CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH : MT 2,1-12
Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vị, có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi : “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”. Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu ? Họ trả lời : “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”.
Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật với các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng : “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở Phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và một dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
ĐI TÌM NGÔI SAO CỨU MẠNG
Ngày 21-07-1969, ba phi hành gia người Mỹ : Neil Armstrong, Edwin Aldrin và Michel Collins đặt chân lần đầu tiên lên mặt nguyệt cầu và trở về lại trái đất ngày 24-7. Trong những tháng đầy phấn khích sau đó, ba phi hành gia đã thực hiện chuyến du lịch thiện chí vòng quanh hành tinh. Họ đã thăm viếng 23 quốc gia trong vòng 45 ngày. Một trong những thời điểm phấn khích nhất của chuyến đi là cuộc thăm viếng Va-ti-can. Ba ông đặc biệt xúc động khi nhận được quà tặng khác thường của Đức Phao-lô VI. Phi hành gia Aldrin tường thuật trong cuốn sách “Trở lại trái đất” của mình như sau : “Khi Đức Thánh Cha mở lớp vải gói quà, chúng tôi thấy bộ tượng ba nhà đạo sĩ làm bằng sứ tuyệt đẹp. Ngài nói: Ba vị đạo sĩ đã đến được với Chúa Giê-su Hài Đồng là nhờ nhìn lên những vì sao, anh em cũng đã đạt đến đích của mình nhờ nhìn xem các tinh tú như vậy”.
1. Con tim kiếm tìm.
Khi soạn bản văn này, Mt muốn nói lên ý nghĩa biến cố Giáng Sinh (khác với Luca chủ yếu mô tả sự kiện) đồng thời giải thích hiện trạng ở thời ông (thập niên 60-70): vì sao số Ki-tô hữu trong Giáo hội sơ khai phần lớn là lương dân gốc Hy-lạp.
Trước câu hỏi của ba nhà chiêm tinh (hay đạo sĩ, lớp người trí thức của thời đại, thường thuộc hàng tư tế và làm cố vấn cho các ông vua bên Ba Tư; con số 3 suy ra từ 3 lễ vật của họ và tước hiệu “chiêm tinh” suy ra từ việc họ nói là đã thấy rồi theo một ngôi sao báo hiệu rồi dẫn đường), nổi bật lên hai thái đội khiến các vị lữ khách phương xa này ngạc nhiên không ít: giới cầm quyền bối rối và dân chúng thủ đô xôn xao, thay vì hân hoan mừng rỡ. Lý do: dân Do-thái thời ấy (và ngay cả các thủ lãnh tôn giáo của họ) đều có một quan niệm hết sức chính trị về Đấng Cứu Thế sẽ đến. Họ chờ mong, tìm kiếm một lãnh tụ uy quyền, xuất hiện cách vinh quang chứ đâu âm thầm chẳng ai biết như thế. Thái độ của họ sau này, khi Chúa Giê-su công khai xuất hiện, cũng chẳng thay đổi. Quần chúng (thậm chí cả môn đệ Chúa) muốn Người phải luôn làm dấu lạ và lên ngôi vua, thống lĩnh cuộc kháng chiến chống quân Rô-ma xâm lược, đem lại quyền bá chủ cho Ít-ra-en, bù lại bao thế kỷ sống trong nỗi nhục nhằn nô lệ.
Hê-rô-đê trái lại thì bối rối. Ấu chúa nào mới xuất hiện đây, phải chăng sẽ phương hại đến ngai vàng của mình ? Cần ra tay sớm để trừ hậu họa ! Lịch sử từng cho biết nhà vua là một kẻ hết sức đa nghi. Ông trải qua cuộc sống trong nỗi ám ảnh sợ mất quyền lực và luôn luôn tìm cách bảo vệ ngai vàng. Nhìn thấy âm mưu khắp nơi, Hê-rô-đê chỉ cư trú trong các pháo đài và đã từng giết ba con trai (Alexandre, Aristobule vào năm 7 TCN, Antipater vào năm 4 TCN), giết mẹ vợ và cả đến chính bà vợ Mariamme I yêu quý của mình (mẹ của Alexandre và Aristobule).
Ba đạo sĩ hẳn nhiên đi tìm một vị vua kiểu khác. Họ đã không chưng hửng khi ngôi sao dừng lại trên chỗ ở tồi tàn của Hài Nhi, khi chứng kiến sự nghèo khó tột cùng của gia đình Ấu chúa. Nhưng tại sao các hiền nhân Phương Đông xa xôi ấy lại đi tìm Người trên đất Ít-ra-en, giữa dân Do-thái? Thật ra, sự kiện họ loan báo đã nằm giữa lòng hy vọng của dân tộc Hip-ri, một niềm hy vọng vốn đã được gieo rắc rộng rãi bên ngoài biên giới địa dư xứ Palestine. Thánh Kinh, được dịch sang Hy ngữ 2 thế kỷ trước Chúa Ki-tô, đã phổ biến trong toàn thế giới niềm hy vọng về một vì vua sẽ từ Giu-đê xuất hiện. Các sử gia Rô-ma viết về cuộc Chiến tranh Do-thái năm 70 (như Tacitus và Suetonius) đã cho biết niềm tin của người Do-thái vào các sấm ngôn đó là nguyên nhân chủ yếu khiến họ cuồng nhiệt đấu tranh và nổi dậy. Chính các sử gia nầy cũng tin, nhưng cho rằng sấm ngôn ấy đã được Vespasianus (hoàng đế Rô-ma) và Titus (đại tướng Rô-ma, con của Vespasianus) hoàn thành qua việc Titus, vâng lệnh cha, chiếm thành Giê-ru-sa-lem năm 70. Về sau, Titus cũng lên ngôi hoàng đế.
