Cha Phêrô Trần Lục

(1868-1927)
(Trích “Mémorial” de la Mission de Quinhon, Janvier 1928)

Cha Phêrô Lục sinh ra tại họ Tùng Sơn, địa phận Phú Thượng, về tỉnh Quảng Nam, năm 1868, Cha Truyền rửa tội. Cha mẹ là người đạo đức sốt sắng tên là Phanxicô Xaviê và Anê Dinh. Khi được 13 tuổi, cố Huề (P. Vivier) thấy con trẻ lanh lợi tốt trí, thì cho vào học trường La Tinh tại Làng Sông.

Đến năm 1885, giặc Văn Thân nổi lên chém giết bổn đạo ở mọi nơi, đốt phá nhà cửa, trường Làng Sông cũng phải tan tành, học trò chạy xuống chui đụt ở cửa Qui Nhơn, việc học phải đình bãi. Vì vậy Đức Cha Hân chọn ít nhiều học trò mà gởi sang trường Pinang, trò Phêrô cũng được chọn vào số ấy. Phêrô học tại Pinang cho đến năm philosophia thì trở về Annam là đầu năm 1889, và đi giảng tại Phan Rang, dạy tiếng cho cố Bạch tại Phan Thiết.

Năm 1892 về học lý đoán tại Làng Sông, qua năm sau chịu cắt tóc, và năm 1894 chịu bốn chức; chẳng may tháng Maio cũng năm ấy, thầy bị đau phải nghỉ, thì Đức Cha sai ra Gia Hựu giúp cố Bửu mà coi việc nhà mồ côi. Năm 1897 về chịu chức thầy năm và dạy các chú tại Đại An, qua tháng Augusto cũng năm ấy chịu chức thầy sáu. Đoạn ra ở An Ngãi giúp cố Thiên (P. Maillard) 5 năm, rồi năm 1904 vô Bồng Sơn, Thác Đá, Tân Long, đoạn về Làng Sông giúp nhà in. Năm 1906 dạy quốc văn chương bài cho các chú và cũng giúp việc Toà Giám Mục. Năm 1914 đi lãnh cha sở địa phận Lệ Sơn, và năm 1917 trở về Đại An dạy học trò trường thầy giảng, đến năm 1923 thì lại đổi vô Làng Sông làm phó ký lục Toà Giám Mục và giúp việc nhà in mà kiểm duyệt các sách vở quốc âm.

Độ cuối năm 1926, cha đã yếu mệt thì Đức Cha cho đi nghỉ ít lâu, đến tháng Avril 1927 lại sai ra địa phận Ngãi Điền là hai sở nhánh thuộc Đồng Quả, mà bởi ở lẻ loi xa cách, nên Đức Cha tách biệt mà làm một địa phận mới. Đến 10 Novembre người phát bịnh, thấy trong mình lương ương mệt mỏi ăn ngủ ít được, hay ụa mửa, song tưởng tiết đông khiến con người hay cảm là sự thường, ít bữa rồi cũng qua, không hề chi. Dè đâu bịnh ngày một tấn, đến 3 Décembre thì mẹp, hết làm lễ được. Cha Vĩ nghe tin vội vàng lên rước xuống Đồng Quả; ở đó bổ dưỡng một tuần không thấy chuyển phải chở xuống Thác Đá và thơ trình Đức Cha dạy thế nào.

Ngày 18 Décembre có xe điện cố Giữ việc cho ra rước thì cha Hậu đưa vào Qui Nhơn; tới nơi vào nhà thương liền, mà cha đã nhọc mệt quá, trí khôn đã lãng, song ai thăm cũng còn biết, còn nói chuyện đặng ít nhiều. chiều 22 cha thấy trong mình đã mõn thì xin Cha Thạnh xức dầu và làm các phép; qua 23 thì bất tỉnh, chiều ngày ấy Đức Cha và các cha Làng Sông xuống thăm thì cha chẳng còn biết ai nữa; qua nửa đêm độ giờ thứ 3 qua một khắc thì tắt hơi, may có cha Thạnh cũng đau liệt nằm nhà thương bên phòng kề, nên rán giúp người được trong giờ sau hết.

Thảm thiết thay! 30 năm làm thầy cả những lo giúp người ta trong giờ lâm tử chẳng quản đêm khuya, chẳng nệ khó nhọc. Ai đau liệt mà cha chẳng sốt lòng? Ai hấp hối mà chẳng có cha? Quis infirmatur et ego non infirmor? (Có ai yếu đuối mà lại tôi không cảm thấy mình yếu đuối – 2 Cr 11, 29)

Hay đâu đến lúc riêng mình thì lại phải tủi thân như thế, ở giữa chốn lạ lùng, tư bề những kẻ ngoại, một mình, với một đứa cháu bơ ngơ, việc giúp đỡ linh hồn thậm gay, nhắc Chúa kêu bà cũng không tiện. Ấy đấng thầy cả lo cho người được ấm cúng trong giờ chết, mà cũng có đôi khi mình phải chết lạnh như thế; song kẻ vưng tin lời Chúa, trọn niềm bổn phận, dầu làm sao Chúa cũng chẳng bỏ: “Venite benedicti Patris mei, possidete paratum vobis regnum a constitutione mundi. Esurivi enim, et dedistis mihi manducare: sitivi, et dedistis mihi bibere: hospes eram, et collegistis me: nudus, et cooperuistis me: infirmus, et visitastis me…” (Nào những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc dọn sẵn cho ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa ta đói các ngươi đã cho ăn; ta khát các ngươi đã cho uống; ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước; ta trần truồng các ngươi đã cho mặc; ta đau yếu các ngươi đã thăm nom – Mt 25, 34-36)

Cha tắt hơi đoạn đem xác về nhà thờ, chiều chở lên Làng Sông, qua 24 làm lễ qui lăng an táng. Rủi nhằm ngày áp lễ Sinh Nhựt, các cha địa phận không mấy ai về được, chỉ có cha Miễn, Truyện, Quảng mà thôi, cha Chân hát lễ, cha Sử và cha Tín làm thầy sáu thầy năm: cha Perreaux đưa xác; Đức Cha các Cha các thầy các chú, và nhiều bổn đạo đưa xuống thánh địa, ai nấy mặt ủ mày châu, lòng sầu dạ thảm, nỗi buồn nỗi tiếc bâng khuâng; tiếc vì mất đấng linh mục thông thái sốt sắng đã làm ích cho địa phận nhiều bề; buồn vì từ đây anh em chẳng còn đặng sum vầy cùng nhau nơi dương thế.

Cha Phêrô là người thông minh chữ nghĩa trỗi cao. Khi còn học La tinh mấy lớp dưới, tuy chưa trổ tài, song trí khôn sâu sắc, mau hiểu nhớ dai, các thầy giáo đều khen và bỏ bụng trông thầm. Chừng tới lớp trên, trí tài đua phát, đến lớp văn chương cùng khoa Triết học đã thấy trỗi cao. Nói chi khoa lý đoán, thật đã tót vời: câu nào mắc mõ, chỗ nào khó thông, hỏi tới thầy Lục, ắt thầy thưa giải trơn xuôi như chảy. Những bài luận giải về khoa lý đoán, thầy làm rất thông đúng thức nhằm mẹo, ý nghĩa cao sâu lời lẽ phân minh gọn ghẽ, thầy giáo xem vô cũng chắc lưỡi khen thầm.

Còn về quốc văn thì cho là đúng hạng thông minh, những sách vở văn bài thi phú người đã làm đều chứng tỏ sự ấy. Người viết một cách dễ dàng mau chóng, dường như currenti calamo vậy (với ngòi bút trôi chảy – ý nói viết dễ dàng trôi chảy), không mấy khi phải khó nhọc sửa đi viết lại như ai khác; lời nói rõ ràng gọn ghẽ, ý vị nồng nàn, ai xem cũng đều ưa thích. Hai nhựt báo “Nam Kỳ Địa Phận” và “Lời Thăm” lúc sơ khởi, tuy vạn sự khởi đầu nan, mà có người gánh vác phụ đỡ thì đã tấn phát, nổi tiếng hầu khắp Đông Pháp, cùng vững bền đến nay.

Sách người đã dọn trước hết là “Ấu học” còn đang thông dụng trong các trường địa phận Qui Nhơn, Saigon, Cao Miên; lúc giúp nhà in năm 1905 đã thừa mấy chút giờ rảnh mà chép ra, và nội trong hai tuần đã thành quyển sách. Người cũng chép sách “Trung học”; “Thánh giáo tự lễ”; tiểu thuyết “Song nghĩa tự”, “Đồ của Hời”, “Hai chị em lưu lạc”; cùng nhiều sách nhỏ về đạo lý luân thường để khuyến khích nhơn dân; lại còn đặt nhiều kinh văn dễ đọc dễ hát trong những ngày lễ. Trước nầy đã thấy cha hay trở đi trở lại nhà trường, nhà in nhiều phen, ấy cũng về việc sách vở chữ nghĩa là việc ám hạp tài xứng sức cha, nên khó rời mấy chỗ ấy lâu.

Bề thông thái làm vậy mà việc bổn phận sốt sắng chẳng kém. Dầu sai đổi đi nơi nào, cha cũng chẳng phàn nàn năn nỉ, một vâng theo ý bề trên. Tới đâu thì lo làm phần làm phước, giảng giải đạo lý, lấy sự khuyên bảo thúc giục bổn đạo năng xưng tội rước lễ là việc nhứt, ân cần dạy dỗ kinh thiên, thương giúp binh vực kẻ mồ côi khó nghèo. Vốn tính cha cương trực khẳng khái, nên hễ thấy sự trái tai gai mắt thì làm thinh chẳng đặng, dầu có phải một bạn đồng liêu, cũng chẳng ngại nói; bởi vậy mà kẻ chẳng rõ ý đôi khi cũng buồn lòng, song người quen thuộc chẳng những không chấp mà lại cảm tình mến phục vì biết rõ: tuy lời nói có xủng xẳng, song kỳ trung vốn có bụng tốt lòng chung, chỉ muốn tìm ích cho người mà thôi. Cha có lòng sùng kính Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu cùng Đức Bà cách riêng, hằng ra sức khuyên giục người ta về đàng ấy. Lúc ở Đại An dạy các chú, cha đồng công hiệp lực với cha bề trên Lý (P. Mugnier) mà khuyến khích sự kính thờ và tôn Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu làm Vua các gia thất, trường Đại An đã làm gương trước hết trong việc nầy, dần dần nhiều địa phận cùng nhiều gia thất đã noi theo gương lành ấy. Cha cũng đặng phép Đức Cha ban chuẩn mà chép các lễ tôn Trái Tim làm một cuốn sách nhỏ và đặt những kinh sốt sắng thâm trầm, miệng đọc lòng rất cảm động. Ngày nay trong cả lục tỉnh đâu đó đều sung kính Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu, thì cũng nhờ lòng sốt sắng hai cha đã tận tâm khuyến khích. Lúc sinh tiền cha đã hết dạ thờ kính, tận tâm trung thành, mong mỏi mở mang nước Đức Giêsu trong lòng nhiều người; âu là khi lâm tử đến trước đài tiền, Đức Chúa Giêsu cũng đã xử nhơn từ rộng rãi với cha, mà ban lời khen tặng: Euge serve bone fidelis, intra in gaudium Domini tui (Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành, hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh – Mt 25, 21)

Vậy dầu cha đã mất mà việc phước đức cha còn bia tích, sách vở cha vẫn lưu truyền, cho nên lòng thương nhớ cha cũng chẳng bao giờ phai lợt.

Le P. Luc a publié à Lang Song, sous son nom ou sous un pseudonyme les oeuvres suivantes (Cha Lục đã xuất bản những tác phẩm sau đây tại Làng Sông, dưới tên ngài hoặc tên hiệu):

1906 – Ấu học 1912 – Hạnh Năm Thuông
1914 – Trung học 1915- Nghị luận
1919 – Tôn trái tim 1920 – Tự lễ
1925 – Song nghĩa tự 1926 – Nghề trồng dâu
1927 – Hai chị em lưu lạc 1927 – Hổ lang chi tích

Năm nay cũng là thời gian đánh dấu 125 năm biến cố “Văn Thân” 1885, một cuộc tàn sát đặc biệt gây nhiều thiệt hại về người và của cho giáo phận Qui Nhơn, lúc đó được gọi là Đông Đàng Trong. BTT xin giới thiệu một số bài viết về giai đoạn đau thương này.

Related posts