Lời mở đầu khóa Thường huấn linh mục 2013
KHÓA THƯỜNG HUẤN LINH MỤC
NĂM 2013của Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi
giám mục giáo phận Qui Nhơn
Trong công cuộc tái truyền giáo và tân Phúc âm hóa này, vai trò của người giáo dân rất quan trọng như lời dạy của công đồng Vaticanô II trong Sắc lệnh về tông đồ giáo dân, Apostolicam Actuositatem. Sắc lệnh mở đầu bằng câu: “Thánh công đồng muốn phát động mạnh mẽ hơn việc tông đồ của dân Thiên Chúa, nên chú tâm hướng về các Kitô hữu giáo dân, những người có phần riêng biệt và cần thiết trong sứ mệnh của Giáo Hội, như đã được nhắc đến trong những văn kiện khác. Thực ra việc tông đồ giáo dân không bao giờ có thể khiếm khuyết trong Giáo Hội vì nó phát sinh từ ơn gọi làm Kitô hữu. Trong những buổi đầu Giáo Hội, việc tông đồ này thật là hăng say và kết quả biết bao! Chính Thánh Kinh đã chứng minh cách phong phú điều đó (x. Cv 11,19-21; 18,26; Rm 16,1-16; Pl 4,3)”.[1]
Ở số 10 của sắc lệnh, công đồng đã trình bày nền tảng thần học của hoạt động tông đồ giáo dân, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của nó: “Giáo dân góp phần tích cực vào đời sống và hoạt động của Giáo Hội, nhờ được tham dự vào chức vụ của Chúa Kitô là tư tế, ngôn sứ và là vua. Trong những cộng đoàn của Giáo Hội, hoạt động của họ cần thiết đến nỗi nếu không có hoạt động đó, chính hoạt động tông đồ của các vị chủ chăn thường không thể đạt được đầy đủ kết quả”.[2]
Hoạt động tông đồ giáo dân này không phải là công việc của những cá nhân riêng rẽ, nhưng chủ yếu phải là một hoạt động cộng đồng mới có thể đem lại kết quả cao. Ở số 18 của sắc lệnh, công đồng cũng đã xác định nền tảng nhân học và Thánh Kinh của tính cộng đồng trong hoạt động tông đồ: “Hoạt động tông đồ tập thể rất phù hợp với đòi hỏi của các tín hữu dưới khía cạnh con người cũng như dưới khía cạnh Kitô hữu. Đồng thời nó cũng biểu lộ được dấu chỉ hiệp thông và hiệp nhất của Giáo Hội trong Chúa Kitô, Đấng đã phán: ‘Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ’ (Mt 18,20)”.[3]
Trải qua lịch sử gần 2000 năm, với kinh nghiệm truyền giáo, Giáo Hội đã xây dựng những cộng đoàn Giáo Hội địa phương là các giáo phận để đẩy mạnh và hữu hiệu hóa công cuộc truyền giáo. Trong mỗi giáo phận có những cộng đoàn giáo xứ là nơi diễn ra những hoạt động tông đồ giáo dân mang tính cộng đồng, như sắc lệnh đã viết: “Giáo xứ là một hình thức tông đồ cộng đồng kiểu mẫu, vì đó là nơi qui tụ đủ mọi hạng người thành một cộng đoàn và đem họ vào tinh thần đại đồng của Giáo Hội. Giáo dân nên tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình để hoạt động trong giáo xứ”.[4]
Để hữu hiệu hóa hoạt động tông đồ giáo dân, trong mỗi cộng đoàn giáo xứ cần phải thiết lập những cộng đoàn cơ bản là các hội đoàn. “Các hội đoàn được thành lập nhằm hoạt động tông đồ tập thể, nâng đỡ và huấn luyện các hội viên làm tông đồ, phối hợp và hướng dẫn hoạt động tông đồ của họ, để có thể hy vọng nơi họ những kết quả phong phú hơn là nếu từng người hoạt động riêng rẽ. Vậy trong những hoàn cảnh hiện tại, nơi nào có giáo dân hoạt động thì hoạt động tông đồ nhất thiết phải được củng cố dưới hình thức tập thể và có tổ chức. Vì chỉ có việc liên kết chặt chẽ các nỗ lực mới mong đạt được đầy đủ mọi mục tiêu của hoạt động tông đồ ngày nay và bảo vệ hữu hiệu những kết quả của việc tông đồ đó”.[5]
Chính nhờ các đoàn thể mà các giáo xứ có sức sống và sức phát triển. Nhờ tham gia sinh hoạt trong các hội đoàn mà đức tin của các tín hữu được nuôi dưỡng và củng cố, đồng thời họ tham gia cách tích cực và đa dạng vào công cuộc truyền giáo, không những trong cộng đoàn tín hữu mà còn đối với anh chị em lương dân đang cùng chung sống và làm việc trong môi trường của họ.
Trong lịch sử Giáo Hội có nhiều hội đoàn được thành lập do sáng kiến của người giáo dân theo đặc sủng mà họ nhận được từ Chúa Thánh Thần. Công đồng khẳng định: “Giáo dân có quyền lập hội đoàn, điều khiển hội đoàn và ghi tên vào các hội đoàn đã có sẵn, miễn là phải giữ mối liên lạc cần thiết với giáo quyền”.[6]
Và công đồng cũng minh định thêm: “Mọi đoàn thể tông đồ phải được đánh giá đúng mức. Tuy nhiên những đoàn thể tông đồ mà hàng giáo phẩm, tùy theo đòi hỏi của từng địa phương và từng thời đại, đã khen ngợi, giới thiệu và truyền lệnh thành lập như những đòi hỏi cấp bách hơn, những đoàn thể đó phải được các linh mục, các tu sĩ và giáo dân coi là rất quan trọng và mỗi người phải cổ võ những đoàn thể đó tùy theo cách thế riêng của mình”.[7]
Chính vì tầm quan trọng và sự cần thiết của các hội đoàn đối với công việc mục vụ và truyền giáo, nhằm xây dựng và phát triển Giáo Hội tại các địa phương, mà các linh mục phải quan tâm đến việc tổ chức các hội đoàn trong giáo xứ được giao phó cho mình chăm sóc. Ngoài ra sắc lệnh còn ghi rõ: “Các ngài phải ra sức nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và tinh thần tông đồ nơi các đoàn thể công giáo đã được trao phó cho các ngài. Các ngài phải hiện diện trong hoạt động tông đồ của các đoàn thể đó bằng ý kiến khôn ngoan và cổ võ những sáng kiến của họ”.[8] “Việc huấn luyện làm tông đồ phải bắt đầu ngay từ lúc mới giáo dục các trẻ em. Nhưng đặc biệt phải tập cho các thanh thiếu niên biết làm tông đồ và thấm nhuần tinh thần này”.[9]
Chính trong đường hướng ấy mà chủ đề của cuộc thường huấn linh mục năm 2013 này là TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN VÀ CÁC HỘI ĐOÀN, nhằm mục đích giúp các linh mục hiểu biết và cùng nhau thực hiện trong toàn giáo phận. Chủ đề này sẽ được triển khai qua các đề tài: thần học về tông đồ giáo dân, tông đò giáo dân – phương diện giáo luật và mục vụ, cùng với phần trình bày về một số hội đoàn như: Legio Mariae, hội các bà mẹ Công giáo, gia đình Cùng Theo Chúa, thiếu nhi Thánh Thể, Khôi Bình, và một vài hội đoàn khác.
Chúng ta phó dâng cuộc thường huấn này cho Chúa Thánh Thần là Đấng ban phát mọi đặc sủng cho mọi thành phần dân Chúa và đồng thời cũng chính Người luôn hướng dẫn và trợ giúp để các đặc sủng ấy góp phần xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô. Xin Người chúc lành và đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc thường huấn này.