Những người lớn tuổi gia nhập Giáo Hội Công Giáo
Trong mục giải đáp thắc mắc hôm nay, LM Nguyễn Tất Thắng sẽ đề cập đến vấn đề những người lớn tuổi gia nhập Giáo Hội Công Giáo (GLCG 695,1211tt, 1229tt, 1285tt, 1322tt, 1420; Ordo initiationis christianae adultorum, Vatican 1972; Rite of Christian Initiation of Adults).
H. Thưa Cha, nhiều người tín hữu Công Giáo được sinh ra trong gia đình Công Giáo nên cha mẹ lo cho con cái được Rửa tội khi còn nhỏ. Tuy nhiên, có những người lớn tuổi muốn tìm hiểu và gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Thưa Cha Giáo Hội có chương trình nào để giúp họ không?
Đ. Chúa Kitô đã trao phó cho Giáo Hội sứ mạng: “Anh em hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28:19). Giáo hội coi các người Dự Tòng như “đã kết hợp với Giáo Hội”. Do đó, “Mẹ Giáo Hội ấp ủ họ như con cái của mình trong tình yêu thương và chăm lo cho họ” (LG 14, CIC 206). Giáo Hội có lập ra chương trình giúp những người lớn tuổi tìm hiểu về đức tin Kitô qua chương trình quen gọi là Giáo Lý Tân Tòng hoặc cũng được gọi là Khai tâm Kitô giáo dành cho người lớn tuổi (OICA,RCIA). Chương trình Giáo Lý Tân Tòng gồm tiến trình học hỏi và sống đạo qua 4 giai đoạn chính như sau: Giai đoạn một là Tiền Dự Tòng. Người Tiền Dự Tòng sẽ học hỏi sơ khởi về đức tin Kitô, những điều căn bản như về Thiên Chúa, Chúa Giêsu và mạc khải Kinh Thánh. Họ được được Chúa Thánh Thần mở lòng để tự do tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc nhân loại và gặp gỡ Thiên Chúa qua Giáo Hội. Giai đoạn này thường kéo dài trong khoảng 12 tuần lễ. Kết thúc giai đoạn một, cộng đoàn giáo xứ thay Giáo Hội đón nhận anh chị em Tiền Dự Tòng trong Nghi Thức Tiếp Nhận vì họ thành tâm tỏ lòng khát khao tham dự Tiến Trình Giáo Lý Dự Tòng. Cộng đoàn sẽ cùng đồng hành và nâng đỡ những người Dự Tòng trong những ngày tháng tới. Giai đoạn hai là Dự Tòng. Người Dự Tòng tiếp tục học hỏi đạo lý và tham gia cử hành phụng vụ để họ hội nhập sâu xa vào đời sống đức tin của Dân Chúa. Trong giai đoạn này người Dự Tòng sẽ: – Tiếp tục học hỏi, nuôi dưỡng và phát triển đời sống Đức Tin; – Tập cầu nguyện và nghe Lời Chúa; – Cố gắng và quyết tâm trở về với Thiên Chúa. Giai đoạn này kéo dài khoảng 15 tuần và được chấm dứt bằng Nghi thức Tuyển chọn do Đức Giám Mục hoặc Cha quản xứ thay mặt Giáo Hội chính thức đón nhận Dự Tòng vào đại gia đình Giáo Hội Công Giáo. Người Dự Tòng bây giờ được gọi là Người Được Tuyển Chọn. Giai Đoạn ba là Thanh Tẩy. Đây là thời gian cao điểm của tiến trình Gia Nhập Kitô Giáo. Thời gian này thường bắt đầu và kéo dài trong suốt Mùa Chay, “Người Được Tuyển Chọn” chuẩn bị những hành trang thiêng liêng cần thiết sau cùng để được lãnh nhận các bí tích khai tâm gồm Rửa tội, Thêm Sức và Mình Thánh Chúa. Trong giai đoạn này “Người Được Tuyển Chọn” sẽ quyết tâm từ bỏ nếp sống cũ để bắt đầu đời sống mới. Kết thúc giai đoạn này, họ sẽ nhận lãnh các Bí tích Khai tâm và chính thức trở thành người Tân Tòng vào Đêm Vọng Phục Sinh hoặc Lễ Phục Sinh. Giai Đoạn bốn là sau khi Gia nhập Giáo Hội. Sau khi lãnh nhận các Bí tích Khai Tâm, các Tân Tòng này còn phải được đào sâu mầu nhiệm đức tin, cử hành sốt sáng phụng vụ của Hội Thánh và dấn thân tích cực hơn vào nhịp sống đức tin của Dân Chúa. Đây là giai đoạn cuối cùng và kéo dài khoảng 6 tuần. Mục đích của giai đoạn này là: – Gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm về Đời Sống Mới; – Tiếp tục học hỏi Giáo Lý; – Gia nhập giáo xứ; – Tham gia sinh hoạt trong các đoàn thể để duy trì và phát triển liên hệ với Chúa và tha nhân.
H. Toàn thể cộng đoàn Dân Chúa cũng tham gia tích cực vào tiến trình gia nhập Giáo Hội của những người Dự Tòng. Thưa Cha có đúng không?
Đ. Đúng vậy. Mọi người trong cộng đồng Dân Chúa đều đóng góp theo khả năng và trách nhiệm riêng của họ. Đức Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế ngoài việc cử hành các nghi lễ, còn phải quan tâm và hướng dẫn các người Dự Tòng trong đời sống thiêng liêng. “Nghĩa vụ của các người dạy giáo lý rất quan trọng trong việc giúp các người dự tòng thăng tiến, và giúp cho cộng đồng tăng trưởng nên mỗi khi có thể được, các giảng viên giáo lý này phải tham dự cách sống động vào các nghi lễ. Khi dậy đạo, họ phải lo sao cho đạo lý họ dạy được tràn đầy tinh thần Phúc Âm, thích ứng với những biểu tượng phụng vụ và chu kỳ năm phụng vụ, vừa tầm trí người dự tòng và được súc tích bằng những tập tục địa phương.” (RCIA 16) “Lớp khai tâm Kitô-giáo không phải là việc riêng của các giảng viên giáo lý hay của các linh mục, mà còn là của cộng đoàn tín hữu, nhất là của những người đỡ đầu, nhờ đó, các dự tòng ngay từ đầu cảm thấy mình thuộc về Dân Chúa.” (Ad gentes, 14). “Dân Chúa được tượng trưng bằng giáo hội địa phương, hãy luôn luôn hiểu biết và tỏ ra rằng việc những người lớn tuổi nhập đạo là việc của mình. Bởi đấy phải sẵn sàng thi hành sứ mạng tông đồ của mình mà giúp đỡ những ai tìm Chúa Kitô.” (RCIA 41)
H. Các tín hữu phải làm gì cụ thể?
Đ. Các tín hữu phải liên tục cầu nguyện, hỗ trợ anh chị em Dự Tòng trong suốt tiến trình tìm hiểu về đức tin và gia nhập Giáo Hội. Họ phải nêu gương sáng bằng việc canh tân chính mình trong tinh thần sám hối, tham gia sống động các nghi thức phụng vụ, nhất là những nghi thức cử hành đặc biệt cho các Dự Tòng, phải tỏ ra tinh thần bác ái bằng lời nói và hành động. Người bảo trợ được chọn để làm bạn đi theo và giúp đỡ những Dự Tòng trong thời gian học đạo ban đầu. Bắt đầu từ nghi thức Tuyển Chọn, cha mẹ đỡ đầu được chọn để tiếp nối vai trò của người bảo trợ trong việc giúp đỡ và nêu gương sáng cho người Dự Tòng.
H. Tại sao Giáo Hội chia tiến trình Gia Nhập Giáo Hội thành 4 bậc?
Đ. Trong cuộc hành trình đức tin, Giáo Hội muốn những người Dự Tòng suy nghĩ, cầu nguyện và lựa chọn chắc chắn việc họ trở thành con cái Thiên Chúa cũng như gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Họ được Giáo Hội hướng dẫn bước qua những bậc khác nhau để họ có thể tiệm tiến gặp gỡ Thiên Chúa bằng đức tin, đức cậy và đức mến. Người Dự Tòng bước vào bậc thứ nhất khi ao ước tìm kiếm Chúa Kitô và muốn hoán cải để theo Chúa Kitô. Người Dự Tòng bước vào bậc thứ hai khi đức tin triển nở đầy đủ và họ thực sự thay đổi đời sống theo Chúa Kitô. Người Dự Tòng bước vào bậc thứ ba sau cuộc tĩnh tâm quyết liệt sống mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô bằng việc lãnh nhận các Bí tích Khai tâm. Họ bước vào bậc thứ bốn khi bắt đầu sống trọn vẹn ơn gọi Kitô.
