Năm B 

“Điểm đến của tình yêu đó chính là phép lạ”

“Điểm đến của tình yêu đó chính là phép lạ”

(CHÚA NHẬT XVII  – TN B 2012)

 

LM. Giuse Trương Đình Hiền

 

Dẫn nhập đầu lễ :

Kính thưa ông bà anh chị em,

Sứ điệp Phụng Vụ hôm nay mời gọi chúng ta lưu tâm tới sự chăm sóc ân cần của Thiên Chúa, một sự chăm sóc không phải chỉ dừng lại trên các nhu cầu vật chất, miếng cơm manh áo, mà là lương thực trường sinh đem chúng ta về chốn vĩnh hằng.

Dấu chỉ cụ thể mà Thánh Kinh sử dụng để diễn tả ý nghĩa và nội dung nầy đó là câu chuyện “20 chiếc bánh lúa mạch được sứ ngôn Ê-li-sê phân phát cho dân ăn no phỉ” (BĐ 1), hay câu chuyện “5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé, được Chúa Giêsu dùng để thếch đãi đám dân trên 5000 người ăn no trong hoang mạc”. (Tin mừng Gioan).

Dấu chỉ đó cũng là hình ảnh tiên trưng về Nhiệm Tích Thánh Thể mà chúng ta đang cử hành : Tấm Bánh Đức Kitô được bẻ ra để nuôi sống muôn người trên cuộc hành trình về Nước Chúa.

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi để xứng đáng tham dự Bàn Tiệc Thánh.

Giảng Lời Chúa.

 

Nếu Chúa Nhật tuần trước, Chúa Giêsu đã nhìn thấy một đám đông bơ vơ tất tưởi như đàn chiên không kẻ chăn và Ngài đã chạnh lòng thương xót họ, thì Chúa Nhật hôm nay, phát xuất từ trái tim “chạnh lòng thương đó”, Chúa Giêsu lại quay về với đám đông đang quay quắt đói bụng nhưng vẫn cứ lẽo đẽo theo Ngài vào trong hoang mạc. Trước tình trạng nầy, Ngài dâng trào một mối ưu tư lo lắng : “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”. Từ trái tim “chạnh lòng thương” tới mối “ưu tư lo lắng và bận tâm thực hiện”, kết quả : hơn 5000 người đã được ăn no với chỉ 5 chiếc bánh và 2 con cá. Quả thật “Điểm đến của tình yêu đó chính là phép lạ”. Từ phép lạ “Manna, chim cút, mạch nước Meriba… trong những ngày lang thang nắng nôi đói khát nơi hoang mạc”, đến phép lạ “20 chiếc bánh lúa mạch nuôi cả trăm người của tiên tri Ê-li-sa” (BĐ 1), hay như Tin Mừng Gioan kể lại hôm nay, phép lạ từ “năm chiếc bánh và hai con cá trong tay của một em bé” trở thành bữa tiệc khoản đãi phủ phê mấy ngàn thực khách…tất cả đều muốn nói với chúng ta rằng : Thiên Chúa không bao giờ lãnh đạm, thờ ơ trước thân phận đói khổ lầm than của nhân loại, như Lời Ngài phán với Môsê : “Ta đã thấy nổi khổ của Dân Ta”, hay như tâm tình dạt dào thương mến đã hóa thành lời nơi môi miệng Đức Kitô ; “Ta thương xót đám dân nầy…”.

Để hiểu rõ căn cớ làm sao mà con người lại vật vã kiếm tìm và đói khát triền miên cái hạnh phúc chóng qua hôm nay hay cái thiên đàng xa xôi ngút mắt, thiết tưởng chúng ta phải lắng nghe lời chỉ dạy của Thiên Chúa xuyên qua bao biến cố thăng trầm của chặng đường dài lịch sử cứu rỗi..

Đã mang kiếp sống người trần mấy ai mà không một lần mơ ước có một “địa đàng hạnh phúc ngay trên thế gian nầy”. Thì ra, đã có một thời con người được Thiên Chúa cho sống trong vườn địa đàng, một thời vàng son ắp đầy hạnh phúc (St 2, 8-9.15-16). Nhưng rồi điều không may đã xảy ra, địa đàng khép lại, khi “bàn tay lông lá” của Satan thò vào phá đám (St 3,1-7). Chính vì thế, trong đáy sâu thân phận bọt bèo gian lao khổ lụy, con người vẫn ôm lòng luyến tiếc địa đàng xưa. Vã lại, cũng ngay từ cái buổi hồng hoang khi con người bị kết án đuổi đi khỏi địa đàng hạnh phúc, Thiên Chúa đã hoạch định một chương trình cứu độ. Và như thế, hình bóng Nước Trời ở cuối tận chân trời lịch sử lại lóe sáng rạng ngời tia hy vọng (St 3,14).

– Nước Trời đó phải chăng là “bữa tiệc trên núi” với ê hề thịt béo rượu nồng mà Gia-vê hào sảng đãi no nê muôn dân muôn nước (I-sa-i-a 25,6-10)

– Nước trời đó phải chăng khi “sa mạc đồng khô cỏ cháy…đã tưng bừng nở hoa như khóm huệ…mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được…Sói với chiên con sẽ cùng nhau ăn cỏ…sẽ không phải đói phải khát, không bị khí nóng và mặt trời hành hạ, vì Đấng thương xót chúng sẽ hướng dẫn và đưa chúng đến những suối nước tuôn trào (I-sa-i-a 35,1-10; 49,10).

– Nước Trời đó phải chăng khi có những bước chân người loan báo Tin mừng “Chúa đang hiển trị”, và quân canh gác reo hò vang dậy khi thấy tận mắt “Đức Chúa đang trở về Si-on, Giêrusalem điêu tàn hoang phế bật tiếng reo mừng, vì Đức Chúa an ủi Dân Người và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem” (Is 52,7-10)…

Những gì được tiên báo trong cựu ước cứ tưởng rằng chỉ là câu chuyện của huyền thoại, của những đầu óc hoang tưởng vẽ vời một địa đàng xa xôi để vỗ về cái thực tại não nùng của một kiếp nhân sinh đầy tràn thương đau khổ lụy.

Thế nhưng, mọi ước mơ và khát vọng, mọi tiên báo và ước hẹn cứ từ từ hiện thực và dần dần rõ nét. Cứ tưởng Thiên Chúa chỉ quan tâm thực hiện những “dấu lạ động trời” như những phép lạ tai ương đỗ xuống trên Ai Cập, như “Biển Đỏ dựng sóng nước thành đường đi”, như khói bốc lửa dậy khi ban Mười Điều răn trên núi Sinai, như tiếng kèn làm đổ sập thành Giê-ri-cô kiên cố…

Không đâu, mối bận tâm thường xuyên và hàng đầu của Thiên Chúa lại chính là những chuyện chúng ta cứ nghĩ là “vụn vặt tầm phào”, những chuyện của đời thường, của kiếp sống mỏng manh, của những ước vọng đơn sơ, của những nhu cầu giản đơn cần thiết.

Để con người hiểu và chấp nhận được “mặc khải tối hậu nầy”, Thiên Chúa đã ban Người Con Một, để từ đó, Thiên Chúa trở nên người phàm, và giữa đời thường nhân loại từ đây có một Đấng được mệnh danh là “Em-ma-nu-en”.

Vâng, Thiên Chúa qua Đức Giêsu-Kitô, đã thực sự trãi qua kinh nghiệm một “đời thường nhân loại với tất cả những lao tâm khổ tứ, cay đắng ngọt bùi, thương đau khổ lụy.

– Còn đó Bêlem với máng cỏ hang lừa,

– Còn đó Nadarét với cái đục cái cưa của nghề thợ mộc,

– Còn đó những bước chân mệt nhoài đói khát trên những nẻo đường cát bụi Palestina,

– Còn đó những phút giây ngủ gà ngủ gật trên chiếc thuyền nhân loại bị sóng đánh tả tơi,

– Còn đó khi chấp nhận đồng bàn và “cụng ly” với những người anh em thu thuế và tội lỗi…

– Và rồi, còn đó cây thập giá với cái chết tũi nhục trên đồi Can Vê,

– Và sau biến cố Phục Sinh, còn đó “quán trọ bên đường Emmaus” hay “bữa điểm tâm trên bờ hồ Tibêriát với tấm bánh nướng thơm và vài con cá nhỏ”…tất cả lại không là mối bận tâm của Thiên Chúa đó sao, tất cả lại không là “dấu lạ” đó sao ?

Thiên Chúa không quay lưng với những giá trị và nhu cầu vật chất. Chính vì thế, tràn ngập cả bốn cuốn Tin Mừng là những chuyện kể về “Dấu Lạ”, những Phép lạ ngang qua cuộc sống đời thường : mắt thôi mù để có ánh sáng, tai thôi điếc để nghe được âm thanh, phung cùi lành sạch để trở về hội nhập cuộc sống bình thường, rượu ngon thay nước lã để tân lang và tân nương khỏi bẽ mặt, những bệnh nan y được khỏi, kẻ chết sống lại để có được niềm vui và hy vọng…Và hôm nay, với 5 chiếc bánh kiều mạch và 2 con cá nục của một em bé, Đức Kitô đã biến thành một bữa đại tiệc ắp đầy hân hoan no phỉ…

Thế giới hôm nay nào có khác gì ; và Thiên Chúa cứ vẫn còn quan tâm chăm sóc từng ly từng tí qua Thánh Thần, qua Giáo Hội, qua những Tông đồ, qua chị, qua anh, qua tôi, qua những con người cùng đồng cảm với Ngài và sẵn sàng vâng lệnh Ngài “để lo cho họ ăn”, để sẻ chia và phục vụ. Bởi vì điều cốt yếu Đức Kitô nhắm tới không là “Bữa tiệc của trần gian”, không là thỏa mãn những nhu cầu vật chất và những khát vọng trần tục, mà chính là “Bàn Tiệc của Nước trời”, là hạnh phúc vĩnh cửu, là thiên đàng. Dấu lạ “bánh hóa nhiều hôm nay” chính là tiên báo “Bánh Trường Sinh” Ngài sẽ thực hiện vào Bữa Tiệc Vượt Qua ngày Thứ Năm trước khi ra đi chịu khổ hình thập giá để trở thành “Tiệc Thánh Thể” dấu chỉ của Bàn Tiệc Nước trời mai hậu.

Tuy nhiên, để đáp ứng những yêu cầu bức xúc của con người, cũng như để thỏa mãn lời réo gọi của con tim chạnh lòng nơi chính mình, Thiên Chúa ít khi muốn “độc quyền” thi thố dấu lạ. Ngài luôn cần những bàn tay nhân loại (Môsê, Đa-vít, Êlia, Esther, Giuse, Maria, Gioan Tẩy giả, Maria Mađalêna, Anê, Cecilia, Têrêsa, Anrê Phú Yên…). Đó chính là những “em bé” quảng đại, biết cho đi “chút phần nhỏ bé nhất của riêng mình” để Thiên Chúa làm nên điều kỳ diệu. Có ai ngờ với đôi bàn tay già nua liểu yếu của một Têrêsa Calcutta lại có sức để chăm sóc, nuôi sống và đem lại niềm hạnh phúc và hy vọng cho hàng triệu con người.

Và trước đó, trong những trang sử hào hùng của Hội Thánh, đã có những con người hiến thân sống khó nghèo trọn hảo, như Don Bosco, như Gioan Thiên Chúa, như Vinh Sơn…một cách nào đó đã làm nên dấu lạ “bánh hóa nhiều” cho bao nhiêu kẻ đói khổ nghèo hèn, tật bệnh trong thời đại của các ngài…

Phải chăng, Thánh lễ hôm nay cũng lại là một “phép lạ” như thế đang chợt về ! Để từ đây, những “phép lạ của tình thương” lại nối tiếp trong thế giới, trong cuộc đời. “Phần nhỏ nhất trong cuộc đời” mà Thiên Chúa đang cần đến phải chăng là những điều Thánh Phaolô trong BĐ 2 hôm nay đề nghị : “Hãy sống xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban. Hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại ; lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau”.

Nói cách khác, nếu mỗi người có được “cái nhìn chạnh thương” với “ý chí trao ban và chia sẻ” của Chúa Giêsu để sẵn sàng quảng đại trao vào tay Chúa chút phần nhỏ bé của riêng mình, thì mỗi ngày có trăm vạn phép lạ “bánh hóa nhiều” không phải chỉ để 5000 ngàn người no nê cơm bánh, mà để hàng hàng lớp lớp nhân loại tìm được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống hôm nay và nắm chắc hạnh phúc trong Nước Trời mai hậu. Bởi chưng, như chúng ta đã khẳng định từ đầu : “Điểm đến của tình yêu đó chính là phép lạ”.

Giuse Trương Đình Hiên

Related posts