Tài liệu Thường Huấn 

Hội các bà mẹ Công giáo trong chương trình mục vụ nữ giới

HỘI CÁC BÀ MẸ CÔNG GIÁO 
TRONG CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ NỮ GIỚI


Lm. Giuse Trương Đình Hiền

bameTrước hết, với đề tài nầy, không phải chúng ta “mang chuyện của người phụ nữ ra để lạm bàn”, như kiểu xem họ là một “đối tượng” để phê bình và mổ xẻ ; mà với hết lòng kính trọng và khiêm nhu, chúng ta cùng sẻ chia và đóng góp những cảm nghiệm và kinh nghiệm mục vụ để việc “chăm sóc mục vụ cho nữ giới” (pastoral care for women) được sinh động và hiệu quả hơn.

Chính ĐTC G.P. II, trong Bức Thư đặc biệt gởi cho Phụ Nữ Toàn Thế Giới, khi nhắc đến những bi đát và gánh nặng mà người nữ đã gánh chịu trong chiều dài lịch sử, đã nhân danh Giáo Hội khiêm nhường xin lỗi :

“Khách quan mà nói, đặc biệt là trong một vài hoàn cảnh lịch sử, nếu phải quy lỗi cho nhiều phần tử trong Giáo Hội, thì tôi xin được nói lên lời xin lỗi.” ([1])

Nếu nữ giới là thành phần Dân Chúa luôn chiếm phần đa số, thì quả thật, chúng ta không thể xem nhẹ vai trò và sứ mệnh của họ trong sinh hoạt mục vụ chung của Giáo Hội nói chung và giáo xứ nói riêng.

Để có thể tìm ra những giải pháp mục vụ liên quan đến nữ giới, thiết tưởng, điều đầu tiên chúng ta phải có và phải làm, đó là nhận thức đúng đắn về thực trạng cũng như vai trò của người phụ nữ trong đời sống xã hội và trong sinh hoạt Hội Thánh.

I. THỬ NHÌN QUA THÂN PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ

A. Phải chăng phụ nữ đã lên ngôi ?

Trên thế giới ngày nay, ít nhất hiện có 7 nguyên thủ quốc gia là phụ nữ :

Riêng tại Việt Nam, nhân ngày Kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2012)., nhà báo Nguyễn Văn Châu đã tổng kết về hiện tình đóng góp của nữ giới trong xã hội Việt Nam như sau :

Hơn bao giờ hết, phụ nữ Việt Nam tiếp tục tỏ rõ năng lực và khẳng định mình, thời gian qua đại bộ phận cơ quan quản lý hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực, đều có sự tham gia góp mặt của “phái yếu”. Với hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động, phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Hiện có tới 33,1% đại biểu nữ trong Quốc hội khóa XII – tỷ lệ cao nhất ở châu Á và là một trong những nước có tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội cao nhất thế giới; số phụ nữ tham gia vào Hội đồng nhân dân các cấp trên 20%. Số lượng cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo và quản lý nhà nước các cấp từ Trung ương đến cơ sở chiếm khoảng 20%; hơn 90% phụ nữ biết đọc, biết viết… ([3])

Còn trong Giáo Hội thì sao ? Đây, chúng ta thử đọc các đánh giá của một nữ tu :

Tất cả những cố gắng của phong trào bình đẳng nữ giới đã mang lại nhiều thăng tiến cho phụ nữ trong các Giáo Hội Kitô giáo. Từ hai thập kỷ qua, người nữ đã có mặt trong mọi lãnh vực giáo hội: từ giáo lý viên đến giáo sư thần học, từ vai trò linh hoạt viên đến những chức vụ trong các hội đồng cao cấp. Riêng trong lãnh vực phụng tự, phụ nữ được cử hành phụng vụ lời Chúa như người nam, mà không có một sự phân biệt nào. Tuy nhiên, trong vấn đề chức thánh thì còn giới hạn. Dù Giáo Hội Tin Lành tại Pháp đã có mục sư từ 1966 và Anh giáo chấp thuận cho phụ nữ được phép nhận chức linh mục, thì số lượng người nữ có chức thánh cũng còn rất ít so với người nam. Trong khi đó số tín hữu giữ đạo chiếm tuyệt đại đa số lại là nữ giới. Riêng trong giáo hội Chính Thống và Công Giáo, người nữ không thể nhận chức linh mục. ([4])

B. Vẫn là một thân phận “đớn đau” trong xã hội.

Trong cái mặt nổi của vấn đề, của xã hội, quả thật hôm nay “phụ nữ đã lên ngôi”.

Tuy nhiên, khi đi sâu vào cái “tảng băng ngầm” của xã hội, thì quả thật lời nhận xét về thân phận người phụ nữ của cố thi hào Nguyễn Du trong tác phẩm Kim Vân Kiều hay trong bài “Văn Chiêu hồn” vẫn có lý :

Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. (Kiều)

Đau đớn thay phận đàn bà,
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu! (Văn Chiêu Hồn)

Đó là cái đau đớn mà hằng ngày, trên các phương tiện truyền thông, chúng ta vẫn đọc thấy. Đây, xin ghi lại đôi sự kiện liên quan đến thân phận đớn đau của người phụ nữ trong xã hội Việt nam ta hôm nay :

Vietbao.vn ngày 08/10/2005
Lực lượng công an đã phải phá cánh cửa buồng ngủ để giải thoát một phụ nữ đang bị chồng đánh đập tàn nhẫn, trong khi 2 chân và tay đang bị xích bằng 2 đoạn dây xích sắt to, cùng với 3 ổ khoá lớn khoá vào chân giường. Người phụ nữ người đầy thương tích, đôi mắt bầm tím, sưng tấy, chân và tay có nhiều vết thương sâu, loang lổ máu. Nạn nhân đang lả đi vì bị đánh đập, bị bỏ đói và khát.

Tinmoi.vn ngày 11/05/2009 dẫn lời một nạn nhân bị chồng hành hạ:
Tôi làm vợ ông ấy 16 năm, nhưng hễ nghe ông ấy “ho một tiếng” là sợ đến sởn da gà. 16 năm làm vợ thì có tới 13 năm bị đánh đập; ông ấy đánh đập tôi lăn lóc như cục đá. Ông ấy uống rượu, đánh đập tôi và “làm việc đó”. Tui không nghĩ mình mang thai, vì đã mãn kinh từ mấy năm trước rồi. Khoảng 10h tối 25/3 (âm lịch), ông ấy dùng tay chặt mạnh chỗ gáy tôi, làm tôi té xuống nền nhà, bất tỉnh. Bốn ngày sau, tui vẫn thấy choáng, máu ra nhiều ở âm đạo. Một mình đến BV huyện khám, bác sĩ bảo tôi phải nhập viện vì có thai chết lưu trong bụng, nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi nghe tôi thuật lại, ông ấy bảo: “Tự lo liệu đi, tao không biết”.

GiadinhNet.vn ngày 16/04/2010, trong lá đơn gửi các cơ quan chức năng, chị Lê Thị Cúc (32 tuổi, hiện trú tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết:
Trong hơn 10 năm làm vợ, chị thường xuyên bị chồng đánh đập dã man. Với bản tính cam chịu, chị Cúc thường im lặng nín nhịn, anh chồng càng được đà, “ra đòn” nặng hơn với vợ. Trước đây, hàng xóm còn đến can ngăn, nhưng rồi bị anh Thành chửi bới, lăng mạ nên láng giềng – dù rất thương chị Cúc – cũng đành ở ngoài cuộc. Trong những lần bị chồng bạo hành, chị Cúc đã từng bị sảy thai và bán thân bất toại, phải di chuyển bằng xe lăn như hiện nay. Tuy nhiên, do bị đe doạ, nên khi vào viện, chị Cúc đã nói dối là bị tai biến. Phó công an xã Đại An cho biết: “Chúng tôi cũng hết sức đau đầu. Cơ quan chức năng huyện, xã đã vào cuộc, nhưng không có đầy đủ chứng cứ nên khó xử lý hình sự. Do khi vào viện, chị Cúc khai trong bệnh án là bị huyết áp cao, tai biến mạch máu não dẫn đến tình trạng bị liệt, chứ không đề cập gì đến việc chồng đánh. 4 tháng sau, ra viện, chị Cúc mới làm đơn tố cáo, nên rất khó tìm ra chứng cứ…”.

Đó là những thân phận đớn đau trong chốn gia đình. Ngoài xã hội còn biết bao thân phận đớn đau khác của người phụ nữ : Người mẹ tự tử vì vác đơn đi xin được xét hộ nghèo mà không ai xét ; cô thiếu nữ công nhân bị công an giữ xe, không có tiền nộp phạt để đem xe về trả lại cho người cho mượn, treo cổ tự tử ; và trong số những tù nhân lương tâm, những người tranh đấu cho tự do dân chủ đang chịu đựng những bản án nặng nề không thiếu những người phụ nữ…

Đó là thực tại. Còn nếu đọc lại lịch sử thì quả thật, người phụ nữ vẫn là loại “công dân hạng hai” của xã hội. Chúng ta có thể đọc đôi dòng tóm tắt sau về địa vị phụ nữ vào thời Trung Cổ:

“Mặt khác, suốt thời Trung cổ, tại Châu Á nữ giới đã phải trải qua nhiều nỗi thăng trầm khốn khổ. Nói chung, địa vị xã hội của nữ giới thì rất là thấp, kém xa nam giới; họ chỉ đóng vai thụ động. Trong thế kỷ 13, nhiều phong trào cải cách đã xuất hiện; có nhiều phụ nữ tham gia; nhưng đa số các nhóm ấy đã đi vào con đường sai lệch, biến thành lạc giáo. Phụ nữ bị nghi ngờ, và – nhất là ở Trung Âu – bị tố cáo là phù thủy; từ đó bắt đầu chính sách thanh trừ phù thủy – cả từ phía Giáo Hội lẫn từ phía nhà nước – khiến hàng ngàn phụ nữ bị thiêu sống. Từ thời phục hưng trở về sau, nữ giới bắt đầu ý thức rõ hơn đến phẩm giá của mình, và từ đó số phận nữ giới được cải thiện dần. ([5])

Mà đây không là câu chuyện của một vùng miền nhưng là “tâm thức chung” từ Âu sang Á, từ nền văn minh được gọi là Ki-tô giáo tới Hồi Giáo hay Khổng giáo như nhận xét sau :

“Nữ giới bao giờ cũng bị kém thua nam giới trong quyền hạn. Trong xã hội Tây phương, nữ giới đã đấu tranh dành cho được quyền hạn ngang với nam giới. Phụ nữ được quyền bỏ phiếu ở Anh và Ðức quốc năm 1918, ở Hoa kỳ năm1920, ở Tây ban nha năm 1931, ở Pháp năm 1945. Tại các phần thế giới còn lại, số phận của nữ giới còn thua kém hơn nhiều. Tại đa số các nước Hồi giáo, phụ nữ chẳng có được một quyền hạn nào. Riêng tại Việt Nam, phụ nữ đã phải giữ “đạo tam tòng” và, dù được luật pháp bênh vực, nữ giới vẫn phải tiếp tục nhường bước cho nam giới. Năm 1946, phụ nữ được quyền bỏ phiếu; nhưng vẫn còn quá ít phụ nữ giữ những địa vị quan trọng trong các lãnh vực chính trị và xã hội. Trong thế giới, 70% người nghèo là phụ nữ. Phụ nữ bị hành hạ ở mọi nơi và bằng mọi cách: hiếp dâm, mại dâm, đánh đập, khinh bỉ, trả công thấp hơn, cưỡng hôn, chồng ruồng rẫy bỏ rơi, v.v. ([6])

Còn trong Giáo Hội thì sao ?

C. Vẫn là chiếc “xương sườn của A-Đam” và là “người khán giả thinh lặng” giữa cộng đoàn Hội Thánh.

Để biện minh cho sự “lệ thuộc bình đẳng” của người nữ vào người namsách khôn ngoan cổ Do Thái đã nói: Thiên Chúa đã không tạo dựng người đàn bà từ khúc xương đầu của của người đàn ông, bởi vì như thế bà ta sẽ cai trị chồng; Thiên Chúa cũng không tạo dựng người đàn bà bởi khúc xương ngón chân của người đàn ông, vì như thế bà sẽ trở nên nô lệ của chồng; nhưng Thiên Chúa đã tạo dựng nên bà từ khúc xương sườn, điều đó có nghĩa là hai người cùng có một phẩm giá ngang nhau. ([7])

Cho dù phong trào nữ quyền muốn đề cao thế nào mặc kệ, thì ngay từ đầu người nữ đã lệ thuộc vào người nam, chỉ là cái xương sườn của người đàn ông mà thôi.
Có lẽ thừa kế cái di sản văn hóa “trọng nam khinh nữ” của người Do Thái, nên Thánh Phaolô, ngay từ những khai sinh Giáo Hội, đã lưu ý rằng :

“Phụ nữ phải làm thinh trong buổi họp…họ phải sống phục tùng như chính Lề Luật dạy” (1 Cr 14,34-35), hay một chỗ khác : “Khi nghe lời dạy dỗ, đàn bà phải thinh lặng và hết lòng phục tùng…Tôi không cho phép đàn bà giảng dạy, hay thống trị đàn ông.” (1 Tm 2,11-15)  ([8])

Cho dù ở đoạn kết luận, tác giả đã minh định rằng :

