Giáo Hội Đức và các thách đố trong Năm Đức Tin
Phỏng vấn Đức Ông Wilhelm Imkamp, sử gia lịch sử Giáo Hội
Ngày 11-10-2012 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chủ sự thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin trong khuôn khổ Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ XIII về đề tài tái truyền giảng Tin Mừng. Một số báo chí nêu bật sự kiện Đức Giáo Hoàng là người Đức, vị Hồng Y Tân Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng là người Đức, nhưng Giáo Hội Đức cũng là một trong các Giáo Hội bị tục hóa nhất Bắc Âu. Thật vậy, từ khi Đức Josef Ratzinger lên làm Giáo Hoàng đã xảy ra nhiều biến cố chứng minh cho bầu khí tục hóa đó. Điển hình là bức thư của 143 thần học gia Đức, Aó và Thụy Sĩ tựa đề ”Giáo Hội năm 2011, một khúc rẽ cần thiết”, phản đối khuynh hướng trung ương tập quyền Roma và đòi hỏi các thay đổi sâu rộng như: hủy bỏ luật độc thân linh mục của Giáo Hội Latinh, truyền chức linh mục cho các người có gia đình, áp dụng các cơ cấu có tính cách công nghị hơn trên tất cả mọi cấp bậc trong Giáo Hội, cho phép giáo dân tham dự việc chọn các cha sở và các Giám Mục, rộng mở chức thừa tác cho nữ giới, tiếp nhận các cặp đồng tính và các người đã ly dị tái lập gia đình. Các thần học gia cho rằng chỉ khi rộng mở cho các cải cách này, nghĩa là đưa ra ”một khúc quanh cần thiết”, Giáo Hội mới có thể lấy lại được sức mạnh và nói chuyện được với con người thuộc thế kỷ XXI.
Thật ra các đề nghị nói trên đều là các vấn đề đã được thảo luận từ nhiều thập niên qua tại Âu châu. Một vài vấn đề trực tiếp liên quan tới các Giáo Hội Âu châu, đặc biệt là Đức và Áo, chẳng hạn như số ơn gọi linh mục giảm sút trầm trọng, một số linh mục công khai sống chung với phụ nữ. Nhưng hủy bỏ luật độc thân linh mục có thực sự giải quyết được vấn đề thiếu linh mục hay không? Có thể giải quyết cuộc khủng hoảng đức tin và ơn gọi bằng cách mở rộng các chức thừa tác cho nữ giới hay không? Có thật là việc thay đổi giáo huấn đối với các người đồng tính và các người đã ly dị tái hôn sẽ khiến cho các nhà thờ trống một nửa đầy người trở lại hay không?
Chỉ cần nhìn vào Giáo Hội Anh giáo thì đủ hiểu rằng một việc tục hóa mới không thể là giải pháp cho tình trạng tục hóa đã có: đó là sự kiện tín hữu ngày càng xa rời Giáo Hội, mặc dù có các thay đổi tự do, từ việc truyền chức linh mục và giám mục cho phụ nữ, cho tới việc thừa nhận hôn nhân của các cặp đồng phái.
Vấn đề nòng cốt của các Giáo Hội trong toàn đại lục Âu châu đó là kitô hữu đang đánh mất đi đức tin và chối bỏ căn cội kitô của mình. Ngọn lửa đức tin đang gặp nguy cơ tắt ngấm vì hết dầu và không được dưỡng nuôi nữa.
Chính tại Đức, là nơi Huynh đoàn Piô X, tức phong trào ly giáo Lefèvre, ít thành viên hơn bên Pháp và cũng ít cuồng tín hơn, những nỗ lực của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đưa ra nhằm thắng vượt cuộc ly giáo, đã gây ra các phản ứng tranh luận mạnh mẽ.
Cộng Hòa Liên Bang Đức rộng hơn 357 ngàn cây số vuông, có hơn 82 triệu dân, 31,1 % theo Tin Lành, 30,6% theo Công Giáo, 1,7% theo Chính Thống, 4,9% theo Hồi giáo đa số thuộc hệ phái Sunnít, 0,31% theo Phật giáo, 0,2% theo Do thái và 0,1% theo Ấn giáo.
Từ năm 2000 cho tới nay mỗi năm có khoảng 100.000 tín hữu làm đơn xin ra khỏi Giáo Hội, để khỏi phải đóng thuế tôn giáo. Nhưng Giáo Hội Đức vẫn duy trì được truyền thống hoạt động bác ái tốt, với 450 triệu Euros tài trợ cho các dự án bác ái và truyền giáo trên năm châu. Trong chuyến viếng thăm nước Đức hồi tháng 9 năm 2011 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ca ngợi cung cách tổ chức rất tốt và quy củ của Giáo Hội Đức, nhưng ngài cũng nhấn mạnh cần phải có sức mạnh tinh thần và một đức tin sống động. Hiện nay với 1,2 triệu nhân viên, hai Giáo Hội công giáo và tin lành Đức là tổ chức tạo công ăn việc làm đứng hàng thứ hai sau chính quyền.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Ông Wilhelm Imkamp, sử gia lịch sử Giáo Hội, về Giáo Hội Đức và các thách đố trong Năm Đức Tin. Đức Ông cũng là cố vấn Bộ Phong Thánh, giám đốc Đền Thánh Đức Mẹ Vesperbild vùng Bavière Nam Đức, và là một quan sát viên uy tín và trung thực tình hình Giáo Hội Đức.
