Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới Năm 2013
“Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình” là chủ đề của sứ điệp của Đức Thánh Cha Benedict XVI gửi Ngày Hoà Bình Thế Giới lần thứ 46 sẽ được tổ chức vào ngày 1 tháng 1 năm 2013 tới đây. Sứ điệp lần này gồm 7 số, sau đây chúng tôi xin gửi đến quý vị nguyên văn 3 số đầu của sứ điệp này:
1. Năm mới luôn mang lại cho chúng ta niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn. Trong ánh sáng này, tôi nguyện xin Thiên Chúa, là Cha của nhân loại, ban cho tất cả chúng ta sự hoà thuận và bình an để những khao khát của chúng ta về một đời sống hạnh phúc và thịnh vượng có thể được thành tựu.
Năm mươi năm sau ngày khai mạc Công Đồng Vaticano II vốn là sự kiện giúp chúng ta đào sâu sứ mạng của Giáo hội trong thế giới, chúng ta phấn khởi nhận ra rằng những người Kitô hữu, như là Dân Thiên Chúa trong việc bước theo Người và sống giữa lòng thế giới, chúng ta dấn thân vào lịch sử để chia sẻ vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng[1], khi chúng ta công bố ơn cứu độ của Đức Kitô và thăng tiến hòa bình cho nhân loại.
Thực tế, thời đại của chúng ta được đánh dấu bởi sự toàn cầu hoá với những khía cạnh tích cực và tiêu cực của nó, cũng như sự tiếp nối của những xung đột bạo lực và những đe doạ của chiến tranh, đòi hỏi một sự dấn thân mới mẻ và mang tính hợp tác trong việc theo đuổi ích chung cũng như sự phát triển của mọi người, và sự phát triển toàn diện của con người.
Thật đáng báo động khi chứng kiến sự lan tràn của những căng thẳng và xung đột gây ra bởi sự phát triển của sự bất bình đẳng giữa giàu và nghèo, sự lan tràn của não trạng cá nhân và ích kỷ vốn tìm thấy sự biểu hiện của nó trong chủ nghĩa tư bản tài chính thiếu sự kiểm soát. Bên cạnh những hình thức đa dạng của chủ nghĩa khủng bố và tội ác quốc tế, hoà bình cũng bị đe doạ bởi trào lưu chính thống và chủ nghĩa cuồng tín, bóp méo bản chất tôn giáo đích thực, vốn mời gọi cổ võ tình liên đới và sự hoà giải giữa mọi người.
Thời nào cũng vậy, những nỗ lực khác nhau trong việc kiến tạo hoà bình nhan nhãn trong thế giới chúng ta chứng minh rằng ơn gọi căn bản của con người là hoà bình. Nơi mỗi người, khao khát hoà bình là một khao khát căn bản, trong một cách thức nào đó, hoà hợp với nỗi khao khát về một đời sống hạnh phúc và thịnh vượng tròn đầy. Nói cách khác, nỗi khát khao hoà bình liên quan đến một nguyên lý luân lý nền tảng, nghĩa là liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi nơi sự phát triển của cộng đồng và xã hội, vốn cũng là một thành phần trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người. Con người được sáng tạo cho sự hoà bình vốn là một qùa tặng của Chúa.
Tất cả những thao thức trên thúc đẩy tôi chọn chủ đề cho Thông Điệp năm nay từ những lời của Đức Giêsu: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).
