năm A

Thứ sáu - 13/01/2023 20:04 633 0
 
CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN NĂM A : GA 1,29-34

 Khi ấy, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người, nhưng tôi đến làm phép rửa trong nước để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en”.
            
Ông Gio-an còn làm chứng : “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí hiện xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần’. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.


 
NGƯỜI THẬT LÀ CON THIÊN CHÚA
            
Trong thời kỳ Cách mạng Pháp (1789), có 16 nữ tu dòng Kín phải chịu án tử hình vì bị tòa buộc tội cuồng tín. Khi tòa tuyên án, một trong 16 nữ tu cất tiếng hỏi : “Thưa quan tòa, tội cuồng tín là tội gì vậy ?” Vị thẩm phán xẵng giọng trả lời: “Cuồng tín là dại dột và cố chấp tin vào một tên tử tội đã bị kết án đóng đinh vào thập giá cách đây trên cả ngàn năm”. Nghe thế, nữ tu chắp tay ngước mắt lên trời nói: “Ôi thật là tuyệt đẹp, được tin và chết vì Chúa Giê-su !”
            
Đến ngày thi hành án, các nữ tu bị đem ra pháp trường trên chiếc xe ngựa quen dùng để chở các tử tội, nên ai thấy cũng sợ hãi, ngoại trừ 16 nữ tu đơn sơ yếu đuối đang bị mang đi hành hình. Họ cất tiếng du dương hát lên những bài thánh ca quen thuộc. Trước khi lên máy chém, từng nữ tu một đến quỳ trước mặt mẹ bề trên để lặp lại lời khấn vâng phục. Sau đó, họ cùng cất tiếng hát kinh “Veni Creator” (Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến).
            
Những chiếc đầu lần lượt rơi, cường độ âm thanh của bài hát giảm dần. Cuối cùng đến phiên mẹ bề trên là Têrêxa Augustinô lên máy chém. Trước khi bị lưỡi dao rơi xuống kết thúc cuộc đời, người nữ tu chọn thánh Augustinô làm quan thầy đã lặp lại lời của vị Thánh tiến sĩ : “Tình yêu luôn luôn sẽ thắng, vì tình yêu có sức mạnh vô song. Lạy Chiên Thiên Chúa, con tin ở Ngài”.
            
1. Con Chiên xóa tội trần thế.  

Con người tên Giê-su Na-da-rét, đối tượng tin yêu sau 18 thế kỷ của các nữ tu dòng Kín ấy, lúc này đang tiến về chúng ta. Và Gio-an Tẩy giả khiến tính tò mò của chúng ta bị kích thích: “Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”. Làm thế nào mà không nghĩ tới Lời tựa trong Tin Mừng thứ bốn : “Lúc khởi nguyên đã có Ngôi Lời” (Ga 1,1). Thật là mầu nhiệm! Một nhân vật nói về một nhân vật : Người đến sau tôi và Người đã có trước tôi, Gio-an Tẩy Giả thú nhận cách dứt khoát : “Tôi đã không biết Người”. Ấy thế mà Chúa Giê-su là anh em họ của Gio-an.
            
Chúng ta cũng thế, cho đến cuối đời, chúng ta vẫn buộc phải nói: tôi không biết Người. Có một cái gì đó trong mầu nhiệm nhập thể ấy (Ngôi Lời trở thành phàm nhân) luôn luôn vượt quá chúng ta, dẫu Tin Mừng đã được ban cho chúng ta để biết Đức Giê-su Ki-tô và sống nhờ Người : “Sự sống đời đời (tức sự sống thần linh, sự sống đích thật), đó là nhận biết Thiên Chúa duy nhất chân thật, (bằng cách) nhận biết Đấng Người đã sai đến là Đức Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3).
            
Gio-an Tẩy Giả giúp chúng ta tiếp xúc đầu tiên với nhân vật bằng một câu khá gây chưng hửng : “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Ngôn ngữ chúng ta đâu phải thế và ta có nguy cơ lặp lại cách máy móc câu này (trong Thánh lễ chẳng hạn). Nó nói gì cho ta về Đức Giê-su ? Sự vô tội, hiền lành ư ? Đúng thế, nhưng cũng nói đến máu và vinh quang nữa. Vì việc quy chiếu về con chiên có 3 nền tảng trong Kinh Thánh: hoặc con chiên của I-sai-a 53,7 (“như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông”) và trong trường hợp này, Gio-an (thánh sử) thấy nơi Đức Giê-su hình ảnh Tôi trung Đau khổ mang lấy trên mình thân phận tội lỗi của thế gian; hoặc con chiên bị sát tế rồi được nâng lên của Khải Huyền, có khả năng chiến thắng tội lỗi (x. Kh 5,6; 14,10; 17,14); hoặc con chiên vượt qua (theo Ga 19,14, Đức Giê-su bị đóng đinh vào giờ các tư tế bắt đầu sát tế các con chiên để cử hành lễ Vượt qua). Chớ quên rằng tác giả Tin Mừng viết sau Phục sinh cho các tín hữu. Một tước hiệu như thế có thể bao hàm 3 ý nghĩa; nhưng dù vậy, chúng ta cũng chẳng bao giờ biết được ý nghĩa chính xác của công thức trên môi miệng của Gio-an Tẩy giả.
            
Thành ra, dù vô tội, Đức Giê-su đã mang lấy trên mình tội lỗi muôn dân và đã giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng đè lên bao cuộc sống. Người đã đổ máu chẳng phải vì Thiên Chúa đòi nợ máu, nhưng vì muốn đi tới tuyệt đỉnh của tình yêu để lấp đầy hố sâu thăm thẳm của lòng ích kỷ là tội lỗi. “Chiên Thiên Chúa xóa bỏ tội trần gian”.
            
Xác tín kỳ lạ ! Một trong những xác tín khiến bùng vỡ niềm vui được biết Đức Giê-su và tin vào Người. Nhờ Con Chiên ấy mà chúng ta có thể tránh được tội lỗi. Tội lỗi sẽ còn mãi, đó là mặt trái của tự do; chúng ta sa ngã, nhưng Chúa Giê-su luôn có thể đặt chúng ta lại trên đường ; ơn cứu độ nằm trong cái “luôn luôn” ấy. Tội lỗi vẫn là một nguy hiểm, một rắc rối trên lộ trình, nhưng chẳng bao giờ là một ngục tù chung thân, một định mệnh khắc nghiệt. Bao lâu còn tin tưởng, chúng ta có thể phạm tội mà vẫn được tha. Vì Đức Giê-su, Con Chiên vô tội và quyền năng, đã gánh lấy tội lỗi nhân loài.

 2. Thánh Tử ngự ngai cõi trời.
            
Quyền năng ư ? Câu nói bí ẩn “Người đã có trước tôi” đã mạc khải điều ấy. Người hiện hữu trước Gio-an Tẩy Giả, hiện hữu trước mọi con người; Người là Đấng đang có, đã có và sẽ đến. Gio-an Tẩy Giả dùng một vài tiếng để khoanh vùng Đấng vô giới hạn : “Tôi đã thấy Thần Khí ngự trên Người, nên xin chứng thực rằng Người là Con Thiên Chúa”. Ngày nọ, đã có một con người tiến về những con người khác, và con người này là Thiên Chúa tối cao. Người thanh tẩy trong Thánh Thần, nghĩa là ban Thần Khí Thiên Chúa để tái uốn nắn thần khí nhân loại bị lèo lái bởi thần khí ma quỷ.
            
Ở đây, tác giả Tin Mừng đưa ra một phiên bản hoàn toàn cá nhân về phép rửa của Đức Giê-su, rất khác với 3 tác giả còn lại. Chính Gio-an Tẩy giả thấy Thần Khí xuống và ngự trên Đức Giê-su. Đôi mắt xác thịt của ông thấy một con người (“Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi” 1,30); rồi mạc khải của Thiên Chúa cho ông thấy Con của Người nơi Đức Giê-su, tiền hữu, đầy tràn Thần Khí, và sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần.
            
Đứng trước xác quyết lớn lao này, kẻ không tin nhún vai và ta thông cảm được với họ. Nhưng khó mà thông cảm với một vài phản ứng của kẻ tin. Có những kẻ xác quyết này đi qua mà chẳng đốt cháy tâm can và cuộc sống họ, họ tiếp tục sống bên lề Chúa Giê-su. Họ có đọc Tin Mừng nhưng đã không gặp Chúa.
            
Có những kẻ đã thực sự gặp Người và mơ ước sống một tình yêu vĩ đại với Người. Họ đọc cả một đống sách, tìm cách đối diện với Người trong suy gẫm Tin Mừng và trong tâm niệm, thường xuyên kêu : “Lạy Chúa ! Lạy Chúa !” Nhưng họ vẫn mù quáng và tê liệt trước việc dấn thân huynh đệ, ít lương tâm trước nhiệm vụ của mình, chẳng mấy can đảm trong những tình huống khó khăn. Khi họ công bố Đức Giê-su là Thiên Chúa thì chỉ khiến thiên hạ cười : “Có gì trong cuộc sống bạn cho thấy Đức Giê-su của bạn là Thiên Chúa ?”
            
Cũng có hạng người lớn lao như các nữ tu dòng Kín trong câu chuyện trên đây. Họ cũng nói: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28) nhưng họ sống với Đức Ki-tô một cuộc đời đầy những điều kỳ diệu. Huynh đệ, mạnh mẽ và khiêm tốn khi thật sự gặp gian khó, đời họ là một kinh nghiệm về Đức Giê-su. Với họ, Người đúng là Con Thiên Chúa.

 

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây