Lectio Divina 

Lectio: Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (C)

Lectio: Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (C)

Lời hứa về Đấng Phù Trợ.  Chúa Thánh Thần,

Là Thầy dạy và là ký ức sống của Lời Chúa Giêsu

Ga 14:15-16, 23-26

 

1.  Lời Nguyện Mở Đầu

Lạy Cha rất nhân từ, vào ngày cực thánh này mà con khóc với Cha trong phòng con sau cánh cửa khép kín.  Con xin dâng lời cầu nguyện của con lên tới Cha trong nỗi lo sợ và bất động khi đối diện với cái chết.  Xin Cha ban Chúa Giêsu đến và ngự trị trong lòng con để Người sẽ xua đuổi đi tất cả các nỗi sợ hãi và bóng tối vây quanh con.  Xin ban cho con sự bình an, một sự bình an thật sự, bình an từ trong lòng. Xin Cha ban Chúa Thánh Thần đến với con, Thần Khí Chúa là ngọn lửa của tình yêu, Người sưởi ấm và soi sáng, Người làm tan mọi băng giá và gột sạch tội lỗi; Người là nước hằng sống, chảy miên man đến muôn đời, Người làm giảm cơn khát và tẩy sạch, Người thanh tẩy và làm đổi mới; Người là sức mạnh đồng thời là ngọn gió nhẹ, Đấng là tiếng nói và hơi thở của Chúa, là sứ giả thông báo ơn tha thứ, bắt đầu cho một thế giới mới và trường tồn.

Xin Cha hãy gửi Thánh Thần Chúa trên con khi con đọc và lắng nghe Lời Chúa để con có thể thấu hiểu được những mầu nhiệm trong đó; xin cho con được tràn ngập và chìm ngập trong ơn nghĩa Chúa, được thanh tẩy và trở nên một con người mới, để con có thể tận hiến cuộc đời con cho Chúa và cho anh chị em con.  Amen, Alleluia.

2. Tin Mừng 

a)  Bối cảnh của đoạn tin Mừng:

Một ít câu Kinh Thánh này, không được nối kết chặt chẽ với nhau lắm, là một vài giọt nước được lấy từ đại dương.  Thật ra, chúng là một phần của bài giảng dài và vĩ đại của Tin Mừng Gioan, bắt đầu từ chương 13:31 cho đến hết chương 17.  Toàn phần của bài giảng thâm thúy này chỉ nói về một chủ đề, đó là “sự ra đi của Chúa Giêsu”, mà chúng ta có thể tìm thấy trong câu 13:33 như sau:  “Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi … Nơi Ta đi, các người không thể đến được” và trong câu 16:28:  “Thầy từ Chúa Cha mà đến, và Thầy đã đến thế gian.  Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” và lần nữa trong câu 17:13:  “Bây giờ Con đến cùng Cha”.  Việc Chúa Giêsu đến với Chúa Cha cũng biểu hiệu cho việc đi của chúng ta, cuộc hành trình đức tin và cần thiết của chúng ta trong thế giới này; nơi đây chúng ta học theo gương Chúa Giêsu, lắng nghe lời Người, và sống như Người đã sống.  Chính lúc này chúng ta nhận được sự mặc khải hoàn toàn về Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như mặc khải về đời sống người Kitô hữu, cùng với quyền năng và nhiệm vụ, niềm hoan lạc và nỗi muộn phiền, sự hy vọng và các cuộc phấn đấu.  Để phản ảnh những lời này chúng ta tìm thấy sự thật về Chúa Giêsu và về chính chúng ta với Người và trong Người.

Những câu Kinh Thánh này một cách đặc biệt nói về ba lý do rất vững vàng an ủi cho chúng ta:  lời hứa về Đấng Phù Trợ sắp đến; sự hiện đến của Đức Chúa Cha và Chúa Con trong những người Kitô hữu; sự hiện diện của một Thầy dạy, Chúa Thánh Thần, nhờ Người những lời giáo huấn của Chúa Giêsu sẽ không bao giờ ngừng nghỉ.

b)  Để giúp chúng ta hiểu rõ hơn bài Tin Mừng:

Các câu 15-16:  Chúa Giêsu mặc khải rằng việc tuân giữ các giới răn không phải là vấn đề nghĩa vụ, mà đó là hoa trái ngọt ngào được sinh ra từ tình yêu của người môn đệ dành cho Chúa.  Sự vâng lời trong tình yêu này là do lời cầu nguyện toàn năng của Chúa Giêsu cho chúng ta.  Chúa hứa ban cho một Đấng Phù Trợ khác, do Đức Chúa Cha sai đến, Ngài sẽ ở lại với chúng ta luôn mãi để xua tan đi sự cô đơn của chúng ta một lần cho mãi mãi.

Các câu 23-24:  Chúa Giêsu lặp lại rằng tình yêu và việc tuân giữ các giới răn là hai sự thật quan trọng thiết yếu liên quan với nhau, có khả năng giới thiệu người môn đệ vào một cuộc sống mầu nhiệm, đó là, vào trong cảm nghiệm được việc hiệp thông tức khắc và mật thiết với Chúa Giêsu và với Chúa Cha.

Câu 25:  Chúa Giêsu nói về một điều rất quan trọng:  có sự khác biệt rõ rệt giữa những gì Người nói với các môn đệ khi Người còn đang ở với các ông và những gì Người sẽ nói sau đó, nhờ Chúa Thánh Thần, là khi Người sẽ đến ở trong và ở bên trong các ông.  Lúc đầu, việc thông hiểu thì rất giới hạn vì mối liên hệ với Người là một liên hệ bên ngoài:  Lời Chúa đến từ bên ngoài và nghe bằng tai, nhưng không được vang lên bên trong lòng.  Sau đó, sự hiểu biết sẽ được đầy đủ.

Câu 26: Chúa Giêsu loan báo rằng Chúa Thánh Thần là Thầy, Đấng sẽ không dạy chúng ta từ bên ngoài nhưng từ trong lòng chúng ta.  Người sẽ ban cho chúng ta một cuộc sống mới với Lời của Chúa Giêsu, những Lời bị lãng quên sẽ được nhớ lại và các môn đệ sẽ hiểu được trong khả năng hiểu biết của các ông.

c)  Phúc Âm:

15 “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy.  16 Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi.

23 Chúa Giêsu đáp:  “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy. 24 Kẻ không yêu mến Thầy, thì sẽ không giữ lời Thầy; lời mà các con nghe không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy.

25 “Thầy đã nói với các con những đều này khi còn ở với các con. 26 Nhưng Đấng Phù Trợ, là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy cho các con mọi điều và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con.”

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Tôi đi đến trường của Thầy, Chúa Thánh Linh.  Tôi ngồi dưới chân Người và tôi từ bỏ quên bản thân mình trước mặt Người.  Tôi mở lòng mình ra, không chút sợ hãi, để Người có thể hướng dẫn tôi, an ủi, quở trách và giúp tôi trưởng thành.

4. Một vài câu hỏi gợi ý                                                                                                                     

a)  “Nếu các con yêu mến Thầy”.   Mối quan hệ của tôi đối với Chúa Giêsu có phải một mối quan hệ của tình yêu không?  Tôi đã dọn cho Chúa một chỗ trong trái tim tôi chưa?  Tôi đã có xét mình một cách chân thành và tự hỏi:  “Tình yêu của đời tôi đang đặt ở đâu, tôi có tình yêu nào không?”  Nếu tôi nhận ra rằng trong con người tôi không hề có tình yêu, hoặc chỉ yêu một cách hời hợt, tôi có thử hỏi lòng:  “Điều gì đang ngăn cản tôi, điều gì đã khiến tôi sống khép kín, tù hãm, biến tôi trở nên buồn bã và cô đơn như thế?”

b)  “Các con hãy giữ giới răn Thầy”.  Tôi nhận thấy động từ “giữ” bao hàm nhiều ý nghĩa:  chăm sóc, bảo vệ, để tâm, nuôi dưỡng, dự trữ và bảo toàn, không phung phí, cất giữ cẩn thận, với tình yêu thương.  Tôi đã có ý thức và thấu hiểu được những thái độ này, bởi mối quan hệ của tôi như là một môn đệ, như một người Kitô hữu, với Lời Chúa và các giới răn mà Chúa Giêsu đã truyền vì hạnh phúc của chúng ta chưa?

c)  “Người sẽ ban cho chúng con một Đấng Phù Trợ khác”.  Tôi đã thường không đi tìm kiếm một ai đó để an ủi tôi, để chăm sóc tôi, để bày tỏ lòng trìu mến và lo lắng cho tôi!  Nhưng tôi có thật sự tin rằng niềm an ủi đích thực là chính từ Chúa không?  Hay tôi vẫn còn tin nhiều vào các sự an ủi tôi đang kiếm tìm, những sự ủi an mà tôi van xin từ đây đó, như những vụn bánh tôi nhặt nhạnh mãi mà không bao giờ có thể cảm thấy no đủ không?

d)  “Ở trong người ấy”.  Chúa đang đứng ở cửa, gõ cửa và chờ đợi.  Người không nài ép hay bắt buộc ai. Người chỉ nói:  “Nếu con muốn …”.  Chúa đề nghị rằng tôi có thể thành nơi trú ngụ của Người, là nơi cho Người nghỉ ngơi, cận kề với Người.  Chúa Giêsu đã sẵn sàng và vui mừng để đến với tôi, để hiệp nhất Người với tôi trong một tình bạn hết sức đặc biệt.  Nhưng, tôi đã sẵn sàng chưa?  Tôi có đang mong chờ việc viếng thăm của Người, có mong mỏi Người ngự sâu vào trong lòng tôi, bản ngã nhất của riêng tôi?  Có một chỗ trống nào cho Chúa trong cái quán trọ của tôi không?

e)  “Người sẽ … nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.  Danh từ “ký ức” gợi nhớ một việc thậm chí thiết yếu và rất quan trọng.  Tôi có được thử thách và khảo sát kỹ lưỡng bởi Thánh Kinh không? Trong đó tôi gợi nhớ về điều gì?  Tôi đang cố gắng nhớ gì, đem gì đến cho đời sống nội tâm của tôi?  Lời của Chúa là một kho tàng quý giá nhất; đó là hạt giống của đời sống đã được gieo vào trong lòng tôi; nhưng tôi đã có vun xới cho hạt giống này không?  Tôi đã có bảo vệ nó từ ngàn kẻ thù và các nguy hiểm đang vây hãm nó:  chim chóc, sỏi đá, gai góc, và sự dữ không?  Mỗi sáng, tôi có mang theo với tôi Lời của Chúa để nhớ trong ngày và dùng như ánh sáng nội tâm, nguồn sức mạnh, của ăn tinh thần cho tôi không?

5.  Chìa khóa của bài đọc

Bây giờ tôi tiến lại mỗi một nhân vật trong bài đọc và tôi lắng nghe một cách sốt sắng, suy gẫm, lắng đọng, trong sự chiêm niệm…

Khuôn mặt của Chúa Cha:

Chúa Giêsu phán:  “Thầy sẽ xin Cha” (câu 26) và từ đó tấm màn bí ẩn xung quanh lời cầu nguyện được vén qua một bên: cầu nguyện là cuộc sống dẫn đến Chúa Cha.  Để đến với Chúa Cha, chúng ta được ban cho con đường cầu nguyện.  Chúa Giêsu sống mối quan hệ của Người với Chúa Cha qua phương cách cầu nguyện, vì vậy chúng ta cũng phải làm như vậy.  Tôi cần phải đọc các sách Phúc Âm và trở nên một người nghiên cứu cẩn thận các dấu chỉ liên quan đến bí mật tình yêu giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha, để từ đó, bằng cách bước vào mối quan hệ đó, tôi cũng có thể phát triển trong kiến thức về Thiên Chúa, Cha của tôi.

“Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác”.  Chúa Cha là Đấng ban cho chúng ta Đấng Phù Trợ.  Món quà tặng này được tiếp nối bởi tình yêu của Chúa Cha, Đấng biết rằng chúng ta cần có sự an ủi:  Người đã trông thấy nỗi đau khổ của tôi trong miền đất Ai Cập và đã nghe thấy tiếng khóc than của tôi.  Người thực sự biết nỗi thống khổ của tôi và thấy các áp bức đang dày vò tôi (Es 3:7-9); không có điều gì bị bỏ sót bởi tình yêu vô biên của Người dành cho tôi.  Đó là lý do tại sao Người ban cho chúng ta Đấng Phù Trợ.  Chúa Cha là Đấng Ban Cho.  Mọi thứ chúng ta có là đều do Người, không do một ai khác.

“Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy”.  Chúa Cha là Đấng Yêu Thương, yêu với một tình yêu miên viễn, tuyệt đối, không thể xâm phạm, không thay đổi.  Y như lời tiên tri Isaia, Giêrêmia, và các tiên tri khác đã nói (Gr 31:3, Is 43:4; 54:8; Hos 2:21; 11:1).

“Chúng ta sẽ đến”.  Chúa Cha được sum họp với Con Người, Chúa Giêsu, và là một với Người, và Người sẽ đến với mỗi người chúng ta.  Người đã hành động, đi ra, hạ mình và đến với chúng ta.  Được thúc đẩy bởi một tình yêu điên cuồng và không thể giải thích, Người đến với chúng ta.

“Và chúng ta sẽ ở trong người ấy”.  Chúa Cha xây nhà của Người trong chúng ta; Người làm cho chúng ta, cho tôi, cho sự hiện hữu của tôi, tất cả thân xác của tôi trở nên nơi trú ngụ của Người.  Người đến và sẽ không lìa xa nhưng ở lại một cách trung thành.

Khuôn mặt của Chúa Con:

Nếu các con yêu mến Thầy…” (câu 15); “Ai yêu mến Thầy…” (câu 23).  Chúa Giêsu tiến tới một mối quan hệ đặc biệt và riêng tư với tôi, mặt đối mặt, tâm kề tâm, hồn cận hồn; Người muốn có một mối quan hệ mãnh liệt, duy nhất, không thể sao chép, và Người sẽ cho tôi hiệp nhất với Người bằng tình yêu nếu tôi muốn.  Người luôn luôn dùng chữ “nếu” và khi Người hỏi riêng tôi:  “Nếu con muốn…” Phương pháp duy nhất Người hằng tìm cách để đến với tôi là qua tình yêu.  Thật ra, điều đáng chú ý là việc xử dụng những đại danh từ “các con” và “ai” được liên kết với chữ “tôi” bởi động từ “yêu thương” và không có động từ nào khác.

“Thầy sẽ xin Cha” (câu 16).  Chúa Giêsu là người cầu nguyện, Người sống bằng sự cầu nguyện và vì cầu nguyện. Tất cả cuộc đời Người được đúc kết lại bởi lời cầu nguyện và trong lời cầu nguyện.  Người là linh mục tối cao và đời đời, là Đấng đã can thiệp cho chúng ta và dâng những lời khẩn nguyện và nài xin cùng với những giọt nước mắt (Dt 5:7), cho sự cứu rỗi của chúng ta; “Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa.  Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.” (Dt 7:25).