“Vào thời đại cũng như ở địa phương mà Thánh Phaolô đang sống, các Kitô hữu được bảo phải tuân theo bộ luật gia đình thực hành của nền văn hóa Do Thái, Hy Lạp và Roma rất phổ cập vào thời ấy. Những lời khuyên như thế không phải là Lời Chúa được linh hứng. Lúc ấy và ngay cả hiện nay cũng như trong phần lớn thế giới hiện đại, những bộ luật gia đình như thế xem ra không thích hợp với mọi Kitô hữu là những người nhìn nhận chân lý Kitô giáo nền tảng nhất: “Tất cả là một trong Đức Giêsu Kitô” ([9]), chúng ta vẫn thấy chỗ đứng của người phụ nữ luôn khiêm tốn và giới hạn như nhận xét sau đây :

Sự bình đẳng nam nữ chỉ còn giới hạn về khía cạnh thiêng liêng; còn trong đời sống Giáo hội, các bà hoàn toàn bị lép vế.

– Về ngôn ngữ, người ta cho các bà ra rìa: các lời khuyên của thánh tông đồ được gửi tới “anh em” thay vì “anh chị em”; các bà chỉ xuất hiện như là người giúp việc cho các thánh tông đồ, thí dụ như bà Phebe (Rm 16,2-3). 

– Về sự lựa chọn các đoạn văn tường thuật cũng vậy. Lúc đầu các bà (thí dụ Maria Mađalêna) cũng như các ông (các tông đồ) đều mang trọng trách như nhau vì được Chúa Phục sinh hiện ra và sai đi loan Tin mừng. Nhưng dần dần, các bà bị gạt ra rìa; Phêrô và các tông đồ dành độc quyền vai trò làm chứng nhân. 

– Sau cùng, phe trọng nam đã biện minh thái độ khinh nữ bằng cách bôi nhọ là các bà “lạc đạo”, với trường hợp điển hình là bà ngôn sứ Giezabel trong sách Khải huyền 2,20. Vì thấy có một bà lạc đạo cho nên hết các bà bị nghi ngờ và gạt ra khỏi các cơ cấu quản trị của Hội thánh. 

Thêm vào đó, khung cảnh xã hội của Hy lạp, Rôma muốn giữ các bà ở trong bếp; còn chuyện làng nước thì dành cho đàn ông. Vì thế không lạ gì, các bà không tham dự vào công việc của cộng đoàn Giáo hội, nhưng họ được khuyên hãy lo lắng chuyện gia đình là đủ.  ([10])

Chính ĐTC. G.P. II đã tóm tắt cái “mảng tối” của người nữ trải qua suốt chiều dài lịch sử bằng những lời nhận xét sau :

“Vô phúc thay chúng ta đã thừa hưởng một lịch sử có quá nhiều qui định mà, trong mọi thời gian và không gian, đã gây khó khăn cho đường đi của người nữ, phủ nhận phẩm giá người nữ, biến chất những đặc quyền người nữ, thường loại người nữ ra bên lề và còn bắt người nữ sống cảnh nô lệ.” ([11])

Nhưng xin các bà các chị yên tâm. Trong mái nhà Hội Thánh, chúng ta đều có vị trí thích hợp mà không ai có thể thay thế. Và đó chính là cùng nhau đi tìm những định hướng của Hội Thánh trong vấn đề mục vụ nữ giới.

(còn nữa)


[1] THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLO II GỞI PHỤ NỮ TOÀN THẾ GIỚI Ngày 29/06/1995 nhân dịp Năm Quốc Tế Người Nữ, số 3
[2] Theo tư liệu từ trang mạng  Bách Khoa Toàn Thư mở (wikipedia.org) : đề mục : Danh sách nữ nguyên thủ quốc gia.
[3] Bài phóng sự của Nguyễn Văn Châu nhân kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2012).
[4] Nt. Maria Nguyễn Thị Hồng Quế. OP. (Kỷ niệm Ngày Quốc Tế Phụ Nữ lần thứ 100) : Bài viết : Vai trò và sứ mệnh của của người phụ nữ trong xã hội và Giáo Hội.
[5] Bài VII trong TTTH số 34 năm thứ mười hai (2012)
[6] SĐD
[7] Lm Hà văn Minh (Gp. Phú Cường) : VAI TRÒ NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI VÀ GIA ĐÌNH, trang www.ubmvgiadinh.org.
[8] “Thánh Phaolô và phụ nữ” của Lm. James W. Kinn, Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ, Bản Thông Tin giáo phận số 183, trang 636-641

[9] SĐD

[10] NỮ THẦN HỌC/Feminist Theology (Thời sự Thần học – Số 17 – Tháng 9/1999, tr. 40-49)

[11] THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLO II GỞI PHỤ NỮ TOÀN THẾ GIỚI Ngày 29/06/1995 nhân dịp Năm Quốc Tế Người Nữ, số 3
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trương Đình Hiền
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Related posts