Thần học 

“Phúc cho người đã tin”: Mẹ Thiên Chúa là gương mẫu đức tin

“PHÚC CHO NGƯỜI ĐÃ TIN”
MẸ THIÊN CHÚA LÀ GƯƠNG MẪU ĐỨC TIN

Kevin M. Clarke
Tạp chí “Homiletic & Pastoral ReviewChuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

 
Khi công bố tự sắc Porta Fidei trong Năm Đức Tin, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nêu Đức Maria như một gương mẫu cần phải noi theo và tín thác Năm Đức Tin này cho Mẹ. Vì thế, đây là thời gian để chúng ta có dịp suy tư về gương mẫu Đức Maria qua Kinh Thánh. Bài viết ngắn này chỉ xét đến một vài đoạn Kinh Thánh nói về Đức Maria – Truyền Tin, Thăm Viếng, can thiệp tại tiệc cưới Cana, đứng dưới chân Thập Giá – để đi vào tâm điểm đức tin của Đức Maria.Lời chào của Thiên Thần dành riêng cho Đức Maria 

Thánh Kinh giới thiệu Đức Maria cho các tín hữu qua cuộc gặp gỡ với Tổng Thiên Thần Gabriel (Lc 1, 26-38). Đây không phải là lời chào hỏi bình thường. Một vài bản dịch phóng tác ra rằng: “Xin chào! Đấng được sủng ái!” (“Greetings, O favored one!”)[1].  Nhưng dịch như thế là bất công với nguyên bản tiếng Hy Lạp, cũng không giải thích được sự bối rối của Đức Maria trong câu tiếp theo.

Lời nói đầu tiên với Đức Maria trong trình thuật Kinh Thánh là chaire (χαῖρε). Đây không hẳn là lời chào thông thường như “chào ông, chào bà, chào bác, chào chú!” mà gợi nhắc đến lời tiên tri của ngôn sứ Zacharia về sự xuất hiện của Vị Vua và là Đấng Cứu Thế (Dc 9, 9). Lời ấy như thế này: “Hãy vui mừng hoan hỷ! Nào thiếu nữ Sion!” (LXX: Χαῖρε σφόδρα θύγατερ Σιὼν). Đức Maria là Tân Thiếu Nữ Sion tiếp đón vị vua khiêm tốn và chính trực.

Tổng Thiên Thần gọi tiếp Đức Maria là “Đầy ơn phúc”. Có vài người phản biện rằng Thánh Stêphanô cũng được cho là “Đầy ơn phúc” đấy thôi! Thế nhưng trong tiếng Hy Lạp thì từ của Tin Mừng Thánh Luca dùng cho Đức Maria và từ cũng của Thánh Luca trong Tông Đồ Công Vụ dùng cho Thánh Stêphanô là hai từ khác nhau. Thiên thần gọi Đức Maria là kecharitōmenē (κεχαριτωμένη) còn đối với Thánh Stêphanô là plērēs charitos (πλήρης χάριτος). Plērēs charitos dịch là “đầy ơn phúc” (full of grace), “full” (đầy) là tính từ bổ nghĩa cho danh từ “grace” (ơn phúc), nhưng kecharitōmenē thì diễn tả một điều gì đó khác hoàn toàn bởi vì đây không phải là một danh từ mà là một phân từ ở thể thụ động hoàn thành (perfect passive participle). Phân từ (participle) mang những đặc tính của động từ (verb), nhưng cũng có thể mang nhiệm vụ như tính từ (adjective) hoặc trạng từ (adverb). Ở đây, người ta dùng phân từ (participle) để diễn tả Đức Maria. Vì từ này ở thể hoàn thành (perfect), có nghĩa là hành động đã hoàn tất; như vậy, nó đã bắt đầu ở một thời điểm trong quá khứ và có liên quan đến thời khắc hiện tại. Vì đây là thể thụ động (passive) nên có nghĩa là một hành động đã được thực hiện trên Đức Maria. Suy tư về điểm này, Đức Thánh Cha Bênêđictô nói: “Đây là danh hiệu đẹp nhất của Đức Maria … Ngài luôn là thế và vẫn mãi là thế, Người được sủng ái, người ưu tuyển, được chọn lựa để đón chào ân huệ rất cao trọng là Đức Giêsu”[2]

Như vậy, sự thánh thiện vô cùng của Đức Mẹ đã đánh động độc giả bằng hai từ Hy Lạp đơn giản mà Tổng Thiên Thần đã sử dụng trong sứ điệp quan trọng bậc nhất của lịch sử nhân loại, và tất cả điều này xảy ra trước khi Đức Maria thụ thai Chúa Giêsu. Chẳng mấy ngạc nhiên khi Đức Mẹ “đầy bối rối” trước lời chào này.

Câu trả lời của Đức Tin – “Xin hãy thành sự cho tôi” 

Trước khi tiếp tục, chúng ta nên dành đôi chút thời gian để nhìn lại. Biến cố Truyền Tin với Thiên Sứ Gabriel và Đức Maria ở Nazarét (Lc 1, 26-38) là đoạn song song đối nghĩa với biến cố Thiên Sứ Gabriel và ông Zacharia trong Đền Thờ (Lc 1, 5-25). Hai biến cố này có những điểm tương đồng: sự xuất hiện của Tổng Thiên Thần Gabriel, lời tiên tri về sự sinh ra của con trẻ đã được loan báo trước đây, đối thoại giữa sứ giả và người nhận tin. Nhưng những điểm tương đồng này được sử dụng để làm nổi lên sự khác biệt chính yếu giữa hai biến cố – sự nghi ngờ và đức tin.

Thật thú vị, ông Zacharia và Đức Maria hỏi cùng một câu hỏi. Ông Zacharia hỏi: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi” (c. 18). Đức Maria hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (c. 34). Vì không tin, Zacharia phải bị câm cho đến khi Gioan Tẩy Giả chào đời. Trái lại, Đức Maria đón nhận con trẻ trong cung lòng và sau này được ca ngợi vì đức tin của mình. Tại sao? Lý do đầu tiên là vì thiên thần nhìn thấy sự nghi ngờ nơi ông Zacharia và nơi Đức Maria thì đó là một đức tin tìm kiếm để hiểu biết. Hơn nữa, trong cuộc gặp đầu tiên, ông Zacharia là kẻ bề dưới còn trong cuộc gặp gỡ thứ hai thì sứ thần là kẻ bề dưới. Sứ thần Gabriel đang thông tin cho bề trên của mình, cho nữ hoàng của mình là đỉnh cao mọi sáng tạo của Thiên Chúa.

Các học giả Kinh Thánh có khuynh hướng nữ quyền thường đưa biến cố Truyền Tin ra như một kiểu mẫu điển hình về một Thiên Chúa gia trưởng, áp đặt sự nô dịch của mình lên nữ giới, và dưới cái nhìn như vậy thì Đức Maria không phải là “nữ tỳ của Thiên Chúa” mà là một nô lệ chịu khuất phục ý tưởng bốc đồng của kẻ độc tài. Thế nhưng kiểu chú giải đáng ngờ này đã bẻ cong và phản bội ngôn ngữ nguyên thủy của Kinh Thánh để gán ghép nhãn quan hiện đại nào đó cho một bản văn cổ xưa. Lời “thưa vâng” của Đức Maria không phải là sự ưng thuận thụ động chương trình của Thiên Chúa, Đức Maria hoàn toàn vui vẻ và chủ động khi đón nhận tin này.

Sau khi hiểu ra ý của thiên thần, Đức Maria trả lời bằng đức tin với tiếng fiat. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của từ này, ta lại phải quay trở về tiếng Hy Lạp. Đây là một thể thức động từ không có trong văn phạm tiếng Latinh và tiếng Anh (dĩ nhiên là cả tiếng Việt): vọng thức (optative: một thể động từ diễn tả sự ước muốn, ước ao). Ignace de la Potterie viết:

Chúng ta biết nhiều về tiếng fiat trong biến cố Truyền Tin cũng như fiat voluntas tua (“xin cho ý Cha thể hiện”) trong kinh Lạy Cha (Mt 6, 10) và của Chúa Giêsu trong vườn Giếtsêmani (Mt 26, 42), với động từ ở thể mệnh lệnh cách thụ động (passive imperative) {genēthētō} γενηθήτω (“hãy thành sự”). Còn đối với tiếng fiat của Đức Maria trong biến cố Truyền Tin, Thánh Luca dùng động từ ở vọng thức {genoito} γένοιτό (“mong cho được thành sự”) mà không có chủ từ, và đây là chỗ duy nhất trong Tân Ước dùng từ này. Trong tiếng Hy Lạp, vọng thức (optative) diễn tả “một ước muốn mừng vui” chứ không bao giờ là một lời thoái thác hay sự tuân phục miễn cưỡng trước một gánh nặng hay khổ nhọc. Như vậy ý nghĩa tiếng fiat của Đức Maria trong biến cố Truyền Tin không đồng nghĩa với fiat voluntas tua của Chúa Giêsu trong vườn Giếtsêmani, cũng không phải là công thức được dùng trong kinh Lạy Cha. Đây là một chi tiết đáng ghi nhận được lưu ý trong những năm gần đây song hiện nay ít được nhắc đến. Tiếng fiat của Đức Maria không chỉ là lời chấp nhận đơn thuần hoặc tệ hơn nữa là lời thoái thác. Đây là tiếng thưa vui mừng sẵn sàng từ bỏ mọi sự để tuân theo ý Chúa. Như vậy, niềm vui trong lời thưa cuối cùng này tương thích với niềm vui của lời mời gọi lúc ban đầu (của thiên sứ).[3]