Mối phúc Tin Mừng
2. Các mối phúc mà Đức Giêsu công bố là những lời hứa. Trong truyền thống Kinh Thánh, mối phúc là một thể loại văn chương liên quan đến những tin tốt lành, một “Tin Mừng”, là chóp đỉnh của một lời hứa. Do đó, các mối phúc không chỉ là những khích lệ về mặt luân lý, cổ võ người ta tuân giữ để thấy trước, thường là trong đời sống mai hậu, những phần thưởng hay những vị thế hạnh phúc trong tương lai. Đúng hơn, phúc lành mà các mối phúc nói đến hệ tại ở việc viên mãn của một lời hứa dành cho tất cả những ai để cho mình được hướng dẫn bởi những đòi hỏi của chân lý, công bình và bác ái. Trong con mắt của thế gian, những người tin tưởng vào Thiên Chúa như thế thường bị xem là kẻ khờ khạo và xa rời thực tế. Tuy nhiên, Đức Giêsu nói cho họ rằng, không chỉ ở đời sau nhưng ngay tại đời này, họ sẽ khám phá ra mình là con cái của Thiên Chúa, và rằng Thiên Chúa đã, đang và sẽ mãi ở bên cạnh họ. Họ hiểu rằng mình không lẻ loi, bởi vì Thiên Chúa là đồng minh với những con người dấn thân cho chân lý, công bình và bác ái. Đức Giêsu, mạc khải Tình yêu của Chúa Cha, không do dự trao ban chính mình như một sự tự hiến. Mỗi khi chúng ta đón nhận Đức Giêsu, Đấng là Thiên Chúa và là con người, chúng ta kinh nghiệm được niềm vui về một quà tặng lớn lao: sự sẻ chia chính sự sống của Thiên Chúa, đời sống ân sủng và là lời hứa về sự hiện hữu hạnh phúc tròn đầy. Cụ thể, Đức Kitô ban cho chúng ta bình an đích thực phát sinh từ một cuộc gặp gỡ đầy tin tưởng giữa con người với Thiên Chúa.
Mối phúc của Đức Giêsu nói cho chúng ta biết hoà bình là một món quà của Đấng Mesia nhưng đồng thời cũng là hoa trái phát sinh từ những nỗ lực của con người. Thực vậy, hoà bình giả thiết về sự mở ra của con người đối với siêu việt. Nó là hoa trái của một món quà hỗ tương, của một sự phong phú mang tính hai mặt. Nhờ vào quà tặng này, một quà tặng có nguồn cội nơi Thiên Chúa, chúng ta có thể sống với và sống cho người khác. Nền đạo đức của hoà bình là đạo đức của tình liên đới và chia sẻ. Điều tuyệt đối cần thiết là những nền văn hoá của chúng ta trong thời đại ngày nay cần vượt qua những hình thức nhân loại học và đạo đức dựa trên những giả định vốn chỉ mang tính chủ quan và thực dụng, nơi đó mối tương quan đồng tồn tại được gợi hứng bởi các tiểu chuẩn về quyền lực và ích lợi, phương tiện trở thành cùng đích chứ không phải ngược lại, văn hóa và giáo dục chỉ đơn thuần tập trung vào thiết bị, kỹ thuật và hiệu quả.
Điều kiện cần thiết để có hoà bình là sự xoá bỏ chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối và của một giả định về nền luân lý hoàn toàn tự trị vốn không thừa nhận luật luân lý tự nhiên, được Thiên Chúa ghi khắc trong lương tâm của mỗi người nam và người nữ. Hoà bình cần được xây dựng trên sự đồng hiện diện của những thuật ngữ lý trí cũng như luận lý, được đặt nền tảng trên những tiêu chuẩn vốn không phải do con người tạo nên, nhưng đúng hơn là do Thiên Chúa. Thánh Vịnh 29 nói rằng: Xin Yavê ban uy lực cho dân Người, Yavê chúc lành cho dân Người bình an” (câu 11).
Hoà bình: Quà tặng của Thiên Chúa và hoa trái của nỗ lực con người
3.Hoà bình liên quan đến con người xét như toàn thể và nó đòi hỏi sự dấn thân trọn vẹn. Hoà bình với Thiên Chúa là một đời sống được sống theo ý muốn của Ngài. Hoà bình cũng là một sự bình an nội tâm nơi chính mình và hoà bình ngoại tại với tha nhân và với các tạo vật. Trên hết, như chân Phước Gioan 23 đã viết trong thông điệp Hòa Bình Trên Thế Giới (Pacem in Terris), mà chúng ta sẽ kỷ niệm 50 vào những tháng tới, hòa bình đòi hỏi xây dựng trên một sự đồng tồn tại được đặt nền tảng trên chân lý, tự do, bác ái và công bình[2]. Sự khước từ điều làm nên bản chất đích thực của con người trong những chiều kích thiết yếu nhất, trong khả năng nội tại để biết chân lý và sự thiện, và một cách tối hậu, là khả năng nhận biết chính Thiên Chúa, sẽ gây nguy hại cho việc kiến tạo hòa bình. Không có chân lý về con người vốn được Đấng Tạo Hóa ghi dấu trong trái tim con người, tự do và bác ái trở nên giả tạo, và công bình đánh mất đi nền tảng tồn tại của chính mình.
