Tin Giáo hội 

Cuộc khủng hoảng luân lý của nền văn minh tây âu

Phỏng vấn ông Mario Tronti chính trị gia và giáo sư Vittorio Possenti

Trong các ngày vừa qua các ông Pietro Barcelona, Paolo Sorbi, Mario Tronti và Giuseppe Vacca, đã cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Khẩn trương nhân chủng học: cho một liên minh mới giữa các tín hữu và những người không tín ngưỡng”. Cuốn sách gồm các đóng góp suy tư phát xuất từ bức thư ngỏ, mà bốn người đã cho đăng trên nhật báo Tương Lai, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Đồng Giám Mục Italia, số ra ngày 10-10-2011. Lá thư kêu gọi đối thoại giữa đảng Dân Chủ và thế giới công giáo, khởi hành từ các vấn đề nóng bỏng nhất của lãnh vực luân lý sinh học và nhân chủng học, đã được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đề cập tới trong giáo huấn của người.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị một số nhận định của ông Mario Tronti, chính trị gia và giáo sư Vittorio Possenti. Ông Mario Tronti là một trong các người cha của phong trào công nhân Italia, hoạt động trong lãnh vực chính trị và trí thức, và năm 1992 đã trở thành thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ cánh tả. Ông cũng từng là giáo sư triết học luân lý và triết học chính trị đại học Siena, trung bắc Italia, và là tác giả nhiều sách như ”Công nhân và tư bản” (1966), ”Sự tự trị của nhà chính trị” (1977), ”Chính trị chiều tà” (1998) và ”Từ thái cực có thể” (2011). Ngoài ra, ông cũng cộng tác với nhiều nguyệt san như ”Tầng lớp công nhân” và ”Phòng thí nghiệm chính trị”. Đặc thái của ông là dấn thân trong cuộc đối thoại giữa truyền thống mác xít và các tư tưởng gia thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau, trong đó có Ernst Juenger và Carl Schmitt.

Ông Vittorio Possenti là giáo sư triết lý chính trị đại học Venezia bắc Italia, chuyên về triết lý siêu hình và duy bản vị. Là nhà trí thức công giáo nổi tiếng, ông là thành viên của Ủy ban luân lý sinh học Italia, của Hàn lâm viện Khoa học tòa thánh, và của Hàn lâm viện tòa thánh Thánh Toma. Ông cũng là tác giả của nhiều sách như: ”Giữa sự tục hóa và Kitô giáo mới” (1986), ”Vượt ngoài thuyết duy quang luận” (1992), ”Thiên Chúa và sự dữ” (1995), ”Chuyến hải hành thứ ba: chủ thuyết hư vô và siêu hình học” (1998), ”Nguyên lý – Bản vị con người” (2006), và ”Chủ thuyết hư vô pháp lý” (2012).

Hỏi: Thưa giáo sư Tronti, nhân chủng học là vấn đề ”vô thời gian”. Vậy tại sao giáo sư lại coi nó là ”Sự khẩn trương”?

Đáp: Chính hoàn cảnh ngày nay thúc đẩy chúng tôi đề cập tới các vấn đề nhân chủng học với một sự sâu đậm trước đây chưa được biết tới. Càng ngày người ta càng có cảm tưởng đang sống trong trung tâm của một cuộc khủng hoảng không chỉ là kinh tế tài chánh, nhưng còn liên quan tới các ràng buộc xã hội và đang trở thành một cuộc khủng hoảng của nền văn minh, bắt buộc chúng ta phải tính sổ với các tiến trình văn minh hóa của qúa khứ. Tôi đặc biệt nghĩ tới các hình thức thái qúa của sự tục hóa, đã bỏ rơi con người cho chính nó, và khiến cho các tương quan của con người trở thành tồi tệ. Đó là sự khẩn trương mà chúng tôi đã nói đến trong bức thư ngỏ.

Hỏi: Vậy thì làm thế nào để thoát ra khỏi tình trạng này thưa giáo sư?

Đáp: Cần phải làm cho các nền văn hóa và các nhậy cảm khác nhau giao thoa với nhau trở lại, và nhất là phải dời sự chú ý tới các đề tài mà giới công nhân vẫn làm từ lâu, sang phía tả, là phía đã bỏ bê lơ là với các đề tài này từ qúa lâu.

Trong các nghiên cứu của mình, tôi đã luôn luôn quy chiếu về lý thuyết và triết học chính trị. Và trong các thập niên cuối này, nhờ một số kinh nghiệm, tôi đã hiểu ra rằng không thể giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị với các lý lẽ của chính trị. Từ đó tôi bắt đầu chú ý tới nền thần học chính trị.

Hỏi: Thưa giáo sư Possenti, giáo sư nghĩ sao về điều này?

Đáp: Đúng vậy, ngày nay có một cuộc khủng hoảng khẩn trương, nhưng nó đã bắt đầu trước các hiện tượng mà chúng ta đang sống. Trong một giai đoạn nào đó nhân loại đã tìm cách xây dựng các lý do sự chung sống của mình trên một loại thỏa thuận xã hội và kiểm soát luân lý, đạt điểm cao trong Tuyên ngôn về nhân quyền. Một chứng tá quan trọng của sự kiện này đã là diễn văn, mà triết gia kiêm tư tưởng gia người Pháp Jacques Maritain đã đọc tại thành phố Mêhicô năm 1947, nhân đại hội khoáng đại đầu tiên của tổ chức UNESCO. Ông nói rằng mặc dù có các khác biệt hiện diện sau thế chiến, vẫn có thể đi đến một thỏa thuận cụ thể liên quan tới các giá trị nền tảng, dựa trên ý niệm về phẩm giá con người. Trong 60 năm qua giả thiết do triết gia Maritain thiết định và trên thực tế đã được Bản tuyên ngôn nhân quyền thừa nhận, đã bị giảm thiểu ít nhất một phần. Ngày nay chúng ta bị bó buộc phải ghi nhận sự thất bại trong nỗ lực xây dựng một nền luân lý đạo đức công cộng, dựa trên các yếu tố thuộc loại luân lý chính trị triệt để. Nếu thực sự muốn tìm một mẫu số chung tối thiểu, cần phải lui lại đàng sau, và chứng thực trên bình diện nhân chủng học, là bình diện duy nhất có thể cống hiến một nền tảng đáng tin cậy giúp đương đầu với các vấn nạn lớn hiện nay.

Hỏi: Giáo sư có thể cho vài thí dụ không?

Đáp: Trước hết là lãnh vực kinh tế. Từ thời tổng thống Ronald Reagan và bà thủ tướng Margueret Thatcher nó đã hoạt động qua việc tuyệt đối cởi trói cho các đòn bẩy tài chánh, bằng cách biến cả chính trị thành một kẻ tùy thuộc chế độ tư bản tài chánh. Nhưng ván bài định đoạt là trong việc quản lý cuộc sống sinh học chính trị, trong đó người ta đối chiếu với một sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, mà cả luân lý đạo đức xem ra cũng không đủ khả năng kiểm soát. Khi chúng ta phải thiết định đối xử với phôi thai như thế nào, trước hết chúng ta phải thiết định xem mình đang đứng trước một cục tế bào hay một bản vị con người. Tùy theo lập trường nhân chủng học mà chúng ta có, các hậu qủa luân lý rất khác nhau, lại còn xung khắc với nhau nữa là đàng khác.

Hỏi: Nhưng chính trong các vấn đề này cánh tả ở Italia đã thờ ơ trong thời gian rất lâu, có đúng thế không thưa giáo sư Tronti?

Đáp: Hơn là trường hợp của Italia tôi thấy có một sự qụy lụy bầu khí thống trị của toàn Tây phương. Quan niệm về ”con người kinh tế” không thôi đã giảm thiểu một nửa con người rồi. Phong trào công nhân đã đề nghị giải thoát giới công nhân khỏi các máy móc. Giờ đây với quan niệm về ”con người kỹ thuật”, sự nô lệ lại còn tinh vi hơn, khiến cho tính cách nhân bản lại càng giảm thiểu hơn nữa. Trong khi đó thì các ý thức hệ phân tán, và chúng ta tin rằng mình sống sau khi các câu chuyện lớn kết thúc; và chúng ta đã quen với một câu chuyện rất tiếc đã có từ lâu: đó là câu chuyện cho rằng thế giới không thể biến đổi được và con người phải hạn chế chấp nhận tình trạng có sẵn đó. Hậu qủa là có một tâm tình bài ý thức hệ, con đẻ của vài ảo tưởng nào đó của thập niên 1960. Lương tâm con người thay đổi, nhưng chỉ trong một cách thức bản năng, theo các hướng dẫn của các nền văn hóa tuyệt đối và giải phóng giả tạo, theo đó chỉ có quyềm lợi của tập thể chứ không có quyền lợi của cá nhân. Phe tả đã không bao giờ có khả năng nhận ra sự lạc hướng này: khi xóa bỏ giới hạn, nó cũng khiến cho mọi tương quan với tập thể trở thành hư không. Chính vì sự bất lực đó mà phe tả Italia ngày nay không còn có thể nhận ra mình trên bình diện người dân thường nữa. Nó được tầng lởp trung bình chấp nhận, nhưng đã đánh mất đi sự tiếp xúc với các nền văn hóa bình dân còn sống tại Italia.

Hỏi: Thưa giáo sư Possenti, giáo sư có đồng ý với những nhận xét của giáo sư Tronti hay không?

Đáp: Tôi hoàn toàn đồng ý với phân tích này, đặc biệt là các nhận xét về sự kiện thiếu chiều kích bình dân của thế giới chính trị Italia. Bắt đầu từ thập niên 1980 đã có các tiến trình khác nhau dẫn đưa tới các cắt chặt đau đớn đối với các nền văn hóa cuộc sống của người dân Italia. Nói chung, người ta đã đánh mất đi ý thức về sự tùy thuộc chung, một phần cũng vì các phương tiện truyền thông xã hội tấn công, làm mất đi nhiều điểm quy chiếu truyền thống. Quảng trường công cộng trống rỗng đi một số các giả thiết hiện sinh và bị thống trị bởi một diễn văn rỗng tuếch, ít chú ý tới cuộc sống thực tế của con người và của các nhóm xã hội. Rất tiếc, như giáo sư Tronti đã nhận xét, nền chính trị không dựa trên chính mình, và thay vì lo cho công ích thì lại là thái độ trâng tráo không biết xấu hổ, khiến cho người ta hầu như nuối tiếc thời xảy ra các vụ gian tham hối lộ. Nhưng đây cũng là một hậu qủa của tâm thức thông thường, theo đó chỉ có cá nhân bây giờ và ở đây là quan trọng, còn người ta bỏ hết mọi lo lắng đối với các người khác và đối với ngày mai.

Hỏi: Nghĩa là có một sự liên minh sắt thép giữa sa mạc các ý thức hệ và sự tục hóa đang lan tràn, có phải thế không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, với một ý thức trách nhiệm chính xác của nền văn hóa cấp tiến ca tụng cá nhân với mục đích bảo vệ các quyền lợi, nhưng lại không phân biệt giữa các quyền lợi, các yêu sách và các ước mong. Phe tả đã để cho mình bị ô nhiễm bởi thái độ này, bằng cách bám víu vào việc bảo vệ các quyền lợi nhưng lại lơ là mọi quy chiếu về bổn phận. Ngoài ra, cả nền văn hóa tự do cũng đã cho thấy sự thiếu sót của nó, khi chỉ tập trung vào quyền tự do. Đó là điều tốt rồi, nhưng không phải là tất cả. Chẳng hạn quyền có công ăn việc làm không phải là một quyền tự do, cũng không phải là quyền sống. Chính trên nền tảng này của thực tại cần phải suy tư trở lại những điều mà tôi thích gọi là ”các nguyên tắc không thể khước từ được”, là nền tảng học thuyết xã hội của Giáo Hội.

Hỏi: Thưa giáo sư Tronti, có phải đây cũng là các nguyên tắc được tán đồng bởi các người ”mác xít chấp nhận giáo huấn của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI” ký tên trong bức thư ngỏ đăng trên nhật báo Avvenire hồi năm ngoái hay không?

Đáp: Ngoài kiểu gọi rất là nhà báo và hữu hiệu trên đây mà tôi chấp nhận, còn có ý muốn của chúng tôi nhắc tới một ý tưởng phe tả mạnh mẽ, ý thức về các lý do và có khả năng đối chiếu với các nền văn hóa khác nhau.

Liên quan tới Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, mà người ta thường cho là ”bảo thủ”, thì đây là một cách hiểu hoàn toàn sai lầm về giáo huấn của ngài. Điểm chính nơi Đức Ratzinger là chiều kích công cộng của kinh nghiệm đức tin. Thay vì hài lòng với các điều tầm thường chung chung, các nền văn hóa phe tả phải nâng mình lên cao tới mức độ này và chấp nhận đối chọi trên lãnh vực của các ”nguyên tắc bất khả nhượng”. Nhưng vấn đề đến từ xa lắm và nó đã bắt đầu ngay trong tư tưởng của Karl Marx rồi. Tuy nhiên thời gian càng qua đi, người ta lai càng nhận ra rằng bất cứ kinh nghiệm biến đổi thực tại nào cũng không thể tách rời khỏi yếu tố tinh thần hiện diện trong mỗi người. Theo như tôi thấy, có mối dây nối kết rất chặt chẽ giữa sự siêu việt và cách mạng, miễn là hiểu từ cách mạng trong chiều kích rộng rãi của nó.

Hỏi: Còn với giáo sư Possenti thì sao?

Đáp: Trong Thông điệp ”Spe salvi” Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mời gọi duyệt xét lại các biến cố của các thế kỷ cuối cùng như cố gắng xây dựng một ”vương quốc của con người”, trong đó không còn có một niềm hy vọng kiểu đối thần nữa. Hồi thế kỷ thứ XIX phong trào chủ nghĩa xã hội đã lựa chọn bằng cách chấp nhận chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx và Engels như bảo đảm khoa học, nghĩa là như lý thuyết giải quyết mầu nhiệm của lịch sử. Ảo tưởng này ngày nay buộc chúng ta phải sống trong một cánh đồng thực tại rất hạn hẹp, trong đó chỉ có các hệ thống máy móc dễ điều khiển là có giá trị mà thôi, như hệ thống máy móc biến đổi luân lý kinh tế thành luân lý đại đồng. Để vượt thắng quan niệm cắt ngắn này của con người và của xã hội cần phải mở ra trở lại nhiều cánh cửa và nhiều không gian. Và ở điểm này thì một nền luân lý đạo đức được chia sẻ không đủ nữa. Cần phải có một chủ thuyết nhân bản được chia sẻ. Một nền nhân chủng học có mục đích thắng vượt sự khẩn trương.

(Avvenire 31-10-2012)

Linh Tiến Khải
 R.Vatican

Related posts