CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA NĂM A: MT 2,13-15.19-23
Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì thiên sứ của Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi”. Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người lánh sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà. Thế là ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ : “Ta đã gọi Con Ta ra khỏi Ai-cập”.
Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, thiên sứ của Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng : “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi”. Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời phán qua miệng các ngôn sứ rằng : “Người sẽ được gọi là người Na-da-rét”.
TỪ BÊ-LEM VỀ NA-DA-RÉT
Cuối tháng 9-1994, có hai ông bà tên Green người Mỹ đem đứa con trai độc nhất là Nicolas, 12 tuổi, đi du lịch vòng quanh nước Ý. Sau khi đã thăm viếng các thành phố lớn như Milan, Rôma…, gia đình Green từ từ lái xe xuống miền Nam. Trên một con đường miền quê, hai người mang mặt nạ ra chặn đường, bắt xe dừng lại, đòi nộp tiền bạc. Lợi dụng một kẽ hở, ông Green lách chiếc xe tránh hai tên cướp và nhấn ga chạy thoát. Hai tràng đạn bắn theo. Cửa kính sau bể nát. Nicolas bị thương ở đầu. Ông Green vẫn phóng xe đi thẳng, thoát khỏi bọn cướp. Tại một bệnh viện, Nicolas được cấp cứu và điều trị. Nhưng vết thương ở đầu quá nặng, nên sau vài ba tiếng đồng hồ, em đã tắt thở.
Chính lúc ngồi đợi tin tức về con, ông bà Green tình cờ nghe biết nhiều trẻ em đang cần những cơ quan như tim, gan, thận… để được cứu sống. Mặc dầu đang đau khổ, ông bà đã gọi điện thoại cho bộ y tế nước Ý để hiến tặng những gì có thể dùng được trong thân thể của Nicolas nhằm đáp ứng yêu cầu của một số em bé đang trong tình trạng nguy kịch vì chờ ghép cơ phận. Năm em bé người Ý sau đó đã được cứu sống và bình phục nhờ năm cơ quan của Nicolas. Tin tức này đã được đăng tải trên nhiều báo chí Âu Mỹ, khiến sau biến cố, nhiều con đường của các thành phố Ý mang tên là Nicolas, tạm dịch ra tiếng Việt là những con đường “Em bé mùa xuân”. Trước câu hỏi “Vì sao ông bà đã có suy nghĩ và hành động phi thường như vậy ?” câu đáp của đôi vợ chồng Green thật tuyệt vời: “Vì chúng tôi yêu nhau và yêu mọi người…”.
Cách đây hơn 2000 năm đã xảy ra một cuộc trốn chạy như thế của một đôi vợ chồng trẻ và cậu con trai. Cũng vì hận thù, bạo lực! Và cậu bé ấy không chết sau một vài giờ như Nicolas, nhưng mãi hơn 30 năm sau đó. Thân thể chàng không chỉ cứu được năm ba người mà là mọi người! Và tên chàng trở thành tên của muôn triệu thế nhân chứ không chỉ được đặt cho một số con đường nào đó !
1. Ra khỏi Ai-cập để làm Ít-ra-en mới
Văn thể và cơ cấu của đoạn Mt 2,13-23 bao trùm bài Tin mừng hôm nay làm cho nó thành một đơn vị văn chương riêng biệt. Mỗi một trong ba trình thuật hàm chứa ở đây (bản văn phụng vụ loại bỏ trình thuật ở giữa : 2,16-18) đều khởi đầu bằng một câu chuyện vắn gọn nhưng long trọng, không tình tiết ly kỳ, và kết thúc với một suy tư về chủ đề : định mệnh Đức Giê-su hoàn thành lời ngôn sứ. Các trình thuật ấy đều được kiểu thức hóa, giản lược vào điểm chính yếu. Đối với Mt, cái quan trọng không phải là sự chính xác trong chi tiết tường thuật, song là ý tưởng : Đức Giê-su đã hoàn thành mọi lời tiên báo. Nhưng dù các trình thuật ấy có được kiểu thức hóa và đậm chất thần học như thế, người ta cũng không nên kết luận chúng thuộc thần thoại ly kỳ. Ít nhất hãy ghi nhận : các sự kiện Mt tường thuật ở đây chẳng có gì lạ lùng khó tin cả : việc trốn sang Ai-cập của các gia đình Do-thái bị tình nghi, những hành vi bạo ngược bệnh hoạn của Hê-rô-đê, việc định cư tại Ga-li-lê để tránh nạn khủng bố đang hoành hành trong vương quốc Ác-khê-lao, tất cả đều tương ứng hoàn toàn với những gì chúng ta biết được về thời đại ấy. Tuy nhiên, qua các biến cố, Mt muốn minh giải một chủ đề ông ưa thích hơn là tìm cách tường thuật suông các sự việc. Đó là : chương trình của Thiên Chúa quan phòng được thực hiện không những dù gặp sự gian ác của con người (âm mưu của Hê-rô-đê, nguy cơ từ Ác-khê-lao), song còn nhờ sự gian ác đó nữa.
