Lectio Divina 

Lectio: Chúa Nhật IV Phục Sinh (C)

Chúa Giêsu vị Mục Tử Nhân Lành

Con chiên Người nhận biết Người

Ga 10:27-30

1. Bài đọc 

a) Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến và đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, xin hãy ban cho chúng con ân sủng để đọc đi đọc lại trang này của sách Tin Mừng một cách sốt sắng, ghi nhớ một cách trìu mến và thực hành trong cuộc sống chúng con.  Chúng con ước ao được đến gần đến sự mầu nhiệm của Con Người của Chúa Giêsu được chất chứa trong hình ảnh của một người Mục Tử. Vì việc này, chúng con khẩn khoản cầu xin Chúa hãy mở lòng mở trí chúng con để chúng con có thể hiểu biết được quyền năng sự Phục Sinh của Chúa.  Lạy Chúa Thánh Thần của sự sáng, xin hãy soi sáng tâm trí chúng con, để chúng con có thể hiểu được Lời của Chúa Giêsu, Đấng Chăn Chiên Tốt Lành; xin hâm nóng trái tim chúng con để chúng con có thể nhận thức được rằng những lời này không quá xa vời với chúng con, rằng chúng chính là chìa khóa cho kinh nghiệm của chúng con trong hiện tại.  Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến, vì nếu không có Chúa, Tin Mừng chỉ là những dòng chữ vô hồn; với Chúa, Phúc Âm trở thành Thần Khí của Sự Sống.  Lạy Chúa Cha, Chúa Thánh Thần, xin hãy ban cho chúng con; chúng con cũng cầu xin điều này cùng Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu và là mẹ chúng con, và tiên tri Êlia, ngôn sứ của Chúa, vì danh Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con.  Amen!

b)  Đọc Tin Mừng:

27  Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng:  “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng, và chúng theo Tôi; 28 Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp chúng khỏi tay Tôi. 29Điều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. 30 Tôi và Cha Tôi là một.”

c)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Sự im lặng bảo vệ ngọn lửa của Lời Chúa đã thấm nhập vào trong chúng ta qua việc lắng nghe Lời Người.  Nó giúp chúng ta duy trì được ngọn lửa sốt sắng trong lòng.  Hãy dừng lại giây lát trong thinh lặng, hãy lắng nghe để chúng ta có thể tham dự vào quyền năng sáng tạo và tái sáng tạo của Ngôi Lời.

2. Suy Niệm

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Bài Phúc Âm của Chủ Nhật tuần này được trích ra từ chương 10 của Tin Mừng viết theo thánh Gioan, một bài giảng dạy của Chúa Giêsu trong một ngày lễ của người Do Thái kỷ niệm sự thánh hiến Đền Thờ Giêrusalem được tổ chức vào cuối tháng mười hai (lễ kỷ niệm việc tái thánh hiến Đền thờ, vốn đã bị tàn phá bởi người Syria gốc Hy Lạp, do công trình xây dựng của Giuđa Máccabê vào năm 164 trước Công Nguyên).  Lời của Chúa Giêsu liên quan đến mối quan hệ giữa người Chăn Chiên (Chúa Kitô) và đoàn chiên (Giáo Hội) thuộc về một cuộc tranh luận thực sự và riêng tư đã xảy ra giữa Chúa Giêsu và những người Do Thái.  Họ hỏi Chúa một câu hỏi rõ ràng và đòi hỏi Người phải trả lời cũng cụ thể và công khai như thế:  “Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai sự thật cho chúng tôi biết” (10:24).  Sách Phúc Âm của thánh Gioan trong những đoạn khác cũng có viết về việc những người Do Thái cố ý tìm cho bằng được một sự khẳng định rõ ràng từ Chúa Giêsu liên quan đến danh tính của Người (2:18; 5:16; 8:25).  Trong các sách Phúc Âm Nhất Lãm, một câu hỏi tương tự cũng đã được đặt ra khi Chúa Giêsu bị điệu ra trước mặt các thượng tế (Mt 26:63; Mc 14:61; Lc 22:67).  Câu trả lời của Chúa Giêsu được trình bày trong hai giai đoạn (các câu 25-31 và 32-39).  Chúng ta hãy xem xét một cách sơ lược bối cảnh của giai đoạn đầu tiên nơi mà lời phụng vụ của chúng ta được trình bày.  Người Do Thái đã không hiểu được dụ ngôn Người Mục Tử (Ga 10:1-21) và bây giờ họ muốn Chúa Giêsu cho một sự mặc khải rõ ràng hơn về danh tính của Người.  Về điều này, lý do việc cứng lòng tin của họ không phải là vì thiếu sự rõ ràng mà bởi vì họ từ chối thuộc về đoàn chiên của Người, để trở thành con chiên của Người.  Một câu nói tương tự của Chúa Giêsu có thể soi sáng thêm ý nghĩa này khi chúng ta đọc đoạn Tin Mừng của thánh Máccô 4:11:  “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn.”  Lời của Chúa Giêsu là ánh sáng chỉ dành cho những ai đang sống trong cộng đoàn giáo hữu, còn đối với những ai quyết định đứng ngoài thì những lời này chỉ là những ẩn ngữ rời rạc.  Đối với việc không tin của người Do Thái, Chúa Giêsu phản đối hành vi của những kẻ thuộc về Người và những kẻ mà Chúa Cha đã ban cho Người; và cũng là mối quan hệ với họ.

Ngôn ngữ của Chúa Giêsu không nhất thiết hiển nhiên ngay lập tức đối với chúng ta; chứ không phải việc so sánh những tín hữu với một bầy chiên làm chúng ta lúng túng.  Trái lại, chúng ta không hề xa lạ gì với đời sống của những người làm nông và chăn chiên, và đây không phải là một điều dễ hiểu rằng đoàn chiên nào sẽ đại diện cho một dân tộc và ai là những người chăn chiên.  Mặt khác, đối tượng mà Chúa Giêsu nhắm vào khi dùng ngụ ngôn này chính là những người mục tử.  Điều hiển nhiên là dụ ngôn được hiểu từ quan điểm của một người muốn chia xẻ gần như tất cả mọì thứ với đoàn chiên của mình.  Ông biết đoàn chiên của mình: ông thấy được mọi ưu và khuyết điểm của từng con; các con chiên cũng hiểu được sự hướng dẫn của người chăn chiên: chúng nghe theo lời người chăn và những chỉ dẫn của ông.

i)  Các con chiên của Chúa Giêsu thì lắng nghe tiếng Chúa: đây là một câu hỏi không chỉ dành cho người đang nghe ở bên ngoài (3:5; 5:37) mà nó còn dành cho từ người đang chăm chú lắng nghe (5:28; 10:3) đến người lắng nghe vâng phục (10:16-27; 18:37; 5:25).  Trong bài giảng về người mục tử, sự lắng nghe này thể hiện lòng phó thác và hiệp nhất của đoàn chiên với người mục tử (10:4).  Tĩnh từ và sở hữu từ “của tôi” không chỉ cho thấy sự sở hữu đơn giản các con chiên, mà nó còn cho thấy rằng các con chiên thuộc về người chăn chiên, và chúng thuộc về gần như là người chăn chiên chính là chủ của chúng (10:12).

ii)  Kế đến, điều này tạo nên một mối giao tiếp mật thiết giữa Chúa Giêsu và các con chiên:  “và Tôi biết chúng” (10:27). Đây không phải là một câu hỏi về kiến thức trí tuệ; theo ý nghĩa Kinh Thánh “để biết ai đó” có nghĩa là, điều quan trọng hơn cả là phải có một mối quan hệ cá nhân và cách nào đó sống trong cảm thông với người ấy.  Một sự hiểu biết không loại trừ các đặc tính của loài người như sự đồng cảm, yêu mến, cảm thông tự nhiên.

iii)  Trong đức tính của sự hiểu biết về tình yêu này, người mục tử kêu gọi đoàn chiên của mình đi theo mình. Việc lắng nghe theo Vị Mục Tử cũng liên quan đến một nhận thức rõ ràng, bởi vì trong nhiều tiếng gọi có thể khác nhau, các con chiên phải chọn lựa nghe theo tiếng gọi tương ứng với một Đấng cụ thể (Đức Giêsu).  Noi theo sự nhận thức này, lời đáp trả sẽ tích cực, cá nhân và trở thành sự vâng phục.  Đây là kết quả từ sự lắng nghe.  Vì vậy, giữa việc lắng nghe và việc chọn lựa theo người Mục Tử là sự nhận biết về Đức Giêsu.

Sự nhận biết mà các con chiên có về Đức Giêsu đã mở lối cho một hành trình dẫn đến tình yêu:  “Ta cho họ sự sống đời đời”.  Đối với tác giả Phúc Âm, đời sống là ân sủng của sự hiệp thông với Thiên Chúa. Trong các sách Phúc Âm Nhất Lãm, khi nói về “sự sống” hay “sự sống đời đời” thì liên quan đến tương lai; trong Tin Mừng của thánh Gioan, nó chỉ về một sự sở hữu thực sự.  Điều này được thường xuyên lặp đi lặp lại trong lời diễn giải của Gioan:  “Ai tin vào Con Người thì được sự sống đời đời” (3:36); “Thật, Tôi bảo thật các ông: ai nghe lời Tôi và tin vào Đấng đã sai Tôi, thì có sự sống đời đời” (5:24; 6:47).

Mối quan hệ tình yêu của Chúa Giêsu cũng trở nên cụ thể bởi kinh nghiệm của sự bảo vệ mà Người có dịp trải qua:  đó là việc mà những con chiên “sẽ không bao giờ bị hư mất”.  Có lẽ, điều này muốn nói đến hình phạt đời đời.  Và sau đó còn được thêm rằng “không ai có thể cướp được chúng”.  Những câu nói này cho thấy vai trò bàn tay của Thiên Chúa và của Đức Kitô đã ngăn không cho trái tim của những người này bị cướp đi bởi các quyền lực tối tăm khác. Trong Kinh Thánh, bàn tay, trong một số bối cảnh, còn là một ẩn dụ chỉ về sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng bảo vệ (Đnl 33:3; Tv 31:6).  Mặt khác, động từ “cướp mất” (harpázö) gợi ý cho ta biết rằng công đoàn của các môn đệ cũng sẽ không tránh khỏi được những cuộc tấn công của ma quỷ và của cám dỗ.  Nhưng những chữ “không ai có thể cướp được chúng” cho thấy rằng sự hiện diện của Đức Kitô bảo đảm cho cộng đoàn một sự ổn định chắc chắn không nao núng để họ có thể vượt qua được mọi cơn cám dỗ của sợ hãi.

b)  Một vài câu hỏi gợi ý: 

Giúp chúng ta chuẩn bị cho phần suy niệm và cập nhật:

i)  Thái độ đầu tiên làm cho Lời của Chúa Giêsu hiển nhiên là loài người phải “lắng nghe”.  Động từ này trong ngôn ngữ Kinh Thánh thật là phong phú và xác đáng:  nó ngụ ý sự vui mừng tuân theo nội dung của những gì đã được nghe, sự tùng phục với người đang nói, sự chọn lựa về cuộc sống của Đấng đang gửi gấm tâm ý với chúng ta.  Bạn có thật sự đang đắm chìm trong việc lắng nghe Lời Chúa không?  Có những khoảng không gian và thời gian nào trong đời sống thường nhật của bạn mà bạn dành riêng ra, một cách đặc biệt, chỉ để lắng nghe Lời Chúa không?

ii)  Cuộc đối thoại hoặc sự thông tri thân mật và sâu sắc giữa Đức Kitô và bạn đã được xác định bởi bài Tin Mừng trong phần phụng vụ của ngày hôm nay bởi một động từ tuyệt vời trong Kinh Thánh: “biết”.  Động từ này liên quan đến toàn bộ một con người: lý trí, trái tim, và ý muốn.  Ý thức của bạn về Đức Kitô đã đóng khung vững chãi ở mức độ lý thuyết trừu tượng chưa hay là bạn sẽ để cho mình được biến đổi và hướng dẫn bằng tiếng nói của Người trên cuộc hành trình của đời bạn?

iii)  Những người đã lắng nghe và biết đến Thiên Chúa thì “đi theo sau” Đức Kitô như là hướng dẫn viên duy nhất của đời họ.  Việc đi theo sau của bạn  tiếp diễn hằng ngày và liên tục không?  Ngay cả khi ở cuối chân trời thấp thoáng có các mối đe dọa hoặc cơn ác mộng của các tiếng nói khác hoặc các ý tưởng khác mà chúng đang cố gắng cướp lấy chúng ta khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa không?                                                     

