Cha Phêrô Niên

CHA PHÊRÔ NIÊN (1841-1913)

Biên soạn
Lm. Gioan Võ Đình Đệ

Cha Phêrô Niên chào đời năm 1841 tại Kim Châu, Bình Định.

Chú Niên vào học Tiểu Chủng Viện Làng Sông. Khi chiếu chỉ phân sáp của vua Tự Đức được thi hành gắt gao, năm 1861, cha Phaolô Châu, Giám đốc Chủng Viện Làng Sông bị bắt , các chú nhà trường phải giải tán. Chú Niên về với gia đình ở Kim Châu và bị bắt, bị phân sáp, bị thích vào hai bên má dòng chữ “Bình Định tả đạo”.

Sau khi lệnh phân sáp được bãi bỏ, chú Niên trở về Chủng Viện Làng Sông và được gởi đi học ở Chủng viện Pinăng.

Năm 1884, thầy Phêrô Niên được Đức cha F.X. Van Camelbeke Hân truyền chức Linh mục và được bổ nhiệm làm phụ tá cho cha Jean aillard (cố Thiên) ở Phú Thượng, Quảng Nam, nơi thầy Niên đã thực tập mục vụ.

Năm 1885, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Duy Hiệu, Văn Thân Quảng nam chia làm hai đạo quân: một đánh Trà Kiệu, một đánh Phú hượng. Lúc bấy giờ Trà Kiệu và Phú Thượng là hai xứ đạo nòng cốt và sầm uất ở Quảng nam. Trong khi Văn Thân vây đánh Phú Thượng, cha Jean Maillard (cố Thiên) tập trung giáo dân và chỉ huy phòng vệ. Qua nhiều cuộc giao tranh ác liệt, giáo dân Phú Thượng nhờ sự phù hộ của Mẹ Maria, đã ngăn chặn được sự bách hại của Văn Thân. Trong khi cha Jean Maillard tài trí thao lược tổ chức giáo dân phòng vệ bằng sức mạnh con người, thì cha Niên, người phụ tá của cha Jean Maillard phụ trách công việc tổ chức giáo dân cầu nguyện, đặc biệt lần hạt Mân Côi, một việc đạo đức kính Đức Mẹ mà Cha Niên đã từng yêu mến và trung thành như tích truyện kể rằng: “Khi Cha Niên còn làm thầy giảng ở Quảng Nam, có một nhà bỏ đạo, người muốn cho nó trở lại hết sức, nên hằng cầu nguyện cho nó, song luống công, mới định tới nhà nó mà an ủi; trước khi ra đi, người vào nhà thờ lần một chuỗi, kêu xin Đức Mẹ đoái thương con chiên xiêu lạc, lần hột xong ra đi tới ngõ, thấy ngõ đóng, người kêu mở ngõ mà chẳng thấy ai ra, thấy ít con chó ra sủa và muốn cắn mà thôi; người đứng một chặp thấy vắng vẻ, thì trở về lần một chuỗi nữa, đoạn đi tới, kêu mở ngõ, thì có kẻ ra mở, song vô nhà thì chẳng ai thèm ra mặt chào hỏi; người đứng xớ rớ nhìn ba cây cột trong nhà, rồi trở ra về, mà cũng chưa ngã lòng; qua bữa sau người lần một chuỗi nữa và đi như trước, phen nầy tới nhà thì chủ ra trước chào tử tế; người liền an ủi cả nhà trở về đàng chínhcùng giữ đạo tử tế lắm”1. (Mission de Qui Nhon, Mémorial No. 104, Dec 1913, tr. 86-87)

Sau khi nếm cảm những khó khổ và tình thương của Đức Mẹ trong lúc chống trả Văn Thân tại Phú Thượng. Năm 1887, Cha Niên được bổ nhiệm về giáo xứ Đồng Quả, Bình Định. Với tấm lòng mục tử đã từng kinh qua những cuộc bách hại đức tin, Cha đồng cảm, đồng hành với nhóm tín hữu vùng thung lũng Kim Sơn còn sống sót sau cuộc bách hại của Văn Thân. Cha với con đồng cảnh ngộ, đồng tình, đồng lòng xây dựng cộng đoàn tín hữu trong huynh đệ và hiệp nhất, làm hạt nhân cho các nhóm tân tòng trong các giáo điểm mới được thành lập ở Đồng Quả.

Năm 1890, Cha được bổ nhiệm về giáo xứ Đồng Dài.

Sau biến cố Văn Thân bách hại các tín hữu, Đồng Dài cũng như các xứ trong vùng Bồng Sơn đón nhận rất nhiều người tòng giáo. Sau 09 năm chăm sóc mục vụ tại Đồng Dài, cha đã thiết lập nhiều giáo điểm, sức khỏe của Cha đã mòn hao. Năm 1899, Cha Poyet được bổ nhiệm tăng cường về Đồng Dài.

Năm 1906, Cha Niên về nghỉ hưu tại gia đình ở Kim Châu. Lúc bấy giờ Đồng Dài đã có hơn 2.000 tín hữu trong 24 giáo điểm. Phước Bình và Cẩm Đức (Phước Bình và Cẩm Đức ngày nay thuộc xã Ân Hảo, huyện Hoài Ân) là hai giáo điểm tương đối sầm uất nhất trong giáo xứ.

Khi về nghỉ tại Kim Châu, cha cố gắng giúp Cha sở Kim Châu theo sức lực còm cỏi của mình. Chuyện kể rằng: “Năm ngoái đây (1912), người còn mạnh, mỗi ngày vô nhà thờ chầu Mình Chúa đoạn đi dạo một khúc đàng giải trí; người đi ngang qua cái miễu trước nhà thờ, thấy một mụ già hằng ngày lo nhang đèn cho ma quỉ, bèn thương xót linh hồn nó; người dỗ nó biểu trở lại đạo; mẹ ấy ban đầu không muốn nghe; lần lần mỗi ngày đều nghe Cha dỗ và nói cách nọ thế kia làm chứng quỉ thần là dối trá, thì hơi mềm lòng, song cứ hẹn rày mai chưa chịu trở lại; chẳng may mẹ ấy phát bịnh đau nặng, Cha Niên nghe bèn tới an ủi riết thì mẹ ấy trở lại, và nói rằng mình đã chịu phép rửa tội buổi nhỏ rồi vì khi đó đau nặng gần chết, có bà kia có đạo đã rửa tội cho, song khi khỏi chết thì không giữ đạo, mà bà ấy cũng hằng an ủi biểu trở lại. Cha Niên nghe vậy lo mừng, song bối rối chẳng biết tính sao, bèn nói lại cùng Cố Lành. Cố bàn phải rửa tội hồ nghi, rồi sẽ cho xưng tội; vậy Cha Niên ráng chịu khó dạy dỗ, rồi Cố Lành làm phép rửa tội hồ nghi, còn Cha Niên thì cho xưng tội và cho chịu các phép bí tích khác, đoạn mẹ ấy chết lành”.

Trong mấy tháng đau liệt cuối đời, Cha vui lòng đón nhận mọi đau đớn và năng xưng tội rước lễ. Ngày trước khi trút hơi thở cuối cùng, Cha đã lãnh nhận của ăn đàng. Cha từ giã cõi đời vào ngày 18 tháng 10 năm 1913. Cha được an táng trong nhà thờ Kim Châu như một chứng nhân tử đạo.

Related posts