Để trở nên người kiến tạo hòa bình đích thực, chúng ta cần phải luôn nhớ về chiều kích siêu việt của mình và phải đi vào một cuộc đối thoại liên lỉ với Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, ngang qua đó chúng ta sẽ khám phá ra ơn cứu chuộc mà Người Con Duy Nhất của Ngài đã mang đến cho chúng ta. Nhờ đó, con người có thể vượt qua được những bóng mờ của sự tiến bộ và sự khước từ hòa bình vốn là tội lỗi trong tất cả hình thức của nó: ích kỷ, bạo lực, kiêu căng, khao khát quyền lực và thống trị, thiếu lòng khoan dung, ghen ghét và các cơ cấu bất công.
Thành tựu hòa bình phụ thuộc trước hết vào việc chúng ta nhận ra, nơi Thiên Chúa chúng ta là một gia đình nhân loại. Như Hòa Bình Trên Thế Giới (Pacem in Terris) dạy rằng, gia đình này được cấu trúc bởi các mối tương quan liên vị và các thể chế vốn được hỗ trợ và được làm sống động bởi cộng đồng “chúng ta”, đòi hỏi một trật tự luân lý nội tại cũng như ngoại tại, mà trong đó, hợp với chân lý và công bình, các quyền hỗ tương và các nghĩa vụ tương ứng được chân nhận. Hòa bình là một trật tự được sống động và hòa hợp bởi đức ái, trong đó chúng ta sẽ cảm thấy nhu cầu của tha nhân cũng là của chính mình; chúng ta chia sẻ thiện ích với tha nhân và lao tác cho thế giới cho một sự hiệp thông lớn hơn về những giá trị tinh thần. Hòa bình là một giá trị đạt được trong tự do, nghĩa là trong một cách thế phù hợp với phẩm giá của con người, với bản chất của mình như là những hữu thể có lý trí, con người chịu trách nhiệm cho hành động của mình.[3]
Hòa bình không phải là một giấc mơ hay một điều gì đó không tưởng, nhưng là một điều khả thi. Chúng ta cần nhìn sâu xa hơn, vượt qua những vẻ bề ngoài và các hiện tượng bên ngoài, chúng ta sẽ nhận ra một thực tại tích cực tồn tại trong trái tim con người, vì mỗi người nam và nữ đã được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa và được mời gọi để lớn lên và góp phần vào việc xây dựng một thế giới mới. Chính Thiên Chúa, ngang qua mầu nhiệm nhập thể của Người Con và công trình cứu chuộc của Người, đã đi vào lịch sử và đã mang đến một cuộc tạo dựng và một giao ước mới, giao ước giữa Thiên Chúa và con người (xem Gr 31,31-34), và ngài cũng ban cho chúng ta một “trái tim mới” và một “thần khí mới” (xem Gr 36,26).
Vì lý do này, Giáo Hội nhận ra một nhu cầu cấp thiết trong việc tái công bố về Đức Giêsu, là yếu tố đầu tiên và nền tảng của sự phát triển hội nhất nơi con người và cũng là của sự hòa bình. Đức Giêsu là hòa bình đích thực, là công bình và sự hòa giải của chúng ta (x. Ep 2,14; 2Cr 5,18). Người kiến tạo hòa bình, theo mối phúc của Đức Kitô, là người tìm kiếm thiện ích cho người khác, thiện ích trọn vẹn nơi linh hồn và trong thân xác, hôm nay cũng như mai sau.
Từ lời dạy này, người ta có thể suy ra rằng, mỗi người và mỗi công đoàn, cho dù thuộc về tôn giáo, nền giáo dục và văn hóa nào đi nữa, tất cả đều được mời gọi để lao tác cho hòa bình. Hòa bình là một sự thành tựu những thiện ích nơi một xã hội trong mọi mức độ khác nhau, ở mức độ cơ sở, trung cấp, quốc gia, quốc tế và toàn cầu. Rõ ràng, vì lý do này con đường để đạt đến thiện ích chung cũng chính là con đường phải đi trong việc theo đuổi hòa bình.
Người kiến tạo hòa bình là người yêu mến, bảo vệ và thăng tiến sự sống trong sự toàn vẹn của nó
4. Con đường đạt đến thiện ích chung và hòa bình trên hết cần phải tôn trọng phẩm giá con người trong mọi chiều kích, bắt đầu từ khi thụ thai, thông qua sự phát triển cho đến cái chết tự nhiên của nó. Người kiến tạo hòa bình đích thực phải là người yêu mến, bảo vệ và thăng tiến sự sống con người trong sự toàn vẹn của nó, cá nhân, cộng đoàn và siêu việt. Sự sống trong ý nghĩa trọn vẹn nhất chính là đỉnh cao của hòa bình. Bất cứ ai yêu mến hòa bình thì không thể xem nhẹ những tấn công và tội ác chống lại sự sống.
Những ai không tôn trọng sự sống con người, và hệ quả là, trong số những điều khác, cổ võ việc tự do phá thai, những người này không nhận ra rằng, khi làm như vậy, họ đang theo đuổi một thứ hòa bình giả tạo. Sự chối bỏ trách nhiệm, hạ thấp phẩm giá con người, và thậm chí giết chết những trẻ em vô tội và không có khả năng tự vệ, sẽ không bao giờ có thể đem lại hạnh phúc và bình an. Thực vậy, làm sao một người có thể tuyên bố mình đang kiến tạo hòa bình, mang lại sự phát triển toàn diện cho con người hay bảo vệ môi trường trong khi không bảo vệ những con người yếu thế nhất, những con người chưa cất tiếng khóc chào đời. Mọi xúc phạm chống lại sự sống, đặc biệt trong giai đoạn đầu của nó, sẽ gây ra những thiệt hại không thể sửa chữa được cho sự phát triển, hòa bình và môi trường. Người ta không chỉ khôn khéo đưa vào luật những quyền và những thứ tự do giả tạo mà, dựa trên nền tảng của quan điểm giản lược và tương đối về con người, họ còn khéo léo sử dụng những diễn tả mập mờ nhắm đến việc thăng tiến quyền ủng hộ việc phá thai và chết êm dịu. Những mánh khóe đó đang đe dọa quyền cơ bản của sự sống.
Cũng cần phải nhìn nhận và thăng tiến cơ cấu tự nhiên của gia đình, là sự kết hợp của một người nam và một người nữ, chống lại những toan tính đồng hóa về mặt pháp lý cơ cấu tự nhiên này với những hình thức hoàn toàn khác biệt; những nỗ lực đồng hóa như thế thực sự làm thương tổn và góp phần làm xáo trộn nền tảng của hôn nhân, che khuất bản chất đặc biệt và làm lu mờ vai trò của nó trong đời sống xã hội.
Những nguyên lý này vốn không phải là những chân lý đức tin, và nó cũng không đơn thuần là kết quả của quyền về tự do tôn giáo. Chúng được ghi khắc trong bản chất con người, có thể tiếp cận bởi lý trí và chung cho tất cả mọi người. Do đó, những nỗ lực của Giáo hội để thăng tiến chúng không mang đặc nét của niềm tin, nhưng muốn ngỏ lời với tất cả mọi người, không kể nguồn gốc tôn giáo của họ. Những nỗ lực như thế càng cần thiết hơn khi những nguyên lý này bị khước từ hay hiểu lầm, vì điều này tạo nên một sự xúc phạm chống lại chân lý về con người, và gây nên một thiệt hại nghiêm trọng cho công lý và hòa bình.
Một phương thế quan trọng khác để kiến tạo hòa bình là các hệ thống pháp luật và việc thực thi công lý nhìn nhận quyền được sử dụng nguyên tắc phản kháng lương tâm trước những luật lệ và biện pháp của chính quyền chống lại phẩm giá con người như phá thai và làm cho chết êm dịu. Cũng liên quan đến hòa bình thế giới, một trong những quyền nền tảng của con người là quyền của cá nhân và cộng đoàn đối với tự do tôn giáo. Vào thời điểm này của lịch sử, điều có tầm quan trọng khẩn thiết là phải thăng tiến quyền này, không chỉ từ khía cạnh tiêu cực, nghĩa là tự do khỏi – ví dụ, khỏi những ràng buộc và những giới hạn liên quan đến việc chọn lựa tôn giáo – nhưng còn ở khía cạnh tích cực, trong những diễn tả khác nhau của nó, nghĩa là tự do để, ví dụ, tự do để làm chứng và loan báo, thực hiện những hoạt động giáo dục và từ thiện, hiện hữu và hành động như một tổ chức xã hội hợp với những nguyên lý học thuyết và mục đích của nó. Đáng buồn thay, tình trạng áp bức tôn giáo vẫn gia tăng kể cả ở những nước có truyền thông Kitô giáo lâu đời, đặc biệt liên quan đến Kitô giáo và những người mang những dấu hiệu nói lên căn tính tôn giáo của mình.
Những người kiến tạo hòa bình cũng cần nhớ rằng, trong sự phát triển của quan điểm công chúng, những ý thức hệ về tự do cực đoan và chế độ kỹ trị đang cố gắng thuyết phục người ta rằng sự phát triển kinh tế nên được theo đuổi kể cả khi nó phương hại đến trách nhiệm xã hội của một quốc gia và những mạng lưới liên đới của xã hội dân sự, cũng như các quyền và nghĩa vụ mang tính xã hội. Nên nhớ rằng, các quyền và nghĩa vụ này vốn là nền tảng để hiện thực hóa những quyền và nghĩa vụ khác, khởi đi từ những quyền dân sự và chính trị.
Một trong những quyền và nhiệm vụ cơ bản nhất đang bị đe dọa trong thế giới ngày nay là quyền làm việc. Lý do là vì sự thừa nhận quyền lợi về tình trạng pháp lý của công nhân đang không ngừng bị xem nhẹ. Vì sự phát triển kinh tế được xem là một yếu tố phụ thuộc hoàn toàn và chính yếu vào những thị trường tự do. Trong khi đó, lực lượng lao động bị coi là một biến số phụ thuộc vào cơ chế kinh tế và tài chính. Liên quan đến điều này, tôi xác nhận rằng phẩm giá con người và các yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội, đòi hỏi chúng ta tiếp tục “ưu tiên mục tiêu tạo ra việc làm ổn định cho mọi người” [4]. Để thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng này, điều kiện tiên quyết là phải đổi mới cái nhìn về lao động, dựa trên những nguyên tắc đạo đức và những giá trị tinh thần vốn xem khái niệm lao động là một thiện ích cơ bản đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Điều này đòi phải nghiên cứu và thực hiện những chính sách can đảm và mới mẻ để mọi người có công ăn việc làm.
Xây dựng thiện ích hòa bình ngang qua một mô hình mới về phát triển và kinh tế
5. Ngày nay, ở nhiều nơi người ta thấy cần một mô hình phát triển mới, cũng như một cách thế tiếp cận mới đối với lĩnh vực kinh tế. Sự phát triển bền vững và hội nhất trong tình liên đới và thiện ích chung đòi hỏi một bậc thang đúng đắn về giá trị và thiện ích, một cấu trúc nhìn nhận Thiên Chúa như là điểm tham chiếu tối hậu của mình. Việc sẵn có các phương tiện và chọn lựa cho dẫu là một điều tốt nhưng chưa đủ. Sự đa dạng các thiện ích cổ võ sự phát triển cũng như sự sẵn sàng của những chọn lựa khác nhau phải được sử dụng nhắm đến việc đảm bảo cho một đời sống tốt, một cách hành xử đúng đắn vốn ý thức về vị trí ưu việt của giá trị thiêng liêng và lời mời gọi lao tác cho thiện ích chung. Nếu không chúng sẽ đánh mất đi ý nghĩa đích thực của mình, và cuối cùng là trở nên những thứ ngẫu tượng mới.
Để có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài kinh tế và tài chính hiện nay – vốn đưa đến sự bất bình đẳng ngày càng lớn hơn – chúng ta cần những con người, nhóm người và các thể chế thăng tiến sự sống, cổ võ cho sự sáng tạo của con người. Họ có thể rút ra từ chính cuộc khủng hoảng này một cơ hội nhận định và tìm kiếm một mô hình kinh tế mới. Mô hình kinh tế thịnh hành trong những thập niên gần đây thường tìm kiếm lợi nhuận và tiêu thụ tối đa, dựa trên nền tảng của não trạng cá nhân và ích kỷ, nhắm đến việc đánh giá con người chỉ dựa trên khả năng của họ trong việc đáp ứng những đòi hỏi của cạnh tranh. Nhưng xét trên một quan điểm khác, sự thành công đích thực và lâu dài chỉ đạt được ngang qua món quà là chính chúng ta. Vì bên cạnh khả năng tri thức và kỹ năng nghề nghiệp, sự phát triển kinh tế nhân bản đích thực và “sống động” còn đòi hỏi nguyên tắc nhưng không và lô-gích của quà tặng hiểu như cách biểu lộ tình huynh đệ[5]. Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, người kiến tạo hòa bình là người thiết lập nên mối dây công bình và tương trợ lẫn nhau nơi các công ty, công nhân, khách hàng và người tiêu thụ. Họ dấn thân vào hoạt động kinh tế vì thiện ích chung. Họ kinh nghiệm sự dấn thân này như là một điều gì đó vượt lên trên lợi ích cá nhân mình, vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai. Thực thế, họ làm việc không chỉ cho bản thân, nhưng còn để đảm bảo cho người khác có tương lai và một công việc xứng đáng.
Trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các quốc gia cần đưa ra các chính sách phát triển nông nghiệp và công nghiệp quan tâm đến sự thăng tiến xã hội và phát triển của các quốc gia lập hiến cũng như dân chủ. Việc tạo ra các cấu trúc đạo đức cho thị trường tiền tệ, tài chính và thương mại cũng là một yếu tố nền tảng và không thể bỏ qua; những hệ thống này cần được ổn định, phối hợp và kiểm soát tốt hơn để tránh phương hại đến những người nghèo.
Người kiến tạo hòa bình cũng cần phải tập trung vào cuộc khủng hoảng lương thực, vốn còn nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính. Vấn đề an toàn lương thực luôn là vấn đề trọng yếu của các chính sách quốc tế, như một hệ luận của các cuộc khủng hoảng, vấn đề gia tăng đột biến trong giá cả của các lương thực thiết yếu, những hành vi thiếu trách nhiệm của một vài tổ chức kinh tế, và về phần mình, các chính phủ và các tổ chức cộng đồng quốc tế thiếu sự kiểm soát cần thiết. Để đối diện với cuộc khủng hoảng này, những người kiến tạo hòa bình được mời gọi làm việc với nhau trong tinh thần liên đới, từ mức độ địa phương tới cộng đồng quốc tế, với mục đích là giúp người nông dân, đặc đặc biệt cho những nông dân nhỏ bé, thực hiện các công việc của mình trong một cách thức cao quý và bền vững xét từ quan điểm kinh tế, môi trường và xã hội.
Giáo dục một nền văn hóa hòa bình: vai trò của gia đình và các thể chế
6. Tôi mạnh mẽ xác nhận rằng những người kiến tạo hòa bình được mời gọi để nuôi dưỡng một lòng khao khát dành cho thiện ích chung của gia đình và công bình xã hội đồng thời dấn thân một cách hiệu quả vào lãnh vực giáo dục xã hội.
Không nên phớt lờ hay đánh giá thấp vai trò tiên quyết của gia đình, vốn là tế bào nền tảng của xã hội xét từ quan điểm nhân khẩu học, đạo đức, kinh tế, giáo dục và văn hóa. Ơn gọi tự nhiên của gia đình là thăng tiến đời sống: Gia đình đồng hành với mỗi cá nhân cho đến khi họ trưởng thành và khuyến khích một sự phát triển hỗ tương và phong phú ngang qua sự chăm sóc và sẻ chia. Cụ thể, gia đình Kitô giáo phục vụ như là một vườn ươm cho sự trưởng thành của cá nhân theo tiêu chuẩn tình yêu Thiên Chúa. Gia đình là một trong những chủ thể xã hội không thể thay thế được trong việc đạt được một nền văn hóa hòa bình. Quyền của các bậc cha mẹ và vai trò chính yếu của họ trong giáo dục con em mình trong lĩnh vực luân lý và tôn giáo phải được bảo vệ. Chính trong gia đình mà những con người kiến tạo hòa bình tương lai, những người thăng tiến nền văn hóa tình yêu và sự sống, được sinh ra và được dưỡng dục.[6]
Các cộng đoàn tôn giáo cũng dấn thân trong một cách thế đặc biệt trong nhiệm vụ giáo dục hòa bình. Giáo hội tin rằng mình đang chia sẻ trách nhiệm lớn lao này ngang qua sứ mạng Tân Phúc Âm Hóa vốn đặt trọng tâm vào trong việc hoán cải để đến với chân lý và tình yêu của Đức Kitô và, kết quả là sẽ dẫn đến một cuộc tái sinh về luân lý và thiêng liêng nơi các cá nhân và cộng đoàn xã hội. Việc gặp gỡ Đức Kitô khuôn đúc nên những con người kiến tạo hòa bình, những con người biết dấn thân cho cộng đồng và vượt qua mọi bất công.
Các thể chế văn hóa, trường học và các trường đại học có một sứ mạng đặc biệt về giáo dục hòa bình. Họ được mời gọi để đưa ra những đóng góp quý giá không chỉ ngang qua việc huấn luyện các thế hệ lãnh đạo tương lai, nhưng còn đổi mới các thể chế công cộng, ở cấp độ quốc gia cũng như quốc tế. Họ có thể góp phần vào những phản tỉnh mang tính khoa học vốn sẽ là nền tảng cho các hoạt động kinh tế và tài chính dựa trên một nền tảng nhân học và đạo đức vững chắc. Thế giới hôm nay, đặc biệt là thế giới chính trị, cần được hỗ trợ bởi một lối tư duy mới và một sự tổng hợp văn hóa mới để có thể vượt qua những phương pháp tiếp cận thuần kỹ thuật và hòa hợp những khuynh hướng chính trị khác nhau với quan điểm về thiện ích chung. Thiện ích chung, được xem như là một toàn thể những mối tương quan liên vị tích cực và có tính cơ cấu trong việc phục vụ cho sự phát triển hội nhất của các cá nhân và nhóm, chính là nền tảng của một nền giáo dục hòa bình đích thực.
Một khoa sư phạm cho những người kiến tạo hòa bình
7. Cuối cùng, chúng ta thấy cần phải đề nghị và thăng tiến một khoa sư phạm về hòa bình. Điều này đòi hỏi một đời sống nội tâm phong phú, những quan điểm luân lý rõ ràng và giá trị, cùng với những thái độ và lối sống thích hợp. Những hoạt động kiến tạo hòa bình thường kéo theo những thành tựu về thiện ích chung; những hoạt động này tạo ra những lợi ích cho hòa bình và dưỡng nuôi nó. Những suy nghĩ, lời nói và cử chỉ hòa bình thường tạo ra một tâm thức và một nền văn hóa hòa bình cùng với một bầu khí tôn trọng, yêu thương và thân ái. Vì vậy, cần dạy người ta biết yêu thương nhau, nuôi dưỡng hòa bình và sống cách nhân từ chứ không chỉ bao dung. Một sự khích lệ căn bản đối với thái độ sống này là “nói không với hận thù, nhận ra những bất công và chấp nhận những lời xin lỗi cho dù không tìm kiếm nó, và cuối cùng là biết thứ tha” [7]. Trong cách thức này, những lỗi lầm và những thù hận có thể được nhận ra trong chân lý, để cùng nhau đi đến sự hòa giải. Điều này cũng đòi hỏi phải không ngừng lớn lên trong khoa sư phạm tha thứ. Thực vậy, sự dữ chỉ có thể vượt qua nhờ sự thiện, và công bình chỉ có thể tìm thấy ngang qua việc bắt chước Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả con cái mình (xem Mt 5, 21-48). Đây chắc chắn là một tiến trình lâu dài, vì nó giả thiết một sự tiến triển thiêng liêng, một nền giáo dục về những giá trị cao quý và một cái nhìn mới về lịch sử nhân loại. Cũng cần biết từ bỏ thứ bình an giả tạo mà những ngẫu tượng thế gian hứa ban, cùng với những nguy hiểm luôn đi kèm với nó. Thứ bình an giả tạo này chỉ làm lu mờ lương tâm và đưa người ta đến một lối sống ích kỷ và dửng dưng. Trái lại, khoa sư phạm về hòa bình ám chỉ đến hoạt động, tình yêu thương, sự liên đới, lòng can đảm và sự kiên định.
Chính Đức Giêsu là hiện thân cho tất cả thái độ sống này trong đời sống của Ngài, thậm chí Ngài đã tự hiến mình, đến nỗi từ bỏ chính mạng sống mình (xem Mt 13,39; Lc 17,33; Ga 12,25). Ngài đã hứa với các môn đệ rằng sớm muộn gì họ cũng khám phá ra những điều tuyệt diệu mà tôi đã nói ở trên, nghĩa là Thiên Chúa ở trong thế giới và Thiên Chúa của Đức Giêsu là Đấng luôn hiện diện với con người. Ở đây, tôi muốn nhắc lại lời cầu nguyện, lời nguyện xin Thiên Chúa biến chúng ta thành những khí cụ bình an của Ngài, để chúng ta có thể mang tình yêu đến nơi hận thù, đem tình thương đến với người đau khổ, chân lý đức tin vào chốn lỗi lầm. Về phần mình, chúng ta hãy cùng chân phước Gioan 23 cầu xin Thiên Chúa soi sáng cho các vị lãnh đạo, để ngoài việc quan tâm đến lợi ích vật chất của dân tộc mình, họ còn biết đảm bảo cho người dân món quà quý giá là sự bình an, phá vỡ những bức tường chia cắt, đẩy mạnh mối dây yêu thương lẫn nhau, lớn lên trong sự hiểu biết và sẵn sàng thứ tha cho kẻ làm hại mình. Nhờ đó, ngang qua sức mạnh và thần hứng của Thiên Chúa, mọi người dân trên trái đất sẽ kinh nghiệm được tình huynh đệ, và sự hòa bình mà họ hằng mong mỏi, sẽ nở hoa và cư ngụ giữa họ.
Với lời nguyện này, tôi muốn bày tỏ niềm hy vọng của mình rằng tất cả mọi người sẽ trở thành người kiến tạo hòa bình đích thực, nhờ đó thành đô của nhân loại sẽ lớn lên trong sự hòa hợp huynh đệ, trong thịnh vượng và hòa bình.
Từ Vatican 8 tháng 12 năm 2012
+ Đức Thánh Cha Biển Đức XVI
————————————–
[1] Xem, Công Đồng Vaticano II, Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, Gaudium Et Spes, số 1.
[2] Xem Thông điệp Hòa Bình Trên Thế Giới (Pacem in Terris), 11 tháng 4 năm 1963: AAS 55(1963), 265-266.
[3] Xem, Ibid.: AAS 55 (1963), 266.
[4] Beneditto XVI, Thông Điệp Đức Ái Trong Chân Lý (29 – 06 -2009), 32: AAS 101 (2009), 666-667.
[5] Xem ibid, 34 và 36: AAS 101 (2009), 668-670 và 671-672.
[6] Đức Gioan Phaolo II, Sứ Điệp Nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới Năm 1994 (3 tháng 12 năm 1993) AAS 86 (1994), 156-162.
[7]Đức Thánh Cha Biển Đức, Bài Nói trong cuộc gặp với các thành viên chính phủ Lenbanon (15 tháng 9 năm 2012) báo Quan Sát Viên Roma (16-9-2012), trang 7.
[8] Xem Thông điệp Hòa Bình Trên Thế Giới (Pacem in Terris), 11 tháng 4 năm 1963: AAS 55(1963), 304.
Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Triệu sj chuyển ngữ
Nguồn tin: R.Vatican