Như vậy, Mẹ là gương mẫu cho mọi tín hữu trong việc chấp nhận thánh ý Chúa – với sự tin tưởng vui mừng và ước mong được đơm hoa kết trái. Ta có thể nghĩ đến sự nôn nóng của người yêu muốn ôm lấy trọn vẹn những ước vọng của người mình yêu, dầu những ước vọng này có đi kèm theo đau khổ và hy sinh.

“Phúc cho em là người đã tin”

Đức Thánh Cha Bênêđictô thường nhấn mạnh đến lời của bà Elizabét nối kết ơn phúc của Đức Mẹ với đức tin. Trong biến cố Thăm Viếng, bà Elizabét đã ngợi khen Đức Mẹ rằng: “Phúc cho em là người đã tin rằng lời Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện” (Lc 1, 45). Nên lưu ý rằng bà Elizabét sử dụng ở đây một từ khác với từ trong câu 42[4]. Bà dùng từ makaria (μακαρία) (“được chúc phúc” hay “hạnh phúc”), cùng một từ mà Chúa Giêsu dùng trong bài giảng Bát Phúc. Từ Makaria gần gũi với hạnh phúc hơn là từ eulogēmenē (εὐλογημένη), một từ liên quan đến ơn phúc, ân huệ của Thiên Chúa[5].Eulogēmenē (“phúc cho bạn”) là phân từ thụ động hoàn thành (perfect passive participle), tự nó đã có ý nghĩa, muốn nói lên hành động của Thiên Chúa trên Đức Maria vì đức tin của Mẹ.

Makaria được dùng như một tính từ bổ nghĩa cho “người đã tin” và đây là kinh nghiệm của bà Elizabét, người đã âm thầm chia sẻ ngay trong chính ngôi nhà của mình với một người “không tin” vào lời của thiên sứ  (cf. Lc 1, 20). Đức Maria hạnh phúc vì được Chúa chúc phúc nhờ đã tin trong khi ông Zacharia phải đợi chờ người con trong câm lặng, đó là hậu quả vì sự nghi ngờ của ông.
Thế nhưng sau này, khi Chúa Giêsu thi hành sứ vụ công khai, có phải tác giả Tin Mừng Luca dường như đã chuyển hướng, chối từ ơn phúc duy nhất của Mẹ Maria? Có phải Chúa Giêsu xem chừng như cũng muốn giảm thiểu ân huệ của Đức Maria, hay ít ra là muốn nâng tầm lòng tin của những người khác lên ngang tầm với Đức Maria? Khi giải thích đoạn Kinh Thánh trong văn mạch thì chúng ta thấy rõ ràng rằng Chúa Giêsu tuyệt nhiên không muốn giảm nhẹ vai trò làm mẹ thể lý của Đức Maria, đúng ra Ngài muốn chỉnh sửa một lối hiểu sai về ân phúc của Đức Maria.

Trong Luca chương 11, một phụ nữ cảm kích vì giáo huấn của Chúa Giêsu nên nói lớn tiếng giữa đám đông rằng: “Phúc (makaria) cho lòng dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!”. Chúa Giêsu lên tiếng đáp: “Đúng hơn là phúc (makarioi) cho những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa!” (cc. 27-28). Câu này dường như muốn xén bớt đi ơn phúc của Đức Trinh Nữ nếu chính Mẹ không tuân giữ tiêu chuẩn thật sự của ơn phúc. Đúng ra, Chúa Giêsu gián tiếp nhấn mạnh đến ơn phúc của Mẹ mình là người đã nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa  (cf. Lc 2, 19.51)[6]. Nói cách khác, bà Elizabét đã hiểu đúng về ơn phúc của Mẹ Đấng Cứu Thế “Phúc cho em là người đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 45). Câu này trong bản văn tiếng Hy lạp đã gọi Đức Maria là “người đã tin”, hē pisteusasa (ἡ πιστεύσσασα). Đây là phân từ ở thì quá khứ chủ động (aorist active), tác giả đã dùng một hành động để miêu tả Đức Maria là một người phụ nữ đã tin.