iv)  Trong phần suy niệm bài Phúc Âm hôm nay có hai động từ khác xuất hiện:  chúng ta sẽ không bao giờ bị “hư mất, án phạt đời đời” và không ai sẽ có thể “cướp” chúng ta ra khỏi sự hiện diện của Đức Kitô, Đấng bảo vệ cuộc sống chúng ta.  Đây là nền tảng và động lực cho sự bảo đảm đời sống hằng ngày của chúng ta.  Ý tưởng này được thể hiện theo một phương cách rõ ràng qua lời thánh Phaolô:  “Tôi chắc rằng không có gì có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu với Đức Kitô: dù cho là sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù thế giới trên trời hay thế giới bên dưới – không có một loài thọ tạo nào sẽ có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8:38-39).  Khi một mối liên hệ giữa người tín hữu và Ngôi Lời Giêsu được thiết lập bởi lời mời gọi và sự lắng nghe, thì cuộc sống tiến hành được tin chắc sự thành công và trưởng thành thiêng liêng sẽ đạt được.  Nền tảng thật sự cho điều bảo đảm này nằm trong việc khám phá ra được mỗi ngày thiên tính của vị Mục Tử, Đấng là sự bảo đảm cho đời sống chúng ta.  Bạn đã có trải qua kinh nghiệm về sự bảo đảm và thanh thản này khi bạn cảm thấy bị vây hãm bởi sự dữ chưa?

v)  Những lời của Chúa Giêsu “Tôi cho chúng được sống đời đời” bảo đảm với bạn rằng lúc kết thúc cuộc hành trình của bạn như một Kitô hữu, thì sẽ không tối tăm hoặc mờ mịt.  Đối với bạn, sự sống đời đời có chỉ về số năm mà bạn có thể sống không, hay là nó gợi nhớ lại đời sống hiệp thông của bạn với Thiên Chúa?  Có phải kinh nghiệm được đồng hành với Chúa trong đời bạn là một lý do cho niềm hân hoan không?

3.  Đáp ca

a)  Thánh vịnh 100:2,3,5

Phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ,

Vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo.

Hãy nhìn nhận Chúa là Thượng Đế,

Chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người,

Ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt.

Bởi vì Chúa nhân hậu,

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,

Qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín.

b)  Lời Nguyện Kết:

Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa hiển lộ với mỗi người chúng con như Vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng tái lập nhờ quyền lực của sự Mầu Nhiệm Phục Sinh, Đấng tự hữu, với sự hiện diện tinh tế của Người, cùng với tất cả quyền năng của Chúa Thánh Linh.  Chúng con cầu xin Chúa hãy mở mắt chúng con, để chúng con có thể biết Chúa hướng dẫn chúng con như thế nào, hỗ trợ ý muốn của chúng con đi theo Chúa đến bất cứ nơi nào Chúa muốn dẫn chúng con đi.  Xin hãy ban cho chúng con ân sủng không bị cướp đi từ bàn tay của Đấng Chăn Chiên Tốt Lành và không bị quyền năng của sự dữ đe dọa chúng con, khỏi những chia rẽ từ nơi khuất lấp hay chỗ tàng ẩn từ trong trái tim chúng con.  Ôi lạy Chúa Kitô, Vị Mục Tử, Người dẫn đường của chúng con, là gương mẫu của chúng con, là nguồn an ủi của chúng con, là người anh của chúng con.  Amen!

4.  Chiêm Niệm 

Hãy suy niệm Lời của Đấng Chăn Chiên Tốt Lành trong đời bạn.  Các giai đoạn trước của phần Lectio Divina, tự chúng đều quan trọng, sẽ trở thành thực hành, nếu được sắp xếp để sống thực sự với Lời Chúa.  Con đường của “Đọc Lời Chúa” không thể được xem là kết thúc nếu nó không được nối tiếp để dùng Lời Chúa trở nên trường đời cho bạn.  Một mục tiêu như thế sẽ đạt được khi bạn lãnh hội được hoa trái của Chúa Thánh Linh.  Đó là:  sự bình an trong tâm hồn được làm triển nở trong niềm hân hoan và trong sự hứng thú vì Lời Chúa; khả năng để phân biệt giữa việc cần thiết và việc của Thiên Chúa và giữa việc vô ích và việc của các điều dữ; giữa lòng can đảm của sự chọn lựa và của hành động cụ thể, theo giá trị của trang Kinh Thánh mà bạn đã đọc và suy niệm về nó.

 ————————————————-

về tác giả và dịch giả:

Các bài viết Lectio Divina cho nhóm tác giả; Lm. Carlos Mesters, O.Carm. Nt. Maria Anastasia di Gerusalemme, O.Carm., Lm. Cosimo Pagliara, O.Carm. Nt. Maria Teresa della Croce, O.Carm. Lm. Charlò Camilleri, O.Carm. Lm. Tiberio Scorrano, O.Carm. Nt. Marianerina De Simone, SCMTBG và lm. Roberto Toni, O.Carm., Dòng Cát Minh biên soạn. Bản dịch tiếng việt do Cô Martha Nhung Trần thực hiện. Tác giả và dịch giả giữ bản quyền.

dongcatminh

Related posts