Giáo huấn Tin Giáo hội 

Giáo hội là gia đình Thiên Chúa

Giáo hội “không phải là một tổ chức sinh ra từ sự đồng thuận của một số người”, nhưng là “công trình của Thiên Chúa”, bởi vì Giáo hội sinh ra từ chính chương trình tình yêu của Người “được thực hiện cách tiệm tiến trong lịch sử”. Giáo hội là gia đình của Thiên Chúa. Đó là chủ đề trong loạt bài giáo lý suy tư về mầu nhiệm Giáo hội, dựa trên các văn kiện của Công Đồng Vatican II, của Đức Thánh Cha Phanxicô tại quảng trường thánh Phêrô vào sáng thứ từ 29/05 vừa qua.

 

papaAnh chị em thân mến! Thứ tư tuần trước tôi đã nhấn mạnh đến mối tương quan sâu xa giữa Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Hôm nay tôi muốn bắt đầu bài giáo lý về mầu nhiệm của Giáo hội, mầu nhiệm mà tất cả chúng ta sống và chúng ta là thành phần của Giáo hội. Tôi muốn thực hiện với những từ được giới thiệu trong các bản văn của Công đồng Vatican II.

Trước hết : Giáo hội như là gia đình của Thiên Chúa

Vào những tháng qua, hơn một lần tôi đã quy chiếu với dụ ngôn người con hoang đàng hay đúng hơn là người cha nhân hậu (x. Lc 15,11-32). Người con thứ bỏ nhà cha mình, phung phí tất cả và quyết định trở về bởi vì anh ta nhận ra rằng anh đã sai lạc, không tự coi mình xứng đáng làm con nữa và anh ta nghĩ rằng mình chỉ có thể được đón nhận lại như người đầy tớ. Trái lại, người cha đã chạy ra gặp anh, ôm choàng lấy anh, phục hồi nhân phẩm của người con và đãi tiệc ăn mừng. Dụ ngôn này, cũng như những dụ ngôn khác trong Tin mừng, ám chỉ đến chương trình của Thiên Chúa trên con người.

Đâu là chương trình của Thiên Chúa? Đó là làm cho tất cả chúng ta các con cái của Ngài thành một gia đình duy nhất, nơi gia đình đó chúng ta cảm nhận được sự gần gũi và cảm nhận được tình Chúa yêu thương như trong dụ ngôn của Tin mừng, ta cảm nhận được hơi ấm của gia đình Thiên Chúa. Trong chương trình vĩ đại này ta tìm thấy nguồn gốc của Giáo hội. Giáo hội không phải là một tổ chức sinh ra từ sự đồng thuận của một số người, nhưng sinh ra từ chính chương trình tình yêu được thực hiện một cách tiệm tiến trong lịch sử. Giáo hội sinh ra từ ước muốn của Thiên Chúa mời gọi mọi người tiến đến sự hiệp thông với Ngài, hướng đến tình bằng hữu, đúng hơn là như những người con thông dự vào chính sự sống thần linh của Ngài. Từ Giáo hội, phát xuất từ tiếng hy lạp là ekklesia, nghĩa là “sự tập hợp” : Thiên Chúa tập hợp chúng ta, thúc đẩy chúng ta thoát ra khỏi chủ nghĩa cá nhân, khỏi khuynh hướng khép mình và kêu gọi chúng ta làm thành một phần của gia đình Ngài. Lời mời gọi này có nguồn gốc trong chính sự tạo dựng. Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta để chúng ta sống trong sự liên kết với Ngài, với người khác và với thụ tạo. Thiên Chúa đã không bỏ rơi chúng ta. Toàn thể lịch sử cứu độ là lịch sử của Thiên Chúa, Đấng tìm kiếm con người, ban cho con người tình yêu của mình và đón nhận con người. Ngài đã kêu gọi Abraham làm cha của một dân tộc đông đúc, đã chọn dân tộc Israel để ký kết một giao ước bao gồm tất cả mọi dân tộc. Đến thời viên mãn, Ngài đã sai Con của mình đến để chương trình yêu thương và cứu độ được thực hiện trong một giao ước mới và vĩnh cửu với toàn thể nhân loại. Khi chúng ta đọc các Tin mừng, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu quy tụ về quanh Người một cộng đoàn nhỏ bé đón nhận Lời Người, đi theo Người, chia sẻ bước đường của Người, trở thành gia đình của Người và với cộng đoàn này Người chuẩn bị và thiết lập nên Giáo hội của Người.

Như vậy, Giáo hội sinh ra từ đâu? Giáo hội sinh ra từ cử chỉ tuyệt đỉnh của tình yêu Thập giá, từ cạnh sườn của Chúa Giêsu, nơi máu và nước chảy ra, biểu tượng của bí tích Thánh Thể và Rửa Tội. Trong gia đình Thiên Chúa, trong Giáo hội, nhựa sống là tình yêu của Thiên Chúa được cụ thể hóa trong tình mến Chúa và yêu tha nhân, tất cả mọi người, không phân biệt và không giới hạn. Giáo hội là gia đình yêu thương và được yêu thương. Khi nào thì Giáo hội được biểu lộ? Chúng ta đã cử hành hai Chúa nhật qua; Giáo hội được biểu lộ khi ơn của Thánh Thần đổ đầy tâm hồn các Tông đồ và thúc đẩy các ông ra đi bắt đầu tiến bước để rao giảng Tin mừng, truyền bá tình yêu của Thiên Chúa.

Ngày nay nhiều người vẫn nói : “Đức Kitô thì được, Giáo hội thì không”. Họ nói những điều đó như thế này “tôi tin Thiên Chúa nhưng không tin các linh mục”. Nhưng chính Giáo hội đem Đức Kitô đến cho chúng ta và đem chúng ta đến với Thiên Chúa; Giáo hội là một đại gia đình các con cái của Thiên Chúa. Dĩ nhiên Giáo hội cũng có những khía cạnh nhân loại; nơi những người làm nên Giáo hội, các Chủ chăn và tín hữu, có những khuyết điểm, thiếu sót, tội lỗi, ngay cả giáo hoàng cũng có những điều đó, có rất nhiều, nhưng thật tốt khi chúng ta nhận ra mình là những tội nhân, chúng ta tìm kiếm lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn tha thứ. Đừng quên điều đó : Thiên Chúa luôn tha thứ và đón nhận chúng ta vào trong tình yêu của sự thứ tha và thương xót. Một số người nói rằng tội là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng đó cũng là cơ hội để nhận ra rằng có những điều khác còn đẹp hơn đó là : lòng thương xót của Thiên Chúa.

Chúng ta tự hỏi mình : Tôi đã yêu Giáo hội nhiều được bao nhiêu? Tôi cầu nguyện cho Giáo hội nhiều không? Tôi có nhận thấy tôi là một phần gia đình Giáo hội không? Điều gì tôi đang làm gì để một cộng đoàn nơi đó mỗi người cảm nhận được sự tiếp đón và hiểu biết nhau, cảm nhận được lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa canh tân cuộc sống? Đức tin là một ân huệ và là một hành động liên quan đến đời sống cá nhân của chúng ta, nhưng Thiên Chúa kêu gọi chúng ta cùng sống đức tin của mình, như gia đình, như giáo hội.

Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa, cách đặc biệt trong Năm Đức Tin này, cho các cộng đoàn của chúng ta, cho toàn thể Giáo hội, luôn luôn là những gia đình đích thực sống và đem hơi ấm của Thiên Chúa đến cho mọi người.

Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Related posts