Lectio Divina 

Lectio: Chúa Nhật III Phục Sinh (C)

Tình yêu mặc khải sự hiện hữu của Chúa

Lời mời đến bàn tiệc Thánh Thể của Chúa Phục Sinh 

Ga 21: 1-19

1.  Lời nguyện mở đầu

phuc sinhLạy Cha, xin hãy ban Thánh Thần Chúa xuống để cuộc sống vô ích tăm tối của chúng con có thể được biến đổi thành bình minh rạng rỡ, để cho chúng con có thể nhận biết được Chúa Giêsu, con Cha, đang hiện diện ở giữa chúng con.  Xin Thần Khí Chúa hãy thổi hơi vào những vùng biển của chúng con, như Người đã làm lúc tạo dựng trời đất, để mở lòng trí chúng con hầu chúng con có thể đáp lại lời mời gọi tình yêu của Chúa và để chúng con có thể chung phần trong bữa tiệc Thánh Thể và Lời Chúa.  Lạy Cha, nguyện xin Chúa Thánh Thần hãy đốt cháy lửa yêu mến trong lòng chúng con, để chúng con có thể trở thành những nhân chứng cho Chúa Giêsu, như các ông Phêrô, Gioan, và các môn đệ khác, và để chúng con cũng có thể ra đi mỗi ngày mà trở thành những người chài lưới cho vương quốc của Chúa.  Amen.

2.  Lời của Chúa

a)  Bài trích Tin Mừng của Chúa:

1 Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến, và công việc đã xảy ra như sau: 2Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Điđymô, Nátha-na-en quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo:  “Tôi đi đánh cá đây”.  Các ông khác nói rằng:  “Chúng tôi cùng đi với ông”.  Mọi người ra đi xuống thuyền.  Nhưng đêm ấy, các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Và họ đồng thanh đáp:  “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo:  “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”.  Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô:  ‘Chính Chúa đó”.  Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu; chỉ độ chừng một trăm thước.

Ngay khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. 10 Chúa Giêsu bảo:  “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. 11 Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ.  Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con.  Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. 12 Chúa Giêsu bảo rằng:  “Các con hãy lại ăn”.  Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi:  “Ông là ai?” Vì mọi người đã biết là Chúa. 13 Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ, và Người cũng cho cá như thế. 14 Đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.

15 Vậy khi các ông đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng:  “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”  Ông đáp:  “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy.”  Chúa Giêsu bảo ông:  “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy.” 16 Người lại hỏi ông lần thứ hai:  “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?”  Ông đáp:  “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy.”  Người bảo ông:  “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy.” 17 Rồi Người hỏi ông lần thứ ba:  “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?”  Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba:  “Con có yêu mến Thầy không?”  Ông đáp:  “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự:  Thầy biết con yêu mến Thầy.”  Người bảo ông:  “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho con biết:  khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến.” 19 Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa.  Phán những lời ấy, đoạn Người bảo ông:  “Hãy theo Thầy.”

b)  Bối cảnh của bài Tin Mừng

Sau khi đọc qua bài Tin Mừng này lần đầu, bấy giờ tôi cảm thấy phải cần hiểu rõ hơn về bối cảnh của nó.  Tôi cầm quyển Kinh Thánh lên và không để cho các cảm tưởng nông cạn đầu tiên chi phối tôi.  Tôi cố gắng tra cứu và lắng nghe.  Tôi mở sách Phúc Âm của thánh Gioan, chương 21, ngay vào phần cuối của quyển Tin Mừng.  Sự kết thúc của bất cứ điều gì thường có chứa tất cả những gì đã xảy ra trước đó, tất cả mọi thứ đã được xây lên từng chút một.  Câu chuyện đánh cá ở trên biển Tibêria nhắc nhở tôi một cách mạnh mẽ và rõ ràng về đoạn đầu của quyển Phúc Âm nơi Chúa Giêsu thu nhận các môn đệ đầu tiên, cũng là những người đang hiện diện với Người bây giờ:  Phêrô, Giacôbê, Gioan, và Nát-tha-na-en!  Bữa điểm tâm với Chúa Giêsu, có bánh và cá, nhắc nhớ tôi chương 6 nơi việc hóa bánh và cá ra nhiều đã xảy ra, sự mặc khải của Bánh Hằng Sống.  Cuộc truyện trò thân mật và gần gũi giữa Chúa Giêsu và Phêrô, với câu hỏi của Người được lặp lại ba lần:  “Con có yêu mến Thầy không?” nhắc nhớ lần nữa đến việc trong đêm trước ngày Chúa bị hành hình Phêrô đã chối Chúa ba lần.

