Lectio Divina 

Lectio: Lễ Chúa Ba Ngôi (C)

Lời hứa về Chúa Thánh Thần:

Nhân danh Chúa Cha, Chúa Giêsu sẽ gửi Chúa Thánh Thần

Ga 16:12-15

1.  Bài Đọc

 

a)  Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa, qua việc sai Con Một của Ngài là Chúa Giêsu xuống thế gian đã mặc khải dồi dào tình yêu của Chúa dành cho sự cứu rỗi của muôn người, xin Người luôn ở lại với chúng con và tiếp tục mặc khải những căn tính của Chúa về lòng trắc ẩn, nhân từ, khoan dung và chung thủy.  Chúa Thánh Thần của Tình Yêu, xin hãy giúp chúng con phát triển trong sự hiểu biết về Chúa Con để chúng con có thể có được sự sống.

Cậy nhờ ơn Chúa và bằng cách suy gẫm Lời Chúa trong ngày lễ này, xin cho chúng con được trở nên hiểu biết hơn rằng mầu nhiệm của Chúa là một bài thánh ca về tình yêu chia sẻ.  Chúa là Thiên Chúa của chúng con và không phải là Thiên Chúa đơn độc.  Chúa là Chúa Cha, Đấng toàn năng.  Chúa là Chúa Con, Ngôi Lời đã mặc lấy xác loài người, gần gũi và yêu thương trong tình anh em.  Chúa là Chúa Thánh Thần, một tình yêu ôm trọn tất cả.

b)  Bài Tin Mừng:

12 “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. 13 Tuy nhiên, khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy cho các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy; và Người sẽ bảo cho các con biết việc tương lai. 14 Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. 15 Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy; vì thế Thầy đã nói:  “Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con.”

c)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Với lời của thánh Augustinô chúng ta nguyện rằng:  “Xin hãy ban cho con thời gian để suy niệm về những mầu nhiệm của lề luật Chúa, xin Chúa đừng đóng chặt cửa với những kẻ đã gõ cửa.  Lạy Chúa, xin Chúa hãy thực hiện dự tính của Chúa trong con và mở ra những trang đó.  Xin Chúa ban cho con có thể tìm thấy ân sủng Chúa và những mầu nhiệm sâu xa về Lời Chúa được mặc khải cho con khi con gõ cửa”.

2.  Suy Gẫm

 

a)  Lời mở đầu:

Trước khi chúng ta bắt đầu phần đọc Lời Chúa, điều quan trọng là chúng ta hãy tạm dừng lại một chút trên bối cảnh của đoạn Tin Mừng phụng vụ của chúng ta.  Theo những nhà chú giải Kinh Thánh, Lời của Chúa Giêsu trong sách Tin Mừng Gioan đoạn 16:12-15 là một phần của sách Khải Huyền (13:1-17:26). Trong bài giảng từ biệt của mình, Chúa Giêsu đã bày tỏ sự thân mật của Người, Người gọi các môn đệ là bạn hữu và hứa với các ông rằng Chúa Thánh Thần sẽ đồng hành cùng các ông khi các ông thừa nhận mầu nhiệm Ngôi Vị nhập thể của Người.  Sau đó, các môn đệ được mời gọi góp phần vào việc tăng tiến trong tình yêu đối với Thầy mình là người đã ban tặng hoàn toàn chính bản thân Người cho các ông.

Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta có thể phân loại được ba phần hoặc ba tiến trình rõ rệt.  Phần thứ nhất gồm có các chương 13-14 và theo một chủ đề sau đây:  một cộng đoàn mới đã được thành lập trên giới răn mới của tình yêu thương.  Qua sự hướng dẫn của Chúa Giêsu, Người giải thích rằng việc thực hành tình yêu thương là phương cách mà cộng đoàn phải đi qua trong hành trình tiến về Chúa Cha. Trong phần thứ hai, Chúa Giêsu mô tả vị trí của cộng đoàn ở giữa thế gian.  Người nhắc nhở các ông rằng cộng đoàn mà Người vừa thành lập phải thực hiện sứ vụ của mình ở giữa một thế giới thù địch và họ chỉ có thể thu nhận được những thành viên mới nếu họ thực hành tình yêu thương.  Đây là ý nghĩa của việc “sinh hoa kết trái” theo phần vụ của cộng đoàn.  Điều kiện cho một tình yêu sinh hoa trái trong thế gian là:  ở lại trong hiệp nhất cùng Chúa Giêsu.  Vì từ Người mà sự sống tuôn chảy – Thần Khí Chúa (Ga 15:1-6); việc hiệp nhất với Chúa Giêsu với một tình yêu như tình yêu thương của Người để thiết lập một mối quan hệ bằng hữu giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Người (Ga 15:7-17)

Sứ vụ của cộng đoàn, giống như sứ vụ của Chúa Giêsu, sẽ được thực hiện ở giữa thế gian đầy ghen ghét đố kỵ, nhưng các môn đệ sẽ được giúp sức bởi Chúa Thánh Thần (Ga 15:26-16:25).  Chúa Giêsu bảo các ông rằng sứ vụ trong thế gian bao hàm sự đau khổ và vui mừng và Người sẽ vắng mặt (Ga 16:16-23a).  Chúa Giêsu đơn giản đoan chắc với các ông về sự hỗ trợ của tình yêu Chúa Cha và việc chiến thắng thế gian của Người (Ga 16:23b-33).  Phần thứ ba của đoạn Tin Mừng này bao gồm lời cầu nguyện của Chúa Giêsu:  Người cầu nguyện cho cộng đoàn đương thời của Người (Ga 17:6-19); cho cộng đoàn trong tương lai (Ga 17:20-23); và nói lên niềm ước vọng của Người rằng Chúa Cha sẽ làm vinh hiển những kẻ đã biết Người và, cuối cùng, sứ vụ của Người trong thế gian có thể được hoàn thành (Ga 17:24-26).

b)  Suy Niệm:

 

  Tiếng nói của Chúa Thánh Thần là tiếng nói của Chúa Giêsu

Trước đây, trong sách Tin Mừng Gioan 15:15, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ về những gì Người nghe từ Chúa Cha.  Sứ điệp này đã hoặc không thể được hiểu thấu đáo bởi chính khả năng của các ông.  Lý do là các môn đệ, trong lúc ấy, đã lơ là với ý nghĩa của cuộc tử nạn của Chúa Giêsu trên thập giá và việc thay thế phương cách cứu độ cũ bằng phương cách mới.  Với cái chết của Chúa Giêsu, một dũng lực cứu chuộc mới và dứt khoát đã đi vào đời sống của nhân loại.  Các môn đệ sẽ hiểu Lời và các việc làm của Chúa Giêsu sau khi Người phục sinh (Ga 2:22) hoặc sau cái chết của Người (Ga 12:16).

Trong những lời giáo huấn của Chúa Giêsu có nhiều việc và sứ điệp được hiểu bởi cộng đoàn môn đệ khi các ông từ từ phải đối diện với những sự việc và tình huống mới; đó là trong đời sống hằng ngày và trong ánh sáng sự Phục Sinh mà các ông sẽ hiểu được ý nghĩa cuộc tử nạn thần thánh của Người.

Chính Chúa Thánh Thần, vị ngôn sứ của Chúa Giêsu, Đấng sẽ thông tri với các môn đệ về những gì đã được nghe từ Người.  Sứ vụ mà cộng đoàn của Chúa Giêsu phải thi hành sẽ được Chúa Thánh Thần thông tri với các ông một cách trung thực trong đó Người sẽ giải thích và giúp các ông áp dụng rằng chính Chúa Giêsu là phương tiện để hoàn thành sự biểu hiện tình yêu của Chúa Cha.  Qua các sứ điệp tiên tri của Người, cộng đoàn sẽ không truyền đạt một giáo điều mới nhưng thường xuyên nói về con người thực sự của Chúa Giêsu, dưới sự chứng kiến và chỉ hướng về sứ vụ của Người trong thế gian. Tiếng nói của Chúa Thánh Thần, mà cộng đoàn sẽ nghe, là tiếng nói của chính Chúa Giêsu.  Trong khi các tiên tri trong Cựu Ước diễn nghĩa lịch sử trong ánh sáng của sự giao ước, thì Chúa Thánh Thần trở thành một nhân tố quyết định trong việc loan báo về Chúa Giêsu, ban cho cộng đoàn các tín hữu chìa khóa dẫn đến sự hiểu biết lịch sử như là một cuộc đối đầu liên tục giữa những gì “thế gian” tin tưởng và kế hoạch của Thiên Chúa.  Điểm khởi đầu cho việc đọc về sự hiện diện của Người trong thế gian là cuộc tử nạn đau thương của Chúa Giêsu, và khi các Kitô hữu trưởng thành trong sự hiểu biết này họ sẽ khám phá ra trong đời sống hằng ngày “tội lỗi của thế gian” và những tác hại của nó.

Vai trò của Chúa Thánh Thần là một nhân tố quyết định cho việc diễn giải mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Giêsu trong đời sống của các môn đệ:  Người là hướng dẫn viên của các ông trong việc thay mặt cho nhân loại thực hiện một cam kết công lý.  Để thành công trong các công việc của mình cho nhân loại, một mặt khác, các môn đệ đã phải lắng nghe những vấn nạn của đời sống và lịch sử, và lại còn phải chú tâm tới tiếng nói của Chúa Thánh Thần, nguồn tin cậy duy nhất để có được ý nghĩa đích thực của các sự kiện lịch sử trên thế gian.

  Tiếng nói của Chúa Thánh Thần:  Đấng diễn giải đích thật của lịch sử

Sau đó, Chúa Giêsu giải thích bằng cách nào mà Chúa Thánh Thần diễn giải lịch sử và đời sống nhân loại.  Trước hết, bằng việc biểu hiện sự “vinh quang” của Người, đó là Người sẽ lãnh nhận “từ nơi Thầy”.  Một cách cụ thể hơn, “từ nơi Thầy” có nghĩa rằng Chúa Thánh Thần truyền đi sứ điệp từ Chúa Giêsu, bất cứ những gì Chúa Giêsu đã nói.  Để thể hiện sự vinh hiển có nghĩa là biểu thị tình yêu mà Người đã thể hiện bằng cái chết của minh.  Những lời này của Chúa Giêsu rất quan trọng bởi vì chúng tránh làm giảm vai trò của Chúa Thánh Thần thành một sự chiếu sáng.  Vai trò của Chúa Thánh Linh là để thông tri tình yêu của Chúa Giêsu và đặt để Lời của Chúa Giêsu trong sự hài hòa với sứ điệp của Người và cũng như với ý thức sâu sắc hơn về đời sống của Người:  Tình yêu được thể hiện bằng cách cho đi mạng sống của Người trên thập giá.  Đây là vai trò của Chúa Thánh Thần, Thần khí của sự thật. Hai khía cạnh của vai trò Chúa Thánh Thần cho phép cộng đoàn tín hữu giải thích lịch sử là:  lắng nghe sứ điệp và hiểu thấu nó, và sống hài hòa với tình yêu.  Hơn nữa, Lời của Chúa Giêsu là để thông tri rằng chỉ có qua sự truyền đạt tình yêu của Chúa Thánh Thần mới có thể biết rằng một người như thế nào, để hiểu mục đích của đời sống, và để xây dựng một thế giới mới.  Khuôn mẫu luôn là tình yêu thương của Chúa Giêsu.

–  Chúa Giêsu, Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và cộng đoàn tín hữu (câu 15)

Chúa Giêsu có ý gì khi Người nói “tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy”?  Trước hết, điều gì mà Chúa Giêsu có đều đã được san xẻ với Chúa Cha.  Món quà tặng đầu tiên của Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu là sự vinh hiển của Người (Ga 1:14), hoặc nói một cách chính xác hơn, tình yêu chung thủy, Chúa Thánh Thần (Ga 1:32; 17:10).  Sự liên hệ này không thể được hiểu như có đặc tính thụ động mà là có tính năng động, không ngừng nghỉ và hỗ tương.  Trong ý nghĩa này, Chúa Cha và Chúa Giêsu là một.  Một sự liên hệ liên tục và hỗ tương như thế đã thấm nhập vào hoạt động của Chúa Giêsu đến nỗi mà Người có thể nhận ra được các dự kiến của Chúa Cha và kế hoạch của Người về toàn bộ chương trình tác tạo. Để các tín hữu có thể hiểu và diễn giải lịch sử, họ được mời gọi để sống hòa hợp với Chúa Giêsu, chấp nhận tình yêu thực sự của Người và làm cho tình yêu này trở nên bền vững cho những người khác.  Đây là chương trình của Chúa Cha rằng tình yêu của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ có thể được thực hiện trong tất cả mọi người.  Chương trình của Thiên Chúa như được thực hiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu phải được thực hiện trong cộng đoàn tín hữu và hướng dẫn sự dấn thân của người tín hữu trong nỗ lực của họ hầu cải thiện đời sống mọi người.  Những ai sẽ thi hành kế hoạch của Chúa Cha trong cuộc sống của Chúa Giêsu?  Đó là Chúa Thánh Thần, Đấng kết hợp Chúa Giêsu với Chúa Cha, thực hiện và hoàn thành kế hoạch của Chúa Cha, và làm cho cộng đoàn tín hữu thông phần vào công việc năng động này của Chúa Giêsu:  “sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy”.  Nhờ tác động chân lý của Chúa Thánh Thần, cộng đoàn đã lắng nghe lời Người và thông tri với Người một cách cụ thể như tình yêu thương.