Về ngôi sao dẫn đường, một số nhà chú giải cho rằng đó chỉ là hình ảnh biểu tượng, rút từ lời sấm của Bi-lơ-am trong Ds 24,27 và của I-sai-a trong Is 9,1.5. Số khác cho đó là một hiện tượng thiên nhiên có thật, dựa vào thiên văn gia nổi tiếng Johannes Kepler (1571-1630) vốn đã tính toán rằng vào năm 7-6 TCN, mà nay được nghĩ như thời điểm Đức Giê-su giáng sinh, có một sự giao hội của các hành tinh Jupiter (sao Mộc), Saturn (sao Thổ) và Mars (sao Hỏa). Số khác nữa lại cho rằng phải hiểu ngôi sao lạ đó theo cả hai phương diện, để khỏi lấn cấn với Mt 2,9-10.
2. Đôi mắt nhìn thấy.
Ba nhà thông thái ấy đã thấy Chúa Giê-su như thế nào ? Họ nghĩ gì về Hài Nhi được hạ sinh trong trường hợp đặc biệt như thế khi dâng cho Người vàng, nhũ hương và một dược ?
Xưa nay thiên hạ vẫn coi vàng là vua của mọi thứ kim loại và vì thế nó là tặng vật lý tưởng cho một vì vua. Tiến dâng vàng, ba nhà đạo sĩ (đại diện dân ngoại và nhân loại) nói lên việc họ xưng tụng vương quyền của Hài Nhi trong máng cỏ. Trong thư gởi tín hữu thành Ê-phê-xô, thánh Phao-lô sau này sẽ viết: “Thiên Chúa đã phục sinh Đức Ki-tô từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. Như thế, Người đã tôn Đức Ki-tô trên mọi quyền lực…, trên mọi tước vị…” (Ep 1,20-22).
Nhũ hương là thứ được dùng trong việc thờ phượng. Hương khói bay lên trời tượng trưng những lời ca tụng và cầu nguyện dâng tiến các thần linh và Thượng Đế. Dâng hương là thừa nhận thiên tính của Đức Giê-su: “Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật” (Hr 1,3). “Tự nguyên thủy đã có Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1).
Một dược (một=chết, dược=thuốc) là chất liệu người xưa dùng để ướp xác kẻ chết trước khi chôn cất (x. Mc 16,1; Lc 24,1). Vì chết là thân phận của con người, nên các Ki-tô hữu thường cắt nghĩa một dược ba đạo sĩ dâng tượng trưng cho nhân tính của Chúa Giê-su. Trong thư gởi tín hữu thành Phi-lip-phê, Thánh Phao-lô sẽ viết: “Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa… nhưng đã mặc lấy thân nô lệ thấp hèn, trở nên giống phàm nhân… lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Hơn mười lăm thế kỷ trước đây, thánh Phê-rô Kim Ngôn cũng đã nói về ý nghĩa lễ Hiển linh như vậy : “Ngày hôm nay, các vị đạo sĩ đã ngạc nhiên sâu xa trước điều họ chiêm ngắm : đó là trời ở trên đất, đất ở trong trời, con người trong Thượng Đế, Thượng Đế trong con người. Đấng mà cả vũ trụ không thể chứa nổi giờ đang được bó gọn trong một thân xác bé xíu. Khi ngắm nhìn, họ đã tin và không hề thắc mắc, vì những tặng vật đầy tính tượng trưng của họ đã làm chứng điều ấy. Nhũ hương để dâng Thiên Chúa, vàng để tiến Vua và một dược để tặng cho một con người”. Ba lễ vật tuyên xưng niềm tin vào bản tính sâu xa của Đức Giê-su (Thiên Chúa làm người) và vào sứ mệnh Người sẽ thực hiện (hiến thân chịu chết nhưng rồi phục sinh để bá chủ vạn vật trong tình yêu).
Ba nhà đạo sĩ bái yết Hài Nhi tượng trưng cho khát vọng của nhân loại kiếm tìm Thiên Chúa, Đấng muốn tỏ mình ra cho hết mọi người. Nhưng mọi dân tộc chỉ có thể nhận biết sứ điệp của Đức Giê-su khi chính Ki-tô hữu nỗ lực hoạt động. Chúng ta phải chia sẻ với họ “Tin mừng” là Con Thiên Chúa đã mang lấy nhục thể và đến sống giữa chúng ta để hòa đồng phận số; chia sẻ cho họ “Tin mừng” là Đấng Cứu Tinh (vì sao cứu mạng) đã đi vào lịch sử, không chỉ cho riêng dân Do-thái mà là cho tất cả mọi người; chia sẻ với họ “Tin mừng” là Đức Giê-su đã đến khánh thành Vương quốc Thiên Chúa, đã đến thiết lập một trật tự thế giới mới, trong đó sẽ không còn khổ đau phiền muộn, trong đó mọi người sẽ sống với nhau như anh em, con của một Cha trên trời, thần dân của một vị Chúa tình yêu.