Lectio Divina 

Lectio: Chúa Nhật III Mùa Chay (C)

Chúa Nhật, 3 Tháng 3, 2013

Chúa Giêsu nhận xét về các sự kiện trong ngày

Phương cách để giải thích các dấu chỉ thời đại

Lc 13:1-9

1.  Lời nguyện mở đầu

cn3mcLạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc 

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật thứ ba Mùa Chay đặt trước chúng ta hai sự kiện riêng rẽ nhưng có liên quan đến nhau:  Chúa Giêsu nhận xét về các sự kiện trong ngày và Người kể một dụ ngôn.  Lc 13:1-5:  Theo lời yêu cầu của dân chúng, Chúa Giêsu nhận xét về các sự kiện trong ngày:  việc tàn sát những người hành hương bởi quan Philatô và việc chết thảm của mười tám người tại tháp Silôê.  Lc 13:6-9:  Chúa Giêsu kể dụ ngôn về cây vả không sinh trái.

Trong lúc đọc, bạn cần lưu ý hai điều:  (i) Quan sát cách thức Chúa Giêsu phủ nhận việc diễn giải thông thường về những gì đang xảy ra; (ii) Tìm xem liệu có mối liên quan nào giữa bài dụ ngôn và lời nhận xét về những sự kiện trong ngày.

b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:

Lc 13:281:  Người ta thuật lại cho Chúa Giêsu về việc thảm sát mấy người Galilê

Lc 13:2-3:  Chúa Giêsu nhận xét về việc thảm sát và từ đó rút ra một bài học cho người ta

Lc 13:4-5:  Để chứng minh cho ý nghĩ của mình, Chúa Giêsu nhận xét về một sự kiện khác

Lc 13:6-9:  Dụ ngôn cây vả không sinh hoa trái

 

c) Tin Mừng: 

 

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôê đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: ‘Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!’ Nhưng anh ta đáp rằng: ‘Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi'”.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

a)  Điểm nào trong bài Tin Mừng này đã đánh động hoặc đã làm bạn hài lòng nhất?  Tại sao?

b)  Lời giải thích thông thường về hai sự kiện này là gì?

c)  Chúa Giêsu không tán thành như thế nào với lời giải thích thông thường về các sự kiện?

d)  Ý nghĩa của bài dụ ngôn là gì?  Có điều gì liên kết giữa bài dụ ngôn và lời nhận xét của Chúa về các sự kiện không?

e)  Sứ điệp của bài Tin Mừng này đối với chúng ta là những người phải giải thích những dấu chỉ của thời đại ngày nay là gì?

5.  Ý chính của bài đọc 

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề 

a)  Bối cảnh văn học và lịch sử thời bấy giờ và ngày nay:  

Thánh Luca viết sách Tin Mừng của ông vào khoảng năm 85 sau Công Nguyên cho các cộng đoàn Kitô hữu ở Hy Lạp.  Một cách tổng quát, ông dựa theo lời tường thuật trong sách Phúc Âm của thánh Máccô.  Thỉnh thoảng ông đưa ra một vài khác biệt nho nhỏ hoặc thay đổi một số từ ngữ để thích ứng câu chuyện với mục đích của ông.  Khác với Tin Mừng Máccô, Luca cũng còn tham khảo các sách khác và có các nguồn tư liệu khác:  các nhân chứng và các thừa tác viên của Lời Chúa (Lc 1:2).  Tất cả các tài liệu không thấy hiện diện trong Tin Mừng của Máccô, Luca sắp xếp lại thành một hình thức văn học:  Chúa Giêsu trên cuộc hành trình dài từ Galilêa về Giêrusalem.  Có sự mô tả về cuộc hành trình trong sách Luca từ câu 9:51 đến câu 19:28 và điều này bao gồm mười chương hoặc một phần ba của sách Tin Mừng!