“Nếu ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy” (câu 23); “Kẻ không yêu mến Thầy, thì sẽ không giữ lời Thầy.” (câu 24). Chúa Giêsu ban tặng Lời của Người cho tôi, Người trao ban cho tôi trong niềm tín thác rằng tôi sẽ chăm sóc và giữ gìn những lời ấy, rằng tôi sẽ đặt để những lời ấy trong trái tim tôi và ở đó Lời Chúa sẽ được sưởi ấm, trông nom, chiêm niệm, lắng nghe và do đó sẽ làm cho Lời ấy nảy sinh hoa trái.  Lời Chúa là hạt giống; là viên ngọc quý báu nhất trong tất cả, vì đó chính là kho tàng đáng được đánh đổi bằng tất cả mọi sự giàu sang khác; đó là kho tàng tiềm ẩn xứng đáng được đào bới vì nó vô giá; đó là ngọn lửa nung nấu trái tim tôi; đó là ngọn đèn soi sáng những bước chân của chúng ta ngay cả trong đêm đen tối nhất. Tình yêu dành cho Lời của Chúa Giêsu có thể được xác định bởi tình yêu của tôi dành cho chính Chúa Giêsu, cho những gì thuộc về Người, bởi vì, rốt cuộc, Người chính là Ngôi Lời.  Đó là lý do tại sao trong đoạn Phúc Âm này, Chúa Giêsu đang khóc lóc với trái tim của tôi rằng chính Người là cái tôi phải cần giữ lại.

Khuôn mặt của Chúa Thánh Thần:

“Cha sẽ ban cho chúng con một Đấng Phù Trợ khác” (câu 16).  Chúa Cha ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần; đây là “tặng phẩm tốt đẹp và phúc lộc hoàn hảo do từ trên” (Gb 1:17)  Người là “Đấng Phù Trợ khác” ngoài Chúa Giêsu, Đấng sẽ đến và ở lại để chúng ta không phải đơn côi, bị quên lãng.  Trong khi tôi đang sống trên thế gian này, tôi sẽ không thiếu sự an ủi, nhưng tôi được vỗ về bởi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng không chỉ an ủi, nhưng còn nhiều hơn thế nữa: Người là một người đang sống và luôn hiện diện bên cạnh tôi. Sự hiện diện này, người bạn đồng hành này có khả năng đem lại cho tôi niềm vui, niềm vui thật sự.  Thực thế, thánh Phaolô đã nói:  “Hoa quả của Chúa Thánh Thần là lòng bác ái, niềm hoan lạc, sự bình an…” (Gl 5:22; và cũng xem Rm 14:17)

để Người ở với các con luôn mãi”.  Chúa Thánh Linh đang ở giữa chúng ta, Người đang ở với tôi, giống như Chúa Giêsu đã ở với các môn đệ Người xưa kia.  Sự hiện đến của Người là một sự hiện diện cá nhân thực thể; tôi không thấy Người, nhưng tôi biết rằng Người có đó và Người sẽ không bao giờ lìa xa tôi.  Chúa Thánh Thần luôn luôn hiện diện ở đây, sống với tôi và trong tôi, không hề có giới hạn của không gian hoặc thời gian; do đó Người là Đấng Phù Trợ.

Người sẽ dạy các con mọi điều” (câu 26).  Chúa Thánh Thần là Thầy dạy, Người mở đường cho lương tâm, kinh nghiệm; không ai ngoại trừ Người có thể dẫn dắt tôi, bảo ban tôi, cho tôi một con người mới.  Người không phải là một ngôi trường nơi người ta thu thập kiến thức loài người để tạo ra lòng tự hào và không giải thoát; những giáo huấn của Người, những lời thầm thì, những lời chỉ đường chính xác của Người đến từ Thiên Chúa và quy hướng về Thiên Chúa.  Chúa Thánh Thần dạy cho chúng ta xét cho đúng và hiểu cho tường tận (Tv 118:66), Người chỉ cho chúng ta biết thánh chỉ của Chúa Cha (Tv 118:26-64), đường lối của Chúa (Tv 24:4), các giới răn của Chúa (Tv 118:124-135), chính là đời sống.  Chúa Thánh Linh là một người thầy có khả năng hướng dẫn tôi đến sự thật toàn vẹn (Ga 16:13), Người ban cho tôi một sự tự do sâu xa, ngay cả khi lúc linh hồn và tinh thần tách xa nhau, vì chỉ có Người, là Thiên Chúa, có thể mang cho tôi sự sống và sự sống lại. Là Thiên Chúa, nhưng Người lại khiêm tốn, Người hạ mình xuống, rời khỏi ngai tòa của mình và đi vào trong tôi (xem Cv 1:8; 10:44), Người đã ban chính bản thân Người cho tôi một cách hoàn toàn và tuyệt đối; Người không hề so đo hơn thiệt với món quà tặng của Người, với ánh quang minh của Người, nhưng Người đã cho đi không giới hạn.

