Cách tiếp cận của Leopold Cadière với tín ngưỡng của người việt
CÁCH TIẾP CẬN CỦA L. CADIÈRE VỚI TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI VIỆT
Nhà Nghiên cứu Đỗ Trinh Huệ
TÂM THỨC TIẾP CẬN CỦA LÉOPOLD CADIÈRE VỚI VĂN HÓA,
TÍN NGƯỠNG & TÔN GIÁO NGƯỜI VIỆT
Viết, hay nói về L. Cadière, sẽ mang cái tâm trạng thể như chú lừa huyền thoại (thường được cho là của triết gia Buridan), không biết nên chọn lựa cái gì trước cái gì sau, để rồi chết đói và chết khát giữa xô nước đầy và bó cỏ tươi!
Quả vậy, một loạt nghiên cứu đa dạng và súc tích của L. Cadière làm chúng ta choáng ngợp không biết nên ưu tiên đề cập khía cạnh nào trước: Văn hoá, Tôn giáo, Tín ngưỡng, Gia đình, Ngôn ngữ, Ngữ âm, Địa lý nhân văn, Địa lý tự nhiên, Khảo cổ học, Dân tộc học, Nhân chủng học, Nghệ thuật (đặc biệt là Nghệ thuật ở Cố Đô Huế) và một số bài về Du lịch, Môi trường… Không kể đến những bút ký, tùy bút như trong “Ký ức của một ông già hóa Việt” –Souvenir d’un vieil annamitisant, từ tháng 12.1942 đến tháng 6.1950. Chúng tôi đã liệt kê có đến 9 chương mục đề tài[1] gồm trên 250 bài viết.
Cách đây đúng 55 năm, Louis Malleret, Giám Đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ, trong lời mở đầu khi xuất bản ấn phẩm Cadière vào năm 1955 đã từng lo lắng:
“Rồi người ta sẽ quên lãng, như đã từng lãng quên những gì biểu hiện qua lời ký thác của một tinh thần cao cả đầy ắp hy vọng và thân thiện dành cho dân tộc này; vào những thời khắc u tối, vẫn giữ được niềm tin vào tương lai, và không bao giờ tuyệt vọng trong những thử thách nặng nề nhất, vẫn luôn giữ mãi trung kiên tự tại, an bình”[2].
Cũng may, hậu thế vẫn còn người nhớ tới L. CADIÈRE mà Tuần lễ TƯỞNG NIỆM 55 năm Người mất (1955-2010) là một bằng chứng. Nhân dịp này, chúng tôi xin được phép dịch và xuất bản toàn bộ 3 tập “Tín ngưỡng và Thực hành Tôn giáo người Việt” trước đây đã được “Hội Nghiên Cứu Đông Dương” và “Trường Viễn Đông Bác Cổ” ấn hành, như ba nén hương mọn để tưởng nhớ và tri ân người quá cố.
I. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1.1. Nhà dân tộc học, xã hội học tôn giáo và ngôn ngữ này luôn luôn làm việc trên chứng từ hiện thực của cuộc sống (sur du vivant)[3], từ những gì mắt thấy tai nghe (de visu)[4], từ các sự kiện thấy được, quan sát được: hòn đá, cỏ cây, đình đền, miếu vũ, kể cả chứng kiến những tập tục ma thuật trong giới dân gian…
(Xem “Nhân sinh quan dân gian người Việt“. Bulletin de l’Ecole d’Extrême Orient, Hanoi Imprimerie d’Extrême Orient, 1914, tr.147-161; “Triết học dân gian người Việt: Vũ trụ quan“. Anthropos tập II, 1907, tr. 116-127, 956-969. Tập III, 1908, tr. 247 – 271. In lại trong Revue Indochinoise, Hanoi IEO, quyển XII, 1909, Đệ nhị lục cá nguyệt, tr. 835-847, 974 -989, 1189-1216).
L. Cadière nghiên cứu trực tiếp từ những thông tục và từ những con người tắm gội trong thông tục, văn hóa, chứ không dựa trên các cơ sở dữ liệu hoặc những nghiên cứu có sẵn, để rồi sắp xếp chọn lọc, rút tỉa ra cái chung nhất, so sánh, kiểm chứng với các sử liệu hoặc tư liệu giá trị làm cơ sở cho những kết luận có tính cách thuyết phục.
(Bộ luật Hồng Đức Thế kỷ XV; bản dịch Thọ Mai Gia Lễ của E.C Lesserteur; Khảo luận về tinh thần luật Hán-Việt, Trần Văn Chương; Phụ quyền trong Luật An Nam, Hồ Đắc Điềm; Tư Pháp ở Annam xưa, Raymond Deloustal; Annam Pháp Điển, Philastre; Các đại thác di sản trong luật Annam, Hương Hỏa, Trần Văn Liên…).
Nhưng ngay cả khi sử dụng tư liệu, kể cả những tư liệu đáng tin cậy, thì L. Cadière vẫn kiểm nghiệm so sánh lại với thực tế. Xin nêu một ví dụ cụ thể khi miêu tả về Tế Nam Giao, Léopold Cadière ghi: “Các Thị Lập của Tùng Đàn bưng lụa, kính cẩn để trong các Lư Liệu bằng đồng sau các án thờ”. Cha Cadière đã nhận ra trong Lễ Thư đã ghi sai “trước” thay vì “sau”[5].
Quan sát người thiếu phụ tang trắng đang thực hành những lễ nghi tế tự trong nghĩa địa gần Ngự Bình – Huế… Qua các thành viên trong các nghi lễ ở gia đình, tìm hiểu tận mắt những qui thức hôn nhân để từ đó xét đến cơ cấu tổ chức xã hội của người Việt bằng cách đối chiếu các Bộ Luật từ Thế kỷ XV.
(Xem “Gia đình và đạo giáo ở Việt Nam“. Bulletin des Amis du Vieux Hué, Hanoi, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1930, tr. 353-413).
Để tìm hiểu tín ngưỡng người Việt, tác giả đã ghi nhận những truyện kể, ở những làng Cù Lạc, làng Tróc, làng Thanh Hà… với các nhân chứng tại chỗ: ông Xòi, ông Dương, chú Nhượng hoặc ông Bé làng Bùng, chú Hạp người Nội Hà v.v…; quan sát từng gốc đa, gốc sanh, từng hòn mốc, hòn trấn có nêu rõ địa danh: từ nhiều thôn làng tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, đến An Cựu, Phù Lương, La Vân tỉnh Thừa Thiên, với 58 hình ảnh minh họa, chứng tỏ tác giả đã đến tận nơi quan sát và vẽ lại đúng hiện trường (phương tiện di chuyển chính thời ấy là đi bộ!).
Để hiểu rõ các phép ma thuật trừ tà, trừ ma, L. Cadière đã sống tại thực địa với những mùa dịch tả ở Quảng Trị; hoặc chăm chú theo dõi những thực hành dân gian với chú lính gác vái lạy trước tấm bia đá ở Đông Thành Thủy Quan, Huế, đồng thời kết hợp với tế lễ của hàng vương đế tại Nam Giao với từng nghi thức lớn nhỏ.
(Xem “Phép dưỡng nhi ma thuật ở Việt Nam”, Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, Quyển II trang 198-212; “Tín ngưỡng vùng Nguồn Sơn”, Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, Quyển II trang 213-263; “Về một vài sự kiện tôn giáo nhân một mùa dịch tả ở Việt Nam“. Anthropos (St Gabriel Mödling, près Vienne, Autriche) V, 1910, tr. 519-529. In riêng cùng số trang. In lại trong Revue Indochinoise; “Tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt vùng quanh Huế: Việc thờ cây“. Bulletin de l’Ecole d’Extrême Orient, Hanoi Imprimerie d’Extrême Orient, 1918, số 7, tr. 1-60; “Tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt vùng quanh Huế: II Việc thờ Đá. III. Việc thờ Thần Mốc. IV. Đá, ụ đất, linh chướng ngại vật khác. V. Đá trừ tà và bùa chú“. Bulletin de l’Ecole d’Extrême Orient, Hanoi Imprimerie d’Extrême Orient, 1919, số 2, tr. 1-115; Tế Nam Giao, Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens, Q. I, tr. 85-128).
“Đó là bức tranh sống thực thấy được không phải do những du khách tham quan một số đền đài hay nhà bác học nào đó tìm tòi tham khảo các văn bản liên quan, mà là của những người thường xuyên chứng kiến những thể hiện tín ngưỡng thường nhật của đời sống tôn giáo của người Việt…”(1) .
Mồ mả Vua Chúa được nghiên cứu đã đành, bên cạnh đó phần mộ dân gian cũng được quan tâm từ phần đất cho đến mộ bi, cách bài trí để từ đó rút ra những gì là qui ước, thông tục có tính cách nhất quán.
(Xem “Mồ mả của người Việt vùng quanh Huế“. Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH), Hanoi, Imprimerie d’Extrême-Orient (IEO) XV, 1928, tr. 1-99. Ấn bản riêng 99 trang, 132 phụ bản. “Lăng Gia Long“, Croyances pratiques religieuses des Vietnamiens, Quyển I, trang 153 -177).
Chỉ xin nêu một vài ví dụ để minh chứng cho tính đa dạng trong phương pháp thu thập dữ liệu và phán đoán chúng để đi đến những kết luận cuối cùng. Trong quá trình đọc một số tư liệu được dịch để minh họa, chúng ta nhận thấy sự đồng bộ trong suy diễn, thậm chí nhiều khi được lập đi lập lại nhiều lần rất có tính cách thuyết phục.
1.2. Trong việc nghiên cứu văn hóa, tập quán, thông tục của một dân tộc, thì một trong những đòi hỏi đứng hàng đầu đó là phải am tường ngôn ngữ liên quan. Dĩ nhiên, ngôn ngữ cũng như những cổ tích khai quật cũng chỉ là những phương tiện nhưng là những phương tiện tất yếu, sine qua non. Các vị thừa sai thường được dặn dò kỹ lưỡng “cần phải biết tiếng bản xứ và phải biết tới nơi tới chốn” [6]. Và sau này L. Cadière còn nhắc lại: “Học tiếng Việt không phải chỉ để nói giỏi như họ nhưng mà còn phải tâm tư suy nghĩ như họ” [7].
Không chỉ là ngôn ngữ bác học, mà ngôn ngữ bình dân thường gói trọn sắc thái văn hóa một cách đầy đủ, nhất là trong ngạn ngữ dân gian. Về mặt này, L. Cadière tỏ ra đặc biệt xuất sắc. Với 27 năm sống ở Di Loan, Quảng Bình, L. Cadière đã thu thập được một lượng ngôn ngữ bình dân đáng kể, gói ghém toàn bộ những nghĩ suy, đượm văn hóa và tín ngưỡng[8]. Cha Cadière kể lại đã có lần sau khi giảng cho giáo dân, mới phát hiện rằng ngôn ngữ mà mình đang sử dụng, học qua sách vở, là một thứ ngôn ngữ bác học, ít nhiều “giả tạo”, đã đem lại rất ít hiệu năng. Từ đó Cha thẩm nhập sâu xa vào quần chúng, học ngôn ngữ của họ và tập “ăn nói” như họ. Thật ngạc nhiên, ngay cả rất nhiều người Việt chúng ta vẫn chưa biết được con số “vô hạn định” của người Việt là con số ba và con số bảy (có thể trùng hợp với tư duy của một số dân tộc khác), nhưng qua ngôn ngữ dân gian, L. Cadière đã đưa ra được nhận xét ấy và dẫn chứng với những ngạn ngữ dân gian, chứng tỏ người đã nghiên cứu tiếng Việt kỹ đến mức độ nào:
làm xấp ba xấp bảy;
ăn xấp ba xấp bảy;
ba chìm bảy nổi;
ba chìm bảy nổi, chín nhấp nhu;
ba lừa bảy lọc; ba lo bảy liệu;
ba vuông bảy tròn[9].
Ngay cả ý niệm về “trời tròn đất vuông” theo kiểu vũ trụ luận của người Trung Hoa đã thẩm nhập sâu xa vào tâm trí người Việt, nhưng L. Cadière đã phát hiện được trong dân gian, trong cách ăn nói của lớp quần chúng tầm thường, dù rằng không minh thị, là đất không “vuông” nên mới gọi là “trái đất, quả đất”[10]; theo thiển ý chúng tôi, ngoài ý niệm “tròn” còn cho thấy trạng thái treo lơ lững của trái đất, một hình ảnh rất ngoạn mục.
Không chỉ uyên sâu tiếng Việt, L. Cadière còn giỏi cả chữ Hán, nhờ đó thông hiểu được một cách sâu xa những tàng ẩn ý vị của ngôn ngữ. Lúc nào cũng có các chú thích Hán tự để làm rõ thêm vấn đề và mang tính thuyết phục cao.
1.3 Sau cùng phải nghiên cứu các vấn đề liên quan không phải với tâm thức xa lạ bàng quan mà với một tình cảm thông hiểu (sympathie compréhensive), một tư thế nhập cuộc hoặc đúng ra là với tư cách của một người trong cuộc… mới có thể quan sát được những ứng xử sâu thẳm nhất của tâm hồn dân tộc mà mình đang nghiên cứu và tìm thấy được qua kho tàng tích lũy văn hóa dân gian hay bác học những tiềm ẩn bản vị (archétype) hình thành trong huyết quản và đang tác động thể hiện dưới nhiều dạng thức khác biệt, có khi minh thị có khi bàng bạc mông lung. Bernard-Maitre, S.J, đã ghi nhận một cách cảm phục các quan điểm rất nhân bản về thái độ ứng xử của Cha Cadière:
-10 đối với chính quyền;
-20 đối với các nền văn hóa dân tộc;
-30 và đối với các tôn giáo truyền thống tại bản xứ[11].
Ta không bình luận về điểm thứ nhứt vì đó là thái độ ứng xử, khôn ngoan mang tính chính trị cần phải có đối với bất cứ các thành viên ngoại quốc nào tại bản xứ. Nhưng để đạt được điểm thứ hai và thứ ba một cách hiệu quả thì cần phải có cái TÂM rất chan hòa, một sự KÍNH TRỌNG thật sự những giá trị nhân bản hoàn toàn xa lạ với những tiềm ẩn bản vị trong ta, không có hoặc không tạo ra những kích điểm đụng chạm (impact) mà chỉ là những gặp gỡ chan hòa. Thật ra đây là những thử thách lớn nhất đối với các nhà truyền giáo, chung qui cũng do tính qui chiếu tập trung ở cả hai phía mà những ngộ nhận thường bắt đầu xuất hiện làm tha hóa nền móng nhân bản vốn hội tụ hơn là tách biệt. Một số những tác động khách quan do bên nầy bên kia đã đi vào lịch sử. Nhưng có lẽ L. Cadière đã tránh xa được những đáng tiếc xảy ra. Những tâm tư phương cách ấy, (chúng tôi muốn tránh từ phương pháp) không như là một tính toán, xem ra thì rất đơn giản nhưng cũng rất hiếm người đạt được:
“Tôi hiểu người Việt bởi vì tôi nghiên cứu kỹ về họ… Nghiên cứu và hiểu họ nên tôi yêu mến họ… Tôi yêu mến họ vì họ thông minh… Tôi yêu mến họ vì những đức hạnh tinh thần… Tôi yêu mến họ vì tính tình của họ… Cuối cùng tôi yêu mến họ vì họ khổ“[12].
II. TÂM THỨC TIẾP CẬN
2.1. Văn hóa là một khái niệm rất mông lung khó lòng mà có thể đưa ra một khái niệm rõ ràng như là một định nghĩa toàn bích và trọn vẹn. Cũng không thể dùng lối chiết tự như có người đã từng làm, dù dựa trên cơ sở ngôn ngữ nào, dù dựa trên khái niệm Phương Đông hay Phương Tây, La Mã hay Hy Lạp, Trung Hoa hay Ấn Độ… Có điều là ai cũng cảm nhận được văn hóa của dân tộc mình, của cộng đồng mình đang chung sống và… của mình. Văn hóa tự bản thân là một sự hình thành và mãi mãi đang hình thành với các cơ chế, môi trường xã hội. Ta ngụp lặn trong đó để mỗi cá nhân với tổng thể phức tạp các yếu tố hình thành, biến mỗi người trở thành một đơn vị riêng, trở thành chính mình mà không tách ra khỏi cái tổ hợp mình đang sống, đang sinh hoạt, đang tư duy… Nói cách khác nó là một toàn bộ, là gia sản xã hội, là thực thể lịch sử, là những giá trị tích lũy, nói theo kiểu Edouard HERRICOT là “cái còn lại khi ta đã quên đi tất cả”, vừa thông hiệp với cộng đồng, vừa đặc thù riêng lẽ. Văn hóa là một tích lũy mà lại không có lượng khối, cũng không có văn hóa này cao hơn văn hóa khác, không thể so sánh vì không thể hoặc không nên lập ra một thang điểm để đánh giá, chỉ cảm nhận được cái đa dạng, luôn chuyển mình biến động mà trước sau vẫn có nét nhất quán trong một dây chuyền không có tính cách đột biến, chỉ chuyển đổi sắc thái mà thôi. Không nên hiểu văn hóa như trong cụm từ sống có văn hóa, hoặc đó là một con người có văn hóa; phàm là người thì đã sinh ra, lớn lên, sống và ứng xử trong văn hóa của mình. Văn hóa ở số nhiều (cultures), bởi lẽ ở mỗi cụm dân cư lớn nhỏ đều có một văn hóa riêng, mỗi thôn bản, mỗi làng xã có một lối sống, một nếp tư duy riêng; ở số ít (culture) nó chỉ là một ý niệm trừu tượng, chỉ dừng lại ở ngôn từ mà thôi. Ở số nhiều, nó là những thực thể. Người ta đã thống kê được khoảng hơn 300 định nghĩa về văn hóa và đã phân tích được hơn một nửa các khái niệm trên[13]. Nói cách khác cứ có bao nhiêu người nghiên cứu, bao nhiêu nhà nhân chủng học thì có bấy nhiêu cách định nghĩa văn hóa tùy theo dạng thức nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu…
Kết quả nghiên cứu của L. Cadière đã chứng tỏ sự thẩm nhập triệt để ấy. Công trình khoa học của người về dân tộc học, xã hội học tôn giáo… không chỉ ở chỗ thu thập dữ kiện ghi nhận để cống hiến cho các nhà nghiên cứu mà còn là một điển hình cho tính khách quan trong việc nghiên cứu một văn hóa khác của một dân tộc, một nhóm cộng đồng, ở trong một thế giới hoàn toàn khác, tâm tư, tình cảm thảy thảy đều đặc thù dị biệt…
Ngần ấy kết quả là do cách quan niệm đúng đắn về tiếp cận văn hóa, mở đường cho tính bao dung tiếp cận khi nghiên cứu về tín ngưỡng và tôn giáo của các cộng đồng văn hóa liên quan.
2.2. Với tâm tình và thái độ đúng đắn ấy, L. Cadière đã đi sâu được vào trong Tín ngưỡng và Tôn giáo của người Việt.
Ta gặp ở đây một phạm trù không đơn giản, cần minh định trước khi đi sâu vào vấn đề: không thể đồng hóa từ ĐẠO với những hàm ý của nó với từ TÔN GIÁO được. Cũng có thể do những đơn giản hóa có tính cách duy lý mà một số nhà truyền giáo người Âu thoạt đầu đã gặp phải như là một số vấn nạn. Phạm trù đạo phạm vi bao hàm rất lớn: đạo làm người, đạo làm con, đạo làm cha làm mẹ, đạo làm vợ làm chồng, đạo vua tôi, đạo hiếu, đạo trung v.v… Nói được là nó biến hóa thành vô cùng với từng hành vi xử thế rất năng động; và vì thế “Đạo” thể hiện rất là phức tạp, chằng chịt các mối tương quan, khó lòng mà phân loại rạch ròi các phạm trù, hình thái kết hợp…
Những nhận xét về “tôn giáo ở Việt Nam” của L. Cadière rất đáng được trân trọng:
“Tôn giáo người Việt, ở đây nên dùng số ít, cho ta cái cảm nhận y như khi ta lạc vào núi rừng Trường Sơn: đây đó những thân cây khổng lồ, đâm rễ đi tới đâu nào ai biết được, chúng đỡ nâng cả một vòm lá phủ tràn bóng mát; những cành cây sà xuống mặt đất, lại đâm rễ chằng chịt; dây leo tứ bề bò cây này sang cây khác, chẳng biết gốc rễ từ đâu, và cứ thế mãi như vô tận, chẳng bao giờ dứt; loài ngấy loài dum chen chúc đủ loại gai góc, chẳng biết đâu là đường đi lối vào; những chồi non mềm mại hiếm thấy, những bông hoa đại đóa rộng cánh kỳ lạ, có thứ phủ đầy mặt đất, có thứ điểm rộ tận chóp cây cao như cả một tàn lửa hoặc nhóm mình chen nở giữa hai nạng cây; những thân vỏ nhám xịt, bầy nhầy gây rùng mình; những cành khô; một lớp thảm dày phấn thổ, thối mục; nơi nơi là tinh lực, nơi nơi là nhựa sống phủ trùm, choáng ngợp.
Cũng vậy, nơi người Việt, ở các giai tầng xã hội, tâm thức tôn giáo thể hiện một cách mãnh liệt và chế ngự toàn thể cuộc sống con người: tâm thức ấy trong mỗi hành vi thường nhật, trọng đại hay bé nhỏ, kết thành một mạng lưới chằng chịt qua các biểu hiện thực hành, khi thì hoành tráng lễ nghi ở đền đài miếu vũ công khai, khi thì âm thầm nhẹ nhàng giây lát bên gốc cây, hòn đá. Lúc thì khấn vái kêu cầu với nhạc trổi, cất cao lời múa hát, chiêng trống linh đình, lúc thì chỉ lâm râm vái cúi khi bước qua am, qua miếu nhỏ linh thiêng và tự đáy lòng phát lời nguyện ước thẳm sâu nhất. Khi thì nghiêm trang bái lạy, cúi đầu cung kính với áo thụng lụa bóng, khăn mão uy nghi; khi lại tìm đến vị thầy bói mù lòa, tìm đến cô đồng, cô bóng ngất ngây mắt ngời bí nhiệm, hoặc tìm đến thầy bùa thầy pháp, bói quẻ chân gà, hoặc xin xăm xin thẻ ở bác giữ chùa. Họ dâng hương hoa thơm ngát lên chư Phật rực rỡ tòa cao, tọa thiền nhập định Đại Từ Bi, Tam Tịnh, Tam Bảo, nhưng họ cũng bái lạy trước những hình tượng mặt mày nhăn nhó, thờ hổ, thờ rắn, hoặc may miệng xác chết gây điều hiểm họa, nhét miệng đinh, kim, bọc lưới. Ma thuật với những thực hành kỳ quái, man dã ấy lại hòa trộn vào những hành vi tôn giáo cao cả nhất. Đạo Phật gần gũi với Đạo Lão trên một nền tảng tín ngưỡng Hồn Linh (Animisme). Và cái đa dạng khách quan ấy phức tạp thêm vì cả một chuỗi thực hành tùy nơi tùy chỗ mà khó lòng nghiên cứu được một cách trọn vẹn, thể như cả một cánh rừng lớn ẩn chứa nhiều loài cây cỏ không ai biết trước được”[14].
Và cứ như thế… một sự trộn lẫn hài hòa đa dạng như rừng núi Trường Sơn, rễ gốc chen chúc, hòa nhịp sinh hoa kết trái, nương tựa vào nhau mà tồn tại, biến dạng và thăng hoa, làm thành một tổng thể hữu cơ, từ đó thoát thai những thái độ hành xử tương ứng: đạo!
Ta cảm thông sâu xa cái hiện tượng tam giáo đồng nguyên ở Việt Nam mà với con mắt Phương Tây khó có lòng hiểu thấu.
Ở đây ta nhìn vấn đề như là một thực thể, không dám có ý định – và cũng không nên – bàn luận tốt xấu về thực thể ấy.
Vượt lên trên các ý niệm mông lung ấy, thì ý niệm về Trời được biểu lộ rất rõ rệt:
“Ý niệm về Trời của người Việt giống nhau lạ lùng với ý niệm về hữu thể siêu việt ở các bộ tộc sơ khai. Trời không phải là một vị thần, ít nhất là trong thông tục dân gian, đó là “Ông Trời” và hình như thuộc về thế giới siêu việt. Hoàng đế tế Trời một cách trọng thể, còn dân gian thì chỉ nghĩ tới tôn vinh Trời vào những trường hợp hoàn toàn đặc biệt. Ngược lại, họ cầu đến Trời hàng ngày trong ngôn ngữ thường nhật. Họ nhận ra Trời như là nguyên lý, che chở nhân sinh, như là nguyên nhân tự tại của mọi điều dương thế, tử, sinh, phúc, họa, sang, hèn. Họ kêu Trời chứng giám, vì Trời đâu có xa xôi gì, Trời thấy hết, chứng kiến hết mọi chuyện kể cả những gì thầm kín nhất, kể cả tâm tư chưa biểu lộ. Họ kêu Trời vì Trời nhân hậu xót thương. Họ cầu Trời vì Trời vạn năng… Họ nại đến Trời vì Trời thấu biết, cân nhắc, phán xét; Trời công minh, phạt điều ác, thưởng điều lành. Ngày ngày cả ngàn lần từ dương gian khốn khổ tiếng thương đau kêu van đến Trời nhân ái, công minh. Hẳn rằng sự tin tưởng này do ảnh hưởng của người Trung Hoa; nhưng không nên chỉ thấy ở đó những tư tưởng thuần lý của ý niệm Thiên mà thôi. Ý niệm Trời ăn rễ sâu trong tâm tư người Việt; nó biểu lộ quá thường nhật trong ngôn ngữ và một cách quá minh nhiên đến nỗi ta không thể không thấy được nơi ý niệm Trời của người Việt là một trong những nguyên lý cơ bản và cao cả nhất của đời sống tín ngưỡng của họ”[15] .
Khái niệm về Trời theo quan điểm trên còn được minh thị quãng diễn rõ ràng trong nhiều thiên khảo luận khác:
“Việc cầu khấn Trời là một hình thức cầu xin với quyền lực siêu nhiên, đợi sự cứu giúp trong hoàn cảnh tuyệt vọng – Sự kêu xin do lòng tin và lòng trông cậy – Kêu xin kèm theo thờ kính ngợi ca, khiêm nhu, và nhận biết sự hư không của mình. Tôi xem đó là một hành vi tôn giáo cao. Người ta không thể không thán phục tình cảm tôn giáo sâu xa và chân thật này lắng đọng trong tâm hồn người Việt…
Khi người ta cầu khấn Trời, đơn giản họ chỉ cầu xin. Nhưng khi họ cầu khấn quỉ thần hoặc vong linh người chết, việc cầu xin lại đi đôi với lễ vật, dâng cúng như để tạ ơn hoặc làm nguôi lòng họ… Nhưng đối với Trời người ta chỉ đơn giản cầu xin. Ngần ấy đủ để đánh động Trời. Chẳng cần dâng cúng gì… Người Việt đặt Trời vào một cấp vị cao hơn nhiều so với các Thần Linh và Vong Linh, một hữu thể hoàn toàn siêu việt… Trong một vài trường hợp, như tôi đã kể lại trước đây, người Việt quả thật cũng dâng cúng lễ vật cho Trời…
Để minh chứng cho luận thuyết của tôi về tính cách siêu việt của Trời, chỉ cần lưu ý một số trường hợp, gặp lúc bức bách đưa đến một sự bột phát tình cảm tôn giáo mãnh liệt và thâm sâu, người ta đã cầu cứu đến Trời mà không cần lễ vật, chỉ có việc thưa điều mình xin với tâm khảm thầm kín cần thiết được biểu hiện bên ngoài với những dấu chỉ thật tự nhiên. Đối với tôi, chỉ ngần ấy đủ để chứng minh rằng Trời trong ý niệm người Việt có một bản chất cao cả, vượt ra ngoài bản chất nhân thế hơn là các thần linh và vong linh người chết”[16] .
2.3 Sau khi đã nghiên cứu sâu xa về văn hoá, tôn giáo và tín ngưỡng qua các thực hành tôn giáo, qua ngôn ngữ dân gian, L. CADIÈRE đã có một tâm thức rất đặc biệt về dân tộc mà ông dày công nghiên cứu:
-“Phải thừa nhận rằng người Việt nói cho đúng sống trong thế giới siêu nhiên. Đại thể thì người Âu Châu khó mà hiểu được trạng thái tâm hồn này,vì nơi họ, khi tôn giáo chỉ còn là một số thực hành hay thậm chí một vài tin tưởng, thì thường đóng khung trong một vài giới hạn thời gian hoặc không gian và được họ dành cho một vài phút trong ngày của cuộc sống, một phần nhỏ trong hoạt động của họ. Người Âu Châu dẫu sùng đạo, thường vẫn không sống hết toàn bộ thời gian với Thượng Đế của mình. Người Việt, ngược lại, cho dù giai cấp nào, đều cảm thấy mình trực tiếp thường xuyên với các thần thánh trong thiên nhiên“[17].
– Về các tập tục ma thuật, kể cả một số thực hành tôn giáo nhiều khi cũng mang phong cách ấu trĩ, chân chất, nhưng những tin tưởng ấy luôn tồn tại trong dân chúng và qua một số phương thế tuy ngây ngô nhưng có khi hiệu quả[18].
Nay đọc lại những đoạn mô tả về các cách thờ bái ma thuật, hoặc những cách chữa trị kỳ bí, một số tập tục dã man (…), giới trẻ Việt Nam ngày nay không thể tin rằng đã có một thời được hành xử như thế. Nhưng trước con mắt của Cadière, ngay vào thời buổi ấy, những tập tục ma thuật kỳ bí ấy cũng đã được nhìn với con mắt rất từ tâm. Cũng bởi vì “họ khổ”. Xin được phép trích một dẫn luận ngắn ngủi giải thích vì sao đâu đâu cũng có miếu thờ thần thánh:
“Phải có lần bị đánh thức giữa đêm đen do tiếng báo động quát thé, phải có lần được nghe tiếng kêu la hãi hùng của dân làng vội vã tán loạn, tìm con, tìm người già lão; phải có lần thấy ánh lửa đỏ ngầu vút lên trong đám khói đen cuồng nộ cùng tiếng mắt tre kèo, cột, mái nhà nổ vang như tiếng đại bác để rồi hôm sau thấy tận mắt cảnh tang thương của những vết tích còn lại, nhất là phải tự thân gánh chịu cái tai ương khủng khiếp ấy thì mới hiểu được người Việt sợ hoả hoạn là như thế nào, thì mới biết tại sao họ đã nghĩ những tai ương kia là do thần thánh, thì mới hiểu được cách họ xử thế đối với mọi tai ương xảy đến, kể cả những trường hợp nhỏ nhặt nhất”[19].
Hoặc:
“Ai đã không từng chứng kiến ít nhất là một lần trong đời những trận ngập lụt đột ngột, nhiều khi hàng giờ, nước phủ trùm hết cả vùng, kéo theo đàn gia súc, mang trôi đi nhà cửa, phủ lấp ruộng đồng, làm thối vữa ngay trước mắt mình khoai lúa, mùa màng cóp nhặt được, để rồi sau đó hàng tháng dài đói khát, khốn cùng, dịch bệnh giết chết hàng loạt dân làng?”[20].
Thế mới biết tại sao người Việt phải tin Hà Bá, phải cúng thần mốc, phải thờ những viên đá trấn.
-Về cách đối xử “tàn nhẫn” với những thi thể chết non, chết yểu, chết trùng…, theo Cadière, khổ thay cũng do “từ tâm” mà ra cả: muốn bảo vệ những trẻ được sinh ra sau này, vì thế mà phải làm hết mọi cách. Bao dung theo kiểu Chu Mạnh Trinh khi luận về Kiều “chiếc lá rụng chọn gì đất sạch” mới thấu hiểu được hết các cách hành xử “cùng đường” mà ngày nay chúng ta khó lòng chấp nhận, để làm sao thoát ra được những khổ ải liên miên mà họ ngày ngày phải gánh chịu.
“Thôi thì bỏ đi những cảnh man rợ và để phần nào xin lỗi các bé, xin ghi nhận rằng chẳng qua cũng do thương mến mà ra cả. Tình cảm tự nó là cao quí và đáng trân trọng, dầu rằng cách thể hiện thì nhiều khi thật đáng lên án”[21].
Trong quá trình đọc kỹ và dịch toàn tập của L. Cadière, với gần non ngàn trang giấy, lạ một điều, chúng tôi hầu như không gặp những lời chê trách “dị đoan” nào cả (chắc chắn trong mắt của một linh mục, nhất lại là người Âu thì những việc thờ bái, tin tưởng ma thuật ấy là dị đoan). Không dùng từ “dị đoan” để chê trách, không có nghĩa là không đả phá những tập tục mê tín ma thuật kỳ bí. Nhưng cứ trình bày vụ việc một cách khách quan, để người đọc tự ngẫm suy và rút ra được cho riêng mình những kết luận, phương pháp ấy còn hữu hiện hơn ngàn lần những áp đặt suy đoán chủ quan.
Ngoài những biện minh lý giải trên, xin được phép kết luận còn do một tấm lòng:
“Cuối cùng thì tôi thuơng mến họ vì họ khổ… Những khốn cùng đôi khi phải cam chịu đã đành, nhưng thường là do định mệnh khắt khe vô tình”[22].
Cái thở than “thường là do định mệnh khắt khe vô tình” ấy nó nhân bản làm sao! Nhất là khi được thốt ra từ miệng một linh mục người nước ngoài, vốn được đào tạo kinh điển, mọi đổi thay thay đổi đều trong tay Đấng Toàn Năng, và ở trong một môi trường Đông Tây nhiều điểm dị biệt.
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng vì chút tấm lòng ấy mà nhiều khi độc giả dường như cảm thấy có chút thiên vị, nặng nghĩa nặng tình. Tác giả đã từng thú nhận:
“Một số độc giả sẽ xem trọng giữ lấy phần một (liệt kê sự kiện) vì xem ra có gì khả dĩ chính xác và loại bỏ phần hai (giải thích sự kiện) vì xem như đó là sản phẩm diễn giải tư biện của riêng tôi. Tuy vậy tôi cũng xin nhắc lại rằng, tôi hầu như luôn ở trong những hạn chế của những giải thích mà người bản xứ cung cấp cho tôi, suốt trong quá trình nghiên cứu nhiều năm và tôi nghĩ chắc chỉ họa hiếm lắm tôi mới vượt ra khỏi tâm tình người Việt, bởi lẽ những thực hành lâu đời ấy đã trở thành thân thương quen thuộc đối với tôi.”[23]
Một điều cần đáng quan tâm là khi Léopold viết một số bài quan trọng về Văn Hoá, Tín Ngưỡng Việt Nam, độc giả được dành riêng cho các thiên khảo cứu này là người Âu. “Gia đình và Tôn Giáo người Việt” được thuyết trình trong “Tuần lễ Dân tộc học Tôn giáo” ở Luxembourg. Bài này đã làm tên tuổi Léopold Cadière càng được khẳng định. L. Cadière đã mạnh dạn bênh vực thể chế gia đình Việt Nam:
“Ngày nay văn minh Tây Phương chen vào làm đảo lộn phân tán các gia đình (…). Chớ nên gia tăng khuynh hướng này: gia đình vốn đã bị đe dọa quá sức rồi, chắc chắn sẽ bị phương hại…”[24].
Hoặc:
“…người Việt không phải – chưa phải – là một kẻ mất gốc lang thang phiêu bạt, một cá nhân ngập chìm trong đám đông không định hình của xã hội, như nền xã hội công nghiệp đã sản sinh ra không biết bao nhiêu tại Châu Âu. Người Việt, cho dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng thuộc về một họ, tức gia đình theo nghĩa rộng, tổ chức vững chắc, liên kết chặt chẽ bằng huyết thống, bằng những quyền lợi vật chất, bằng những niềm tin tôn giáo, bằng các mối dây luân lý của cộng đồng”[25].
Ngoài ra, Cha Cadière còn muốn công khai trả lời cho những người chủ đồn điền Pháp, nhất là những người Âu đang sử dụng nguồn lao động Việt thường phàn nàn người Việt lười biếng:
“Những ai cho là người Việt biếng nhác, họ chỉ xét đoán trên một phần sự kiện, hoặc những sự kiện ngoại lệ. Trên thực tế thì người Việt rất cần mẫn, chăm chỉ, năng động, chịu thương chịu khó, quả cảm, xoay xở giỏi khi họ làm việc một cách bình thường, nghĩa là khi họ làm việc cho mình, khi cuộc cuộc sống của họ, gia đình họ nhờ vào công việc ấy mà khá giả, sung túc tốt đẹp lên. Phải sống với họ, giữa họ để thấy phần đông người Việt lao nhọc như thế nào, mới biết được điều tôi kết luận ở trên là đúng. Rất nhiều tục ngữ ca dao nói lên điều ấy.”[26]
Khen nhiều. Nhưng cuối cùng thì cũng rất tâm tình thẳng thắn như muốn nhắn nhủ với người Việt nguyên cơ của sự nghèo khổ, làm rất nhiều mà vẫn khó giàu lên được:
“Có nhiều lý do:
-xứ sở nghèo;
-không nhìn xa tiên liệu;
-ham mê cờ bạc;
-đầu óc bè phái phát sinh ganh tị lẫn nhau, sinh ra kiện tụng, không phải để có được phần vật chất tranh chấp mà chỉ vì lòng tự kiêu, không để đối phương đánh bại;
-thói quen không biết hợp lực giúp đỡ lẫn nhau, chung sức làm việc.”[27]
Chúng tôi xin miễn bàn luận về những nhận xét trên, nhưng dầu sao, những lời phê bình chân thật ấy vẫn cần được quan tâm lắng nghe, để ngày càng được hoàn thiện, nhất là khi người nhận xét hoàn toàn không ác ý, mà vì thương mến mà ra.
Chúng tôi xin được phép không trích dẫn thêm, bởi lẽ càng trích dẫn càng thấy thiếu sót, càng thấy phân vân trong chọn lọc. Cả cuộc đời dài 86 năm nhưng đã để ra hết 63 năm phục vụ ở Việt Nam:“Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này rồi. Cho tôi được ở lại và chết ở nơi đây”[28].
Mong rằng những lời giải bày trên đây góp phần minh thị ít nhiều tâm tình, cách nhìn và thông hiểu của tác giả đối với văn hoá người Việt.
[1] Văn Hóa, Tôn Giáo, Tín Ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan học giả Cadière, Đỗ Trinh Huệ, NXB Thuận Hoá 2006, tr. 25-65.
[2] Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens, 1955, Q. II, tr. 8
[3]Tôn giáo người Việt, Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens Q. I, tr 1-2.
[4] Tín ngưỡng và thực hành tôn giáo các vùng quanh Huế; tục thờ đá, thờ cây… Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens Q. 2, từ trang 9-211
[5] Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens, Q. I, Le sacrifice du Nam Giao, tr. 126; hoặc trong Văn Hóa, Tôn Giáo, Tín Ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan học giả Cadière, Đỗ Trinh Huệ, NXB Thuận Hoá 2006, tr. 368.
(1) Tôn giáo người Việt, Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens, Q.I, tr. 1-2
[6] Cardinal Mercier, Etudes missionnaires, Louvain.
[7] Souvenirs d’un vieil annamitisant, Indochine, 1942
[8] “Tín ngưỡng và ngạn ngữ dân gian vùng thung lũng Nguồn Sơn”, sđd; “Thổ ngữ Nam, Trung Bộ, khảo lược ngữ âm”, Bulletin de l’Ecole Franìaise d’Extrême-Orient, 1911, các số 1-2, tr. 67-110; “Về một vài qui thức tư duy của người Việt qua ngôn ngữ”. Extrême-Asie,Saigon, H. Ardin, 1925, tr. 251-258. “Cú pháp tiếng Việt”. Lời giới thiệu của Louis Malleret. Lời tựa của linh mục André Eb. Xuất bản Trường Viễn Đông Bác Cổ, Tập XLII.
[9] Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens, Q. III, tr. 192
[10] Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, Q. III, tr. 51
[11] Bernard MAITRE, S.J Bulletin des Missions Etrangères de Paris, tr. 41
[12] Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, Q. I, Préface VII, VII, IX
[13] Culture: A critical review of Concepts and Definitions, Cambridge, Havard University Press, 1952
[14] Tôn giáo người Việt, Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens, Q. I, tr. 1-2
[15] Tôn giáo người Việt, Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens, q.I, tr. 1-2
[16] “Về một vài sự kiện tôn giáo hoặc ma thuật ghi nhận được nhân một mùa dịch tả ở Việt Nam”, Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, Q. I, tr. 195-243.
[17] Gia đình và Tín ngưỡng người Việt, sđd, tr. 75.
[18] Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens, Q. II, Bình luận các sự kiện, tr. 38.
[19] Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens, Q. II, tr. 53
[20] Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens, Q. II, tr. 147
[21] Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens, Q. II, tr. 209
[22] Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens, Q. I, Préface à la première édition, IX.
[23] Le culte des artbres, Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens, Q. II, tr. 70
[24] Cadière, Gia đình và đạo giáo ở Việt Nam. Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens, 1958, Q. I, tr.58
[25] Cadière, sđd, trang 80.
[26] CADIERE, Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens, Q III, tr. 116
[27] CADIERE, Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens, Q III, tr. 129
[28] Nguyễn Tiến Lãng, Hommage vietnamien au R.P. Léopold Cadière. Bulletin des Missions Etrangères de Paris tr. 29.