Trong những chương này, Luca liên tục nhắc nhở các độc giả của mình rằng Đức Giêsu đang đi trên một cuộc hành trình.  Hiếm khi nào ông nói cho chúng ta biết Chúa Giêsu đang ở đâu, nhưng ông cho chúng ta biết rõ ràng rằng Chúa Giêsu đang trên đường đi và điểm dừng chân sẽ là Giêrusalem nơi Người sẽ chịu chết theo như lời các ngôn sứ đã báo trước (Lc 9:51,53,57; 10:1,38; 11:1; 13:22,33; 14:25; 17:11; 18:31,35; 19:1,11,28).  Và ngay cả sau khi Chúa Giêsu đã đến Giêrusalem, Luca vẫn tiếp tục nói về cuộc hành trình hướng về trung tâm thành thánh (Lc 19:29,41,45; 20:1).  Ngay trước khi cuộc hành trình bắt đầu, nhân dịp Chúa Biến Hình vời các ông Môisen và Êlia trên núi, cuộc hành trình tiến về Giêrusalem được xem như là cuộc xuất hành đối với Chúa Giêsu (Lc 9:31) và như là việc Chúa lên trời (Lc 9:51).  Trong Cựu Ước, ông Môisen đã dẫn dân chúng trong cuộc xuất hành thứ nhất được giải phóng khỏi sự áp bức của Pharaôn (Xh 3:10-12) và tiên tri Êlia được lên thiên đàng (2V 2:11).  Chúa Giêsu là ông Môisen mới, Đấng đến để giải thoát con người khỏi sự áp bức của Lề Luật. Người là ông Êlia mới, Đấng đến để chuẩn bị cho Nước Trời đã gần đến.

Sự mô tả về cuộc hành trình dài của Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem không chỉ là dụng cụ văn học để giới thiệu tài liệu thích hợp cho Luca.  Nó cũng phản ảnh cuộc hành trình dài và cam go mà các cộng đoàn ở Hy Lạp đã trải qua trong cuộc sống hằng ngày của họ vào thời của Luca:  trải qua từ thế giới nông thôn từ vùng Paléstine đến môi trường quốc tế trong nền văn hóa Hy Lạp ở biên giới các đô thị lớn của châu Á và châu Âu. Đoạn Tin Mừng này hoặc sự hội nhập văn hóa được đánh dấu bằng sự căng thẳng mạnh mẽ giữa những người Kitô hữu xuất thân từ Do Thái giáo và những tân tòng xuất thân từ các nhóm sắc tộc và văn hóa khác. Thật vậy, lời mô tả cuộc hành trình dài tiến về Giêrusalem phản ảnh tiến trình chuyển đổi khó nhọc mà những người liên đới với Do Thái giáo phải trải qua:  rời bỏ thế giới của việc tuân giữ lề luật đã chỉ trích và buộc tội họ, để hướng tới thế giới của tình yêu nhưng không của Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người, hướng đến điều chắc chắn rằng trong Đức Kitô tất cả mọi dân tộc được gộp nhập lại thành một trước mặt Thiên Chúa; để rời bỏ thế giới khép kín của một chủng tộc mà hướng về lãnh thổ phổ quát của nhân loại.  Đây cũng là cuộc hành trình của đời sống chúng ta.  Chúng ta có khả năng hoán đổi thập giá của cuộc sống thành một cuộc xuất hành giải phóng như thế không?

b)  Lời bình luận về văn bản:

Lc 13:1:  Người ta thuật lại cho Chúa Giêsu về việc thảm sát mấy người Galilê

Giống như ngày nay, người ta phê bình về các sự kiện xảy ra và muốn nghe ý kiến từ những kẻ có thể ảnh hưởng đến ý kiến của quần chúng.  Đó là lý do tại sao có một số người đã tìm đến Chúa Giêsu và thuật lại cho Người về vụ thảm sát một số người Galilê mà quan Philatô đã làm cho máu của họ hòa lẫn với máu các vật họ tế sinh.  Đó có thể là vụ thảm sát đã xảy ra trên núi Giêrazim, nơi đã là địa điểm hành hương và người ta quen đến để dâng của lễ.  Sự kiện này nhấn mạnh đến sự tàn bạo và ngu xuẩn của một số kẻ cai trị La Mã tại miền Paléstine là những kẻ đã gây ra sự nhạy cảm về tôn giáo của người Do Thái qua các hành động vô lý như thế này.

Lc 13:2-3:  Chúa Giêsu nhận xét về việc thảm sát và từ đó rút ra một bài học cho người ta  

Khi được yêu cầu cho biết ý kiến, Chúa Giêsu hỏi lại:  “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê này bị ngược đãi như vậy là vì họ tội lỗi hơn tất những người khác ở xứ Galilê ư?”  Câu hỏi của Chúa Giêsu phản ảnh lối suy nghĩ phổ biến của người ta thời bấy giờ:  sự đau khổ và cái chết thảm thương là một sự trừng phạt từ Thiên Chúa vì những tội lỗi mà người ấy đã phạm.  Phản ứng của Chúa Giêsu thì minh bạch rõ ràng:  “Ta bảo các ngươi: không phải thế!”  Người bác bỏ lối suy luận thông thường và biến đổi sự kiện thành cơ hội để tự vấn lương tâm:  “nhưng nếu các ngươi không ăn năn, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt như vậy”.  Nói cách khác, ngoại trừ có một sự thay đổi thực sự và thích đáng, việc tàn sát tương tự cũng sẽ xảy ra cho tất cả mọi người.  Họ đã không thay đổi và bốn mươi năm sau, vào năm 70, thành Giêrusalem đã bị tàn phá bởi người La Mã.  Nhiều người đã bị giết chết.  Đức Giêsu đã trông thấy tính nghiêm trọng tình hình chính trị của đất nước Người.  Một mặt, sự thống trị của người La Mã đã trở nên nặng nề và không thể chịu nổi hơn bao giờ hết.  Mặt khác, tôn giáo chính thức, càng ngày càng trở nên xa lạ mà không có sự hiểu biết tầm quan trọng về niềm tin vào Đức Gia-Vê trong đời sống người dân.

Lc 13:4-5:  Để chứng minh cho ý nghĩ của mình, Chúa Giêsu nhận xét về một sự kiện khác

Chúa Giêsu chủ động việc nhận xét về một sự kiện khác.  Một trận bão tuyết khiến cho tháp Silôê sụp đổ và khiến cho các tảng đá đè chết mười tám người.  Người ta nghĩ rằng đó là “sự trừng phạt của Thiên Chúa!” Lời nhận xét của Chúa Giêsu là:  “Ta bảo các ngươi: không phải thế! Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt như vậy”.  Mối quan tâm của Người là giải thích các sự kiện theo cách mà lời kêu gọi của Thiên Chúa để thay đổi và hoán cải trở nên rõ ràng.  Chúa Giêsu là một mầu nhiệm, một sự chiêm niệm.  Người nhìn các sự kiện theo cách khác.  Người có thể đọc và giải thích các dấu chỉ thời đại.  Đối với Người, thế giới thì rõ ràng, tỏ lộ sự hiện diện và lời mời gọi của Thiên Chúa.

Lc 13:6-9:  Dụ ngôn cây vả không sinh hoa trái

Sau đó Chúa Giêsu kể dụ ngôn cây vả không mang lại hoa trái.  Có người đã trồng một cây vả trong vườn nho nhà mình.  Trong ba năm, nó không sinh được một trái nào.  Vì vậy ông liền bảo người làm vườn rằng:  “Hãy đốn nó đi”.  Nhưng người làm vườn thưa lại rằng:  “Thưa ông, xin hãy để cho nó thêm một năm nữa… may ra nó có trái vào năm tới; nếu không, sang năm ông sẽ chặt nó đi”.  Chúng ta không biết có phải Chúa Giêsu kể dụ ngôn này ngay sau khi Người đưa ra nhận xét về việc thảm sát và chuyện tháp Silôê sụp đổ hay không.  Có lẽ thánh Luca là người muốn đặt dụ ngôn này ở đây, bởi vì Luca thấy có sự liên hệ giữa những lời nhận xét về các sự kiện và dụ ngôn cây vả.  Luca không nói mối tương quan này là gì.  Ông để cho chúng ta khám phá ra điều ấy.  Luca đã trông thấy ý nghĩa gì?  Tôi xin mạo muội đưa ra một ý kiến.  Bạn có thể khám phá ra một ý nghĩa khác.  Chủ vườn nho và của cây vả là Thiên Chúa.  Cây vả đại diện cho người ta.  Chúa Giêsu là người làm vườn.  Chủ vườn nho đã mệt mỏi tìm quả của cây vả mà chẳng thấy trái nào.  Ông quyết định chặt bỏ nó. Như vậy sẽ có chỗ cho một cây khác có thể sinh hoa kết trái.  Dân riêng được chọn đã không sinh hoa trái mà Thiên Chúa mong đợi.  Người muốn chuyển Tin Mừng sang cho dân ngoại.  Chúa Giêsu là người làm vườn nài xin cho cây vả được hoãn thêm một ít thời gian.  Người sẽ nỗ lực gấp đôi để đạt được một sự thay đổi và hoán cải.  Sau đó trong sách Tin Mừng, Chúa Giêsu nhận ra rằng những nỗ lực gấp đôi của Người đã không có kết quả gì.  Họ sẽ không hoán cải.  Chúa Giêsu đau buồn cho việc thiếu hoán cải và thương tiếc cho thành Giêrusalem (Lc 19:41-44).

c)  Phần phụ chú:

Một bài sử ký ngắn về cuộc kháng chiến nổi tiếng chống lại người La Mã vào thời Chúa Giêsu

Trong phần Tin Mừng Chúa Nhật tuần này, thánh Luca làm rõ ràng những lời ám chỉ đối với sự đàn áp của binh lính La Mã chống lại cuộc nổi dậy nổi tiếng của người Galilê.  Do đó, chúng tôi đưa ra một sơ đồ tổng quát về cuộc kháng chiến nổi tiếng của người miền Giuđêa chống lại sự thống trị của người La Mã.  Qua nhiều năm, cuộc kháng chiến này đã trở nên sâu rộng hơn và bắt rễ trong niềm tin của người dân.  Dưới đây là bản phác thảo song song với quãng đời Đức Giêsu:

i)  Từ năm 63 đến năm 37 trước Chúa Kitô:  Cuộc tổng khởi dậy mà không có bất kỳ chủ đích rõ rệt nào.  Vào năm 63 trước Chúa Kitô, đế chế La Mã xâm chiếm vùng đất Paléstine và áp đặt một sự cống nạp nông phẩm.  Từ năm 57 đến năm 37, chỉ trong vòng 20 năm, sáu cuộc nổi dậy đã bùng nổ trong xứ Galilê!  Người dân, không chủ đích, ủng hộ bất cứ ai đã hứa hẹn sẽ giải phóng họ khỏi việc triều cống người La Mã.

ii)  Từ năm 37 đến năm 4 trước Chúa Kitô:  Thời kỳ đàn áp và xáo trộn.  Đây là thời kỳ trị vì của vua Hêrôđê, được gọi là Hêrôđê Cả.  Ông ta là người đã ra lệnh giết các hài nhi vô tội ở Bêlem (Mt 2:16).  Việc đàn áp tàn bạo đã ngăn chặn bất kỳ loại chống đối rộng lớn nào.  Do đó vua Hêrôđê thúc đẩy cái gọi là Thời đại thịnh trị La Mã (Pax Romana).  Thời kỳ thái bình này đã đem đến cho Đế Chế một ổn định kinh tế nhất định, nhưng đối với dân tộc bị áp bức thì đó là thời kỳ bình an của một nghĩa trang.

iii)  Từ năm 4 đến năm 6 sau Chúa Kitô:  Những cuộc cách mạng Thiên Sai.  Đây là thời kỳ trị vì của vua Archelaus tại xứ Giuđêa.  Vào ngày lên nắm quyền, ông ta đã tàn sát 3000 người tại quảng trường Đền Thờ. Cuộc cách mạng bùng nổ trên khắp toàn đất nước, nhưng nó không có chủ đích.  Các nhà lãnh đạo nổi tiếng vào thời này đang tìm kiếm động cơ nối kết với truyền thống cổ xưa và tự nhận mình là vua thiên sai.  Sự đàn áp của người La Mã đã phá hủy thành Sephôris, thủ phủ của xứ Galilê.  Bạo lực là dấu hiệu cho thời thơ ấu của Chúa Giêsu.  Trong mười năm cai trị của chính quyền Archelaus, Người đã thấy miền đất Paléstine trải qua một trong những thời kỳ bạo lực nhất trong lịch sử của nó.

iv)  Từ năm 6 đến năm 27:  Nhóm Nhiệt Thành với Lề Luật:  Thời gian chỉnh sửa.  Vào năm 6, Romolus đã lật đổ vua Archelaus và biến miền Giuđêa thành một tỉnh của đế quốc La Mã, ban chiếu chỉ kiểm tra dân số để chắc chắn rằng thuế triều cống phải được trả.  Việc kiểm tra dân số tạo đã nên một phản ứng mạnh mẽ chung được lấy cảm hứng bởi Lòng nhiệt thành với Lề Luật.  Nhóm Nhiệt Thành này (do đó có từ ngữ cuồng tín) kêu gọi mọi người tẩy chay và từ chối nộp triều cống.  Đây là một hình thức mới của việc phản kháng, một loại bất tuân dân sự được lây lan như ngọn lửa cháy âm ỉ dưới than hồng.  Tuy nhiên, Nhóm Nhiệt Thành có một viễn kiến hạn chế.  “Những kẻ cuồng tín” đã tạo nguy cơ làm giảm việc tuân giữ Lề Luật để đeo đuổi việc chống đối người La Mã.  Chính trong thời gian này, Chúa Giêsu đã lớn lên trong nhận thức về sứ vụ của mình.

v)  Từ năm 27 đến năm 69:  Các tiên tri tái xuất hiện.  Sau 20 năm này, từ năm 6 đến năm 26, việc cải sửa mục tiêu của cuộc hành trình tái xuất hiện với lời rao giảng của các tiên tri là những kẻ đại diện cho bước tiến trong phong trào quần chúng.  Các tiên tri đã hô hào dân chúng ngồi lại với nhau và mời gọi họ thay đổi và hoán cải.  Họ muốn cải cách lịch sử từ nguồn gốc.  Họ tập họp dân chúng trong sa mạc (Mc 1:4), bắt đầu cuộc xuất hành mới, được công bố bởi tiên tri Isaia (Is 43:16-21).  Người đầu tiên là Gioan Tiền Hô (Mt 11:9; 14:5; Lc 1:76), người đã thu hút được nhiều dân chúng (Mt 3:5-7).  Ngay sau đó, Chúa Giêsu đã xuất hiện và được người ta coi là một tiên tri (Mt 16:14; 21:11,46; Lc 7:16).  Chúa Giêsu, giống như ông Môisen, đã công bố Lề Luật Mới trên Núi (Mt 5:1) và nuôi dưỡng người ta trong sa mạc (Mc 6:30-44).  Giống như sự sụp đổ của tường thành Giêricô vào đoạn cuối của bốn mươi năm trong sa mạc (Is 6:20), Chúa Giêsu cũng tuyên bố về sự sụp đổ các bức tường của thành Giêrusalem (Lc 19:44; Mt 24:2).  Cũng giống như các tiên tri xưa kia, Chúa Giêsu công bố về việc giải phóng những kẻ bị áp bức và bắt đầu năm thánh (Lc 4:18-19), và yêu cầu một sự thay đổi trong cách sống (Mc 1:15; :c 13:3,5).

Có những tiên tri khác sau thời Chúa Giêsu.  Đó là lý do tại sao cuộc cách mạng, phái duy cầu nguyện và phái nhiệt thành tồn tại cùng lúc.  Các nhà cầm quyền đương cuộc, người La Mã và nhóm Hêrôđê, cũng như các thày cả, luật sĩ và Biệt Phái, tất cả đều lo lắng đến sự an toàn của Đền Thờ và Dân Tộc (Ga 11:48) và với việc tuân giữ Lề Luật (Mt 23:1-23), có thể thấy sự khác biệt giữa các tiên tri và những người lãnh đạo quần chúng khác.  Đối với họ, tất cả đều như nhau.  Họ lầm tưởng Chúa Giêsu với một vị vua thiên sai (Lc 23:2,5).  Ví dụ, Gamaliên, một vị tiến sĩ luật có tiếng, so sánh Chúa Giêsu với Giuđa, lãnh tụ của các người cách mạng (Cv 5:35-37).  Chính Flavius Josephus, một sử gia, đã nhầm lẫn các tiên tri với “những kẻ trộm và kẻ mạo danh”.  Ngày nay, chúng ta có lẽ sẽ nói rằng cả thảy họ “chẳng đáng giá gì”!

6.  Thánh Vịnh 82 (81)

Thiên Chúa cảnh báo các kẻ cầm quyền loài người

Thượng Đế chủ tọa triều đình thiên quốc,
Người xử án giữa chư thánh chư thần:

“Tới bao giờ các ngươi còn xử án bất công,
hay còn thiên vị phường gian ác?
Hãy bênh quyền lợi kẻ mồ côi, người hèn mọn;
minh oan cho người khốn khổ, kẻ bần cùng,
giải phóng ai hèn mọn, ai nghèo túng,
cứu khỏi nanh vuốt bọn ác nhân.

“Vậy mà chúng chẳng hay chẳng hiểu,
cứ bước đi, giữa tăm tối mịt mù,
khiến nền tảng địa cầu phải lung lay nghiêng ngả.
Ta đã phán: Hết thảy các ngươi đây
đều là bậc thần thánh, là con Đấng Tối Cao,
thế nhưng rồi phải chết không khác kẻ phàm nhân,
và có ngày sụp đổ như mọi bậc quan quyền.”

Tâu Thượng Đế, xin Ngài đứng dậy mà xét xử địa cầu,
vì chính Ngài làm chủ muôn dân.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

——————————————————

về tác giả và dịch giả:

Các bài viết Lectio Divina cho nhóm tác giả; Lm. Carlos Mesters, O.Carm. Nt. Maria Anastasia di Gerusalemme, O.Carm., Lm. Cosimo Pagliara, O.Carm. Nt. Maria Teresa della Croce, O.Carm. Lm. Charlò Camilleri, O.Carm. Lm. Tiberio Scorrano, O.Carm. Nt. Marianerina De Simone, SCMTBG và lm. Roberto Toni, O.Carm., Dòng Cát Minh biên soạn. Bản dịch tiếng việt do Cô Martha Nhung Trần thực hiện. Tác giả và dịch giả giữ bản quyền.

Nguồn : DongCatMinh

Related posts