6.  Giây phút cầu nguyện:  Thánh Vịnh 30

Một bài ca chúc tụng Thiên Chúa,

Đấng đã ban cho chúng con đời sống mới của Chúa Thánh Linh từ trời xuống

Đáp ca:  Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con cuộc sống trọn vẹn, alleluia!

Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,

Vì đã thương cứu vớt,

Và không để quân thù đắc chí nhạo cười con.

Ôi lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, con kêu lên cùng Chúa,

Và Ngài đã cho con bình phục

Lạy Chúa,từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,
Tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.  Đ

Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa,
và cảm tạ thánh danh Người.
Người nổi giận, giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.  Đ

Thuở được yên vui, có lần tôi tự nhủ:
“Mình sẽ chẳng bao giờ nao núng!”
Lạy Chúa, vì yêu thương,
Ngài đã đặt con trên núi an toàn.
Nhưng khi Ngài vừa ẩn mặt đi,
con liền thấy bàng hoàng sợ hãi.
Lạy Chúa, con đã kêu lên Ngài,
năn nỉ với Ngài là Chúa của con.  Đ

Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con!
Lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ!
Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu;

cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng.
Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng.
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu.  Đ

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Thánh Thần, xin cho phép con nói với Chúa lần nữa.  Thật khó cho con để đi ra khỏi buổi gặp gỡ của con với Ngôi Lời bởi vì Người đang hiện ở đó.  Vì thế, Chúa đã sống và tác động trong con.  Con xin dâng lên Chúa, sự thắm thiết của Chúa, tình yêu của Chúa, khuôn mặt người môn đệ của con; con soi bóng mình trong Chúa, ôi Lạy Chúa Thánh Thần.  Con xin dâng lên Chúa, ngón tay của cánh tay phải của Thiên Chúa, các khả năng, mắt, môi, tai của con… xin quyền năng chữa lành của Chúa hãy làm việc trong con, nhờ sự giải thoát và ơn cứu độ của Chúa mà con có thể được tái sinh, hôm nay, một con người mới từ trong cái nôi của ngọn lửa Chúa, hởi thở của ngọn gió Chúa, lạy Chúa Thánh Thần, con đã không được sinh ra để sống một mình.  Vì vậy, con nài xin Chúa, xin Chúa hãy gửi cho con các anh chị em con để con có thể loan báo cho họ về cuộc sống phát sinh từ Chúa.  Amen.  Alleluia!

 ————————————

về tác giả và dịch giả: 

Các bài viết Lectio Divina cho nhóm tác giả; Lm. Carlos Mesters, O.Carm. Nt. Maria Anastasia di Gerusalemme, O.Carm., Lm. Cosimo Pagliara, O.Carm. Nt. Maria Teresa della Croce, O.Carm. Lm. Charlò Camilleri, O.Carm. Lm. Tiberio Scorrano, O.Carm. Nt. Marianerina De Simone, SCMTBG và lm. Roberto Toni, O.Carm., Dòng Cát Minh biên soạn. Bản dịch tiếng việt do Cô Martha Nhung Trần thực hiện. Tác giả và dịch giả giữ bản quyền.

Related posts