Người thân cận

Thứ sáu - 08/07/2022 19:37 1.107 0
 

CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN NĂM C : LC 10,25-37
            
Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su, mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi, và phải yêu người thân cận như chính mình”. Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”.
           
 Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế cũng tránh qua bên mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”. Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai là thân cận với người bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”. Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.
           
 
NGƯỜI THÂN CẬN

            Tạp chí Glamour (Mỹ) số tháng 12-1991 đăng một bài xã luận như sau: “Có một phụ nữ lái chiếc xe màu đỏ đến trạm thu lệ phí của cầu Bay Bridge (bang Michigan), đưa cho nhân viên bảy vé rồi nói: “Tôi trả cho sáu chiếc xe sau tôi”. Khi mỗi xe dừng lại, người tài xế liền được bảo: “Bà lái chiếc xe đỏ đã trả lệ phí cho anh rồi. Chúc anh một ngày vui vẻ!” Người phụ nữ đã được thúc đẩy bởi câu nói của Anne Herbert: “Hãy thực hiện những việc tốt tình cờ và những cử chỉ đẹp nho nhỏ”. Anne tin rằng “việc tốt tình cờ” có thể gây nên cả một cơn sóng cồn, y như “bạo lực tình cờ” vậy. Có lẽ vì thế mà câu nói dễ thương của Anne bắt đầu xuất hiện ở nhiều chỗ. Nó đánh thức một cái gì sâu kín trong trái tim con người”. Và tạp chí Glamour kết luận: “Như một cuộc cách mạng, lòng tốt kiểu du kích bắt đầu cách từ từ, với chỉ một hành vi duy nhất. Ước mong đó là hành vi của bạn”.    

   1. Ai là người thân cận của tôi?
            Trong dụ ngôn ta sẽ nghe hôm nay, cũng có một lòng tốt tình cờ, và nó đã góp phần gây nên cả một cơn sóng cồn tình yêu vĩ đại còn tiếp tục cho đến thời đại chúng ta. Nhưng lý do khiến nó đã được Đức Giê-su thốt lên chính là câu hỏi của một người thông luật; “Khi ấy, có người thông Luật kia muốn thử Đức Giê-su, mới đứng lên hỏi Người rằng: Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Vào thời Đức Giê-su, đây không phải là câu hỏi đương nhiên đối với mọi người Do-thái. Phái Pha-ri-sêu tin vào sự sống đời sau và vào việc kẻ chết sống lại. Nhưng phái Xa-đốc thì chẳng tin. Ngày nay, loài người chung quanh chúng ta tiếp tục có những lập trường đối nghịch nhau về vấn đề này. Thành thử điều đó không mới. Dù trả lời khẳng định hay phủ định, vấn đề sự sống vĩnh cửu là một trong những vấn đề trầm trọng nhất mà loài người đã có thể đặt ra, vấn đề nghiêm túc nhất, vấn đề có cái “được mất” liều lĩnh nhất. Chính đứng trước câu hỏi ấy mà Pascal, qua bản văn thời danh mang tên “đánh cuộc” (x. Tư tưởng 343 hay 418) đã cố mang lại một câu trả lời: “Thiên Chúa hiện hữu hay không hiện hữu. Chúng ta nghiêng về phía nào? Phải đánh cuộc! Ừ thì cho rằng bạn không tin vào Thiên Chúa là có lý đi, nhưng sẽ rất bất lợi cho bạn. Giả sử bạn không tin có Thiên Chúa, có linh hồn, có đời sau; nếu thực sự không có, thì bạn đúng, nhưng bạn cũng chẳng được lợi gì. Bằng như ngược lại nếu Thiên Chúa có, linh hồn có, đời sau có, thì bạn sẽ mất hết. Nhưng nếu bạn tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, vào quyền lực của Người để mà cậy trông; thì dù thực sự không có Thiên Chúa, bạn cũng chẳng mất mát gì, mà bạn vẫn sống tốt, sống có niềm vui do tin tưởng vào Người. Còn như thực sự có Thiên Chúa, bạn sẽ được tất cả. Thế thì tin vẫn luôn luôn có lợi hơn”. Mọi thời, trong mọi nền văn minh, loài người đều hy vọng vào một “sự sống khác”. Đức Giê-su đã luôn nói đến sự sống này. Người thậm chí còn bảo “sự sống vĩnh cửu” ấy (sự sống của Đấng Vĩnh Cửu) đã khởi sự. Đối với ai tin, nó đã có rồi, được sống rồi, mặc dầu chưa hoàn tất, dĩ nhiên. Nhưng sự sống này hệ tại cái gì? Và phải làm gì để có được nó? Đó là câu hỏi của thầy thông luật. Đó cũng là câu hỏi của ta.
            Nhưng Đức Giê-su đã hỏi ngược lại: “Trong Luật đã viết gì?” Vị tiến sĩ Luật trước hết trích dẫn lời cầu nguyện thường ngày của người Do-thái, kinh Shema Israel/Yisrael, rút từ Đệ Nhị Luật (6,5) mà Đức Giê-su cũng từng đọc nhiều lần trong ngày. Nhưng ông thêm một đoạn rút từ sách Lê-vi 19,18: “Phải yêu người thân cận như chính mình”. Để sống vĩnh cửu, thành thử phải yêu mến! Câu hỏi và đáp này đã tìm thấy trong hai Tin Mừng Nhất Lãm khác (Mt 22,34-40; Mc 12,28-31). Nhưng Lu-ca thì không phân biệt điều răn “thứ nhất” với điều răn “thứ hai”. Lòng mến Thiên Chúa và yêu tha nhân đâu có tách rời nhau. Phải chăng trong đời tôi cũng vậy?
            Cho đến đây, chúng ta chẳng có gì độc đáo cả. Giáo huấn của Đức Giê-su không khác Lề Luật Cựu Ước… lẫn Lề luật của mọi tôn giáo lớn. Sứ điệp của Người mang tính nhân bản một cách sâu xa. Tình yêu là luật chủ yếu của con người. Nhưng cách Đức Giê-su trả lời câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?” sắp ném chúng ta vào trong sự mới mẻ mang tính cách mạng thực sự của Tin Mừng. Đây là một tình yêu phổ quát, lan đến tận “kẻ thù” nữa.

   2. Tôi là người thân cận của ai?
            Và Người bắt đầu câu chuyện một kẻ bị đánh cướp với ba khách lữ hành đi ngang qua. Đầu tiên là một “thầy tư tế” rồi một “thầy Lê-vi”, hai chuyên gia về phụng tự, hai thừa tác viên của Đền thờ, ưu tư giữ Lề luật và các lễ nghi chu đáo. Đức Giê-su lấy hai hạng người này để cho ta một ví dụ về cái chẳng nên làm! Gắn bó việc phụng sự Thiên Chúa, hai con người này đã có một thái độ hết sức tồi tệ về mặt nhân loại. Các tòa án thời nay, dẫu không Ki-tô, cũng sẽ kết án họ là “chẳng cứu giúp người gặp nguy hiểm”. Tuy nhiên, từ quan điểm của riêng họ, họ có lý: trong não trạng và lề luật Do-thái, họ vẫn nghĩ rằng bổn phận của mình là chớ nên “động đến máu” để vẫn ở trong tình trạng thanh sạch theo nghi thức hầu có thể bảo đảm việc phục vụ tại Đền thờ. Qua việc cố ý chọn hai gương mặt này, Đức Giê-su nói lại với chúng ta một chân lý Kinh thánh chủ yếu (Hs 6,6) mà Người sử dụng hai lần để tự biện hộ việc bất tuân một luật phụng tự vì một luật chủ yếu hơn là luật yêu thương (Mt 9,13; 12,7; 23,23). Việc lặp lại này, việc nhấn mạnh này rất có ý nghĩa. Thiên Chúa cho chuyện chúng ta “thực hành” bác ái và phục vụ tha nhân trong cuộc sống thường ngày quan trọng hơn là “thực hành” phụng tự và cầu nguyện. Ta không phụng sự Thiên Chúa trong đền thờ nếu trước hết không phụng sự Người trên đường sá!
            “Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương…”. Lu-ca, vị thánh sử của lòng nhân lành, xót thương, của việc truyền giáo cho dân ngoại, là kẻ duy nhất trong các thánh sử kể lại cho chúng ta dụ ngôn tuyệt diệu này. Bạn hãy nhìn kỹ sáu cử chỉ nhân lành được mô tả tỉ mỉ ở đây nhằm cho thấy đâu là Nước Thiên Chúa, là phụng tự đích thật mới, là sự chỗi dậy của một nhân loại mới vốn sẽ biến đổi lịch sử cho phù hợp với ý Chúa Cha. Người Sa-ma-ri này là một tay lạc giáo, ly giáo, thù địch của những tín hữu Do-thái trung thành, một anh em giả, một con người đáng ghét vì “không thực hành” tôn giáo đích thực, một đứa “nhơ bẩn” đã chẳng bao giờ đặt chân vào Đền thánh, một kẻ cấm mời vào bàn, cần phải tránh xa… một trong những tên Sa-ma-ri mà chỉ cách đó mấy ngày, Gia-cô-bê và Gio-an đã muốn khiến lửa từ trời xuống tiêu diệt (Lc 9,52-55). Chính một con người như thế được Đức Giê-su đưa ra làm gương mẫu!
            “Ông động lòng thương…”. Động từ Hy-lạp này chứa đựng một hình ảnh: “splanchna: lòng ruột”. Thành thử có thể dịch: “Ông thắt ruột”. Và tiếng Hip-ri hay A-ram mà Đức Giê-su chắc đã dùng chứa đựng cùng ý nghĩa đó: “rahamim”: âu yếm, nhân hậu, thương cảm sâu xa. Thế mà trong toàn bộ Tân Ước, từ “động lòng thương” này chỉ được dùng để diễn tả tâm tình của Đức Giê-su trước đám đông bơ vơ, các bệnh nhân khốn khổ, những kẻ sầu não đủ loại (Mt 9,36; 14,14;15,32; Mc 6,34; 8,2; 9,22; Lc 7,13; 15,20).
            Gần với các phương pháp tư tưởng cổ hơn chúng ta, các Giáo phụ đã hầu như nhất trí áp dụng dụ ngôn này cho Đức Giê-su Ki-tô. Tin Mừng trước hết chẳng phải là một khảo luận “luân lý”, nhưng là lời “tuyên bố”, “mạc khải” tình yêu Thiên Chúa ngay cả nơi trang này: người Sa-ma-ri nhân lành trước hết là Đức Giê-su… khách bộ hành bị trọng thương gần chết là nhân loại bị sự dữ quật ngã… quán trọ là Giáo Hội nơi Đức Giê-su đưa loài người đến để cứu họ. Quả thiệt hại biết bao nếu ta biến trang Tin Mừng tuyệt diệu này nên như bài học luân lý đơn giản, đang khi nó nói cho ta biết “việc Thiên Chúa đã làm cho nhân loại”. Đức Giê-su đã là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình”, hiện thân lòng xót thương từ mẫu của Thiên Chúa, và chúng ta, chúng ta cũng phải san sẻ với “người thân cận” lòng xót thương phát xuất tự Thiên Chúa này! Nhưng dẫu Tin Mừng trước hết chẳng phải là một nền “luân lý”, điều đó không có nghĩa nó chẳng chứa đựng những đòi hỏi đạo đức… hết sức sâu xa và mạnh mẽ.
            Hãy yêu thương! Hãy liên đới! Đấy là “phụng tự” đích thật! Vì sao? Vì đó là Thiên Chúa. “Thiên Chúa là tình yêu, và ai không yêu thì chẳng biết Người!” (1Ga 4,8). Hỡi thầy tư tế, hỡi thầy Lê-vi, hãy coi chừng việc thờ phượng của quý vị! Thiên Chúa chẳng thích các nghi lễ của quý vị đâu. Người đợi quý vị bên ngoài, khi quý vị ra khỏi thánh lễ, đứng trước người thân cận.
            Và với kết luận: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai là thân cận với người bị rơi vào tay kẻ cướp?” Đức Giê-su đảo lộn hoàn toàn khái niệm người thân cận. Nhà thông luật đã hỏi: “Ai là người thân cận của tôi” (nghĩa thụ động)… theo nghĩa này, chính “những kẻ khác” là người thân cận của tôi. Đức Giê-su hỏi lại: “Ông muốn tỏ ra là người thân cận của ai?” (nghĩa chủ động)… theo nghĩa này, chính chúng ta là hay không là “thân cận” của những kẻ khác. “Người thân cận”, nghịch lý tài tình của Đức Giê-su, đó là “tôi” khi tôi đến gần những kẻ khác với lòng yêu mến. Người ta thậm chí chẳng còn tự hỏi “ai” là người thận cận của tôi… nhưng là “tôi sẽ nên thân cận của mọi người hết thảy, chẳng có phân biệt, như thế nào?” Đúng là mạc khải của Thiên Chúa.
 
 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây