Giáo lý 

Giải đáp thắc mắc : Mầu nhiệm cứu chuộc

Trong phần giải đáp thắc mắc hôm nay, linh mục Nguyễn Tất Thắng sẽ bàn về đề tài: Mầu nhiệm Cứu chuộc.

 H. Thưa Cha, chúng ta tuyên xưng đức tin theo Kinh Tin Kính Công Đồng Nicea-Constantinopoli: Chúa Giêsu Kitô “vì chúng ta đã chịu khổ hình thập giá thời Phong-xi-ô Phi-la-tô, chết và được mai táng”. Nhưng ai chịu trách nhiệm hoặc chủ mưu giết chết Đức Giêsu Nagiarét?

          T. Các vị lãnh đạo Do Thái không thể chấp nhận nguồn gốc siêu việt của Chúa Giêsu là Đấng Hằng Hữu (Ga 8,58), Đấng giảng dậy có uy quyền (Lc 4,32), Đấng tuyên bố tha tội (Mc 2,6), Đấng chữa bệnh và trừ quỉ vào ngày sa-bát (Mt 12,9-14). Họ ghen ghét với Chúa Giêsu nên tìm mọi cách để tố cáo với chính quyền Roma. Chính Chúa Giêsu loan báo với các Tông đồ về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Người: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31: Mt 16,21-23; Lc 9,22). Sau khi Chúa Giêsu sống lại, Phê-rô nói với đồng bào Ít-ra-en tại Giê-ru-sa-lem: Theo kế hoặch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi (Cv 2, 23-24). Công đồng Vatican 2 đã dậy: “Mặc dầu chính quyền Do Thái và thuộc hạ đã đưa đến cái chết của Chúa Kitô, nhưng không thể quy trách một cách hàm hồ những tội ác đã phạm trong khi Người bị khổ nạn cho hết mọi người Do Thái thời đó, cũng như cho người Do Thái thời nay (NA 4).

 H. Toàn bộ Kinh Thánh thuật lại chương trình cứu chuộc là do Chúa Cha đã định trước muôn đời. Đến thời gian viên mãn, Chúa Cha đã sai Con Một của Người đến trần gian để thi hành thánh ý Chúa Cha đó là cứu chuộc muôn người qua khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Con người có liên quan đến cái chết của Chúa Giêsu không? Cái chết của Chúa Giêsu có đem lại ích lợi gì không?

          T. Thiên Chúa Cha đã sai Con yếu dấu của Người tự hiến làm hy lễ chuộc tội cho toàn thể nhân loại (Mc 8,31). Trong viễn ảnh ấy, mọi người đều có trách nhiệm về cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu Kitô. Nói cụ thể hơn, tội lỗi tất cả mọi người chúng ta đã góp phần gây ra cái chết của Chúa Giêsu Kitô, Đấng “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Để chuẩn bị tinh thần các tông đồ, Chúa Giêsu loan báo cho họ về sự chết  và  sự sống lại của Người: “Con Người phải bị nộp vào tay người đời, và họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy” (Mt 17,20). Thánh Phaolô giải thích sự chết của Chúa Giêsu vì hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu đã học được vâng phục qua khổ đau và nhờ đó Người đã “đạt tới mức thập toàn” (Dt 5,8). Chính qua tiếng kêu, tiếng khóc và lời van xin của Người, Chúa Giêsu đã hành động như một vị Thượng Tế: Vị này mang nỗi khốn khổ của kiếp người dâng lên Thiên Chúa. Người dẫn con người tới trước mặt Thiên Chúa (Dt 5,8). Thánh Gioan giải thích về hiệu quả của ơn cứu chuộc: “Máu Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi” (1Jn 1,7-8). Công đồng Vatican 2 dậy: “vì tội lỗi mọi người và do tình thương vô biên, Chúa Kitô đã tình nguyện đón nhận khổ nạn và cái chết để mọi người được ơn cứu độ (NA 4).

