Đám cưới cũng phải… chính chủ!
Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch TP.HCM vừa triển khai lấy ý kiến về việc đưa nội dung “cơ sở, nhà hàng chỉ tiến hành tổ chức tiệc cưới khi có giấy chứng nhận kết hôn (CNKH)” vào danh sách tiêu chuẩn nhà hàng tiệc cưới văn minh. Mới nghe, nhiều người, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực dịch vụ nhà hàng – khách sạn “tá hoả”.
Nghe rằng, có doanh nhân đã lo lắng: “Thời buổi kinh tế khó khăn, trong khi các doanh nghiệp phải tung ra hết chương trình khuyến mãi này tới chương trình khuyến mãi khác còn chưa hút khách, nói gì đến áp dụng cái quy định trời ơi đất hỡi này? Vừa mất tính cạnh tranh, vừa phiền hà khách không đáng có”.
Có người còn gay gắt hơn: “Chúng tôi là nơi làm dịch vụ chứ đâu phải cơ quan hành chính! Tiêu chí của đơn vị cung cấp dịch vụ là phải thuận tiện, nhanh chóng và tạo cảm giác thoải mái cho khách hàng. Nhà hàng chỉ là nơi để tổ chức tiệc cưới, không phải là cơ quan quản lý nhà nước nên không có quyền yêu cầu khách hàng phải trình giấy đăng ký kết hôn. Nếu hỏi tới mấy cái giấy tờ này chắc chắn sẽ làm khách bực bội, nếu khách nào dễ tính còn đỡ, khách khó tính thì chắc “bái bai” sớm”.
Ở góc độ người làm luật, có vị luật sư lên tiếng: “Nhà hàng tiệc cưới không phải là cơ quan quản lý nhà nước để có thẩm quyền yêu cầu xuất trình giấy đăng ký kết hôn và chấp nhận hay không. Nhà hàng tiệc cưới là đơn vị hoạt động kinh doanh được pháp luật cho phép trong lĩnh vực hoạt động này nên họ có quyền tiếp nhận các yêu cầu tổ chức tiệc, miễn sao không trái qui định của pháp luật. Với qui định này có thể làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên”.
Về phía người dân, có ý kiến mang tính hài hước cho rằng việc đòi hỏi phải có giấy đăng ký kết hôn mới được tổ chức tiệc cưới, thì chẳng khác gì đám ma phải có giấy khai tử mới được đưa tang, tiệc sinh nhật phải trình giấy khai sinh… Nghe cũng thật muốn cười ra nước mắt!
Tuy nhiên, ngược dòng, không ít người đã nhất trí cao với đề xuất này của cơ quan chức năng. Mà họ không thiếu cơ sở để lập luận đâu nhé.
Này là chuyện một ông 60 tuổi đến nhà hàng đặt tiệc cưới cho mình và cô dâu 16 tuổi. Hay có đám cưới nọ, bà con, bạn bè đang tưng bừng chúc mừng cô dâu chú rể, bất ngờ có phụ nữ đằng đằng sát khí xông vào nhà hàng quậy tưng với danh xưng là vợ chính thức của… chú rể. Nếu có “vụ” yêu cầu “xuất trình” giấy CNKH thì đâu có chuyện cô dâu chưa đủ tuổi kết hôn đã “được” lấy chồng, hay ngày vui biến thành cuộc chiến.
Nhìn sự việc từ góc nhìn rộng hơn, nhiều người ủng hộ chủ trương này vì cho rằng điều đó giúp các bạn trẻ có trách nhiệm hơn khi đến với nhau, tạo thành một thói quen sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội…
Trước dư luận trái chiều, đại diện đơn vị đưa ra đề xuất giải thích, đây không phải quy định bắt buộc, mà chỉ là cuộc vận động, là một trong những tiêu chuẩn để xây dựng nhà hàng tiệc cưới văn minh. Nghe được vậy, Tám tui thở phào!
Xây dựng nếp sống văn minh là việc phải làm. Giúp giới trẻ sống có trách nhiệm cũng là điều cần làm. Song đẻ ra những quy định mà việc thực hiện nó không phải là cách duy nhất hay tối ưu để thượng tôn pháp luật, lại gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn làm ăn trầy trật như vầy, thì chẳng nên chút nào. Thậm chí, Tám Sài Gòn nghĩ, những “sáng kiến” kiểu ấy còn cần bị thẳng tay loại bỏ.
Tám Sài Gòn