Chúa Thánh Thần thông tri cho các môn đệ tất cả các sự thật và sự sung mãn của Chúa Giêsu; Người ngự ở trong Chúa Giêsu; “đến” trong cộng đoàn và khi Người được lãnh nhận những lễ dâng từ sự thông phần của cộng đoàn trong tình yêu của Chúa Giêsu.

b)  Một vài câu hỏi gợi ý:

–  Một mối nguy hiểm nghiêm trọng đang đe dọa cộng đoàn Kitô hữu ngày hôm nay.  Chúng ta có đang bị cám dỗ để phân chia Chúa Giêsu, tuân theo Chúa Giêsu nhập thể mà qua các việc Người làm đã thay đổi lịch sử, hay là một Chúa Giêsu vinh hiển tách lìa khỏi sự hiện hữu của Người nơi trần thế và do đó cũng tách rời khỏi đời sống chúng ta không?

–  Chúng ta có nhận thức rằng Chúa Giêsu không chỉ là một nhân vật lịch sử mà cũng còn là Đấng Cứu Độ cho tất cả mọi người ngày nay không?  Chúa Giêsu không những chỉ là một đối tượng của việc chiêm niệm và vui mừng, mà còn là Chúa Cứu Thế, Đấng mà chúng ta phải tuân theo và phải hợp tác với Người không?

–  Thiên Chúa không phải là một điều trừu tượng, mà Chúa Cha đã hiển thị ra trong Chúa Giêsu.  Bạn có cam kết để “thấy Người” và nhìn nhận Người trong thân xác loài người của Chúa Giêsu không?

–  Bạn có đang lắng nghe tiếng nói của Thần Khí Sự Thật đang thông tri với bạn về chân lý toàn mỹ của Chúa Giêsu không?

3.  Cầu Nguyện

 

a)  Thánh Vịnh 103:  Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến để canh tân bộ mặt trái đất.

Đây là một bài thánh ca hân hoan tạ ơn mời gọi chúng ta suy niệm về sự sa ngã của nhân loại và lòng thương xót muôn đời của Thiên Chúa.  Sau tội lỗi, bệnh tật và cái chết, thì là lòng khoan dung và hành động yêu thương của Thiên Chúa:  Người ban cho chúng ta tràn ngập với những việc tốt lành suốt cả cuộc đời chúng ta.

 

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa,

Toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
Chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,
ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc,
khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng.

CHÚA phân xử công minh,
bênh quyền lợi những ai bị áp bức;
mặc khải cho Môisen biết đường lối của Người,
cho con cái nhà Ít-ra-en
thấy những kỳ công Người thực hiện.

CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,
chẳng trách cứ luôn luôn,
không oán hờn mãi mãi.

Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.
Như người cha chạnh lòng thương con cái,
CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.
Nhưng ân tình CHÚA thiên thu vạn đại,
dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn.
Người xử công minh cả với đời con cháu.

Chúc tụng CHÚA đi, hỡi muôn vì thiên sứ,
bậc anh hùng dũng mãnh thực hiện lời Người,
luôn sẵn sàng phụng lệnh.
Chúc tụng CHÚA đi, toàn thể thiên binh,
hằng hầu cận và tuân hành thánh ý.
Chúc tụng CHÚA đi, muôn vật Chúa tạo thành,
thuộc quyền Người thống trị khắp nơi nơi.
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi!

b) Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Thánh Thần của chân lý

Người đã khiến chúng con trở thành con cái Thiên Chúa,

Để chúng con có thể tiến tới với Chúa Cha trong sự tin tưởng.

Lạy Cha, chúng con đang hướng về Cha với tất cả lòng trí chúng con

Và chúng con cầu xin Cha:

Lạy Cha, xin Cha sai Thánh Thần Chúa đến!

Xin sai Thần Khí Chúa đến trên Giáo Hội.

Xin cho mỗi người Kitô hữu trưởng thành trong sự hài hòa với tình yêu của Chúa Kitô,

Với tình yêu của Thiên Chúa và với những người xung quanh.

Lạy Cha, xin đổi mới lòng tín thác của chúng con vào vương quốc Cha mà Chúa Giêsu đã được sai đến để công bố và để nhập thể vào thế gian.

Xin đừng để cho chúng con bị thống trị bởi sự si mê hoặc bị cám dỗ bởi sự mệt mỏi.

Xin cho cộng đoàn chúng con được là men là muối để xây dựng nền công lý và hòa bình cho xã hội chúng con.

————————————-

về tác giả và dịch giả:

Các bài viết Lectio Divina cho nhóm tác giả; Lm. Carlos Mesters, O.Carm. Nt. Maria Anastasia di Gerusalemme, O.Carm., Lm. Cosimo Pagliara, O.Carm. Nt. Maria Teresa della Croce, O.Carm. Lm. Charlò Camilleri, O.Carm. Lm. Tiberio Scorrano, O.Carm. Nt. Marianerina De Simone, SCMTBG và lm. Roberto Toni, O.Carm., Dòng Cát Minh biên soạn. Bản dịch tiếng việt do Cô Martha Nhung Trần thực hiện. Tác giả và dịch giả giữ bản quyền.

Related posts