Trong trình thuật đầu, Mt muốn đặt nổi ý tưởng : Đấng Mê-si-a bị dân mình khai trừ và bắt bớ. Phù hợp với quan niệm các giáo sĩ Do-thái cho rằng thời Cánh chung sẽ có một cuộc Xuất hành mới, ông nhìn thấy trong loạt biến cố này chính cuộc Xuất hành mới ấy, tiên báo cuộc Xuất hành chung cục của nhân loại mà Đức Giê-su sẽ thực hiện trong sứ vụ Người. Một lần nữa, trẻ nít Do-thái bị một ông vua tàn sát; song như Mô-sê được thu giấu và cứu thoát, Đức Giê-su cũng thoát nạn. Thiên Chúa đã gọi Ít-ra-en từ Ai-cập về, bây giờ chính Đức Giê-su, Ít-ra-en mới, cũng ra khỏi Ai-cập.
Vì vậy, trong biến cố đầu tiên kể lại đây, quan điểm của Mt chẳng phải là nói về cuộc trốn sang Ai-cập, song là việc rời bỏ Ai-cập trở về đất Ít-ra-en. Quan điểm đó được nhấn mạnh bằng câu trích dẫn Hô-sê: «Từ Ai-cập, Ta đã gọi con Ta về» (Hs 11,1). Như thế, mục đích chính yếu của việc trốn sang Ai-cập trở nên rõ ràng : Đức Chúa đã làm cho hài nhi Giê-su biểu lộ được ơn gọi thiên sai (Mê-si-a) của mình khi gọi Người ra khỏi Ai-cập. Theo sách Xuất hành, người Hip-ri đã được đặt làm dân Thiên Chúa, và được ơn thiên triệu trở nên sở hữu của Thiên Chúa khi được gọi ra khỏi Ai-cập. Bởi đó, ngay sau khi đoàn người đến Xi-nai, Đức Chúa đã phán với họ qua miệng Mô-sê rằng : “Từ nay, Ta sẽ làm cho các ngươi nên sở hữu đặc biệt của Ta giữa mọi dân tộc” (Xh 19,5). Cũng thế, khi ra khỏi Ai-cập là Đức Giê-su biểu lộ ơn gọi làm Tân Ít-ra-en ; vì vậy Thiên Chúa mới gọi Người là “Con yêu dấu” khi Người chịu rửa ở sông Gio-đan. Dựa theo lối song đối Ít-ra-en-Đức Giê-su của Mt, ta phải kết luận rằng Đức Ki-tô mang trong mình dân mới của Thiên Chúa, tức Giáo hội, và lôi Giáo hội theo trong cuộc Xuất hành cánh chung của Người.
2. Trở về Na-da-rét để làm Mô-sê mới
Trong trình thuật sau, Mt trở lại ý tưởng Xuất hành, nhưng lần này không so sánh Đức Giê-su với tập thể Ít-ra-en song là với Mô-sê. Như Mô-sê đã bí mật thoát chết (x. Xh 2,1-10) và đã sang nước ngoài tỵ nạn để trốn Pha-ra-ô (x. Xh 2,11-15) trước lúc công khai đối đầu với ông ta theo lệnh Đức Chúa sau khi được phong làm ngôn sứ (x. Xh 3,1-12) ; cũng vậy, Đức Giê-su đã trốn tên bạo chúa, tránh được cuộc tàn sát (cc. 13-15) và về ẩn náu tại Na-da-rét (c. 23) rồi tái xuất hiện và rao giảng công khai, sau khi được phong làm Mê-si-a lúc chịu phép rửa (ch. 3-4). Chính Mt để lộ ra chủ ý song đối này khi ám chỉ một câu của Xh (4,19) : “Vì những kẻ tìm hại tính mạng ngươi đã chết rồi”. Cuối cuộc xuất hành này, Đức Giê-su sẽ xuất hiện trên sân khấu công khai, dẫn đầu đoàn lũ bước theo Người (4,25), và bấy giờ Người sẽ ban cho họ Lề luật mới (Diễn từ trên núi, ch. 5-7), như Mô-sê tại Xi-nai sau khi ra khỏi Ai-cập.
“Vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết”: Mt dùng số nhiều ở đây, dù không hợp với Hê-rô-đê, là vì muốn ám chỉ Xh 4,19 như nói trên. Trong Cựu Ước, Pha-ra-ô và Ai-cập tượng trưng cho sự cứng tin và chai đá tâm hồn ; trong Tân Ước, thành Giê-ru-sa-lem và Hê-rô-đê đóng lại vai trò đó. Nhưng dù vậy, mối đe dọa vẫn còn, xuất phát từ con của Hê-rô-đê là Ác-khê-lao. Tiểu vương này cai trị miền Giu-đê, Sa-ma-ri và Ê-đôm từ năm 4 trước Công nguyên đến năm 6 Công nguyên. Lịch sử cho biết ông ta dữ tợn chẳng kém thân phụ. Người Do-thái căm ghét và kiện ông sang Rô-ma, nên sau 9 năm cầm quyền, ông bị hoàng đế Au-gút-tô truất phế và đày qua xứ Ga-li-a (Pháp). Như vậy Giu-se bỏ Giu-đê (vùng đất Do-thái bất tín) mà “về miền Ga-li-lê” (vùng đất dân ngoại sẽ tin vào Đức Ki-tô, x. Mt 4,12-16).
“...đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét”. Mt coi việc Đức Giê-su sống tại Na-da-rét như sự hoàn thành nhiều bản văn ngôn sứ. Nhưng lời trích trống «qua miệng các ngôn sứ» chẳng thấy đâu trong Cựu Ước cả. Ngoài ra, chữ «người Na-da-rét» (CGKPV) lại được viết theo bản Hy-lạp: Nazôraios [Nazôrêô]; Nguyễn Thế Thuấn: Nazarêô; Bible de Jérusalem: Nazôréen ; Christian Community Bible: Nazorean, chứ không phải Nazaréen hay Nazarean như ta nghĩ). Tương quan giữa Na-da-rét và Nazôraios phải giải thích thế nào ? Người ta thường đề nghị 2 cách: 1) Nazôraios có lẽ liên hệ với naziraios (Bản 70) là phiên âm ngữ của tiếng Hip-ri nâzir (na-dia). Na-dia, như Sam-sôn chẳng hạn (Tl 13,5-7 : đoạn văn thường được đối chiếu với Mt 1-2) là 1 kẻ “được tách biệt”, “được thánh hiến”, “được dành cho Thiên Chúa”. Lc có trình bày Gioan Tẩy giả (1,15) rồi Đức Giê-su (1,35) như một na-dia, kế nghiệp và còn vượt trên các kẻ thánh hiến của Cựu Ước ấy. 2) Nazôraios có lẽ liên hệ với tiếng Hip-ri nésèr, “chồi non, mầm non” của cây. Thế mà nhiều bản văn thiên sai (mê-si-a) của Cựu Ước lấy lại hình ảnh này (Is 4,2 ; Gr 23,5 ; 33,15 ; Dcr 3,8 và nhất là Is 11,1). Như thế, có thể cho rằng Mát-thêu đã phát hiện trong địa danh Na-da-rét một ám chỉ mang tính tiên tri về “mầm non” (nésèr) và ông thấy việc dùng cách gọi Nazôraios cho Đức Giê-su như một dấu chỉ việc hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa.
* Lễ Thánh Gia hôm nay cũng khiến ta nhìn bài Tin Mừng dưới khía cạnh thử thách và tình yêu. Chúng ta thường dễ quên phương diện nhân loại trong cuộc đời Đức Giê-su và vẫn nghĩ: ai sống trọn vẹn cho Chúa thế nào cũng được Chúa “thưởng” cho 1 kiếp sống êm ả và tràn đầy may mắn. Cuộc trốn chạy của Thánh Gia hôm nay buộc ta quay lại với thực tế phũ phàng: khi làm người, Ngôi Lời đã sống trong 1 gia đình gặp nhiều thử thách dẫu tràn trề yêu thương, và Người đã lớn lên nhờ bầu khí ấy. Chắc chắn không đôi tình nhân nào yêu nhau nồng thắm bằng đôi tình nhân Ma-ri-a-Giu-se, nhưng cũng hiếm cuộc sống chung nào gặp nhiều cay đắng thử thách như các ngài: cuộc tình suýt tan vỡ (x. Mt 1,18-19), không tìm ra chỗ sinh con, bồng bế nhau chạy trốn kẻ tìm giết, lạc con khi đi hành lễ… Nhất là Ma-ri-a phải chứng kiến cảnh chồng mất sớm, con chết giữa dang dở tuổi đời mà lại chết ô nhục… Nhưng trên hết mọi sự, các ngài đã nắm lấy tay Chúa và cầm lấy tay nhau để vượt qua đau khổ thử thách. Và biến thử thách đau khổ thành cơ hội thể hiện tình yêu, như câu chuyện mở đầu.