Buổi đọc kinh Truyền Tin cuối cùng của Đức Thánh Cha Biển đức 16
VATICAN. Hơn 100 ngàn người đã tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin cuối cùng trong triều đại Giáo Hoàng của ĐTC Biển Đức 16, trưa chúa nhật 24-2-2013.
Đây là lần xuất hiện công khai áp chót của ngài, trước buổi tiếp kiến chung cuối cùng vào thứ tư, 27-2-2013 tới đây cũng tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Từ sáng đã có những đoàn tín hữu kéo tới, họ xếp hàng để qua biện pháp an ninh với máy phát hiện kim loại. Nhiều đoàn mang theo các biểu ngữ ghi xuất xứ của họ với những dòng chữ bày tỏ lòng biết ơn và kính mến ĐTC. Có biểu ngữ viết: ”Chúng con đã hiểu ngài và sẽ tiếp tục yêu mến ngài”. Hoặc ”chúng con cám ơn ngài. Chúng con nhớ ngài.” ”Ngài không lẻ loi”.
Nhiều tín hữu thuộc các Hội đoàn, đặc biệt là phong trào công giáo tiến hành Italia, Con đường Tân Dự Tòng, và nhiều dòng tu.
Ban tổ chức đã bố trí 4 màn hình khổng lồ để những người ở xa cũng thấy được ĐGH. Dân chúng đứng tràn ra tới đường Hòa Giải.
Đúng 12 giờ trưa, ĐTC xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trông xuống quảng trường, giữa tiếng reo vui mừng của các tín hữu. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ngài đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng của chúa nhật thứ 2 mùa chay, Tin Mừng theo thánh Luca về cuộc hiển dung sáng láng của Chúa Giêsu trước mặt ba môn đệ: Phêrô, Gioan và Giacôbê.
Bài Huấn dụ của ĐTC
Anh chị em thân mến, cám ơn anh chị em về lòng quý mến.
Hôm nay, Chúa nhật thứ hai Mùa Chay, chúng ta có một bài Tin Mừng thật đẹp, Tin Mừng về sự hiển dung của Chúa. Thánh sử Luca đặc biệt làm nổi bật sự kiện Chúa Giêsu hiển dung trong lúc cầu nguyện: kinh nghiệm của Ngài là kinh nghiệm sâu xa về quan hệ với Chúa Cha trong một thứ tĩnh tâm mà Chúa Giêsu sống trên núi cao, có Phêrô, Giacôbê và Gioan tháp tùng, 3 môn đệ luôn hiện diện trong những lúc biểu hiện thần linh của Thầy (Lc 5,10; 8,51; 9,28). Sau khi loan báo về cái chết và sự phục sinh của Ngài, Chúa cho các môn đệ thấy trước vinh quang của Ngài. Và cả trong cuộc hiển dung, như trong lúc chịu phép rửa, có vang vọng tiếng nói của Chúa Cha trên trời: ”Đây là Con yêu dấu của Ta, hãy lắng nghe Người!” (9,35). Rồi sự hiện diện của Môisê và Elia, tượng trưng cho Lề Luật và các Ngôn Sứ Cựu Ước, là điều có ý nghĩa hơn bao giờ hết: toàn thể lịch sử Giao ước đều hướng về Ngài, là Đức Kitô, Ngài thực hiện một cuộc ”xuất hành” mới (9,31), không phải hướng về đất hứa trần thế như thời ông Môisê, nhưng hướng về Trời. Ông Phêrô lên tiếng: ”Thưa Thầy, chúng con ở đây thì tốt lắm” (9,33) tượng trưng cho toan tính không thể ngăn chặn kinh nghiệm thần bí như thế. Thánh Augustino bình luận rằng: ”[Phêrô].. trên núi, đã được Chúa Kitô làm lương thực của linh hồn. Tại sao lại phải xuống núi để trở lại với những vất vả cơ cực và đau khổ, trong khi trên đó đầy những tâm tình yêu thương thánh thiện đối với Thiên Chúa , và qua đó soi sáng để hành động thánh thiện?” (Discorso 78,3: PL 38,491).
