Lắng nghe Cadière!

Nhà văn Nguyên Ngọc

Chúng ta đều biết trước tác của L. Cardière rất đồ sộ; là người có tri thức nông cạn, tôi không dám nói điều gì có tính bao quát về sự nghiệp rộng lớn của ông.

Hội thảo này tạo cơ hội cho tôi đọc lại một số bài viết của ông, và hôm nay, tôi xin nói đôi điều về một trong những bài viết đó, thật lạ, sau bao nhiêu năm đọc lại, vẫn đầy ấn tượng, vẫn kinh ngạc về những phát hiện tinh tế của tác giả, và đặc biệt, vẫn đầy tính thời sự, thậm chí có thể vang lên như một lời cảnh báo ân cần và thống thiết đối với xã hội hôm nay, mặc dầu nó đã được viết ra cách đây hơn ba phần tư thế kỷ. Đó là bài “Gia đình và tôn giáo ở xứ An Nam” đăng ở tạp chí Những người bạn của cố đô Huế(BAVH) số 4, tháng 10-12 năm 1930.

Đúng ra, đó không phải là một “bài”, mà là cả một công trình nghiên cứu công phu, một luận văn xã hội học đầy đặn, đăng đầy trên một số tạp chí trùm qua cả ba tháng.

Không biết Cardière đã giành bao nhiêu thời gian cho công trình này của ông? Chúng ta tò mò muốn biết điều đó, bởi vì có thể tìm thấy những bài viết, những công trình tượng tự của ông, có lẽ không chỉ tính bằng số chục, bên cạnh hằng trăm bài viết nhỏ khác, trên các tạp chí nổi tiếng thời bấy giờ như BAVH, BEFEO (tạp chí của Trường Viễn đông bác cổ) …

Quả thật đấy là một cây bút hết sức cường tráng, mà lại sâu sắc, chặt chẽ, vừa gần gũi, vừa uyên bác. Hình như đó cũng là đức tính chung của những nhà bác học lớn.

Gia đình và tôn giáo ở xứ An Nam”, trước hết, vì sao Cardière chọn đề tài này? Vì sao ông chọn đối tượng nghiên cứu là gia đình, và nghiên cứu nó dưới góc độ tôn giáo?

Trong một đoạn của luận văn, ông viết: “Người An Nam … được chia thành những bộ tộc gia đình” (“Les annamites … sont divisés en clans familiaux”).

Ở một đoạn khác, ông nói rằng làng là mở rộng của gia đìnhnước (quốc gia) là mở rộng của làng.

Vậy theo ông, gia đình là tế bào cơ bản của xã hội này. Ông muốn nắm chắc xã hội này ở tế bào cơ bản nhất của nó, để từ đó, mới có thể hiểu được cái tổng thể, thấu đạt được bản chất của nó, và đặc biệt, cũng từ đó, nhận ra những thách thức đang và sẽ đặt ra trước nó. Một chọn lựa đầu tiên rất chính xác, chứng tỏ ngay từ đầu, sự am hiểu vững chắc và định hướng đầy nhạy cảm của tác giả.

Và nghiên cứu gia đình dưới góc độ tôn giáo. Một sự chính xác và nhạy cảm thứ hai, cũng thật đích đáng. Bởi vì, như ta sẽ thấy và được ông chứng minh một cách thật đặc sắc, bản chất của gia đình Việt Nam là mang tính tôn giáo, và là một tôn giáo rất độc đáo, nó quyết định toàn bộ sự ra đời, tồn tại, phát triển …, và vậy đó nữa, sự tồn vong của đơn vị cơ bản này của xã hội và con người mà nó là tế bào gốc.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu có lần có nhận xét thú vị: trong các công trình của mình, Cardière luôn viết các từ tiếng Việt đúng theo chính tả Việt Nam, với đầy đủ các dấu âm thanh, không phải như thường thấy ở các tác giả nước ngoài, lơ lớ kiểu le con gai, le nha que … , mà rõ ràng, đàng hoàng bà Liễu Hạnh, chính thất, trung thất, rước ông bà, đưa ông bà, nghi hôn, nạp chưng, định thân, thân nghinh, Đoài cung thánh mẫu, Bà Bổn mạng, Mười hai Bà mụ … Tất nhiên ông rất giỏi tiếng Việt. Còn quan trọng hơn, qua đó, ông phân biệt sắc sảo các nội dung khác nhau chứa đựng trong các từ Việt có sắc thái tưởng tương tự, nhưng cơ bản khác nhau, và từ đó, xác định đúng bản chất của từng đối tượng.

Ông nói người Việt có hai từ để chỉ gia đình: nhà (từ Hán Việt là gia), theo ông là chỉ gia đình theo nghĩa hẹp; và họ (từ Hán Việt là tộc) chỉ gia đình theo nghĩa rộng. Nhà gồm có chồng, vợ, và con cái. Nhà là đơn lẻ, thậm chí trong nghĩa nào đó là tạm thời, thoáng qua; đối với người Việt, họ mới là chủ âm lâu dài trong đời sống, cả thường nhật lẫn bền vững, tâm linh.

Theo Cardière, nhà, về cơ bản, không mang tính tôn giáo. Còn gia đình theo nghĩa rộng, họ, thì mang tính tôn giáo sâu sắc, thậm chí chính tính tôn giáo đó tạo nên gia đình. Cardière viết:

Gia đình, theo nghĩa rộng, không chỉ gồm những người sống: nó còn bao gồm cả những người chết. Và điều này là có ý nghĩa căn bản. Quả vậy, do chính tư cấu tạo của nó, họ, gia đình theo nghĩa rộng, về căn bản là mang tính tôn giáo, bởi nó bao gồm những thành viên siêu nhiên”. Đấy là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của người Việt, xã hội Việt. Cardière nói: “Người Hy Lạp xưa lấy làm kiêu hãnh vì có họ hàng với các vị thần. Ở người An Nam, người nông dân nghèo khổ nhất, người cu li khốn nạn nhất, cũng có thể nói thư vậy. Và cũng như họ coi các vị Tổ tiên của họ là những nhân vật được đưa lên trên cao hơn thế giới tự nhiên, họ có ý thức rằng chính họ, một ngày kia, khi đã chết đi, họ cũng sẽ được các hậu duệ coi là có những quyền lực siêu nhiên …” “… Những mối dây kết chặt họ (những người sống và những người chết) không bị cái chết tháo đứt đi; trái lại, các mối dây đó, được tôn giáo thánh hóa (consacrés par la religion) càng trở nên mạnh mẽ hơn. Phải công nhận rằng gia đình, được quan niệm như vậy, mang một ý nghĩa trang nghiêm và cao cả thật sự ấn tượng”. Cardière mô tả với một sự hiểu biết sâu sắc, tỉ mỉ các nghi thức tang lễ ở người Việt và ý nghĩa của chúng. Ông nói rằng như vậy đối với người Việt tất cả các vị Tổ tiên mà thể xác đã “mất”, không biến mất hoàn toàn, mà chỉ “dấu mình đi” (“s’est caché”, người Việt nói là đã “khuất”), linh hồn của họ ngự trên bàn thờ trong các bài vị. Họ hoàn toàn hiện diện; họ tham gia tích cực vào mọi hoạt động của gia đình. Đấy đích thị cả một tôn giáo …

Như vậy, Cardière đã chạm đến một vấn đề từng gây và vẫn còn gây tranh luận: tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có phải là một tôn giáo?

Có những tác giả phủ nhận điều này. Họ nói việc thờ cùng Tổ tiên là việc “tôn thờ ký ức cao quý, thuần túy không có chút mê tín nào, cơ sở trên một tình cảm chết, hơn là trên một khái niệm tôn giáo … Thờ cúng tổ tiên gần như là một tôn giáo, nhưng không phải là một tôn giáo[1]. Một tác giả khác, Trần Văn Chương, cho rằng “việc thờ cùng Tổ tiên … là tôn thờ kỷ niệm: những người thân vẫn là những người thân mà người ta tôn trọng và yêu mến, họ không trở thành những vị thần, việc thờ cúng sinh ra từ tình thương mến, không phải từ nổi lo sợ mê tín đối với người chết, cũng không phải từ nhu cầu mong được Tổ tiên che chở, và trong mục đích đó, bằng một cử chỉ bày tỏ đức tin, người ta đã gán cho họ quyền lực của các vị thần”.[2] …

Cardière thì khẳng định ngược lại. Ông dẫn ra chính những lý lẽ của những người phản bác: “ Người An Nam cho là rất tự nhiên việc coi rằng những người đã chết cũng sống, vô hình, bên cạnh những người sống… Đấy không phải là một niềm tin đơn giản mù quáng xuất phát từ một nhu cầu của tình cảm hay lý trí; đấy là một niềm tin thật sự đối với anh ta có sức nặng của những thực tế nhìn thấy được và sờ mó được … Người ta tin rằng những người chết vẫn sống bên cạnh những người sống, cũng như người ta tin ở ánh sáng mặt trời và sức nặng của chì[3]. Ông nói thêm: “Tổ tiên hiện diện trong gia đình đến mức, trong một số trường hợp, thay vì ngự trên bàn thờ và trong một thế giới cách biệt, họ được coi như vẫn còn chiếm giữ vị trí của mình trong hệ thống tôn ti của gia đình”.

Bằng một hiểu biết tuyệt vời, ông dẫn chẳng hạn, trường hợp theo sách Gia lễ, những người còn sống mà ở vị trí tôn ti cao hơn người chết thì không phải cúng người đã chết. Dù người kia đã chết, thì theo tôn ti được quy định chặt chẽ, họ vẫn là ở bên dưới của người sống liên quan. Tất cả những sắp đặt ấy trong lề luật và tập quán, chứng minh rằng những người chết được coi như vẫn sống chen với người sống, và họ cũng không thoát khỏi những lề luật về tuổi tác cũng nhưng những gò bó của tôn ti.

Triển khai nghiên cứu về gia đình của mình, Cardière đã viết một chương thật đặc sắc về hôn nhân, qua đó chỉ ra cốt lõi của tôn giáo thờ cùng Tổ tiên trong gia đình của người Việt.

Gia đình sinh ra từ hôn nhân. Sau khi đã nói rõ trong tất cả các bước nghi thức của hôn lễ, từng bước một đều được cả hai gia đình trân trọng trình báo (“cáo”) trước bàn thờ cùng Tổ tiên, nghĩa là Tổ tiên “có mặt” trong mọi diễn biến của sự kiện gia đình quan trọng này, ông mô tả một chi tiết đầy ý nghĩa: “Đến ngày đã định, người chủ trì hôn lễ bên phía người con trai nói lời nghi thức với anh ta, sau đó cho anh ta uống một chén rượu, và ra lệnh cho anh ta đi đón vị hôn thê của mình. Sau đây là mệnh lệnh ấy: “Hãy đi tìm người bạn đời của con, để đảm nhiệm lấy những sự vụ cao cả của ta. Hãy biết tôn trọng (vợ con); hãy luôn làm trọn những nghĩa vụ mà lề luật của tự nhiên đã quy định”. Người con trai trả lời: Vâng, con không sợ không làm được (không làm tròn những nghĩa vụ ấy); con không dàm làm trái lời người”.

“ Đảm nhiệm những sự vụ cao cả của ta” (“thừa ngã tôn sự”), Cardière nói rõ chữ ta ở đây không chỉ là số ít, nói về người cha, mà còn có nghĩa số nhiều, có nghĩa là chúng ta, tức là cha con chúng ta. Vậy “sự vụ cao cả” được trân trọng trao cho người con trai khi anh ra đi đón vị hôn thê của mình ấy là gì? Mục đích của cuộc hôn nhân nối kết hai con người này là gì? Cardière viết: “Sự vụ “cao cả”, “cao thượng”, “thanh cao”, “đáng tôn kính”, không còn nghi ngờ gì nữa, ý nghĩa của nó đã quá tự nhiên, đó là phải sinh ra những đứa con trai để nối tiếp mãi mãi việc thờ phụng trong gia đình.

Như không còn kìm mình được nữa, Cardière thốt lên: “Cao quý biết bao, kỳ vĩ biết bao, lời dặn dò của người cha đối với đứa con trai khi cậu ta đi đón vị hôn thê của mình! Mấy lời nói ấy thôi đã nâng hôn lễ của người An Nam lên cao khỏi thế giới của xác thịt, và đem lại cho nó một tính chất siêu nhiên, đặt nó vào trong thế giới của các thần linh, thế giới linh thiêng; không còn chỉ là sự hợp nhất phù du giữa một người đàn ông và một người đàn bà, mà là một trong những khâu vô số trong chuỗi tiếp nối vô tận tạo nên gia đình từ những bậc Tổ tiên xa xôi nhất cho đến những hậu duệ tận cùng nhất; không còn là một thú vui, mà là hoàn trách một nghĩa vụ bức thiết nhất, cao quý nhất của con người. Có thể những người An Nam ngày nay không còn đọc đúng những lời đã được nhà lập pháp thế kỷ XV quy định nữa, song tinh thần thì vẫn là tinh thần ấy, và người An Nam ngày nay, khi lấy vợ, trước hết là mong muốn duy trì việc thờ phụng Tổ tiên, “đảm nhiệm sự vụ cao cả”.

Theo Cardière, trong hôn nhân của người Việt, yếu tố quan trọng nhất là sự hòa hợp (accord), chứ không phải chỉ là sự đồng thuận (consentement) giữa hai con người. Đồng thuận là một hành vi đơn nhất, ông nói, trong khi hòa hợp hàm ý đã có sự xem xét chu đáo tất cả các yếu tố làm nên sự hòa hợp ấy. Đồng thuận là một hành vi nhanh chóng, còn hòa hợp là một trạng thái bền lâu … Chính sự hòa hợp giữa hai gia đình là quan trọng. Và điều đó đưa ta trở lại với nhận xét đã nói trên kia, rằng hôn nhân là nằm trong tôn giáo gia đình… Sự hòa hợp giữa đôi vợ chồng phải nằm trong bình diện tự nhiên, nhưng chủ yếu là trên bình diện siêu nhiên. Tính chất tôn giáo thấm đẫm trong hôn nhân, làm cho nó trở nên cao quý và thiêng liêng …

Quả thật, phải có một cái nhìn hết sức chăm chú, cực kỳ tinh vi, đặc biệt với một lòng tôn trọng chân thành và sâu sắc đối với đối tượng nghiên cứu của mình, để có thể thấu hiểu được đến như Cardière những chiều sâu tinh tế của tâm hồn người Việt qua thiết chế và đời sống gia đình, nhận ra trong yếu tố tôn giáo chi phối nó tất cả một kho tàng văn hóa có thể thăm thẳm ẩn chứa trong đó.

Thật đáng trân trọng, đáng khâm phục cái nhìn thấu đáo, uyên bác biết bao mà cũng chan chứa biết bao tình yêu của Cardière giành cho thiết chế cơ bản của xã hội Việt Nam là gia đình mà ông đã nhận ra thật chính xác và nói lên được thật thuyết phục tầm quan trọng của nó trong sự tồn tại và phát triển của xã hội và con người chúng ta.

Cũng trằn trọc trong nhà nghiên cứu bác học mà vô cùng nhân hậu ấy, nổi lo lắng về những thách thức không thể tránh mà thiết chế truyển thống tốt đẹp đó của xã hội Việt Nam tất phải đương đầu trong biến chuyển của thế giới hiện đại. Ông viết thống thiết:

Từ tất cả những điều đã nói trên đây, có thể thấy con người An Nam không phải – chưa phải! – là một kẻ mất gốc, một kẻ lang thang, một cá thể bị nhấn chìm trong cái đám đông vô định hình của xã hội, như nền công nghiệp đã tạo ra đầy rẫy ở châu Âu. Người An Nam, bất kể là ai, đều thuộc về một nhóm người, thuộc về họ, là gia đình theo nghĩa rộng, được tổ chức mạnh mẽ, kết chặt với nhau bằng các mối dây huyết thống, bằng những lợi ích vật chất, bằng những niềm tin tôn giáo, bằng những mối liên kết đạo lý của tình thần đoàn giới … Người ta lấy làm kiêu hãnh được thuộc về một gia đình nào đó; không được để mình bị hạ thấp xuống, không được tự mình hạ thấp danh dự của gia đình mình xuống… Không được tự mình phạm những hành vi có thể bôi nhọ danh dự của gia đình. Chính bằng cách đó mà gia đình An Nam là cột trụ của đạo đức …

Nếu đứa bé, người trẻ tuổi, quá thường vượt ra khỏi những quy tắc, ngày xưa vốn điều chỉnh các hành vi của mình, ấy là cậu ta, ngay từ những năm đầu đời, đã thoát ra khỏi ảnh hưởng của gia đình, khỏi cái cơ chế mạnh mẽ qua nó, như ta đã thấy, cậu ta nhận lấy được những nguyên tắc chỉ đạo cho cuộc sống và giữ cho cậu ta, dầu không có ý thức, đi theo con đường đúng đắn. Quả thật ngày xưa Tổ tiên luôn chăm nom cho cậu ta, trong khi những người sống điều khiển cậu ta trong thực tế. Ngày xưa, quả đúng là có những nhà trường, nhưng đấy là cái phù trợ cho gia đình, một bộ phận khắng khít của gia đình …”

Ôi, cứ như Cardière đang nói về những vấn đề của chính chúng ta ngày nay, đã trằn trọc lo âu, sớm một cách khác thường, cho chính chúng ta hôm nay. Nhưng cũng phải nói rằng, 80 năm trước, ông không thể lường hết những gì đã xảy ra suốt thời gian ấy và hôm nay cho xã hội và con người chúng ta. Ông chỉ mới nhìn thấy được sự uy hiếp đối với thiết chế gia đình mà ông coi là rường cột của đạo đức xã hội Việt Nam đến từ bên ngoài, từ xã hội công nghiệp phương Tây. Ông chưa thể biết những nhân tố hủy hoại có thể còn nguy hiểm hơn đến từ chính bên trong. Ông chưa thể biết rằng do những sai lầm của chính ta, hai tế bào cơ bản của xã hội, là Làng và Gia đình, đã bị tàn phá như thế nào.

Chúng ta đều biết chưa bao giờ ở ta, mối nguy về đạo đức xã hội và con người nặng nề như bây giờ.

Chính trong tình cảnh đó, đọc lại Cardière càng thấm thía biết bao. Chính trong tình cảnh đó, cần trở lại với những giá trị bền lâu đã được tạo nên lâu dài trong đời sống của dân tộc. Trở lại với tinh thần cốt lõi của những giá trị ấy.

Như Cardière đã nói: Có thể người cha Việt Nam hôm nay ra lệnh cho đứa con trai đi đón vị hôn thê của mình không còn nói những lời như xưa, nhưng cái tinh thần xưa ấy thì vẫn còn, vẫn phải còn, dầu chúng ta có hiện đại đến đâu, nếu chúng ta còn muốn có một xã hội yên bình và hạnh phúc.

Vậy nên, ngay hôm nay, rất cần lắng nghe Cardière.

Ông vẫn hết sức thời sự!


[1] Hồ Đắc Điềm: Quyển lực của người cha trong luật An Nam, tr. 30-31

[2] Trần Văn Chương: Luận về tinh thần của pháp luật Hán-Việt, tr. 178-179.

[3] Trấn Văn Chương: nt. Tr. 177-178

Related posts