Hỏi đáp về năm đức tin
1. Năm Đức Tin là gì?
Vào một thời điểm nào đó trong lịch sử Giáo Hội, các Đức Giáo Hoàng kêu gọi các tín hữu đào sâu một khía cạnh nào đó của đức tin. Vào năm 1967, Đức Phaolô VI đã công bố Năm Đức Tin kỷ niệm bách chu niên lần thứ 19 cuộc tử đạo của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Năm Đức Tin 1967 mời gọi Giáo Hội nhớ lại hành vi chứng nhân của hai vị thánh này để cuộc tử đạo của họ gợi hứng cho Giáo Hội hiện tuyên xưng đức tin tập thể và cá nhân.
Năm Đức Tin được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI công bố “mời gọi một cuộc hoán cải mới về với Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ thế gian” (Porta fidei, số 6). Nói cách khác, Năm Đức Tin là dịp để người Công giáo kinh nghiệm sự hoán cải – quay về với Chúa Giêsu và đi vào trong mối liên hệ thâm sâu với Ngài. Đức Giáo Hoàng diễn tả cuộc hoán cải này như là mở “cánh cửa đức tin” (xem Cv 14, 27). “Cánh cửa đức tin” được mở ra khi ta chịu bí tích rửa tội, nhưng trong năm nay, người Công giáo được kêu mời mở nó ra một lần nữa để di qua đó và tái khám phá cũng như canh tân mối liên hệ của mình với Đức Kitô và Giáo Hội của Ngài
2. Tại sao lấy năm nay là Năm Đức Tin?
Trong Tông thư dưới dạng Tự sắc “Porta Fidei” được ký ngày 11 tháng Mười 2011, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tuyên bố Năm Đức Tin sẽ được bắt đầu vào ngày 11 tháng 2012 và kết thúc vào ngày 24 tháng Mười Một 2013. Ngày 11 tháng Mười là ngày bắt đầu Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Vatican II và cũng là ngày kỷ niệm 20 năm ra đời sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo. Trong Năm Đức Tin, người Công giáo được kêu mời học hỏi và suy tư về các tài liệu của Công Đồng Vatican II và sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo để đào sâu kiến thức đức tin.
3. Năm Đức Tin khai mạc vào tháng Mười 2012 với Thượng Hội Đồng về Tân Phúc Âm Hóa. Thượng Hội Đồng là gì?
Thượng Hội Đồng Giám mục là cuộc quy tập các giám mục được tuyển chọn từ nhiều miền khác nhau trên thế giới, gặp gỡ nhau với Đức Giáo Hoàng để thảo luận về những hoạt động của Giáo Hội trong thế giới. Cuộc gặp gỡ này nhằm giúp xây dựng sự đoàn kết chặt chẽ giữa các giám mục và Đức Giáo Hoàng và tư vấn cho ngài. Đức Bênêđictô XVI xếp đặt Thượng Hội Đồng về Tân Phúc Âm Hóa (ngày 7 đến 28 tháng Mười) vào thời gian khai mạc Năm Đức Tin (ngày 11 tháng Mười).
4. Năm Đức Tin và Tân Phúc Âm Hóa liên kết với nhau như thế nào?
Tân Phúc Âm Hóa là kêu gọi mọi người Công giáo đào sâu đức tin của mình, tin vào Phúc Âm và mong muốn chia sẻ Phúc Âm. Trước tiên và trên hết, Tân Phúc Âm Hóa là cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu, đó là lời mời gọi củng cố mối liên hệ với Đức Kitô. Đây cũng là lời mời gọi mỗi người phải chia sẻ đức tin của mình với người khác. Năm Đức Tin, giống như Tân Phúc Âm Hóa, mời gọi người Công giáo phải hoán cải để đào sâu mối liên hệ với Đức Kitô và chia sẻ mối liên hệ này với người khác.
5. Năm Đức Tin ảnh hưởng người Công giáo như thế nào?
Qua bí tích rửa tội, mỗi người Công giáo đã chịu phép rửa đều được kêu mời trở thành môn đệ Đức Kitô và loan báo Phúc Âm. Năm Đức Tin là dịp để mỗi người Công giáo canh tân lời mời gọi phép rửa này bằng cách sống đức tin, đức cậy và đức mến trong mỗi thời khắc hằng ngày. Chứng tá hằng ngày này thật cần thiết để loan báo Phúc Âm cho gia đình, bạn bè, láng giềng và xã hội. Để làm chứng cho Phúc Âm, người Công giáo phải được củng cố qua việc cử hành đều đặn Thánh lễ Chúa Nhật và bí tích Hòa Giải.
Các mục tử nên cung cấp cho giáo dân những cơ hội đào sâu đức tin trong suốt Năm Đức Tin này bằng những cuộc tĩnh tâm, học hỏi Kinh Thánh, các khóa huấn luyện về giáo lý và các bí tích.
6. Đâu là nguồn chính cho Năm Đức Tin này?
Người Công giáo đào sâu đức tin của mình bằng cách khám phá đề tài Tân Phúc Âm Hóa và Giáo lý qua sách vở cũng như trên các trang mạng. Có rất nhiều nguồn về giáo lý, kinh nguyện được soạn sẵn để chuẩn bị cho Năm Đức Tin và Tân Phúc Âm Hóa này… Người Công giáo cũng nên hỏi các vị chủ chăn của mình về những hoạt động Năm Đức Tin trong giáo xứ và giáo phận. Quan trọng hơn hết, họ phải tìm kiếm để đào sâu đức tin của mình bằng cách cầu nguyện hằng ngày, học hỏi Kinh Thánh và siêng năng tham dự Thánh lễ Chúa Nhật.
BTTVHQN
gpquinhon.org