Dám xin rằng: “Họ hết rượu rồi!”

Để kết thúc cái nhìn sơ lược về lòng tin của Đức Maria trong Kinh Thánh, chúng ta xét qua hình ảnh của Thánh Gioan nói về Đức Mẹ như là người phụ nữ dám xin. Khi hết rượu tại tiệc cưới Cana, Đức Mẹ chỉ nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu” (Ga 2, 3). Phụ nữ thường có cách khéo léo để xin một điều gì đó mà không cần dùng dấu hỏi cuối câu. Người đàn ông nào yêu họ sẽ nhận ra ngay lời thỉnh cầu nằm ở trong câu nói. Ví dụ khi nghe vợ tôi nói: “Máy báo cháy kêu tít tít kìa” thì tôi lập tức hiểu rằng cô ấy muốn nói: “Phiền anh leo lên ghế thay cục pin được chứ?”. Thoạt tiên, Chúa Giêsu hiểu mẹ mình lo lắng về điều ấy, nên nói: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến tôi và bà?” (ti emoi kai soi, gunai? τί ἐμοὶ καὶ σοί, γύναι); Đây là một lối nói trong tiếng Hébreu không cần thiết phải hiểu theo nghĩa phản kháng[7]. Nếu hiểu lời của Đức Mẹ chỉ nói lên một điều hiển nhiên thì câu trả lời của Chúa Giêsu xem ra không hợp tình hợp cảnh.

Nhưng Chúa Giêsu lại cho chúng ta thấy tính đa nghĩa nơi lời xin của Đức Mẹ khi nói rằng: “Giờ con chưa đến” (c. 4). Trong Tin Mừng Thánh Gioan, giờ của Chúa Giêsu chính là cuộc khổ nạn của Ngài[8], và như vậy Chúa Giêsu hiểu câu “họ hết rượu” theo nghĩa hy lễ của chính mình. Quả là đáng ngạc nhiên: một phụ nữ hoàn hảo muốn nói lên một điều chỉ bằng một vài từ với một người đàn ông hoàn hảo và người ấy hiểu ngay lập tức. Và rồi Đức Mẹ nói cách đầy tự tin với các tôi tớ trong nhà: “Hãy làm những gì ông ấy bảo các anh” (c. 5). Khi nói lên câu này, rõ ràng Mẹ đã hiểu câu nói của Chúa Giêsu không phải là một lời từ chối mà là “lời ưng thuận” cho lời cầu xin của mình. Chỉ có thể là Đức Tin. Đây là sự trao đổi huyền nhiệm giữa Chúa Giêsu và Mẹ mình, nêu bật lên sự hiệp thông sâu thẳm không cần lời giữa hai người yêu nhau, và đây không phải là chuyện nhỏ nhặt xảy ra tại bữa tiệc cưới này[9]. Tiệc cưới Cana không phải là câu chuyện giữa cô dâu chú rể cho bằng là câu chuyện giữa Chúa Giêsu và Đức Maria.

Hơn nữa, “giờ” của Chúa đã tiên báo cho “giờ” của Đức Maria, vì cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu là cuộc khổ nạn của Mẹ (cf. Ga 19, 25). Dưới chân thập giá trên đồi Calvariô, Đức Mẹ sầu bi (mater dolorosa) đứng gần. Thế đứng (stasis) của Mẹ tiên báo cho sự phục sinh (anastasis) của Chúa Giêsu. Mẹ được ngợi khen trong các nghi lễ Đông phương – bài thánh ca Akathist (Ἀκάθιστος Ὕμνος, có nghĩa là “Thánh ca không ngồi”) đã ca tụng Mẹ là Đấng “không ngồi”. Trong khi đứng, Mẹ đã âm thầm lập lại lời Xin Vâng (fiat) như ngày xưa đã nói với thiên sứ và vang vọng lại lời nói với Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana.

Đức Maria là gương mẫu đức tin cao trọng không chỉ vì Mẹ dám tin tưởng cầu xin mà còn là vì Thiên Chúa đã đáp ứng Mẹ cách diệu kỳ. Biến cố Cana nói lên lời trong Tin Mừng Matthêu: “Hãy xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Mt 7, 7). Chúa Giêsu đã đáp ứng lời cầu xin của Mẹ tại tiệc cưới Cana không chỉ với “dấu hiệu” ngay tức khắc là biến nước thành rượu mà con đổ hết máu mình ra trên Thập Giá cho những tội nhân “đã hết rượu rồi!”.

Như vậy, đức tin hoàn hảo của Đức Maria luôn hướng nhìn về sự phục sinh. Mặc dù bị lưỡi gươm đau khổ đâm thâu, Mẹ vẫn không vấp phạm vì gương xấu của Thập Giá – Đức tin của Mẹ không lung lay vì ngay từ đầu Mẹ đã biết điều phải đến để vượt qua. Trong thông điệp về niềm hy vọng, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết: “Tại Nazareth thiên thần cũng nói với Mẹ: “Triều Đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 33). Triều đại này có chấm dứt trước khi được khởi sự không? Không, nơi chân Thánh Giá, với sức mạnh của chính lời Chúa Giêsu, Mẹ đã trở nên người mẹ các tín hữu. Trong niềm tin này, ngay trong đêm tối của Thứ Bẩy cực thánh, Mẹ đã mang trong lòng một xác quyết về niềm hy vọng, giúp Mẹ qua được tới buổi sáng Phục Sinh[10]. Ngài lại tiếp tục chủ đề này trong tự sắc Porta Fidei: “Với đức Tin, Mẹ Maria đã hưởng nếm những hoa trái của cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, và gìn giữ từng kỷ niệm trong lòng (cf. Lc 2, 19.51), và Mẹ truyền lại những kỷ niệm ấy cho Nhóm Mười Hai tụ họp với Mẹ trong Nhà Tiệc Ly để nhận lấy Chúa Thánh Thần  (cf. Cv 1, 14; 2, 1-4)” (PF, 13). Tóm lại, đức tin của Mẹ là một thực tại hiển nhiên có thể nhận thấy được trong Kinh Thánh từ khi Truyền Tin cho đến lúc Hiện Xuống. Mẹ là người có phúc vì đã tin.

Ta thấy rằng có nhiều người hiểu những đoạn Kinh Thánh về Đức Maria theo hướng giảm thiểu tầm quan trọng của Mẹ trong nhiệm cục cứu rỗi. Người thì cho rằng Mẹ được lựa chọn cách khiên cưỡng tại Nazarét, hoặc chẳng có tiếng nói nào trong vấn đề này, hoặc tình mẫu tử không sánh được với những người nghe và giữ lời Chúa, hoặc Đức Kitô đã khiển trách Mẹ tại tiệc cưới Cana, vv …. Là người “phụ nữ” gương mẫu cho đức tin và là người mà “Năm Đức Tin” này đã tín thác, Mẹ đã khuyên nhủ các tín hữu luôn vững mạnh hơn trong đức tin cũng như dạy chúng ta phải giải thích đúng Thánh Kinh. Mẹ không những chỉ dạy các tín hữu thuộc mọi thế hệ biết cầu xin những việc hệ trọng với Chúa mà còn phải biết làm “bất cứ điều gì” Ngài nói với sự tin tưởng hoàn toàn vào Đấng mà lời của Ngài là “đáng tin và chân thật” và là Đấng “đổi mới mọi sự” (cf. Kh 21, 5).

 


[1] Cf. Các bản dịch New Living Translation và English Standard Version
[2]  Kinh Truyền Tin, ngày lễ trọng Vô Nhiễm Nguyên Tội, 8 Tháng Mười Hai 2006.
[3] Ignace de la Potterie, SJ, Mary in the Mystery of the Covenant, Alba House, 1992, tr. 34-35
[4] “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42)
[5] M. Zerwick, S.J., và  M. Grosvenor, A Grammatical Analysis of the Greek New Testament, Gregorian and Biblical Press, Rome, tr. 172-173
[6] Cùng một chú giải với Lc 8, 19-21: “Mẹ và anh em ta là những ai nghe và thi hành lời Chúa”.
[7] Zerwick và Grosvenor, sđd, tr. 289
[8] Cf. Ga. 7, 30; 8, 20; 12, 23 tt; 13, 1; 17, 1. Xem thêm Ignace de la Potterie, The Hour of Jesus: The Passion and the Resurrection of Jesus According to John, Alba House, 1990
[9] Cf. M.J. Scheeben, Mariology, Vol. 1, B. Herder Book Co., London, 1946, pp. 154 ff
[10] Thông điệp Spe Salvi, 30 Tháng Mười Một 2007, số 50

Related posts