 H. Chúa Giêsu đã từ bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên phàm nhân và tự hạ mình vâng lời cho đến chết trên cây thập tự. Như thế, Chúa Giêsu đã dùng thập giá để cứu chuộc chúng ta và mời gọi chúng ta vác thập giá mình mà theo Người. Thập giá có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

 T. Vì yêu thương nhân loại, cuộc đời của Chúa Giêsu được kết thúc bằng hy lễ hiến thân trên thập giá. Đó là một mẫu gương lý tưởng và trường tồn. Đúng vậy, Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”  (Mt 20,28). Theo thánh Phaolô, Chúa Giêsu Kitô đã nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngọt ngào (Ep 5,2). Chấp nhận hy lễ của Chúa Kitô, Chúa Cha tạo dựng nhân loại mới trong sự “công chính và thánh thiện” (Ep 4,24), là những người thờ phượng Thiên Chúa “trong tinh thần và chân lý” (Ga 4,23). Sự chết thua cuộc nơi thập giá. Chính nơi thập giá, vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện, thập giá đã biến cái chết thành sự sống. Vì vậy, thập giá tuôn ra sự sống mới cho mọi người. Chúa Giêsu đã nói rõ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24: Ga 12,26). Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất: còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được (Mt 10,38-39).

 H. Đối với con người, ai cũng sợ đau khổ. Họ muốn tránh né đau khổ được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Tạo sao Chúa Giêsu lại vui lòng đón nhận đau khổ cho chính mình?

T. Đúng vậy, ai sống trên đời cũng sợ đau khổ. Theo Cựu Ước, dân chúng nghĩ rằng đau khổ được là hình phạt mà Thiên Chúa giáng trên con người tội lỗi. Nhưng tiên tri Isaia nói về “người tôi trung” của Giavê theo ánh sáng mới bởi vì người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt kê vào hàng tội nhân, nhưng thực ra, người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi (53, 12) Theo Tân Ước, Chúa Giêsu là Con chiên vô tội đã chịu đau khổ và chịu chết cho những người có tội. Người chấp nhận chịu đau khổ vì tự nguyện và vì tình thương. Người chấp nhận uống “chén đắng” mà Chúa Cha trao cho Người (Ga 18,11). Chính Đức Giêsu là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những cho tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn cho tội lỗi cả thế gian nữa (1Ga 2,2)

 H. Nhờ thấu hiểu về ý nghĩa của đau khổ, những người bị đau khổ cũng được kêu gọi chia sẻ công cuộc cứu độ Chúa Giêsu được thực hiện qua thập giá. Chia sẻ thập giá Chúa Kitô cũng có nghĩa là tin vào sức mạnh cứu độ, đồng thời rồi mỗi tín hữu có thể dâng hiến cùng với Chúa Cứu Thế việc phục vụ bác ái với mọi người. Như vậy, giúp người đau khổ đời này là cơ hội để ta lập công phúc đời sau, đúng không Cha? 

 T. Đa số chúng ta nhìn đau khổ theo khí cạnh tiêu cực. Nhưng Chúa Giêsu giúp chúng ta sống với cái nhìn đức tin: hạnh phúc có thể đến từ đau khổ, sự sống lại sẽ xảt ra sau sự chết, vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa từ thập giá. “Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình: còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người Samaritanô tốt lành để khuyên mọi người thương yêu và giúp đỡ người gặp nạn (Lc 10,30-37). Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn đồng hóa Người với những người đói khát, khách lạ, không áo che thân, đau yếu, tù đầy. Ai gặp họ là gặp được Chúa. Ai giúp họ là giúp chính Chúa. Trong cuộc phán xét chung, Chúa xét xử chúng ta theo lòng yêu thương đối với tha nhân: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các người ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho cho Ta ăn: Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các người đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han….” (Mt 25, 31-40). Chúng ta sẽ được chúc phúc hay bị nguyền rủa ở đời sau là tùy thuộc vào thái độ của chúng ta đối với anh chị em đang đau khổ và khó khăn trong cuộc đời này.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn Lientusiroma

Related posts