H. Sau khi gia nhập Giáo Hội, các Tân Tòng đón nhận những trách nhiệm và những quyền lợi gì trong Giáo Hội?
Đ. Họ được lãnh nhận các bí tích, được dưỡng nuôi bằng Lời Chúa, và được nâng đỡ bằng những sự trợ giúp tinh thần khác của Giáo Hội (LOG 37, CIC 208-223). Đồng thời, họ phải tuyên xưng trước mọi người niềm tin mà họ được nhận từ Thiên Chúa nhờ Giáo Hội, kính mến và vâng phục các thủ lãnh của Giáo Hội, tham gia vào các hoạt động tông đồ cũng như truyền giáo của Giáo Hội.
H. Thưa Cha, con số tín hữu Công Giáo có tăng lên theo dân số thế giới không?
Đ. Cơ quan truyền thông Fides của Bộ Rao Giảng Tin Mừng (24.10.2010) cho biết Giáo Hội Công Giáo vào năm 2009 tăng thêm 19 triệu tín hữu khi dân số thế giới tăng thêm 81 triệu. Càng ngày càng tăng them số người lớn xin rửa tội hoặc xin gia nhập Giáo Hội. Ở Hoa Kỳ: có 857.410 rửa tội trẻ nhỏ; 43, 276 rửa tội người lớn, 75.724 tín hữu Kitô gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Italia có khoảng 1,500 và Pháp có 2,903 người lớn được rửa tội mỗi năm. Trong Phần Rửa Tội cho Tân Tòng dịp lễ Vọng Phục sinh ngày 22 tháng 3 năm 2008, Đức Thánh Cha đã rửa tội cho 7 người lớn trong đó có một người Hồi Giáo rất có thế giá là ông Magdi Allam. Việc ông Magdi Allam được rửa tội tại Vatican gây xao xuyến không ít trong thế giới Hồi Giáo. Một phát ngôn viên Tòa Thánh cho biết bất cứ ai quyết định thành tâm trở thành người Công Giáo tự nguyện thì đều có quyền đón nhận bí tích Rửa Tội. Ông Allam chia sẻ: “Tôi xem phép rửa của tôi từ tay ĐGH là một ân huệ lớn nhất trong cuộc đời tôi, Ngài đã ưu ái ban cho tôi”. Ông gọi là “ngày hạnh phúc nhất đời tôi” vì cuộc cải đạo chính là sự gia nhập “đích thực tôn giáo của Sự Thật, Sự Sống, và Tự Do”. Đức Thánh Cha đã giải thích về bí tích Rửa Tội như sau: “Phép Rửa không phải chỉ là một sự tẩy rửa hay một sự thanh tẩy, và cũng không phải đơn thuần là một sự đón nhận vào một cộng đoàn. Đó là một cuộc tái sinh, một khởi đầu mới của sự sống. Đoạn thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma mà chúng ta vừa nghe khẳng định những lời huyền nhiệm theo đó, trong phép Rửa chúng ta được hội nhập trong sự tương đồng với cái chết của Chúa Kitô. Trong phép Rửa chúng ta hiến thân cho Chúa Kitô. Người đón nhận chúng ta vào trong Người để chúng ta không sống cho chính mình nhưng sống nhờ Người, với Người, và trong Người; để chúng ta có thể sống kết hiệp với Người và sống cho tha nhân”. Như thế: Trong phép Rửa chúng ta từ bỏ chính mình, đặt sự sống mình trong tay Chúa để có thể nói được như Thánh Phaolô: Không còn là tôi sống, nhưng chính Chúa Kitô sống trong tôi…Sự mới mẻ của bí tích Rửa Tội là đời sống chúng ta nay thuộc về Chúa chứ không thuộc về chúng ta nữa. Nhưng chính nhờ đó chúng ta không cô độc cả trong cái chết vì chúng ta ở với Chúa là Đấng Hằng Sống”.
Linh mục Nguyễn Tất Thắng OP
Theo lientusiroma