Tiếp theo, nếu tôi lật trở lại chỉ ít trang của quyển Phúc Âm, tôi sẽ tìm thấy đoạn Tin Mừng tuyệt vời nói về việc Phục Sinh:  khi trời chưa sáng, bà Mađalêna và những phụ nữ khác hấp tấp chạy ra mộ, để khám phá ra việc ngôi mộ trống, rồi việc ông Phêrô và Gioan chạy vội vã ra mộ, việc các ông nhìn vào trong mộ, việc suy niệm và đức tin của các ông; tôi vẫn có thể trông thấy mười một người môn đệ trốn ở đằng sau các cánh cửa đóng kín trong Nhà Tiệc Ly và rồi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến, món quà của Chúa Thánh Thần; việc vắng mặt và sự thiếu lòng tin của ông Tôma, một đức tin đã được khôi phục lại với sự hiện ra lần thứ hai của Chúa Giêsu; tôi nghe thấy lời công bố tuyệt vời của các mối phúc thật mà còn ứng dụng cho tất cả chúng ta đến ngày hôm nay, đó là phúc cho những ai không thấy mà tin.

Sau đó, tôi cũng đi đến vùng biển đó, vào một đêm mà không bắt được một con cá nào, tay không.  Nhưng đây này, giờ đây tôi được viếng thăm, được chấp nhận với sự biểu hiện, sự mặc khải của Chúa Giêsu.  Tôi cũng đang ở đó, lúc ấy, nhận ra Người, nhảy ùm xuống biển và bơi về phía Người để chung phần tham dự bữa tiệc.  Tôi để Chúa nhìn sâu thẳm vào tâm hồn tôi với những câu hỏi của Người, Lời của Chúa, để rồi một lần nữa Người có thể sẽ lặp lại với tôi câu nói:  “Hãy theo Ta!”, và tôi, cuối cùng cũng sẽ nói:  “Này con đây!” một cách trọn vẹn hơn, chân thật hơn, mạnh dạn hơn và vĩnh viễn.

c) Phân đoạn bài Tin Mừng: 

Câu 1:  Với động từ “hiện đến”, ngay lập tức thánh Gioan thu hút sự chú ý của chúng ta đến một sự việc lớn sắp diễn ra.  Sức mạnh sự Phục Sinh của Chúa Giêsu vẫn chưa ngừng xâm chiếm đời sống của các môn đệ và do đó của cả Giáo Hội.  Đây chỉ là vấn đề của công việc chuẩn bị chấp nhận ánh sáng, ơn cứu độ được ban cho bởi Đức Kitô.  Khi Người tự mặc khải như đã ghi trong văn bản này bây giờ, Người cũng sẽ tiếp tục mặc khải mình trong cuộc sống của những kẻ tin vào Người, cũng như trong cuộc sống của chúng ta.

Câu 2-3:  Phêrô và sáu môn đệ khác rời Nhà Tiệc Ly khóa kín và ra biển đánh cá, nhưng sau một đêm làm việc cực nhọc, các ông chẳng bắt được gì.  Đó là cảnh tối tăm, cô đơn, sự bất lực của các cố gắng loài người.

Các câu 4-8:  Cuối cùng bình minh cũng đến, ánh sáng trở lại và Chúa Giêsu xuất hiện đứng trên bờ biển. Nhưng các môn đệ không nhận ra Người; các ông cần phải tham dự vào một hành trình đi sâu thẳm vào tâm hồn.  Sự khởi xướng bắt đầu từ Chúa Giêsu, Đấng mà qua lời Người, giúp các ông nhận ra được nhu cầu và tình cảnh của các ông:  các ông không có gì để ăn.  Rồi Người bảo các ông hãy thả lưới lần nữa.  Việc vâng Lời Người đã tạo ra phép lạ và các ông đã bắt được đầy cá.  Gioan, người môn đệ Chúa yêu, đã nhận ra được Chúa và hét lớn lên đức tin của ông cho các môn đệ khác.  Phêrô đã tin và lập tức nhảy xuống nước để bơi thật nhanh về hướng của Chúa và Thầy mình.  Trong khi đó, các môn đệ khác kéo thuyền và lưới cá theo sau.

Các câu 9-14:  Quang cảnh trên đất liền bây giờ đã thay đổi, nơi Chúa Giêsu đang đứng chờ các môn đệ.  Ở đây một bữa ăn đã xảy ra:  Bánh của Chúa Giêsu hợp cùng với cá lưới được của các môn đệ, sự sống của Người và quà tặng của Người trở nên một với sự sống và quà tặng của các ông.  Đó là quyền năng của Lời Chúa đã tạo nên xương thịt và sự hiện hữu.

Các câu 15-18:  Giờ đây Chúa Giêsu tâm tình trực tiếp với Phêrô; đó là giờ khắc của tình yêu mãnh liệt mà tự tôi không thể nào tự tách rời được, bởi vì cùng những Lời đó của Chúa cũng đã được viết và lặp lại với tôi, hôm nay.  Đó là lời tuyên bố chung về tình yêu đã được lặp lại ba lần, có khả năng khắc phục được tất cả những lúc bất trung và yếu đuối.  Kể từ bây giờ, một đời sống mới bắt đầu cho Phêrô và cả cho tôi, nếu tôi muốn.

Câu 19:  Câu cuối của bài Phúc Âm quả là khá bất thường bởi vì nó là một lời dẫn giải của Thánh Sử được tiếp ngay theo sau lời phán bảo mạnh mẽ và dứt khoát của Chúa Giêsu với Phêrô:  “”Hãy theo Thầy!” Câu nói mà không có một câu trả lời nào khác hơn là chính bản thân cuộc sống.

  • 3.  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng

 Tại đây, tôi xin tạm dừng một chút để gom lại trong tâm hồn tôi những Lời Chúa tôi đã đọc và nghe.  Tôi cố gắng làm như Mẹ Maria đã làm, người đã lắng nghe Lời Chúa và suy gẫm những lời ấy, cân nhắc chúng và để cho Lời Chúa tự nói lên ý nghĩa mà không cần diễn giải, thay đổi hay thêm thắt điều gì.  Trong thinh lặng, tôi tạm dừng một chút ở đoạn Phúc Âm này và ôn lại ở trong lòng.

  • 4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

 a)  Mọi người ra đi xuống thuyền” (câu 3).  Tôi đã sẵn sàng xuống thuyền để đi vào cuộc hành trình của hoán cải chưa?  Tôi có sẽ để cho mình được đánh thức bởi lời mời gọi của Chúa Giêsu không?  Hay là tôi sẽ ưa trốn mình sau các cánh cửa khóa kín của tôi vì sợ hãi như các môn đệ trong phòng Tiệc Ly xưa kia?  Tôi có muốn ra đi, để đi theo Chúa Giêsu, và để cho Người hướng dẫn tôi không?  Có một chiếc thuyền đã sẵn sàng chờ tôi, có một ơn gọi tình yêu được Chúa Giêsu trao cho tôi; đến bao giờ thì tôi sẽ có một quyết định dứt khoát cho câu trả lời thật sự?

b)  “Nhưng đêm ấy, các ông không bắt được con cá nào” (cùng câu 3).  Tôi có đủ can đảm để nghe Chúa nói với tôi rằng có sự trống vắng trong lòng tôi, rằng đó là đêm tối, rằng tôi chỉ có hai bàn tay trắng không?  Tôi có đủ can đảm để thừa nhận rằng tôi cần đến Người, đến sự hiện diện của Người không?  Tôi có muốn mở lòng mình ra với Người, từ tận thâm tâm tôi, rằng tôi không ngừng cố gắng từ chối, để trốn chạy không?  Người biết tất cả mọi sự, Người biết cả những sâu kín trong lòng tôi; Người biết rằng tôi không có gì để ăn, nhưng phải chính tôi là người nhận biết được điều này, để sau cùng tôi phải chạy đến cùng Người với hai bàn tay không, thậm chí phải thổn thức, với một tâm hồn tràn ngập buồn rầu và đau khổ.  Nếu tôi không dùng phương cách này, sự sáng đích thực, bình minh của đời tôi sẽ không bao giờ ló dạng.

c)   “Hãy thả lưới bên hữu thuyền” (câu 6).  Chúa cũng nói với tôi một cách rõ ràng trong nhiều lúc, nhờ một người nào đó hoặc một lời cầu nguyện chung hoặc lúc lời Chúa được đọc lên, là khi tôi hiểu một cách cặn kẽ tôi phải làm những gì.  Lời Chúa dạy rất rõ ràng; tôi chỉ cần phải lắng nghe và tuân phục.  “Hãy thả lưới bên hữu thuyền”, Chúa bảo tôi như vậy.  Rồi cuối cùng liệu tôi có đủ can đảm để tin tưởng vào Người, hay là tôi chỉ muốn tiếp tục đi trên con đường tôi đang đi, theo ý mình không?  Tôi có muốn đi thả lưới cho Chúa không?

d)  “Simon Phêrô  … nhảy xuống biển” (câu 7).  Tôi không chắc rằng có một câu nào đẹp hơn câu Tin Mừng này. Phêrô nhảy ùm xuống biển, giống như bà góa ở đền thờ đã bỏ vào giỏ tiền tất cả những gì bà có, giống như người bị quỷ ám được chữa lành (Mc 5:6), giống như ông Giairô, giống như người đàn bà bị bệnh hoại huyết, giống như người bị phong cùi, tất cả đều đã thủ phục dưới chân Chúa Giêsu, trao gửi cuộc đời họ nơi Người. Hoặc giống như Chúa Giêsu, chính Người cũng đã thủ phục dưới đất mà cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha (Mc 14:35).  Bây giờ thì đến lượt tôi.  Liệu tôi có muốn dâng đời mình vào trong biển thương xót, của tình yêu Chúa Cha không?  Tôi có muốn quy phục cả cuộc đời tôi cho Chúa, tất cả thân xác tôi, những đau khổ của tôi, những hy vọng, những ước mơ, những lỗi phạm, những khao khát của tôi để bắt đầu lại không?  Cánh tay của Chúa đã sẵn sàng để chào đón tôi, thay vào đó, tôi biết chắc rằng chính Chúa sẽ dang tay ôm choàng lấy tôi, như có lời đã chép rằng … “Trong khi người con còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu”.

e)  “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây” (câu 10).  Chúa kêu gọi tôi đóng góp phần thực thẩm của mình với Người, cuộc sống của tôi với Người.  Trong khi Thánh Sử đang nói về cá, nhưng dường như ông lại đang nói về người ta, những người mà Chúa muốn cứu rỗi qua các nỗ lực thả lưới của tôi.  Đó là lý do tại sao Người sai tôi đi.  Tại bàn tiệc của Người, Người kỳ vọng vào tôi, và tất cả các anh chị em là những người vì tình yêu của Chúa, Người đã đặt để trong đời tôi.  Tôi không thể nào đến với Chúa Giêsu một mình.  Sau đó, Ngôi Lời hỏi tôi rằng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đến cùng Chúa chưa, để ngồi cùng bàn với Người, để cử hành mầu nhiệm Thánh Thể với Người và hỏi tôi đã sẵn sàng để tận hiến cuộc đời mình và năng lực của mình để tôi có thể đem đến cho Người cùng với tôi thật nhiều những anh chị em khác.  Tôi phải xét lại lòng mình một cách chân thành và để thấy sự chối từ, sự lãnh đạm của tôi đối với Người và đối với những người chung quanh.