”Khi suy niệm về đoạn Tin Mừng này, chúng ta có thể rút ra được một giáo huấn rất quan trọng. Trước tiên là chỗ đứng thứ nhất của kinh nguyện, mà nếu không có kinh nguyện thì tất cả sự dấn thân làm tông đồ và bác ái bị thu hẹp vào thái độ duy hoạt động. Trong Mùa Chay, chúng ta học cách dành thời gian đúng đắn cho việc cầu nguyện, cá nhân và cộng đoàn, mang lại sinh lực cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Ngoài ra, cầu nguyện không có nghĩa là cô lập với thế giới và những mâu thuẫn của nó, như Phêrô đã muốn làm ở trên núi Tabor, nhưng việc cầu nguyện tái dẫn đến hành trình, đến hoạt động. Tôi đã viết trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, cuộc sống Kitô hệ tại liên tục lên núi gặp gỡ với Thiên Chúa, rồi trở xuống để mang tình yêu và sức mạnh từ đó mà ra, để phục vụ anh chị em chúng ta với cùng tình yêu đối với Thiên Chúa” (n.3).
”Anh chị em thân mến, Lời này của Chúa tôi cảm thấy đặc biệt được gửi đến cho tôi, trong lúc này của đời tôi. Chúa đã gọi tôi ”lên núi”, chuyên chăm hơn nữa cho việc cầu nguyện và suy niệm. Nhưng điều này không có nghĩa là tôi bỏ Giáo Hội, trái lại, nếu Chúa yêu cầu tôi điều này, chính là để tôi có thể tiếp tục phục vụ Giáo Hội với cùng một lòng tận tụy và cùng tình yêu mến mà tôi đã làm cho đến nay, nhưng theo một thể thức thích hợp hơn với tuổi tác và sức lực của tôi. Chúng ta hãy cầu khẩn Đức Trinh Nữ Maria: xin Mẹ giúp tất cả chúng ta luôn theo Chúa Giêsu, trong kinh nguyện và trong việc thực hành bác ái”.
Chào thăm các tín hữu
Sau phép lành, như thường lệ ĐTC đã chào thăm các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng, tóm tắt ý nghĩa bài huấn dụ và cám ơn lòng quí mến mà họ dành cho ngài.
Bằng tiếng Pháp ngài nói: ”Chúa nhật này, tôi mời gọi anh chị em hãy can đảm và quyết liệt theo đuổi hành trình Mùa Chay của anh chị em là thời điểm thiêng liêng hoán cải và trở về cùng Chúa. Tôi chân thành cám ơn anh chị em vì lời cầu nguyện và lòng quí mến anh chị em biểu lộ với tôi trong những ngày này”.
Với các tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC nói: ”Mùa Chay tái mời gọi chúng ta lắng nghe Chúa Kitô. Và chúng ta cầu xin Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời của Ngài, và thanh tẩy con mắt tinh thần của chúng ta, để chúng ta có thể nhìn thấy Chúa và nhận ra sự vinh hiển của Chúa giữa mọi đau buồn của thế giới. Như thế, Chúa muốn biến cải chúng ta trong một cuộc sống chân thực, mà chỉ có Ngài mới ban cho chúng ta được vì cuộc sống ấy là chính Ngài. Tôi xin cám ơn tất cả anh chị em vì nhiều dấu chỉ bày tỏ sự gần gũi và quí mến, nhất là qua lời cầu nguyện mà tôi đặc biệt nhận được trong thời gian này. Xin Chúa củng cố tất cả chúng ta bằng Lời và ân thánh của Ngài”.
Với các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha, ĐTC giải thích rằng biến cố Chúa Giêsu hiển dung trong ánh sáng biểu lộ cho thấy Ngài thực sự là ai, và nói lên quan hệ mật thiết với Chúa Cha. Trong hành trình Mùa Chay, sự Hiển Dung là một biểu lộ hy vọng về vận mệnh sau cùng mà mầu nhiệm Vượt Qua: cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô dẫn tới. Đó cũng là một dấu hiệu ánh sáng tràn ngập và biến đổi chúng ta khi chúng ta cầu nguyện với tâm hồn chân thành”.
ĐTC nồng nhiệt chào thăm đông đảo các tín hữu nói tiếng Ý:
”Sau cùng, tôi thân ái chào thăm tất cả những người nói tiếng Ý. Tôi biết có nhiều giáo phận, đại diện các giáo xứ, hội đoàn, phong trào, tổ chức cũng như bao nhiêu người trẻ, người già và các gia đình hiện diện nơi đây. Tôi cảm ơn anh chị em vì lòng quí mến và chia sẻ, nhất là trong kinh nguyện, thời điểm đặc biệt này đối với bản thân tôi và Giáo Hội. Tôi cầu chúc tất cả một chúa nhật và một tuần lễ tốt đẹp. Cám ơn anh chị em, trong kinh nguyện, chúng ta luôn gần gũi nhau.
Nguồn tin: R.Vatican