Hỏi: Thưa Đức Ông, Giáo Hội công giáo Đức cần đến các hoa trái nào nhất trong Năm Đức Tin đã được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khai mạc ngày 11 tháng 10 vừa qua?
Đáp: Cần có việc tiếp nhận Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo. Nó phải trở thành một nền tảng bắt buộc đối với việc thông truyền nội dung của đức tin. Điều này có giá trị đối với việc chuẩn bị tín hữu lãnh nhận các bí tích cũng như đối với chương trình đào tạo và các chương trình dậy dỗ của các giáo chức dạy môn tôn giáo, và dĩ nhiên là kể cả việc chuẩn bị các linh mục tương lai nữa.
Hỏi: Đức Ông là giám đốc trung tâm thánh mẫu Vesperbild trong vùng Bavière Nam Đức, là một đền thánh rất nổi tiếng, dấu chỉ lòng sùng kính ngàn đời của tín hữu công giáo Đức đối với Đức Mẹ. Tình yêu đó đối với Mẹ Maria ngày nay có còn không, hay nó cần phải được tái khám phá?
Đáp: Chỉ nội tước hiệu ”Mẹ Giáo Hội” cũng cho thấy tầm quan trọng mà Đức Trinh Nữ Maria có đối với Năm Đức Tin này. Đức Mẹ là ”Cửa đức tin”, và vì thế cũng là ”Cửa Trời” nữa. Tại trung tâm thánh mẫu Vesperbild tình yêu đối với Mẹ Thiên Chúa nở hoa và bừng cháy. Và lòng đạo đức bình dân có một vai trò quan trọng trong Năm Đức tin này.
Hỏi: Trong các Giáo Hội nói tiếng Đức người ta vẫn nhận thấy có một thái độ phản đối huấn quyền và có một tâm thức bài Roma nào đó còn tồn tại, mặc dầu các Giáo Hội này tỏ ra cằn cỗi không sinh sản, và trong thời gian hậu công đồng chung Vaticăng II nhiều kitô hữu đã bỏ cộng đoàn. Tại sao các thái độ này vẫn còn kéo dài thưa Đức Ông?
Đáp: Liên quan tới tâm thức bài Roma, thần học gia Hans Urs von Balthasar đã nói tất cả những gì cần nói. Rất tiếc đây là một nét liên tục trong lịch sử của Giáo Hội Đức. Nói một cách mạnh mẽ hơn, học giả Febronio, một chuyên viên giáo luật, sống hồi thế kỷ XVIII (1701-1790) đã khước từ quyền của Đức Giáo Hoàng được lên tiếng về cung cách hành xử của Giáo Hội Đức. Tâm thức bài Roma ấy vẫn còn tồn tại. Và có nhiều thần học gia Đức đã không bao giờ đi quá Công Đồng Pistoia năm 1786, là Công Đồng bị Đức Giáo Hoàng Pio VI kết án. Trong Công Đồng ấy người ta đã đề nghị một cuộc cải cách Giáo Hội trong chiều hướng thuyết Jansenisme. Nói cho cùng tâm tình bài Roma là tàn dư của thế kỷ XVIII.
Hỏi: Tại sao Giáo Hội và chính đức tin của người trẻ lại ít thuyết phục như vậy thưa Đức Ông?
Đáp: Cấu trúc của Giáo Hội với các ủy ban phức tạp và các hội đồng cố vấn không được nhận thức trong sự cao cả tinh thần của nó, nhưng chỉ như là một cơ cấu bằng mọi cách cố gắng có tầm quan trọng xã hội. Nhưng về lâu về đài các kết qủa, chẳng hạn như của các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ hay của các phong trào giáo hội mới, có thể thay đổi các sự vật.
Hỏi: Ngày nay người ta thường xin các linh mục và các nhân vật của Giáo Hội lên tiếng về bất cứ đề tài nào liên quan tới cuộc sống xã hội: môi sinh, lao động, các quyền con người… Có người cho rằng tốt hơn là tập trung vào các nội dung của đức tin và bỏ các đề tài khác đi. Đức Ông nghĩ sao?
Đáp: Tôi hoàn toàn đồng ý với lập trường này. Nếu không có việc tiêu hóa Giáo Lý Công Giáo mà chúng ta đã đề cập đến trên đây, thì đức tin bay hơi và biến mất. Ở đây cũng thế, nhưng có hy vọng sửa chữa được, chẳng hạn như với các chương trình như Youcat để phổ biến giáo lý cho các bạn trẻ tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Madrid.
Hỏi: Thưa Đức Ông Imkamp, đức tin cũng được diễn tả ra qua các dấu chỉ. thế thì đâu là các dấu chỉ cần tái khám phá ra?
Đáp: Cần phải có một dẫn nhập đặc biệt vào các Bí Tích. Lòng đạo đức bình dân không hiểu biết ý nghĩa sâu xa của nó. Các Bí tích là một kho tàng cần tái khám phá và tái cống hiến cho tín hữu. Ngoài ra theo tôi thấy một công tác mục vụ suy tư xem phải làm thế nào để thành công trong lãnh vực này cũng là điều cấp thiết.
(Avvenire 12-8-2012)
Linh Tiến Khải
R.Vatican