Chúa Nhật tuần 3 Mùa Chay Năm A

Thứ sáu - 10/03/2023 20:46 254 0

 
CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY NĂM A : GA 4,5-15.19-26.39-42
 


            Khi ấy, Đức Giê-su đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.
            Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy : “Chị cho tôi xin chút nước uống !” Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói : “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao ?” Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri.
            Đức Giê-su trả lời : “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”. Chị ấy nói : “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống ? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này ? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy”. Đức Giê-su trả lời : “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.
            Người phụ nữ nói với Đức Giê-su : “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”. Người phụ nữ lại nói : “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ… Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi nầy ; còn các ông lại bảo : Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa”. Đức Giê-su phán : “Này chị, hãy tin tôi : đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết ; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật”. Người phụ nữ thưa : “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Đức Giê-su nói : “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”.
            Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng. Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ : “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian”.       
                                                                          

 
NƯỚC GIẢI KHÁT THỰC


            Văn hào Maksim Gorky người Nga (1868-1936) có lần được mời sang Mỹ du lịch. Trong thời gian lưu trú, hằng ngày ông được bạn hữu đem đi chỗ này chỗ khác để giới thiệu về sự phồn vinh của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ : hôm thì đi xem trình diễn nhạc kịch, hôm thì viếng thăm khu vui chơi giải trí, hôm lại tiệc tùng tại các nhà hàng sang trọng… Sau hơn một tuần cho nhà văn hưởng nếm những kỳ thú tuyệt vời của nền văn minh vật chất tư bản, người ta xin ông cho một nhận định, Gorky trả lời : “Tôi nghĩ rằng chắc tâm hồn các ông buồn bã và trống rỗng lắm !”


            1. Nỗi lòng khao khát.
            Câu chuyện đơn giản trên đây minh họa một điểm mà người phụ nữ Sa-ma-ri đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Chị ta nói với Đức Giê-su : “Thưa ông, ông không có gàu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống ?” Nhưng Đức Giê-su cắt nghĩa cho chị rằng Người không định nói đến thứ nước vật chất dùng để làm dịu cơn khát thông thường, mà là thứ nước thiêng liêng làm dịu cơn khát tâm linh. Người vừa chỉ vào giếng vừa nói : “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa”. Nghĩa là về mặt thân xác, tất cả chúng ta bị khát thế nào thì về mặt tâm linh, tất cả chúng ta cũng bị khát như thế. Vậy khát tâm linh là gì ? Đâu là sự trống rỗng bên trong mà tất cả chúng ta từng cảm nghiệm ?
            Các tác giả Cựu Ước đều cho rằng đó là một “cơn khát Thiên Chúa”. Chẳng hạn Thánh vịnh 42 viết : “Như nai rừng mong mỏi, tìm về suối nước trong; hồn con cũng trông mong, được gần Ngài lạy Chúa” (Tv 42,2). Tương tự như thế, I-sai-a cũng thuật lại lời Chúa phán bảo : “Đến cả đi, hỡi những người đang khát… Hãy lắng tai và đến với Ta” (Is 55,1.3). Cuối cùng, Giê-rê-mi-a cũng so sánh Thiên Chúa như “mạch nước trường sinh” tuôn trào (Gr 17,13). Cơn khát mà tất cả chúng ta đều cảm nghiệm (mặc dầu có thể không nhận ra) là cơn khát Thiên Chúa. Đây là một cơn khát nội tâm mà hễ là người ai nấy đều có cả. Thánh Augustinô đã cắt nghĩa như sau : “Lạy Chúa, chúng con được tạo nên cho Chúa, nên tâm hồn chúng con còn khắc khoải mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài”. Đức cha Maurice d'Hulst (1841-1896, một nhà giảng thuyết lừng danh) cũng từng viết: “Trái tim con người ngay từ đầu đã bị một mũi tên từ vô biên bay xuống làm tổn thương. Không ai có thể chữa được vết thương này, trừ Đấng đã gây ra nó”. Một văn sĩ khác còn diễn tả cách thi vị hơn : “Nơi tâm hồn chúng ta có một lỗ hổng hình Thiên Chúa mà chỉ một mình Người mới có thể lấp đầy nổi”.
            Nhưng khổ thay, đó là tấn bi kịch rất phổ biến của thế giới đương đại. Bi kịch đó là chúng ta đang gắng lấp đầy lỗ hổng hình Thiên Chúa trong trái tim chúng ta bằng những cái khác chứ không phải là Người. Như chị phụ nữ trong Tin Mừng khao khát một tình yêu, nhưng lại tìm cách thỏa mãn qua việc tuần tự lấy ông chồng này đến ông chồng khác, rốt cục sáu ông cả thảy, chúng ta cũng đang gắng tìm cách thỏa mãn cơn khát tâm linh mình bằng những thứ không phải là Thiên Chúa. Văn sĩ Frank Sheed người Anh có nói : Trái tim mọi người đều mang một cơn khát thiêng liêng. Nhưng thay vì thỏa mãn cơn khát đó theo lối tinh thần, chúng ta lại thường dùng vật chất như của cải, lạc thú, sắc đẹp, kiến thức, danh vọng, quyền lực. Nhưng dùng của cải vật chất trần thế để làm dịu cơn khát thiêng liêng chẳng khác nào dùng nước muối để giải tỏa cơn khát của thân thể. Càng uống chúng ta càng cháy cổ họng. Nhận định của văn hào Maksim Gorky trên đây về những kẻ theo đuổi phồn vinh vật chất thật là thâm thúy.
            Rõ ràng là nếu chỉ có thành công về vật chất thôi thì chúng ta sẽ vẫn còn thấy trống rỗng trong tâm hồn. Nơi đâu nhiều người tự tử bằng các nước giàu có như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thụy Điển…? “Lắm khát vọng vô biên lại đụng phải những miếng mồi nhạt nhẽo” (Maurice Blondel). Biết bao kẻ “đã ôm siết trong bàn tay thất vọng”, “dấn thân mãi để kiếm trời dưới đất” (Xuân Diệu)!



            2. Thỏa lòng khát khao.
            Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy chỉ một mình Chúa Giê-su mới có thể thỏa mãn được cơn khát sâu xa đích thực trong tâm hồn chúng ta. Chỉ một mình Chúa Giê-su mới có thể lấp đầy khoảng trống trong cuộc sống con người. Là Con Thiên Chúa, Người đã đến để trám lỗ hổng hình Thiên Chúa trong mỗi tâm can. Là Hoàng tử Bình an, Người đã đến để tiêu trừ nỗi xao xuyến khắc khoải trong trái tim nhân thế. Và đó cũng chính là nỗi khát khao của Người : khao khát làm vọt lên những suối nước trong tâm hồn chúng ta. Cách thức độc nhất để xứng với lòng khao khát đó chính là khát khao Người. Ước muốn đáp lại ước muốn, tình yêu đáp lại tình yêu.
            Nhưng muốn Người trở thành nước giải khát đích thực cho bản thân mình, chúng ta phải làm như người phụ nữ, xuống dần trong cái giếng sâu là mầu nhiệm bản thân Đức Giê-su : một kẻ xa lạ khốn khổ đang mệt và khát… một người Do-thái “biết Đấng mình tôn thờ…” nhưng lại “lớn hơn tổ phụ Gia-cóp”, thủy tổ dân Ít-ra-en… một ngôn sứ đọc thấy lòng người và đoán được mọi ưu tư thầm kín… Đấng Mê-si-a chờ đợi có khả năng làm vọt lên nước trường sinh… và dạy cho nhân loại biết cơn khát đích thực của họ : tôn thờ Chúa Cha trong thần khí và sự thật… tóm lại là Cứu tinh của thế giới !
            Muốn Chúa Giê-su giải khát tâm hồn, phải trở thành những kẻ thờ phượng thật mà Chúa Cha tìm kiếm. Thờ phượng thật là không coi Thiên Chúa như một vị thần ta sẽ tìm đủ mọi cách sai khiến hay mua chuộc để thủ lợi, một thủ kho ta sẽ tìm cách đút lót nịnh bợ để được nhiều vật tư, là không coi Thiên đàng như một nơi thỏa mãn mọi thứ ham muốn, bù lại những tháng ngày trần gian thiếu thốn đói khổ (như một số tôn giáo vẫn trình bày và một số Ki-tô hữu vẫn tưởng nghĩ). Nếu Thiên đàng là nơi muốn gì được nấy (kể cả những khao khát vật chất, xác thịt, phàm tục), thì Thiên đàng ấy cũng chẳng bao giờ làm ta thỏa mãn. Vì sự thỏa mãn đích thực, hạnh phúc sâu xa chính là yêu và được yêu một cách tuyệt đối. Chúng ta đã được “lập trình” như thế rồi. Điều này chỉ có thể thực hiện trong và nhờ Thiên Chúa Tình Yêu thôi. Thờ phượng thật mới đem tình yêu đáp lại tình yêu của Người, mà vẫn không ngừng coi Người như Thiên Chúa.
                       

 

 

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây