Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Antonio Maria Vegliò về Ngày quốc tế người di cư và tị nạn lần thứ 98
Chúa Nhật 15-1-2012 là Ngày quốc tế người di cư và tị nạn lần thứ 98. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhắc tới ngày này và nêu bật phẩm giá của người di cư. Ngài nói: ”Có hàng triệu anh chị em bị liên lụy trong hiện tượng di cư, nhưng họ không phải là các con số! Họ là các người nam nữ, trẻ em, giới trẻ và người già đang tìm kiếm một nơi để sống trong an bình. Trong sứ điệp cho ngày này, tôi đã lôi kéo sự chú ý trên đề tài ”Di cư và truyền giáo mới”, bằng cách nhấn mạnh rằng các người di cư không chỉ là những người nhận, mà cũng là những tác nhân của việc loan báo Tin Mừng nữa”.
Italia là một trong các nước Âu châu đón tiếp nhiều người di cư tị nạn. Ngày 14-1-2012, Đức Cha Francesco Beschi Giám Mục Bergamo, bắc Italia, đã ủng hộ sáng kiến của tổ chức Công Giáo Tiến Hành Italia ủng hộ hai dự luật thừa nhận quyền công dân cho những ai sinh ra tại Italia và quyền bỏ phiếu cho các công dân di cư, đã sống và cư trú tại Italia từ ít nhất 5 năm.
Đây là đề tài đã được đề cập đến từ nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Theo Đức Cha việc cấp quốc tịch có hai chiều kích quan trọng: một đàng việc có quốc tịch không chỉ có nghĩa là có được một loạt các quyền lợi, mà cũng có nghĩa là ý thức về một loạt các bổn phận đi kèm nữa. Liên quan tới các trẻ em con cái của người di cư tị nạn sinh ra và lớn lên tại Italia, Đức Cha Beschi cho rằng chúng có nguy cơ là những người không có quê hương trên bình diện pháp luật cũng như trên bình diện văn hóa, vì không còn sự tùy thuộc. Và điều này không tốt cho chúng, mà cũng không tốt cho dân nước Italia và sự phát triển của Italia
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Antonio Maria Vegliò về Ngày quốc tế người di cư và tị nạn lần thứ 98. Đức Cha là một trong 22 tân Hồng Y mới được chỉ định ngày mùng 6-1-2012.
Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Vegliò, hiện nay trên toàn thế giới có bao nhiêu người di cư tị nạn tất cả?
Đáp: Ngày quốc tế về người di cư và tị nạn nhắc cho chúng ta biết rằng theo các thống kê, trên thế giới hiện có hơn 200 triệu người di cư, 15 triệu người tị nạn, 27 triệu người di tản và hơn 3 triệu sinh viên theo học tại các đại học đó đây trên thế giới. Cuộc sống của họ đòi buộc phải được chú ý nhiều hơn từ phía Giáo Hội cũng như từ phía xã hội, để họ có thể tìm ra giải pháp đúng đắn, hầu sống xứng đáng với phẩm giá con người và phẩm giá kitô. Một cách đặc biệt những người tị nạn và đang xin tị nạn là những người trốn chạy chiến tranh và bạo lực, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, là những người rất dễ bị thương tích. Cuộc sống của họ thường tùy thuộc nơi sự che chở và trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Cách đây ít tuần chúng ta đã kỷ niệm 60 năm thành lập ”Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc” và Hiệp định Genève năm 1951 về người tị nạn. Đây là một thời điểm quan trọng vì ghi dấu lúc cộng đồng thế giới muốn tạo ra một khung luật quốc tế liên quan tới người tị nạn để hướng dẫn công việc của Cao ủy tị nạn. Trong hội nghị triệu tập tại Genève ngày 8-12-2011, phái đoàn các nước đã bẩy tỏ ngưỡng mộ đối với công tác của Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc trong bao thập niên qua.
Phái đoàn Tòa Thánh đã khích lệ canh tân nỗ lực để loại trừ các lý do mới nghiêm trọng, đe dọa sự sống còn của một dân tộc, bằng cách tạo ra các cuộc cưỡng bách di tản, chẳng hạn như các tai ương thiên nhiên, các biến cố khuấy động trật tự công cộng hay các đường lối chính trị sai lầm. Vì thế các nước cần phải duyệt xét mọi đơn xin tị nạn. Thật ra, tình liên đới quốc tế phải hành động, không chỉ với các đóng góp kinh tế, là các đóng góp nền tảng, hay các mô thức cổ điển, mà với cả sự hiểu biết mới liên quan tới hiện tượng tản cư nữa. Điều này bao gồm các quyền lớn hơn đối với người tị nạn, như quyền di chuyển, quyền làm việc, quyền sống nhu cầu tôn giáo, bằng cách chú ý tới việc giải thích rộng rãi hơn về nhân quyền, cùng với sự cộng tác cụ thể cho phép việc bảo vệ các mục tiêu của Hiệp định được hữu hiệu hơn, phù hợp với các biến cố và các thỏa hiệp quốc tế.
Hỏi: Thưa Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Mục vụ cho người di cư và lưu động, hiện nay Hội Đồng đang lo lắng cho các tình trạng nào?
Đáp: Hội Đồng đang âu lo theo dõi các tình trạng của người tị nạn khắp nơi trên thế giới, trong đó có cuộc xung đột bùng nổ tại Sudan khiến cho 80.000 người phải tản cư. Tôi cũng nhấn mạnh đến các bạo lực diễn ra từ bao nhiêu năm nay tại Somalia, là nơi trong năm nay có các tình trạng khí hậu gây ra nạn đói kém và các nạn dịch trầm trọng. Hậu qủa là 500.000 người Somali phải tị nạn trong các trại ở Dadaab bên Kenya và 100.000 người khác nữa được tiếp đón hồi năm ngoái bên Etiopia. Bên Colombia cuộc nội chiến kéo dài hơn 40 năm qua đã khiến cho 5 triệu người phải di tản trong nước và phải gánh chịu biết bao nhiêu khổ đau. Và cho tới nay xem ra chưa tìm ra giải pháp nào để giải quyết vấn đề. Thế rồi cũng không thể quên các bạo lực gây đổ máu từ nhiều năm nay tại Cộng hòa dân chủ Congo, khiến cho hàng trăm ngàn người phải di cư trong nội địa và sang các nước khác. Hàng triệu người đã bị chết, và các điều kkện kinh tế trong nước đã trở thành tồi tệ hơn.
Hỏi: Làm thế nào để thực hiện trong cụ thể lời cầu chúc mà Đức Thánh Cha đã đưa ra cho ngày này để biến hiện tượng di cư trở thành một cơ may rao truyền Tin Mừng, thưa Đức Cha?
Đáp: Hiện tương di cư khiến cho các dân tộc trà trộn với nhau và tạo ra sự giao thoa giữa các chủng tộc và các nền văn hóa, và tự nó đã là một cơ may truyền bá Tin Mừng rồi. Điều chúng ta phải tự hỏi đó là các kitô hữu chúng ta có khả năng tiếp nhận cơ may này và thực sự rao giảng Tin Mừng hay không. Chính Đức Thánh Cha đã nói trong sứ điệp gửi ngày này rằng ”Chúng ta phải thức tỉnh nơi mỗi người lòng hăng say và can đảm đã thôi thúc các cộng đoàn kitô tiên khởi trở thành các cộng đoàn loan báo sự mới mẻ của Tin Mừng một cách gan dạ. Sứ điệp của Đức Thánh Cha cũng cống hiến cho chúng ta các gợi ý cụ thể giúp loan báo Tin Nừng cho môi trường di cư tị nạn. Chẳng hạn ngài mời gọi Giáo Hội ”giúp các anh chị em di cư kitô duy trì vững mạnh đức tin của họ, cả khi không có sự trợ giúp văn hóa như hiện hữu trong các quốc gia gốc của họ”. Được đào tạo và nâng đỡ bởi cộng đoàn kitô, chính các anh chị em di cư tị nạn ”có thể trở thành những người loan báo Lời Chúa và là chứng nhân của Chúa Giêsu phục sinh” nơi họ di cư tới, trong các quốc gia nơi các tín hữu kitô chỉ là một thiểu số, cũng như trong các quốc gia có truyền thống kitô kỳ cựu, nơi đức tin có lẽ đã trở thành một sự kiện văn hóa. Liên quan tới điều này Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng vai trò của các tác nhân mục vụ như các linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ hoạt động giữa các người di cư tị nạn. Ngoài ra, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI còn khích lệ các cộng đoàn kitô tại các quốc gia gốc của người di cư tị nạn, cũng như tại các quốc gia chuyển tiếp và các quốc gia tiếp nhận họ, cộng tác với nhau trong việc tiếp đón người di cư, làm sao để họ gặp gỡ Chúa Kitô. Và Đức Thánh Cha mời gọi tất cả mọi kitô hữu dưỡng nuôi mình bằng Lời Chúa và sống Lời Chúa trước khi loan báo, như thế để họ trở thành các người loan báo Tin Mừng hữu hiệu hơn.
Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Vegliò, Đức Tổng Giảm Mục đã đón nhận tin Đức Thánh Cha chỉ định Đức Tổng Giám Mục làm Hồng Y, trong Công nghị Hồng Y tới đây như thế nào?
Đáp: Tôi đã tiếp nhận tin vui này với tâm tình biết ơn, trước hết là biết ơn Chúa là Đấng đã gọi tôi là mục tử của Giáo Hôi Người, Đấng nâng đỡ tôi và ngày nay đòi hỏi nơi tôi một dấn thân lớn hơn và một trách nhiệm lớn hơn trong việc phục vụ dân Người và một cách đặc biệt phục vụ những người mà Chúa cho là quan trọng nhất đối với Ngài, nhưng dưới mắt của loài người thì họ là những người rốt hết và trong trường hợp của tôi, như là Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ di cư và lưu động, những người rốt hết ấy có gương mặt của người di cư, của người tị nạn, của người du mục, của người không có chỗ ở xác định, của các trẻ em bụi đời sống lang trang trên hè phố, của tất cả những người sống hiện tượng di cư, lưu động. Như thế tôi cảm thấy một tâm tình biết ơn sâu xa đối với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, về sự tín nhiệm của người và việc người kêu mời tôi trở thành cộng sự viên chặt chẽ hơn của người. Thế rồi tôi còn đọc thấy trong cử chỉ này của Đức Thánh Cha một dấu chỉ thừa nhận sứ mệnh của Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động, và tôi trông thấy sự ân cần của Đức Thánh Cha đối với các người nam nữ liên quan tới hiện tượng di động này của con người, là hiện tượng có ảnh hưởng nhiều trên cuộc sống của thế giới tân tiến ngày nay cũng như trên cuộc sống của Giáo Hội.
Hỏi: Thưa Đức Cha Vegliò, Đức Cha sẽ tiếp tục công tác mục vụ và nhiệm vụ Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động với tinh thần nào, sau khi trở thành thành viên của Hồng Y đoàn?
Đáp: Vào làm thành viên của Hồng Y đoàn là một dấn thân trong Giáo Hội. Chúa Giêsu Kitô là nền tảng không thể thay thế được của kiểu phục vụ mới trong Giáo hội. Đàng khác, tôi sẽ cảm thấy mình được trợ giúp và nâng đỡ bởi một Đoàn thể các anh em Hồng Y, mà chắc chắn là họ sẽ giúp tôi chu toàn tốt hơn sứ mệnh của Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động, trong việc thăng tiến việc lo lắng của Đức Thánh Cha và của Giáo Hội cho các anh chị em di cư và lưu động. (RG 15-1-2012)
(RG 15-1-2012)
Linh Tiến Khải
R.Vatican