Văn hóa & Đức tin 

Quà tặng đầu năm – Sao lại: “Hai chị em lưu lạc”?

QUÀ TẶNG ĐẦU NĂM – SAO LẠI: “HAI CHỊ EM LƯU LẠC”?

Còn gì vui hơn, nhân ngày đầu năm, dẫu chẳng phải đầu năm âm lịch,  tết đến sau tiết lập xuân, trời nắng ấm, ngày đầu năm dương lịch đến kề tiết đông chí, thời tiết giá lạnh,  gió mùa đông  thổi về, tôi vẫn thấy ấm lòng vì vừa nhận được quà biếu của cha Phaolô Nguyễn Minh Chính, trưởng ban Truyền thông Văn hóa Giáo phận

Quà biếu không mang giá trị vật chất nhưng mang nặng tính văn hóa: cuốn tiểu thuyết trẻ em “Hai chị em lưu lạc” mà tác giả là một linh mục thuộc giáo phận Qui Nhơn  – Linh mục Phêrô Lục,  không thấy Họ của ngài. Cuốn tiểu thuyết được xuất bản trước khi tôi sinh ra hơn 20 năm, năm 1927, khi tác giả chuẩn bị  mừng ngày sinh nhật thứ 60 của mình, không biết sách được viết ra trong  giai đoạn nào trong  cuộc đời của  tác giả, chỉ được biết  tác phẩm là một trong hai cuốn có mặt sau cùng  của ngài. (Ngài mất lúc 59 tuổi, 1868-1927)

Cuốn sách tôi được biếu là ấn bản mới in lại cuối năm 2012,  khổ 14×20 cm không thấy đề giá bìa và quả thật với tôi, tác phẩm này mới hoàn toàn, chưa đọc bao giờ và cũng chưa được nghe nói đến bao giờ. Như một cuốn hồi ký, từng thiên, từng đoạn nhưng không dài lắm, tôi đọc liền một mạch cho thấy độ lôi cuốn, gây tò mò muốn biết hồi kết của những nhân vật trong tác phẩm mạnh mẻ thế nào!

Sức lôi cuốn của  cuốn tiểu thuyết còn là được gặp tiếng nói mà tưởng chừng đi vào quá khứ, thật thú vị  khi gặp được ngôn ngữ của mình trước đó cả gần thế kỷ.

Nếu phải so sánh mức độ lưu lạc của “Hai chị em” với những thân phận của những trẻ lạc trong các chương trình: “Như chưa hề có cuộc chia ly” trên đường 7, nối liền Tây nguyên với Tuy Hòa, mức độ gian khổ không khác nhau mấy, mỗi trẻ lạc đều có cuộc đời riêng mà khi nhìn lại khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng. Cái khác biệt dầu không nói ra, chính là nêu cao sức mạnh của lòng tin vào quyền năng của Thiên Chúa trong cuộc đời của các nhân vật mà khi đọc xong cuốn sách, chúng ta không thể không thấy  ý hướng này của tác giả.

Cuốn sách  còn giúp chúng ta  nhìn lại cách giáo dục Đức tin của các gia đình công giáo ngày nay. Ngày đó, cha mẹ dạy con đã đành nhưng chị em còn phải dạy nhau. Mỗi nhân vật trong tác phẩm là một giáo lý viên, không những chỉ biết dạy mà còn thực hành Lời Chúa trong đời sống hằng ngày, tên các nhân vật khi đứng riêng lẻ  không nói lên được điều gì  nhưng khi góp chung nhau ở đoạn kết  làm nổi bật chân lý đức tin: CHÁNH-ĐẠO-ĐÃ-NÊN-GƯƠNG-LÀNH-THIỆT. (Mỗi từ là tên một nhân vật)

Tôi có căn nhà mới vừa xây xong, tương đối khang trang, có ít nhiều tiện nghi, con cái mỗi đứa một phòng, nhiều người ao ước được như vậy nhưng dường như mối quan hệ gia đình rời rạc hơn, ít gần gũi nhau hơn và tôi lại nhớ về thời thơ ấu của mình: mỗi tối trước khi đi ngủ, anh em chúng tôi  được cha mẹ hướng dẫn quì gối trước bàn thờ  đọc kinh gia đình, ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu. Nói điều này để thấy kho tàng đức tin đã được các thế hệ đi trước gìn giữ cẩn thận nhường nào! Đọc “Hai chị em lưu lạc” của Lm Phêrô Lục tôi còn nhớ đến thư của Giám mục Giáo phận  gởi các gia đình nhân ngày cử hành năm Đức tin (30-12-2012) mà nhiều phần trong thư này được trích trong Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo  hay Thư mục vụ Năm Đức Tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam:  “Trong suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo Hội công giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức”. Cuốn  sách của Cha Phêrô Lục như một minh họa cho nhận định xác đáng của bức thư trên.

Cảm ơn quá khứ, cảm ơn Lm Phêrô Lục, cảm ơn quà tặng vì “Hai chị em lưu lạc” không chỉ như ý định của Ban Văn Hóa và Truyền Thông Giáo Phận Qui Nhơn là: “Tiếp Nối Dặm Đường Xưa”, khuyến khích sáng tác, đóng góp  chữ nghĩa vào giải Viết Văn Đường Trường 2013-2018 mà còn  nhìn lại Dặm Đường Đức Tin của mình – Hai chị em lưu lạc đã làm chúng ta không lưu lạc.

Trần Tuy Hòa
chiều Lễ Hiển Linh  6-1-2013

Related posts