Lectio Divina 

Lectio: Chúa Nhật IV Mùa Chay (C)

Dụ Ngôn Người Con Hoang Đàng

Lc 15:1-3,11-32

1.  Bài Đọc

 

a)  Lời nguyện mở đầu:  

nhanhauLạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin hãy mặc khải cho chúng con mầu nhiệm của Chúa Cha và Chúa Con được hiệp nhất trong tình yêu.  Xin hãy cho chúng con có thể thấy được ngày trọng đại của Thiên Chúa, rực rỡ với ánh sáng:  buổi rạng đông của một thế giới mới được sinh ra trong máu của Đức Kitô.  Người con hoang đàng trở về nhà, người mù được nhìn thấy ánh sáng, kẻ trộm lành được tha tội xóa tan nỗi sợ hãi cổ xưa. Khi chết treo trên thập giá, Đức Kitô đã chiến thắng cái chết; cái chết mang lại sự sống, tình yêu chiến thắng nỗi sợ hãi và tội lỗi tìm kiếm sự thứ tha.  Amen.

b)  Phúc Âm

1 Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”.

3 Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này:

11 “Người kia có hai con trai. 12 Đứa em thưa với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con’. Người cha liền chia gia tài cho các con. 13 Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. 14 Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. 15 Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. 16 Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. 17 Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: ‘Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. 18 Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, 19con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha” ‘. 20 Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. 21 Người con trai lúc đó thưa rằng: ‘Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa’. 22 Nhưng người cha bảo đầy tớ: ‘Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. 23 Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: 24 vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy’. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

25 “Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, 26 anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. 27 Tên đầy tớ nói: ‘Đó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khỏe’. 28 Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. 29 Nhưng anh trả lời: ‘Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. 30 Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó’. 31 Nhưng người cha bảo: ‘Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. 32 Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'”.

c)  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng:

Để Lời Chúa có thể thấm nhập vào lòng và soi sáng đời sống chúng ta.

2.  Suy Gẫm

a)  Ý chính của bài đọc:

Dante cho rằng Luca là “người ghi chép sự dịu dàng của Chúa Kitô” (scriba mansuetudinis Christi).  Thật vậy, ông là vị Thánh Sử thích nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thầy Chí Thánh đối với những kẻ tội lỗi và cho chúng ta thấy những hình ảnh của sự tha thứ (Lc 7:36-50; 23:39-43).  Trong Tin Mừng của thánh Luca, lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện trong Chúa Giêsu Kitô.  Chúng ta có thể nói rằng Đức Giêsu là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa hiện diện ở giữa chúng ta.  “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36).  Luca tập trung vào hình ảnh Thiên Chúa đã mặc khải trong Cựu Ước (Hc 34:6), nhưng đáng tiếc thay, điều đó dường như đã bị bác bỏ bởi các Kinh Sư và người Biệt Phái là những kẻ muốn nhấn mạnh đến hình ảnh Thiên Chúa “Đấng ghé thăm tội lỗi của các người cha trên con cái” (Hc 34:7).  Thật vậy, những người Biệt Phái và Kinh Sư tự hào là công chính trong mắt của Thiên Chúa bởi vì họ đã không vi phạm Lề Luật.  Chúa Giêsu chỉ trích thái độ này trong lời giảng dạy của Người và qua hành động của Người. Đức Kitô, “Đấng Công Chính” của Thiên Chúa (1Pr 3:18), “đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15:2).  Hãy nghĩ về bài dụ ngôn người thu thuế khi từ Đền Thờ trở về nhà thì đã được nên công chính tương phản với người Biệt Phái tự khen ngợi mình trước mặt Thiên Chúa trong khi phê phán người bên cạnh mình (Lc 18:9-14).  Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta thấy rằng đường lối suy nghĩ và hành động của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác biệt với của chúng ta.  Thiên Chúa thì khác biệt, và tính siêu việt của Người được mặc khải trong lòng thương xót tha thứ cho tội lỗi.  “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi khi nghĩ đến điều ấy. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận…  vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm.  Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh và không có ý định tiêu diệt ngươi” (Hs 11:8-9).

Dụ ngôn “người con hoang đàng” này sẽ đưa ra khía cạnh về Chúa Cha đầy lòng thương xót.  Đó là lý do tại sao một số người đề cập đến câu chuyện này như là “dụ ngôn người cha của đứa con hoang đàng với lòng thương xót và tha thứ”.  Đoạn Tin Mừng là một phần của một loạt ba dụ ngôn về lòng thương xót và có lời mở đầu để hướng dẫn chúng ta suy niệm về “những kẻ thu thuế và tội lỗi” lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng dạy (Lc 15:1).  Những điều này được phản ảnh trong thái độ của người con thứ là kẻ hồi tâm và tự nhủ về tình trạng hiện tại của mình và về những gì anh ta đã đánh mất khi lìa bỏ nhà cha anh (Lc 15:17-20). Thật là thú vị khi để ý đến cách dùng động từ “lắng nghe”, mà nhớ lại cảnh của bà Maria, em bà Máctha, “cứ ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời Người giảng dạy” (Lc 10:39); hay là đám đông dân chúng “tuôn đến đểnghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật”  (Lc 6:18).  Chúa Giêsu thừa nhận thân nhân của mình, không phải bằng quan hệ huyết thống, mà qua thái độ lắng nghe của họ:  “Mẹ ta và anh em Ta, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8:21).  Dường như Luca đạt tầm quan trọng về thái độ lắng nghe này.  Đức Maria, thân mẫu của Chúa Giêsu, được ca ngợi vì có một thái độ lắng nghe chiêm niệm, bà “hằng ghi nhớ tất cả những điều này trong lòng” (Lc 2:19,51).  Bà Isave tuyên xưng Đức Maria đầy diễm phúc bởi vì “bà đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với bà” (Lc 1:45), đã được mặc khải tại thời điểm Truyền Tin (Lc 1:26-38).

Lòng thương xót của người cha nhân từ (Lc 15:20), thì trái ngược với thái độ khắt khe của người con cả, kẻ sẽ không chấp nhận mình có người em như thế, và là kẻ trong lời đối thoại với người cha, gọi người con thứ là: “còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về…” (Lc 15:30).  Trong bài này, chúng ta có thể thấy thái độ của các Kinh Sư và người Biệt Phái là những kẻ “lẩm bẩm” rằng:  “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”.  Họ không kết giao với “kẻ tội lỗi”, những kẻ mà họ cho là ô uế, thà là họ lánh xa những kẻ ấy.  Thái độ của Chúa Giêsu thì lại khác hẳn và, trong mắt họ, đó là chuyện ô nhục.  Chúa thích giao tiếp với những kẻ tội lỗi và thỉnh thoảng Người còn nhận lời mời của họ vào nhà để cùng ăn uống với họ (Lc 19:1-10).  Lời lẩm bẩm của các Kinh Sư và người Biệt Phái đã khiến họ không lắng nghe được Lời Chúa.

Sự tương phản giữa hai anh em thì thật gợi lên nhiều ý tưởng.  Người em nhận ra sự khốn cùng và tội lỗi của mình và trở về nhà mà nói rằng:  “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa” (Lc 15:18-19,21).  Người anh thì lại có thái độ kiêu căng không chỉ đối với người em mà còn cả đối với cha mình nữa!  Lời nhiếc móc của người anh thì hết sức tương phản với sự dịu dàng của người cha là kẻ đã bước ra khỏi nhà và đi gặp người anh cả để “van nài” anh ta bước vào nhà (Lc 15:20,28).  Đây là hình ảnh của Chúa Cha, Đấng mời gọi chúng ta hoán cải, trở về với Người:  “Trở về đi, hỡi Israel phản bội – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ không nghiêm nét mặt với các ngươi nữa, và Ta giàu lòng xót thương – sấm ngôn của Đức Chúa – và Ta không giận dữ mãi đâu.  Có điều là tội ngươi, ngươi phải biết:  ngươi đã xúc phạm đến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, khi lang bạt khắp các nẻo đường tìm kiếm ngoại kiều dưới mọi lùm cây rậm; còn tiếng Ta gọi, các ngươi chẳng thèm nghe – sấm ngôn của Đức Chúa.  Trở về đi, hỡi lũ con phản bội – Sấm ngôn của Đức Chúa – vì Ta vẫn là chủ các ngươi” (Gr 3:12-14).

b)  Một vài câu hỏi 

để quy hướng cho phần suy gẫm và thực hành của chúng ta.

  1.   i.    Luca chú trọng vào hình ảnh của Thiên Chúa đã được mặc khải trong Cựu Ước (Hc 34:6), nhưng tiếc thay, dường như điều này đã bị lờ đi bởi các Kinh Sư và người Biệt Phái là những kẻ thà nhấn mạnh về hình ảnh một Thiên Chúa “Đấng ghé thăm tội lỗi của các người cha trên con cái” (Hc 34:7).  Tôi có hình ảnh gì về Thiên Chúa?
  2.  ii.    Những người Biệt Phái và Kinh Sư tự hào rằng họ là người công chính dưới mắt của Thiên Chúa bởi vì họ không phạm giới.  Chúa Giêsu chỉ trích thái độ của họ trong lời giảng huấn của Người và bằng hành động của Người.  Người, “Đấng Công Chính” của Thiên Chúa (1Pr 3:18), “đón tiếp phường tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng” (Lc 15:2).  Tôi có tự coi mình là công chính hơn những người khác không, có lẽ bởi vì tôi cố gắng giữ các điều răn của Chúa chăng?  Những động cơ khiến tôi muốn sống một cuộc sống “công chính” là gì?  Đó là vì tình yêu Thiên Chúa hay vì lòng thỏa mãn cá nhân?
  3. “Những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng” (Lc 15:1).  Dường như thánh Luca đặt nặng tầm quan trọng về thái độ lắng nghe, suy gẫm, đi vào nội tâm, suy niệm và ghi nhớ Lời Chúa trong lòng chúng ta.  Tôi đã dành vị trí nào cho sự chiêm niệm Lời Chúa trong đời sống hằng ngày của tôi?
  4. Các Kinh sư và những người Biệt Phái không giao tiếp với “phường tội lỗi”, những kẻ mà họ cho là ô uế, và tránh xa họ.  Thái độ của Chúa Giêsu thì khác hẳn, và họ cho đó là chuyện nhục nhã.  Chúa ưa thích gặp gỡ những kẻ tội lỗi và thỉnh thoảng lại còn nhận lời mời đến nhà họ để cùng ăn uống với họ (Lc 19:1-10). Tôi có phán xét người khác hay tôi có né tránh các cảm xúc về lòng thương xót và tha thứ, vì đó phản ảnh sự dịu dàng của Thiên Chúa bậc Cha-Mẹ không?
  5. “‘Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng:  vì con ta đây đã chết, nay sống lại; đã mất, nay lại tìm thấy’.  Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.” (Lc 15:23).  Trong hình ảnh người cha bày tiệc ăn mừng con ông nay đã sống lại, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Cha, Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi “đã ban chính Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).  Trong việc làm thịt “con bê béo”, chúng ta có thể thấy Đức Kitô, Chiên Thiên Chúa, Đấng đã hiến tặng chính mình như một vật hiến tế đền tội để cứu chuộc tội lỗi.  Tôi tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể với tràn đầy cảm giác biết ơn vì tình yêu vô biên này của Thiên Chúa Đấng đã ban cho chúng ta chính Con Một yêu dấu của mình chịu đóng đinh và đã sống lại.

3.  Cầu Nguyện

a)  Thánh Vịnh 32 (31): 

Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,
người có tội mà được khoan dung.
Hạnh phúc thay, người CHÚA không hạch tội,
và lòng trí chẳng chút gian tà.

Bao lâu con lặng thinh không thú lỗi,
thì gân cốt rã rời, cả ngày con gào thét.
Vì ngày đêm con bị tay Ngài đè nặng,
nên sức lực hao mòn, như bị nắng mùa hè thiêu đốt.

Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài,
chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con.
Con tự nhủ: “Nào ta đi thú tội với Chúa,”
và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con.

Chính Chúa là nơi con ẩn náu,
giữ gìn con khỏi bước ngặt nghèo.
Khắp bốn bề, Chúa làm trổi vang lên
những khúc ca mừng con được giải thoát.

Hỡi những người công chính,
hãy vui lên trong CHÚA, hãy nhảy mừng.
Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo.

b)  Lời nguyện kết

Lạy Chúa, Đấng ban thưởng cho kẻ công chính và sẽ không chối từ tha thứ cho kẻ tội lỗi biết ăn năn, xin hãy lắng nghe lời khấn xin của chúng con:  xin cho việc khiêm hạ xưng thú những lỗi phạm của chúng con có thể nhận được lòng thương xót của Chúa.

4.  Chiêm Niệm

Chiêm niệm có nghĩa là biết làm thế nào để gắn bó với tất cả tâm hồn và lòng trí của mình vào Chúa, Đấng mà qua Ngôi Lời của Người biến đổi chúng ta trở thành những con người mới, luôn tuân theo thánh ý Người.  “Bây giờ các con đã biết những điều này, nếu các con thực hành tương xứng, thì thật phúc cho các con!” (Ga 13:17)

————————————————

về tác giả và dịch giả:

Các bài viết Lectio Divina cho nhóm tác giả; Lm. Carlos Mesters, O.Carm. Nt. Maria Anastasia di Gerusalemme, O.Carm., Lm. Cosimo Pagliara, O.Carm. Nt. Maria Teresa della Croce, O.Carm. Lm. Charlò Camilleri, O.Carm. Lm. Tiberio Scorrano, O.Carm. Nt. Marianerina De Simone, SCMTBG và lm. Roberto Toni, O.Carm., Dòng Cát Minh biên soạn. Bản dịch tiếng việt do Cô Martha Nhung Trần thực hiện. Tác giả và dịch giả giữ bản quyền.

Dongcatminh

Related posts