f)  “Con có yêu mến Thầy không?”  (câu 15) Làm thế nào mà tôi có thể trả lời được câu hỏi này?  Làm thế nào mà tôi có thể xưng tụng được tình yêu của tôi dành cho Thiên Chúa khi mà tất cả những bất trung, những chối từ của tôi đang hiển hiện?  Những gì đã xảy ra với ông Phêrô cũng là một phần câu chuyện của tôi. Nhưng tôi không muốn nỗi lo sợ này ngăn cản tôi và làm cho tôi thoái lui; không!  Tôi đến với Chúa Giêsu, tôi muốn ở lại cùng Người, tôi muốn lại gần Người và nói với Người rằng tôi yêu Người.  Tôi muốn mượn lời của Phêrô và biến thành lời của tôi, tôi ghi khắc chúng vào trong tâm khảm, tôi lặp đi lặp lại những lời ấy, tôi thổi hơi vào chúng và sự sống trong đời tôi, rồi tôi thu hết mọi can đảm và nói với Chúa Giêsu:  “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa biết con yêu mến Chúa”.  Giống như con người tôi, tôi yêu mến Người.  Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa, vì Chúa đã gọi con để yêu thương và kỳ vọng nơi con, Chúa cần con; xin cảm tạ Chúa vì Chúa vui với tình yêu đơn sơ của con.

g)  “Hãy chăn dắt các con chiên của Thầy… Hãy theo Thầy” (các câu 15, 19).  Bài Tin Mừng đã được kết thúc như vậy.  Nó là một kết thúc mở và vẫn còn tiếp tục nói với tôi.  Đây là những Lời mà Chúa giao phó cho tôi để tôi có thể thực hành nó trong cuộc đời tôi kể từ ngày hôm nay.  Tôi muốn nhận lãnh sứ vụ mà Chúa giao phó cho tôi; tôi muốn đáp trả lời mời gọi của Người và theo Người đến bất cứ nơi nào Người dẫn dắt tôi, mỗi ngày và trong mọi việc dù nhỏ bé đến đâu. 

  • 5.  Ý chính của bài đọc

 Phêrô là người đầu tiên đưa ra ý kiến và nói với các anh em về quyết định đi đánh cá của mình.  Phêrô ra biển, có nghĩa là, đến với thế gian, ông đã đến với các anh chị em mình vì ông biết rằng ông là ngư phủ đi lưới cá người (Lc 5:10); cũng giống như Chúa Giêsu, Người đã rời khỏi nhà Chúa Cha để đến và dựng lều của Người sống ở giữa chúng ta.  Phêrô cũng là người đầu tiên phản ứng với những lời của ông Gioan là người đã nhận ra Chúa Giêsu trên bờ biển.  Ông liền khoác áo vào và nhảy xuống biển.  Những hành động này với tôi có những sự ám chỉ mạnh mẽ về bí tích rửa tội.  Nó có vẻ giống như ông Phêrô muốn chôn vùi hoàn toàn quá khứ của mình ở trong nước, giống như một người dự tòng bước vào giếng rửa tội.  Phêrô tự dấn thân vào dòng nước thanh tẩy này, ông đã để cho mình được chữa lành: ông tự nhảy xuống nước, mang theo mình những tự cao tự đại, những lỗi lầm, nặng nề của những lần chối Chúa, những giọt nước mắt, để khi trồi lên từ mặt nước thì trở thành một con người mới để gặp gỡ Chúa của ông.  Trước khi nhảy xuống nước, Phêrô đã cột áo ngang lưng, giống như Chúa Giêsu đã làm trước đó, khi Chúa thắt lưng để rửa chân cho các môn đệ của Người tại bữa tiệc ly. Đó là thứ y phục của người tôi tớ, của người quên chính bản thân vì anh chị em mình.  Và đây cũng là thứ y phục để che sự trần truồng của ông.  Đó là loại y phục của Chúa, Đấng đã che chở ông trong tình yêu và sự tha thứ của Người.  Nhờ vào tình yêu này, Phêrô sẽ có thể trổi lên từ mặt nước và bắt đầu lại lần nữa.  Trong một đoạn Tin Mừng khác cũng viết rằng Chúa Giêsu đã bước ra khỏi nước sau khi chịu phép rửa; Thầy và môn đệ cùng chia sẻ một việc làm, cùng trải qua một kinh nghiệm giống nhau.  Phêrô bây giờ là một con người mới!  Đó là lý do tại sao ông có thể khẳng định ba lần rằng ông yêu mến Chúa.  Mặc dù việc chối Chúa ba lần của ông vẫn còn là vết thương chưa lành, đó không phải là lời nói cuối cùng của ông. Điều mà Phêrô cảm nghiệm được ở đây là sự tha thứ của Chúa và nhận ra rằng sự yếu đuối của ông đã mặc khải cho ông đến nơi có một tình yêu to lớn hơn.  Phêrô nhận lãnh tình yêu, một tình yêu mà vượt xa hẳn sự phản bội và vấp ngã của ông, một tình yêu dư tràn đã giúp ông có thể phục vụ anh chị em mình, để chăn dắt họ đến những đồng cỏ xanh tươi của Chúa Giêsu.  Không chỉ riêng điều này, mà còn trong sự phục vụ của yêu thương, Phêrô sẽ trở thành một người Mục Tử nhân lành, giống như Chúa Giêsu.  Thật vậy, Phêrô cũng sẽ dâng hiến cuộc đời của ông cho đoàn chiên mình, ông sẽ bị căng tay đóng đinh trên thập giá, như chúng ta biết qua lịch sử. Ông đã bị đóng đinh ngược đầu xuống đất, ông sẽ bị lộn ngược.  Nhưng trong sự mầu nhiệm của tình yêu, ông sẽ từ đó thật sự đứng thẳng lên và hoàn thành việc phép thanh tẩy đã bắt đầu từ lúc ông nhảy xuống biển với chiếc áo buộc ngang người.  Phêrô lúc đó trở thành con chiên đã đi theo gót Đấng Chăn Chiên để nhận lãnh sự tử đạo. 

  • 6.  Giây phút cầu nguyện

 Thánh Vịnh 23 (22)

 Linh hồn con khát khao Chúa.

Chúa là mục tử chăn dắt con,

Con chẳng thiếu thốn chi.

Trong đồng cỏ xanh rì, Người cho con nằm nghỉ.
Người dẫn con tới dòng nước trong lành

Để bổ sức cho con.

Người dẫn con trên đường ngay nẻo chính như theo danh dự của Người.

Lạy Chúa, dù qua thung lũng âm u

Con không lo sợ chi,

Vì có Chúa ở cùng.

Côn trượng Chúa bảo vệ con, con vững dạ yên tâm.

 Chúa dọn sẵn bữa tiệc cho con ngay trước mặt quân thù;

Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,

Ly rượu con đầy tràn chan chứa.

Lòng nhân hậu và tình yêu bền vững của Chúa ấp ủ con suốt cả cuộc đời.

Và con được ở trong đền thánh Người hết trọn cả những năm tháng dài sắp tới.

  • 7.  Lời nguyện kết 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa vì Lời Chúa đã giúp chúng con có thể hiểu cặn kẽ hơn về thánh ý của Chúa Cha.  Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng chúng con trong các công việc chúng con làm và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi những điều Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Xin cho chúng con, nên giống như Đức Mẹ Maria, mẹ Chúa, không những chỉ biết lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúng con cầu xin điều này vì Chúa là đấng hằng sống, hằng trị với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

 

——————————————-

về tác giả và dịch giả:

Các bài viết Lectio Divina cho nhóm tác giả; Lm. Carlos Mesters, O.Carm. Nt. Maria Anastasia di Gerusalemme, O.Carm., Lm. Cosimo Pagliara, O.Carm. Nt. Maria Teresa della Croce, O.Carm. Lm. Charlò Camilleri, O.Carm. Lm. Tiberio Scorrano, O.Carm. Nt. Marianerina De Simone, SCMTBG và lm. Roberto Toni, O.Carm., Dòng Cát Minh biên soạn. Bản dịch tiếng việt do Cô Martha Nhung Trần thực hiện. Tác giả và dịch giả giữ bản quyền.

Related posts