Chúa Nhật 4 Mùa Chay Năm A

Thứ sáu - 17/03/2023 19:01 872 0
 
 


CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY NĂM A : GA 9,1.6-9,13-17.34-38
 

            Khi ấy, ra khỏi Đền Thờ, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta : “Anh đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là : người được sai phải). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.
            Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói : “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao ?” Có người nói : “Chính hắn đó !” Kẻ khác lại rằng : “Không phải đâu ! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!” Còn anh ta thì quả quyết : “Chính tôi đây !”
            Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu. Ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát. Vậy các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời : “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa, và tôi nhìn thấy”. Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói : “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát”; kẻ thì bảo : “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy ?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. Họ lại hỏi người mù : “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh ?” Anh đáp : “Người là một vị ngôn sứ !” Họ đối lại : “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư ?” Họ liền trục xuất anh.
            Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người nói : “Anh có tin vào Con Người không ?” Anh đáp : “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin ?” Đức Giê-su trả lời : “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”. Anh nói : “Thưa Ngài, tôi tin”. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.
                                                                                                                                                             
 
SÁNG THỰC VÀ MÙ THỰC
 

            
Một nông dân kia vừa mới trở lại đạo. Một học giả vô thần hỏi anh ta : “Anh trở lại theo Đức Giê-su mà có biết Người sinh ra ở đâu, đã làm những việc gì, đi đến bao nhiêu chỗ, nói bao nhiêu dụ ngôn không ? Có biết địa dư đất nước phong tục thời đại Người thế nào, Người để lại ảnh hưởng ra sao trên lịch sử không ?” Trước loạt câu hỏi tới tấp như thế, anh nông dân trả lời : “Tôi dốt nát nghèo hèn, làm sao biết được tất cả những điều cao siêu đó ! Tôi chỉ biết Người là Chúa của tôi, chỉ biết rằng từ khi theo Người, đời tôi sáng lên, tôi bỏ được tật nghiện rượu, gia đình tôi êm ấm, vợ chồng tôi thuận hòa, con cái tôi ngoan ngoãn…”.


            1. Tiến trình hóa sáng.
            Người nông dân tín hữu và vị học giả vô thần vừa thấy tương ứng với anh mù từ thuở mới sinh và nhóm Pha-ri-sêu (Biệt phái) trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay.         
             Phép lạ chữa mắt anh lành được mô tả cụ thể nhưng vắn gọn (chỉ trong 3 hàng), vì điều chính yếu đối với thánh sử Gio-an chính là ý nghĩa của các hình ảnh. Người mù từ thuở mới sinh chính là biểu tượng của một nhân loại bị chìm ngập trong bóng tối, khi không biết Chúa Giê-su, khi các đau khổ của mình xem ra vô nghĩa. Phép lạ sáng mắt là dấu chỉ Chúa Giê-su muốn đưa ra về chính mình. Câu chuyện với những lời hỏi thưa, đối đáp xoay quanh anh mù, nhưng thật ra liên quan đến chính Chúa. Người là đối tượng vắng mặt của một vụ án kỳ lạ. Có bốn cuộc hỏi cung liên tiếp xảy ra, ngày càng thêm dã tâm ác ý. Nhưng cuối cùng, chính Đức Giê-su xuất hiện để xét xử các địch thủ của Người.
            Chính những kẻ thân cận láng giềng mở cuộc điều tra đầu tiên (cc. 8-12): chuyện gì đã xảy ra, xảy ra như thế nào, ai làm điều ấy ? Đây mới chỉ là tính tò mò tự nhiên đầy thiện cảm. Phần kẻ khỏi bệnh, anh như trở về từ một thế giới xa xôi. Anh chưa biết gì về Chúa Giê-su trừ ra cái tên của Người. Trong cuộc “hỏi cung” thứ nhì (cc. 13-17), nhóm Pha-ri-sêu chia rẽ nhau về nhân vật bí ẩn : kẻ binh người chống. Con người thiện chí chập chững tiến dần, kể ra nhờ phiền nhiễu của các kẻ điều tra anh. “Người là một ngôn sứ !” bây giờ anh khẳng định. Trong “phiên tòa” thứ ba (cc.18-23: cuộc thẩm vấn cha mẹ anh mù, mà bản văn phụng vụ lược bỏ), lại một thái độ trước Đức Giê-su : tránh né. Thiên hạ từ chối đặt ra cho mình một số câu hỏi có nguy cơ gây liên lụy. Chúng ta thỉnh thoảng có như thế không ? Nhúng tay vào chi hay đặt vấn đề chi cho đẻ chuyện thêm mệt ! Trong phiên tòa thứ bốn (cc. 24-34), người Pha-ri-sêu chìm sâu trong hệ thống lý luận của họ : họ “biết hết” mà ! Biết Cựu Ước, biết Mô-sê, biết luật ngày sa-bát, biết “Giê-su là một kẻ tội lỗi”. Nhưng không muốn biết tới một sự kiện hiển nhiên, mới mẻ, kỳ lạ, không muốn biết Chúa Giê-su từ đâu tới, vì như thế là gây lâm nguy cho hệ thống giáo lý của mình. Họ phạm cái tội duy nhất trong Tin Mừng Gio-an: từ chối tin… nhất quyết cứng lòng… tự bịt mắt trước mầu nhiệm Đức Giê-su mạc khải.
            Đang khi mấy người Pha-ri-sêu khép mình trong thái độ vô tín của họ, thì anh mù không ngừng tiến tới trong đức tin. Và ta nhận thấy đức tin này chỉ đạt tới đỉnh cao nhờ sáng kiến và câu hỏi của Chúa Giê-su về mình. Mọi câu hỏi nhóm Pha-ri-sêu đã đặt cho anh giúp anh tiến lên, nhưng việc tuyên xưng niềm tin chân thực chỉ hoàn thành với việc đích thân gặp gỡ Chúa. Y như người phụ nữ Sa-ma-ri trong bài Tin Mừng tuần trước, anh mù thoạt tiên đứng trước “một người tên Giê-su” (9,11), rồi khám phá ra đó là “một ngôn sứ” (9,17)… “một người bởi Thiên Chúa mà đến” (9,33)… và sau hết là “Con Người” (9,35). Đây là một cuộc phản công phục thù của Thiên Chúa. Con người nghèo hèn khốn khổ đã tìm được hạnh phúc duy nhất đích thực. Phải mù từ thuở mới sinh, không mấy được láng giềng trợ giúp, cha mẹ nâng đỡ, bị trục xuất khỏi Hội đường như một kẻ mắc bệnh dịch… Nhưng niềm vui được tin lớn lao biết mấy. Đây cũng là phép lạ chính yếu, đích thực mà Chúa Giê-su muốn thực hiện. Sáng mắt đâu quan trọng bằng sáng lòng !

            2. Thoái lộ thành mù
            Đoạn cuối câu chuyện (cc.39-41, bản văn phụng vụ lược bỏ) là một cuộc đảo lộn hoàn toàn tình thế (gây ra do sứ mạng của Đức Giê-su ở trần gian) : “tội” không nằm nơi Pha-ri-sêu (những kẻ khinh bỉ “thằng đui tội lỗi ngập đầu”) đã đặt lúc ấy… và sự mù lòa đích thực cũng chẳng ở chỗ họ (những kẻ tự cho mình thông sáng) đã nghĩ xưa nay. Chính họ là những kẻ mù lòa, là những người duy nhất từ chối nhìn xem cái đang đập vào mắt : “Nếu các ông đui, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông thấy (mà vẫn không tin), nên tội các ông vẫn còn !” (Ga 9,41). Nói cách khác, người công nhận mình đui mù, dốt nát, thì lãnh nhận được ánh sáng của Đấng mạc khải; còn kẻ tự phụ về những kiến thức của mình hoặc cho mình biết tuy mình chẳng biết thì khép lòng trí lại trước Đức Giê-su là Đấng đem ánh sáng cứu rỗi; vì thế, họ sẽ mãi mãi ở trong tối tăm và không thoát khỏi bị tiêu diệt.
            Đặt mình ở trung tâm ngày sa-bát, Đức Giê-su xác nhận rằng sự đoạn tuyệt giữa người Do-thái và Ki-tô hữu trước hết và trên hết là một sự đoạn tuyệt mang tính Ki-tô học. Cuộc xét xử Người gây ra (c. 39) chính là việc chia rẽ vì Người. Tùy thái độ trước Ngôi Lời nhập thể mà phàm nhân hoặc ở trong tối tăm, hoặc ở trong ánh sáng.
             Nhưng muốn mở lòng cho ánh sáng Chúa Ki-tô và sống nhờ đó, thì phải có nhiều điều kiện: + khiêm tốn, để chấp nhận rằng cái nhìn của Thiên Chúa không tương ứng với cái nhìn của ta; + trung thực, để đi tìm chân lý mà không tránh né những gì chân lý đòi hỏi; + tin tưởng, để phó mình theo những huấn luyện của Chúa, không ngập ngừng cũng chẳng lần lữa.
            Tóm lại, toàn bộ trình thuật (Ga 9,1-41) nhắm làm nổi bật 3 điểm sau đây: 1- Mạc khải chân lý: Cuộc chiến thắng của ánh sáng (Thiên Chúa) đối với bóng tối (tội lỗi) (9,4-5.6-7.39b.41); 2- Mục tiêu hộ giáo: Cuộc tranh luận, tranh chấp giữa Giáo hội và Hội đường, giữa các môn đệ của ông Mô-sê và các môn đệ của Đức Giê-su vào thời Giáo hội sơ khai (9,28-33); 3- Bí tích Thánh tẩy: Trong giai đoạn cuối cùng, sau khi các dự tòng đã qua cuộc khảo sát và được coi như xứng đáng lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, có đọc các bài Cựu Ước về nước thanh tẩy và bài Tin Mừng Ga 9; tiếp đó các dự tòng đọc kinh Tin kính (9,38-39). Cử chỉ mở mắt cũng là một phần trong nghi thức Thánh tẩy (9,6). Trình thuật cũng ám chỉ bí tích Thánh tẩy cách chung: dự tòng là như người mù từ thuở mới sinh; tình trạng đui mù tuyệt đối, tượng trưng cho tội lỗi, bị phá tan trong nước hồ Si-lô-ác (chỉ Đức Giê-su, người được Thiên Chúa sai phái); tội lỗi được rửa sạch trong nước thanh tẩy nhờ quyền năng của Người.
 

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây