Sự sống mới

Thứ sáu - 22/04/2022 19:43 2.390 0
 
 
 
CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH NĂM C: GA 20,19-31
            
Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Thế rồi, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.
            
Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Ông Tô-ma thưa với Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”
            
Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.

SỰ SỐNG MỚI
            
Chương 20 của Tin Mừng Gio-an được cấu tạo thành một khối duy nhất về phương diện văn thể và đề tài. Nó kể lại vài lần hiện ra của Đức Ki-tô phục sinh ở Giê-ru-sa-lem và mang ý chính: đi từ kinh nghiệm thể lý trong đời sống Ki-tô hữu sang đức tin thiêng liêng. Chương sách được bố cục thành hai phần, mỗi phần chia làm hai đoạn: Phần nhất: Buổi sáng Phục sinh (20,1-18): đoạn 1: cc.1-10; đoạn 2: cc.11-18. Phần hai: Hiện ra cùng các môn đồ (20,19-31): đoạn 1: cc.19-23, đoạn 2: cc.24-29. Kết luận: Tin vào Đức Ki-tô từ các dấu lạ để được sống (20,30-31). Nhìn sơ, ta thấy hai phần gần như đồng nhất với nhau. Như Ma-ri-a Mác-đa-la trong phần thứ nhất, Tô-ma chiếm chỗ quan trọng trong phần thứ hai. Trong cả hai phần, sự kiện hay dịp sờ đến thân xác phục sinh của Đức Giê-su đều được nêu bật với một cảm giác thật nhân bản. Ngoài ra, đức tin của Ma-ri-a đã khiến bà được sứ mệnh loan báo cho các Tông đồ sự sống lại (c.18), trong lúc việc tuyên tín của Tô-ma khai mào đức tin của những kẻ không thấy mà tin (c.29). Cuối cùng, mỗi đoạn đều nhắm đến việc chuyển từ kinh nghiệm thể lý sang đức tin thiêng liêng: môn đồ dấu yêu tin khi nhìn thấy tấm khăn liệm và các dải vải (c.8), Ma-ri-a tin khi nghe giọng nói quen thuộc của Thầy gọi tên mình (c.16), các môn đồ tin khi ngắm nhìn tay và cạnh sườn của Đức Ki-tô (c.20), cuối cùng Tô-ma tuyên xưng đức tin hoàn toàn vào Đức Ki-tô phục sinh khi nhìn thấy tay Chúa và thọc tay ông vào cạnh sườn Người (c.29).
            
1. Sự sống mới nhờ Thần Khí
            
Trong đoạn 1 của bài Tin Mừng, thánh sử trình bày Đức Ki-tô phục sinh đem lại bình an (20,19.21) và niềm vui (20,20) cho các môn đệ. Nhưng ta hãy lưu ý: giữa hai lần chúc bình an, Đức Giê-su cho môn đệ xem tay và cạnh sườn bị đóng đinh và đâm giáo của Người: niềm vui và bình an Ki-tô hữu phát xuất từ cuộc Khổ nạn và Sống lại, nhờ vậy rất sâu xa và chẳng ai cướp mất nổi. Đức Giê-su cũng sai các môn đệ ra đi truyền giáo; như thế, sứ mạng của các ông xuất phát từ biến cố Phục sinh và vì vậy luôn mang tính đòi hỏi cũng như sẽ bảo đảm hoàn thành (x. Mt 28,18-20; Mc 16,15-18.20; Lc 24,46-48; Cv 1,7-8). Nhưng Gio-an đặt sứ mạng này trong một diễn tiến liên tục với sứ mạng của Đức Giê-su bắt nguồn từ Thiên Chúa Cha: Chúa Cha sai Đức Giê-su; Đức Giê-su cũng sai các môn đệ (x. Ga 17,18).
            
“Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần…”: Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào con người (x. St 2,7; Ed 37,5.9) và ban sự sống. Nay, Đức Ki-tô sống lại cũng thổi Thần khí (thổi hơi: 20,22) vào các môn đệ. Các ông nhận lấy Thánh Thần của Người để lại thông quyền năng gây sự sống của Thánh Thần cho những ai sẽ tin vào Người nhờ sứ mạng của các ông. Đây là công cuộc tạo thành mới do Đức Ki-tô sống lại thực hiện nhờ Thánh Thần, trong và qua các môn đệ.
            
Cuộc tạo thành mới này trước tiên được thể hiện qua việc tha thứ tội lỗi: “Anh em tha tội ai, thì người ấy được tha”. Gio-an Tẩy giả, qua ngòi bút Gio-an thánh sử, từng giới thiệu Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Sứ mạng của Người thành thử trước hết là nhằm ban ơn tha tội. Và môn đệ Người cũng chỉ tiếp tục sứ mạng đó từ nay trong hoàn vũ. Quyền năng mà các ông lãnh nhận, do vậy được liên kết với Thánh Thần là Đấng thanh luyện và ban sự sống (x. Ed 36,25-27; 37,3-6).
 Ở đây có người sẽ thắc mắc: chẳng phải Thánh Thần chỉ được ban xuống cho các Tông đồ và một số môn đệ vào lễ Ngũ Tuần Do-thái, 10 ngày sau khi Chúa lên trời, mà Chúa lại lên trời 40 ngày sau khi sống lại sao? Thật ra, nói theo thần học, bốn biến cố quan trọng và cuối cùng của cuộc đời Đức Giê-su xảy ra cùng một lúc: Chết - Sống lại - Lên trời - Ban Thánh Thần. Nghĩa là khi Đức Giê-su chết thật (chết tuyệt đối, sau giai đoạn chết lâm sàng và chết tương đối, như định nghĩa của khoa học về cái chết thể lý) thì Người sống lại ngay (tức đêm Thứ 7 rạng Chúa nhật) và về cùng Chúa Cha, cùng lúc ban Thánh Thần như hồn sống cho Nhiệm Thể vừa được sinh ra với Người là Đầu. Câu Đức Giê-su nói với bà Ma-ri-a Mác-đa-la ở Ga 20,17: “Đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: “Thầy lên [thì hiện tại] cùng Cha của Thầy... lên cùng Thiên Chúa của Thầy” thiết tưởng phải hiểu: Thầy đã lên cùng Chúa Cha ngay khi sống lại rồi, nhưng Thầy còn ở với môn đệ dưới dạng “thân xác phục sinh” trong 40 ngày nữa. Vì khi không hiện ra chỗ này chỗ kia, lúc này lúc nọ cho môn đệ thì Thầy ở đâu?
           
 2. Sự sống mới nhờ niềm tin
            

Sang đoạn 2, thánh sử trình bày Đức Giê-su hiện ra cho một kẻ cứng lòng, như thể để bổ túc việc ban Thánh Thần, Đấng giúp tin Chúa phục sinh cho người đã vắng mặt. Vì quả thật Tô-ma đã không tin sự kiện đó qua chứng từ của bạn hữu. Phản ứng của ông khi các Tông đồ báo tin việc Thầy hiện đến cho ta thấy nếu không có tác động của ơn Thiên Chúa, mầu nhiệm này chẳng dễ chấp nhận. Tô-ma giới hạn hiểu biết về thực tại vào tiêu chuẩn của kinh nghiệm hay của khả năng suy tư. Những gì ông không thể thấu hiểu, sờ mó, đo lường, đều bị ông chối từ. Đây là tinh thần của thế gian (mà đôi khi vẫn còn trong chúng ta) muốn lôi tất cả đến với nó và chỉ chấp nhận những gì nó chứa đựng.
            
Đức Giê-su chấp nhận thách thức mà Tô-ma đòi cho kỳ được: sờ đến Người để bảo đảm đó không phải là một hữu thể tưởng tượng nhưng là con người thật và sống động. Người bảo ông “đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Phần đầu của câu nói tỏ ra một sự hạ cố đến Tô-ma hầu như làm ta khó chịu. Ngược lại, phần thứ hai hàm chứa một lời khuyến cáo đích đáng. Tô-ma phải trở nên một tín hữu thật sự trong thực thể của Đức Ki-tô phục sinh. Không có gì trong bản văn cho thấy là vị Tông đồ hiểu lời Thầy theo nghĩa đen và thi hành điều Thầy dạy làm. Lời nói mạnh mẽ của Đức Giê-su đã đủ cho ông. Vì thế Tô-ma trả lời và nói: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”. Lời tuyên xưng đức tin rạng ngời này, phát xuất từ miệng Tô-ma cứng tin, nói lên tính hiển nhiên của cuộc Phục sinh.
  
“Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”: Từ nay trở đi, đức tin không dựa trên những kinh nghiệm cụ thể về Đức Giê-su phục sinh hiện ra, nhưng trên lời chứng của các Tông đồ là những người đã thấy. Vì thật ra chúng ta có 3 cách hiểu biết: một là nhờ giác quan (lãnh vực khoa học), hai là nhờ lý luận (lãnh vực triết lý), ba là nhờ tin vào nhân chứng (lãnh vực tôn giáo, nhất là Ki-tô giáo, đạo của mạc khải). Đức tin do đó luôn bao hàm sự liều lĩnh (như trong tình yêu), bởi lẽ nó không tự áp đặt bằng kinh nghiệm hay lý luận. Đức tin dạy điều khó tin vì giả thiết việc thường xuyên vượt quá con người chúng ta, vì tin là tiến bước đến Đấng luôn bí ẩn, luôn gây kinh ngạc, siêu việt vô cùng. Ngoài ra, đức tin còn là một cuộc chiến, một trận đấu. Nó chẳng có gì là thoải mái cả; nếu đức tin xây dựng và tái tạo chúng ta, điều đó chỉ có thể thực hiện nếu chúng ta biết từ bỏ chính mình. Thế gian mà đức tin sẽ toàn thắng (x. 1Ga 5,4) không phải là một thực thể trừu tượng, xa vời. Thế gian đó là chính chúng ta với những sợ hãi, lo âu, ghen ghét, quyến luyến và tham vọng, với việc giới hạn sự hiểu biết của mình vào những gì mắt thấy tai nghe và đầu suy óc nghĩ. Bao lâu còn bám chặt thế gian đó, bấy lâu chúng ta còn bị thống trị và dễ sa vào thái độ vô tín ngưỡng.
            
Nhưng nếu thiếu đức tin đó, “đức tin vào Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa”, thì ta khó “mà được sống nhờ danh Người” (câu kết bài Tin Mừng), sự sống phong phú, sự sống đúng nghĩa, sự sống chân thật. Đức tin này càng cần cho cá nhân vô tín cũng như cho xã hội vô thần ngày nay.
            
Cách đây nhiều thập niên, bên Liên Xô có diễn vở kịch nhan đề: “Nơi cuộc đời ẩn náu”, nội dung nói lên sự sa đọa và đổ vỡ dưới cái vẻ bề thế của một gia đình thượng lưu. Căn nhà của ông đại cán Igor có bày nhiều ảnh tượng thánh. Khách ngoại quốc được đưa tới thăm gia đình... điển hình đó nếu có tỏ vẻ ngạc nhiên thì Igor sẽ nhanh nhẩu giải thích: ông bày ảnh tượng chỉ vì… nghệ thuật, còn mọi người trong gia đình ông đều vô thần. Thế nhưng ở cuối hồi I, con gái của Igor, tên Isra, khi đã thấy được tất cả sự giả dối trong gia đình mình, sự phản trắc của chồng, thì trong giờ phút tuyệt vọng đó lại chỉ còn biết quỳ sụp xuống trước một ảnh thánh: “Cầu thánh thần phù hộ con, thương xót con, cứu vớt con!”. Ông bố và ông chồng của cô bắt gặp cảnh này đâm hoảng: “Cô làm cái trò gì ở đây thế?” - “Mày làm cái trò gì thế? Đồ ngu xuẩn! Mày hại bố mày, hại chồng mày. Đứng dậy ngay! Bước đến các tượng thánh. Nhổ toẹt vào tất cả cho tao! Nhổ ngay đi! Mày không tin vào thần thánh cơ mà! Mày không chịu à? Mày có biết mày đẩy bố mày, chồng mày vào tình trạng tệ hại như thế nào không? Nathalia, bà bảo con gái bà đi nào!” Bà mẹ hết nhịn nhục nổi nữa. Con gái bà không nhổ vào mặt thánh thần thì bà lại nhổ vào mặt ông chồng và con rể: “Stephan, anh làm cái trò gì thế? Thuở còn trẻ, anh đã từng là du đãng, lưu manh; bây giờ về già, ăn to làm lớn, anh lại trở thành lưu manh, du đãng. Cái ghế, cái ghế! Cái ghế làm cho các người phát rồ. Nỗi sợ hãi, thói cầu cạnh đám lãnh đạo vô thần đã khiến các người bất chấp lương tâm, coi thường đạo đức". Các người có cút đi không!” Rồi chỉ còn ba mẹ con, Nathalia, Isra và Rốp, cậu con trai tâm trạng nổi loạn, ôm nhau nức nở, giữa các tượng ảnh thánh, “nơi cuộc đời ẩn náu”!


 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây